BVĐK Hà Đông ứng dựng thành công kỹ thuật đốt laser nội mạch điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới giúp nhiều người bệnh thoát khỏi sự đau nhức khó chịu dai dẳng
Thứ Hai 06/11/2023 15:00:57
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao khoảng 10-35% dân số người trưởng thành, đăc biệt là ở người cao tuổi và phụ nữ. Bệnh tiến triển chậm, không rầm rộ, nhưng lại gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc, khi bệnh gây biến chứng nặng như tắc tĩnh mạch, loét da,... rất khó điều trị khỏi. Đáp ứng nhu cầu của người dân tới khám, điều trị BVĐK Hà Đông đã cập nhật, nâng cao kỹ thuật chuyên môn ứng dụng thành công kỹ thuật đốt laser nội mạch giúp điều trị suy giãn tĩnh mach chi dưới. Bệnh suy giãn tĩnh mạch gặp nhiều ở người cao tuổi, đặc biệt là ở nữ giới so với nam giới với tỉ lệ là 3:1, việc chẩn đoán bệnh không quá phức tạp nhưng điều trị lâu dài và tốn kém nhất là khi đã xảy ra biến chứng. Bệnh do tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường, người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê bì, dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… Thậm chí, những trường hợp nặng hơn các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… Khoa Nội Tim Mạch - BVĐK Hà Đông đã thực hiện thành công nhiều case suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch. Gần đây nhất là case bệnh của bệnh nhân N.T.T , 74 tuổi địa chỉ: Nguyễn Trãi - Hà Đông - Hà Nội vào viện trong tình trạng: Đau tức nặng kèm theo tê bì cẳng chân phải, tăng lên khi đứng lâu, ngồi lâu, xuất hiện búi tĩnh mạch nổi vùng mặt trong đùi phải khiến người bệnh đi lại khó khăn, nằm ngủ cũng không ngon giấc, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Qua tìm hiểu nhiều người thân quen, cũng như trên phương tiện truyền thông uy tín, gia đình bệnh nhân đã tin tưởng lựa chọn Khoa Nội tim mạch của BVĐK Hà Đông để điều trị bằng phương pháp Laser nội mạch. BS Nghị chia sẻ thêm “Cơ chế cốt lõi của phương pháp điều trị laser giãn tĩnh mạch chân đó là sử dụng lượng nhiệt được phát ra từ laser đi vào trong lòng tĩnh mạch bị giãn, tia laser đi vào vị trí bị bệnh khiến thành tĩnh mạch co lại, gây tắc mạch và xơ hóa. Dòng máu không thể lưu thông qua tĩnh mạch bị suy giãn sẽ đi qua các tĩnh mạch khỏe mạnh khác, làm giảm tình trạng ứ trệ máu ở hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Ưu điểm của phương pháp này là không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không để lại sẹo cho bệnh nhân. Thời gian điều trị ngắn và phục hồi khá nhanh, bệnh nhân có thể đi lại ngay sau khi làm thủ thuật và xuất viện sau 3-4 ngày điều trị. Với phương châm lấy “ Sự hài lòng là uy tín của chúng tôi”, những năm gần đây BVĐK Hà Đông đã đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật cao vào trong điều trị để thu hút người bệnh cũng như xây dựng uy tín của bệnh viện và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.  

Xem Thêm

Kiểm tra đo lưu huyết não giúp phát hiện, phòng ngừa và điều trị tốt hơn các bệnh tắc động mạch; xơ cứng động mạch (ở giai đoạn đầu); rối loạn tuần hoàn chức năng
Thứ Sáu 27/10/2023 15:02:06
Việc ghi các sóng xung ở vị trí đầu được gọi là Đo Lưu Huyết Não. Đo lưu huyết não sẽ giúp đánh giá tình trạng cụ thể của lưu lượng tuần hoàn qua bán cầu não, cường độ và tốc độ dòng máu lên não và tình trạng trương lực mạnh. Qua những kết quả thu được, Bác sỹ có thể đánh giá được huyết động của não cũng như những thay đổi trạng thái của chức năng mạch máu não. Từ đó hỗ trợ đánh giá các triệu chứng nguyên nhân liên quan đến tuần hoàn máu ở não (như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ,... là do thiếu máu não hay do rối loạn mạch máu não,...), để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.  Khác với phương pháp Doppler, việc sử dụng máy đo lưu huyết não 2 kênh bằng trở kháng VasoScreen 5000 tại BVĐK Hà Đông giúp đánh giá tổng thể của tất các động mạch trong đoạn đo.. Đây chính là lý do kỹ thuật này đã triển khai và nhận nhiều phản hồi hữu ích tư người bệnh và bác sỹ lâm sàng. Việc kiểm tra đo lưu huyết não cho kết quả giúp chẩn đoán các bệnh về động mạch, các bệnh tắc động mạch ngoại vi và tắc cấp tính, các biến đổi chứng xơ cứng động mạch, kiểm tra hậu phẫu thuật mạch, các rối loạn tuần hoàn chức năng. Việc chẩn đoán các bệnh về tĩnh mạch,nghẽn tĩnh mạch sâu, hở tĩnh mạch… cũng được hỗ trợ nhiều. Ưu điểm của đo lưu huyết não tại BVĐK Hà Đông. Đây được đánh giá là phương pháp thăm dò tuần hoàn não không xâm nhập, vì thế nên hoàn toàn vô hại, an toàn cho người bệnh, không gây đau đớn hay khó chịu. Có thể thực hiện nhiều lần trong thời gian dài để theo dõi tiến trình điều trị. Các tình trạng bệnh lý nặng (hôn mê, tăng áp lực sọ, sốt cao hoặc ngay cả khi đang phẫu thuật) vẫn có thể tiến hành kỹ thuật này nếu cần thiết.  Có thể thực hiện nhiều biện pháp sinh lý như thay đổi tư thế (đứng – nằm hay nằm – đứng), ngửa cổ, quay đầu, đè ép động mạch cảnh, ngửa cổ. Sử dụng đồ thị đường ghi lưu huyết não để theo dõi tác dụng của các loại thuốc. Giá thành rẻ, cho kết quả nhanh.    Phương pháp này đang được các BS BVĐK Hà Đông tư vấn chỉ định cho những đối tượng như : Những người có biểu hiện sau thì nên đo lưu huyết não; Chóng mặt; Đau đầu; Tăng huyết áp ; Tê bì ;Rối loạn về giấc ngủ (mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ hay mơ,…); Rối loạn về sự chú ý (làm việc khó tập trung,…); Rối loạn về tri giác (lú lẫn, không xác định được không gian (mình đang ở đâu), thời gian (sáng, chiều),…); Rối loạn về trí nhớ (hay quên, suy giảm trí nhớ,…); Rối loạn về tư duy và trí tuệ (suy nghi không logic, không liền mạch,…)…   Liên hệ với chúng tôi nêu cần tư vấn thêm về dịch vụ, kỹ thuật cũng như các thông tin khác về bệnh viện.:    Website: https://benhvienhadong.vn Facebook/ Fanpage: https://www.facebook.com/benhviendkhadong/

Xem Thêm

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình dị dạng lồng ngực hiếm gặp
Thứ Hai 31/07/2023 11:17:20
Bệnh lõm ngực là tình trạng phát triển bất thường của xương ức và xương sườn hướng vào bên trong gây ra lõm lồng ngực. Đây là loại dị dạng lồng ngực thường gặp nhất, có thể gây chèn ép tim, phổi, gây hạn chế vận động thể lực, gầy yếu và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của người mắc bệnh. Bệnh có thể phối hợp với dị dạng, cong vẹo cột sống, thường ở mức độ nhẹ. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là phẫu thuật. Độ tuổi điều trị tốt nhất thường từ 7 đến 15 tuổi, các bệnh nhân lớn tuổi vẫn có thể phẫu thuật nhưng ở mức độ khó khăn hơn.Đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi các bác sĩ có chuyên môn sâu, nhiều năm kinh nghiệm. Trước đây, chỉnh hình dị dạng lồng ngực do các Bệnh viện tuyến Trung Ương thực hiện. Tuy nhiên với sứ mệnh và tầm nhìn của mình, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông  nhiều năm qua đã nỗ lực cập nhật các kỹ thuật khó, kỹ thuật mới nhằm đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Do vậy, những năm gần đây BVĐK Hà Đông đã làm chủ hoàn toàn nhiều ca phẫu thuật khó. Đặc biệt là các ca dị dạng lồng ngực lõm bẩm sinh, giúp giảm tải cho các Bệnh viện tuyến trên, mang lại niềm tin và tạo điều kiện thuận lợi sinh hoạt cho người bệnh. Gần đây nhất là ca bệnh của cháu  N.T.T.A, 12 tuổi, địa chỉ Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội vào viện trong tình trạng đau tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, khó thở, tim đập nhanh. Khi vận động thể lực nhanh mệt và khó thở. Bên cạnh đó, thể trạng của cháu bị  gầy, yếu, suy dinh dưỡng. Cùng với đó, Mẹ cháu cháu cho biết cháu có 1 hốc lõm  trên ngực, quan sát bằng mắt thường cho thấy trong gia đình và hàng xóm xunh quanh không có ai bị hốc lõm như cháu. Mẹ cháu có tìm hiểu và biết được tại khoa Ngoại thần kinh lồng ngực, BVĐK Hà Đông điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh về lõm lồng ngực, gia đình đưa cháu đến thăm khám và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. BSCK I Nguyễn Thế Hoàn – Phó trưởng khoa Thần kinh lồng ngực, BVĐK Hà Đông chia sẻ: Với trường hợp bệnh của cháu N.T.T.A, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tạo hình lồng ngực bằng thanh nâng kim loại ( phương pháp Nuss). Thanh kim loại này có tác dụng nâng và cố định lồng ngực qua phương pháp phẫu thuật nội soi. Thời gian phẫu thuật chỉ kéo dài 45 phút và  cháu có thể xuất viện 5 ngày sau đó. Sau phẫu thuật lồng ngực sẽ có hình dáng bình thường. Những người bị dị dạng lồng ngực nếu phẫu thuật đúng thời điểm và kịp thời sẽ giúp hồi phục sớm và đạt hiệu quả cao. BS Hoàn cho hay, dị dạng lồng ngực chỉ định phẫu thuật gồm một trong các yếu tố sau: Có triệu chứng của chèn ép tim phổi: khó thở, tức ngực, hạn chế vận động thể lực. Ngoài ra còn liên quan đến yếu tố thẩm mỹ, yếu tố tâm lý người bệnh tự ti… Bệnh lõm lồng ngực mức độ nhẹ thường không biểu hiện triệu chứng và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì tùy theo mức độ bệnh sẽ gây đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim phổi, đẩy tim sang bên trái lồng ngực và làm giảm khả năng bơm máu hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động thể lực. Lõm ngực có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị phù hợp. BS Hoàn cho biết thêm: lõm ngực không thể tự khỏi mà có xu hướng nặng dần lên. Đặc biệt phát triển nhanh ở tuổi dậy thì, do quá trình phát triển, sự cứng dần của xương và sụn. Các bậc cha mẹ khi thấy con mình có những biểu hiện bất thường ở ngực, cần nhanh chóng đưa con đi khám ở các bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng về sức khỏe do tình trạng lõm ngực gây ra. Hiện nay, BVĐK Hà Đông tiếp nhận và điều trị phục hồi cho rất nhiều ca bệnh tương tự như của cháu A, nhiều bệnh nhân quay lại tái khám đều có chuyển biến rõ rệt cả về thẩm mỹ lẫn thể trạng sức khỏe. Các bệnh nhân đều rất phấn khởi và gửi lời cảm ơn, khen ngợi đến các bác sĩ khoa Thần kinh Lồng ngực đã giúp họ khỏi bệnh đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống.

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học khối ngành Điều dưỡng quí II chủ đề “ Vai trò điều dưỡng ngoại khoa”
Thứ Năm 06/07/2023 16:33:26
Sinh hoạt khoa học khối ngành Điều dưỡng là hoạt động sinh hoạt chuyên sâu các nội dung chuyên môn của Điều dưỡng trong toàn bệnh viện và được thực hiện ít nhất một quí một lần, do phòng Điều dưỡng của Bệnh viện chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thực hiện. Với mục đích mục đích cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng – hộ sinh – kỹ thuật viên từ đó nâng cao năng khả năng chăm sóc người bệnh cũng như  kỹ năng báo cáo khoa học và thuyết trình của người Điều dưỡng. Theo đó chiều ngày 5/7/2023 đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học Điều dưỡng với sự tham dự của đại diện Ban Giám Đốc Bệnh viện, mạng lưới điều dưỡng trưởng, điều dưỡng viên trong bệnh viện. Tới dự buổi sinh hoạt, TS Nguyễn Văn Thắng Phó Giám Đốc bệnh viện đã có những khích lệ với đội ngũ Điều dưỡng  của bệnh viện. TS Thắng cho rằng việc chủ động cập nhật các kiến thức và kỹ năng mềm của điều dưỡng BVĐK Hà Đông là điểm mạnh giúp cho chất lượng nhân lực của bệnh viện ngày một được nâng cao. Ths Nguyễn Thị Phương- Trưởng phòng Điều dưỡng đã phát biểu lý do lựa chọn chủ để sinh hoạt quí II : “ Trong quá trình phẫu thuật, điều dưỡng ngoại khoa đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bác sĩ  trước, trong và sau phẫu thuật. Để có thể làm tốt việc chăm sóc người bệnh thì việc cập nhật chia sẻ kiến thức ngoại khoa là thiết thực và cần thiết. “ Tại buổi sinh hoạt đã được lắng nghe các báo cáo viên đến từ các khoa Ngoại và khoa liên quan trong bệnh viện như : - ThS Đoàn Văn Thủy – Điều dưỡng trưởng Khoa ngoại thần kinh lồng ngực - ThS Nguyễn Thị Hiền – Điều dưỡng trưởng khoa Gây mê hồi sức - CN Lê Phương Tú – Điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình - CN Nguyễn Thị Mai - Điều dưỡng trưởng khoa ngoại tiêu hóa - CN Kim Thị Mỹ Phương – Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu - CKI. Nguyễn Thị Thịnh – Phụ trách khoa Vi sinh Buổi sinh hoạt khoa học chính là dịp để khối ngành Điều dưỡng cùng nhìn lại các điểm mạnh, yếu trong các công tác chuyên môn của mình. Cũng là nơi để học tập, trao đổi kinh nghiệm kiến thức giữa các khoa trong bệnh viện. Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám đốc công tác Điều dưỡng của Bệnh viện phát triển hơn về mọi mặt và có những điểm sáng trong các hoạt động. Cùng với tinh thần Đoàn kết của tập thể Điều dưỡng , công tác chuyên môn của đội ngũ Điều dưỡng trong bệnh viện sẽ có nhiều kế hoạch thúc đẩy mạnh hơn về mọi mặt. Dưới đây là một số hình ảnh   

Xem Thêm

Cấp cứu thành công bệnh nhân sốc nhiễm trùng tiêu hóa do tự ý mua thuốc điều trị tại nhà
Chủ Nhật 25/06/2023 13:25:53
Vừa qua, BVĐK Hà Đông tiếp nhận một ca bệnh trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn – nhiễm trùng tiêu hóa do viêm ruột hoại tử, gây nhiễm trùng khắp ổ bụng, suy đa phủ tạng, ảnh hưởng tới tính mạng.                  Đó là bệnh nhân Đ.H.V, 42 tuổi (Đồng  Phú – Chương Mỹ – Hà Nội), tiền sử xơ gan do uống rượu, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đau quanh rốn âm ỉ kéo dài, kèm nôn, đi ngoài phân lỏng. Do chủ quan, bệnh nhân tự ý mua thuốc giảm đau và men tiêu hóa về uống. Vài ngày, sau uống thuốc bệnh nhân thấy người mệt lả, buồn nôn và nôn ra nhiều dịch nâu đen kèm đi ngoài phân lỏng, sốt cao và không ăn uống được. Bênh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ với các dấu hiệu bệnh bụng đau dữ dội, huyết áp tụt, vô niệu, vân tím toàn thân, kèm theo khó thở. Lập tức bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khi đến nơi, bệnh nhân được chuyển gấp vào  khoa Hồi sức tích cực để hồi sức nhằm bảo toàn tính mạng. Tại đây, BSCKII Đoàn Bình Tĩnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: chúng tôi nhanh chóng đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy để giải quyết suy đường thở, tiếp tục hồi sức nội khoa trong ngay giờ đầu, đồng thời hội chẩn liên khoa và chuyển bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu. Trong phẫu thuật, BSCKII Bùi Đức Duy, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho hay: ổ bụng bênh nhân có nhiều dịch mủ, giả mạc, một đoạn ruột non dài 50cm bị viêm hoại tử nằm cách góc hồi manh tràng 15cm. Các bác sĩ tiến hành cấy dịch ổ bụng, lau rửa cắt đoạn ruột non bị hoại tử và đưa hai đầu ruột non ra thành bụng làm hậu môn nhân tạo. Sau 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để hồi sức và chăm sóc. Tuy nhiên, bệnh nhân bị sốt cao liên tục không giảm, tiên lượng nguy cơ tử vong rất cao có thể xảy ra. Các Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực khẩn trương hội ý và chỉ định cho bệnh nhân lọc máu liên tục, truyền kháng sinh điều trị nhiễm trùng, cân bằng dịch điện giải, an thần thở máy, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn 1 giờ/ lần và làm các xét nghiệm máu 6h/ lần. Sau 2 ngày được điều trị tích cực, với kỹ thuật lọc máu liên tục nhiều giờ bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy kính, tình trạng sức khỏe dần ổn định, các kết quả xét nghiệm thay đổi tốt dần lên và được chuyển sang khoa Ngoại tiêu hóa tiếp tục chăm sóc và điều trị. Hiện tại, tình trạng của bênh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Không giấu được sự phấn khởi và xúc động của mình, chị H- vợ  bệnh nhân V bùi ngùi chia sẻ: Trong suốt 48h lọc máu liên tục, chồng tôi  được dùng thuốc an thần, thở máy, nằm bất động, tôi vô cùng lo lắng chỉ sợ chồng không qua khỏi. Nhưng chứng kiến sự nỗ lực, khẩn trương không quản ngày đêm giành giật lại sự sống của bác sĩ cho chồng tôi, động viện khích lệ tinh thần tôi, tôi thấy yên tâm phần nào và tin tưởng rằng nhất định các bác sĩ sẽ cứu sống được chồng tôi. Thật sự, tôi không biết nói gì hơn ngoài sự cảm ơn trân thành đến toàn thể các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, khoa Ngoại tiêu hóa, khoa Gây mê hồi sức đã cứu sống chồng tôi từ cõi chết trở về. Trao đổi với Bác sĩ, Lê Văn Tuấn, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Hà Đông một trong những Bác sĩ có kinh nghiệm điều trị nhiều bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn- suy đa tạng, Bác sĩ chia sẻ: “ Đây là trường hợp ca bệnh nhiễm khuẩn nặng, đến viện muộn, các yếu tố viêm- cytokin giải phóng ra ồ ạt gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, các Bác sĩ vừa hồi sức, vừa phẫu thuật cấp cứu. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục, là kỹ thuật tiên tiến, hiện đại góp phần quan trọng cứu sống tính mạng cho bệnh nhân”. Qua ca bệnh này, Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: bệnh lý nhiễm trùng tiêu hóa là bệnh lý thường gặp. Nguyên nhân do một đại bộ phận người dân có thói quan ăn đồ ăn tươi sống, chưa qua nấu chín, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, tình trạng nhiễm trùng chuyển biến thành sốc, rất nguy hiểm tính mạng của người bệnh. Để phòng ngừa bệnh lý nhiễm trùng tiêu hóa, mà nặng hơn là sốc do nhiễm trùng tiêu hóa, mỗi người dân cần có thói quen ăn chín, uống sôi, tránh ăn đồ ăn không qua chế biến. Khi có các biểu hiện bất thường như:  đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấnvà điều trị kịp thời. Đặc biệt không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ.

Xem Thêm

Bóc tách khối u buồng trứng nặng 2,6kg cho bệnh nhân có nhiều bệnh nền
Thứ Ba 29/11/2022 11:15:33
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u khổng lồ trong ổ bụng của bệnh nhân V.T.H. (50 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội). Khối u nặng 2,6kg được bóc tách thành công.  Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị không thường xuyên, đã cắt u nang buồng trứng trái. Bệnh nhân đi khám vì mệt mỏi, chán ăn, đại tiện khó, bụng to dần và nhập viện trong tình trạng: tỉnh táo, thể trạng gầy, xanh xao, suy kiệt. Bụng chướng to, có khối lớn chiếm toàn bộ ổ bụng, mật độ chắc, di động hạn chế. Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định tình trạng bệnh. Kết quả các xét nghiệm cho thấy đây là 1 ca bệnh khó. Khối u to liên quan đến các mạch máu lớn và đè đẩy nhiều tạng trong ổ bụng, trên nền bệnh nhân thể trạng gầy yếu, suy kiệt, nhiều bệnh lý kèm theo. Các bác sĩ tiến hành ca mổ lấy khối u cho bệnh nhân.  Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển phẫu thuật, dưới sự phối hợp của các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa và Khoa Gây mê - Hồi sức, sau 4 tiếng phẫu thuật cắt khối u, các bác sĩ đã lấy ra trong bụng bệnh nhân 1 khối u nặng 2,6kg với kích thước 19x18cm chiếm hết ổ bụng, đè đẩy mạnh ruột non, đại tràng, trực tràng, niệu quản, bàng quang. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền 10 đơn vị máu. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó đại tiện, đi tiểu liên tục. Ngoài ra khối u ở sát các mạch máu lớn sau phúc mạc, khiến cho việc phẫu tích rất khó khăn và mất máu nhiều. Sau phẫu thuật 5 ngày, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo, bụng mềm, vết mổ khô, ăn uống tốt, cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều và đã có thể tự đi lại, đại tiểu tiện bình thường. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị hậu phẫu. Các bác sĩ khuyến cáo: Hiện nay đời sống của mọi người đã được nâng cao, tuy nhiên tỷ lệ đi khám định kỳ còn thấp, kể cả các khu vực có dân trí và nhận thức tốt. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh nặng, nhiều bệnh phối hợp khiến quá trình điều trị khó khăn, kết quả hạn chế, nhiều nguy cơ rủi ro, tai biến. Do đó, mỗi người đều nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng, phát hiện muộn.

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học tháng 10 với chuyên đề giải phẫu bệnh và quản lý giám sát sử dụng thuốc
Thứ Sáu 14/10/2022 15:43:34
Sinh hoạt khoa học là hoạt động định kì với mục tiêu nâng cao kiến thức chuyên môn, hướng tới đẩy mạnh chất lượng phục vụ khám chữa bệnh của các y bác sĩ, đồng thời tạo môi trường sinh hoạt khoa học, trao đổi, trau dồi kĩ năng, áp dụng thực tế lâm sàng cho các khoa phòng trong toàn bệnh viện. Buổi sinh hoạt khoa học tháng 10 diễn ra chiều ngày 11/10/2022 với 02chuyên đề: Chuyên đề 1:Th.S Vũ Ngọc Hà- Khoa GPB trình bày nội dung: Xét nghiệm tế bào trong giải phẫu bệnh. Những điều lưu ý trong lâm sàng để có được bệnh phẩm tế bào đạt tiêu chuẩn. Các xét nghiệm tế bào đang được triển khai tại bệnh viện. Cách xử lý trong từng trường hợp cần đến kết quả chuyên sâu và cần kết quả sớm cho chuẩn đoán. Chuyên đề 2: Dược sỹ Nguyễn Thị  Châm khoa Dược trình bày các nội dung trong quản lý giám sát sử dụng thuốc trong bệnh viện, nêu các điển hình ca bệnh đồng thời cập nhật thông tư 04/2022 Mặc dù thời lượng sinh hoạt khoa học không dài nhưng nội dung các bài cáo cáo được đánh giá rất có chất lượng cũng như tính ứng dụng cao. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra và đã được các báo cáo viên giải đáp cụ thể trong phần thảo luận. Thông qua đó sẽ giúp cho các y bác sỹ có được sự chủ động trong chẩn đoán và phối hợp điều trị bệnh cho bệnh nhân. Sau đây là một số hình ảnh thảo luận tại buổi sinh hoạt :                                                 CBNV tại buổi sinh hoạt

Xem Thêm

Giải phẫu bệnh: Phương pháp quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các tế bào ung thư
Thứ Năm 13/10/2022 07:32:30
Nhân một ca bệnh hiếm gặp của Bệnh nhân Trịnh Thị H., nữ, 42 tuổi ( Hà Đông, Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh vào viện vì đau âm ỉ hố chậu phải, kèm sốt 2 ngày. Khám lâm sàng cho thấy Hội chứng nhiễm trùng, phản ứng thành bụng hố chậu phải, ấn điểm MacBurney đau, bênh nhận được chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng kết quả công thức máu bạch cầu tăng 13,2 x 109/l, trong đó bạch cầu đa nhân trung tính chiếm 76%; CRP 176,4mg/l; huyết sắc tố 109g/l, không có rối loạn đông máu, βHCG < 2,3. Siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh ruột thừa viêm. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm ruột thừa cấp, được tiến hành mổ mở, cắt ruột thừa và gửi bệnh phẩm (ruột thừa)  cho khoa Giải phẫu bệnh. Đoạn ruột thừa dài 5,5cm, đường kính lớn nhất 1,3cm, ruột thừa hoại tử tím đen, bề mặt sung huyết, xuất huyết, nhiều giả mạc. Sát đầu ruột thừa có khối u kích thước 1,3x1,2x1,2 cm, giới hạn khá rõ, cắt qua khá chắc, diện cắt trắng vàng.  Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là u thần kinh nội tiết ruột thừa. Dưới đây là y văn về bệnh lý hiếm gặp này. Hình ảnh vi thể: Vùng ruột thừa lành có tổn thương điển hình của viêm ruột thừa mủ, viêm phúc mạc ruột thừa với lớp biểu mô hoại tử bong tróc, lòng ruột thừa và thành ruột thừa xâm nhiễm nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa, các mạch máu sung huyết, xuất huyết. Mô u gồm: các dây tế bào, các ổ tế bào nhỏ gợi cấu trúc tuyến, có nơi là các ổ lớn, trung tâm chứa dịch phù. Mô u xâm lấn toàn bộ các lớp thành ruột thừa. Ở vật kính lớn, các tế bào u có nhân tròn, chất nhiếm sắc dạng hạt muối tiêu, bào tương hẹp, hiếm thấy nhân chia trên tiêu bản nhuộm HE. Kết luận Giải phẫu bệnh: Hướng tới u thần kinh nội tiết/viêm ruột thừa mủ, viêm phúc mạc ruột thừa; đề nghị nhuộm hóa mô miễn dịch để chẩn đoán xác định. Kết quả nhuộm hóa mô miễn dịch: Synaptophysin, Chromogranin A (+) lan tỏa, Ki67 (+) <2%, CK7, CK20, Napsin A, TTF1 âm tính Chẩn đoán xác định: U thần kinh nội tiết ở ruột thừa, Độ mô học 1.B Từ những phân tích về giải phẫu bệnh U thần kinh nội tiết ở ruột thừa giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Đặc biệt là không bỏ xót các bệnh lý khác và đưa ra số lần bệnh nhân cần định kỳ khám lại kịp thời điều trị  bệnh và  đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh tốt hơn.   Dưới đây là một số hình ảnh tiêu biểu thực hiện giải phẫu bệnh về bệnh phẩm của bệnh nhân:  

Xem Thêm

Tình người cứu sống và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân nặng không có người thân
Thứ Tư 12/10/2022 07:30:19
Vừa qua, Khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật thành công lấy máu tụ dưới màng cứng cho  bệnh nhân V.H. T 33 tuổi – Điện Biên bị tai nạn giao thông. Đây là ca bệnh phức tạp, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân nhiễm HIV. BSCKII Nguyễn Quang Phú - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, không có người nhà đi cùng, không có giấy tờ tùy thân. Các bác sỹ, điều dưỡng của Khoa Ngoại Thần kinh - Lồng ngực và Đơn nguyên Cấp cứu ngoại đã khẩn trương tiến hành hồi sức, làm các xét nghiệm cơ bản. Bệnh nhân được chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng thái dương - trán trái, dập não trán thái dương phải và chuyển mổ cấp cứu ngay sau đó.Ca phẫu thuật diễn ra trong 2 giờ. Trong quá trình hậu phẫu, bệnh nhân được phát hiện dương tính với HIV. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo và cung cấp thông tin cho bệnh viện về gia đình của mình; bệnh viện thông báo cho gia đình nhưng người thân không đến nhận. Xác định được hoàn cảnh bệnh nhân, và mối nguy cơ các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp mổ có khả năng lây nhiễm HIV rất cao vì bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phải cấp cứu ngay, Ban lãnh đạo khoa Thần kinh Lồng ngực đã báo cáo Ban lãnh đạo Bệnh viện để xin ý kiến chỉ đạo tốt nhất cho bệnh nhân. Tiếp nối truyền thống “Lương y như từ mẫu”, với bề dày lịch sử hơn 100 năm, Lãnh đạo Bệnh viện, Lãnh đạo khoa và tập thể điều dưỡng trong Khoa Ngoại Thần kinh - Lồng Ngực, trực tiếp là Thạc sỹ Đoàn Văn Thủy- Điều dưỡng trưởng đã thực hiện công tác chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, cụ thể: thay đổi tư thế thường xuyên cho người bệnh để tránh teo cơ, cứng khớp, phòng chống loét;  luyện tập hít thở sâu để giảm nguy cơ viêm phổi; phối hợp với phòng Công tác xã hội, Khoa Dinh dưỡng thực hiện suất ăn đặc biệt hằng ngày cho bệnh nhân… Thạc sỹ Đoàn Văn Thủy- Điều dưỡng trưởng thực hiện công tác chăm sóc toàn diện cho bệnh nhâ Qua 12 ngày chăm sóc chu đáo và điều trị tích cực sau phẫu thuật, bệnh nhân đã nói chuyện được, đi lại, tự mình xúc ăn và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Sức khỏe của bệnh nhân T bình phục sau 12 ngày được bệnh viện cứu sống và chăm sóc toàn diện khi không có người thân bên cạnh

Xem Thêm

Tự đắp thuốc kháng sinh chữa đái tháo đường, một người phải tháo bỏ ngón chân
Thứ Năm 06/10/2022 14:01:06
Khoa Nội tiết, BVĐK Hà Đông vừa tiếp nhận ca bệnh hoại tử chi do sử dụng thuốc lá đắp vào vết loét ngón chân ở bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh vào viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, mệt mỏi, ngón chân thứ 2 loét, mưng mủ và nhiều tổ chức hoại tử bốc mùi, đau nhức. Chỉ số bạch cầu tăng cao, đường huyết vượt quá ngưỡng cho phép, có nguy cơ phải cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời. Các bác sĩ đã khẩn trương lên phác đồ điều trị kháng sinh, điều chỉnh liều insulin và xử lý tổn thương tại vị trí nhiễm trùng, cắt lọc, nạo vét các tổ chức hoại tử. Quá trình điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc giữ gìn, bảo tồn cả bàn chân bởi vết thương tự điều trị tiêm kháng sinh và đắp thuốc lá không rõ thành phần nguồn gốc dễ dẫn đến hoại tử hoàn toàn. Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân (ảnh trên) và hình ảnh tổn thương ở người bệnh đái tháo đường Điều dưỡng Đặng Thị Nga – Khoa Nội tiết, BVĐK Hà Đông chia sẻ, cả đốt ngón chân bệnh nhân bị hoại tử bốc mùi, chăm sóc vết thương thông thường không hiệu quả, nhân viên y tế phải thay phiên nhau tiến hành chăm sóc vết thương diện đặc biệt, thay băng nhiều lần vì dịch tiết ra nhiều. "Vết thương ngón chân nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới phải cắt bỏ hoàn toàn chi. Sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính của bệnh nhân được kiểm soát, các bác sĩ tiến hành tháo bỏ ngón chân để bảo tồn được các ngón còn lại cho bệnh nhân" - điều dưỡng Nga nói. Sau gần 1 tháng tích cực điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với chỉ số bạch cầu về bình thường, chỉ số đường huyết được kiểm soát. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến các các biến chứng nặng nề ở bệnh nhân đái tháo đường là do người bệnh chủ quan không xử lý vết thương nhỏ hoặc xử lý sai cách. Người bệnh nghĩ rằng những vết thương bé sẽ tự lành theo thời gian hoặc có thể tự đắp thuốc nhưng không lường trước được nếu bị nhiễm trùng, xử lý, chăm sóc vết thương sai cách thì hoại tử chân vẫn có thể xảy ra. Đặc biệt, bàn chân, ngón chân là nơi tiếp xúc nhiều với bụi nền đường và nước bẩn nên nguy cơ nhiễm trùng là rất cao. Điều dưỡng Nga khuyến cáo, việc quản lý bệnh đái tháo đường đúng cách và chăm sóc bàn chân cẩn thận có thể giúp ngăn ngừa biến chứng do đái tháo đường ở chân, giảm tỷ lệ cắt cụt chi.  Chính vì vậy, nếu như người bệnh có bất kỳ vết thương nào thì cần xử lý rửa sạch cơ bản và tới cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cụ thể đúng cách. Tuyệt đối không nên tự ý bôi thuốc, đắp lá hay tiêm thuốc tại nhà bởi đó chính là nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng tại vị trí vết thương, rất khó để xử lý và phục hồi. Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng hơn 3,5 triệu người đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6,3 triệu vào năm 2045. Mặc dù lượng bệnh nhiều như vậy nhưng số lượng quản lý điều trị rất thấp. Ước tính có đến hơn 70% người bị đái tháo đường không được quản lý. Điều này cũng dẫn đến tỉ lệ tử vong các bệnh không lây nhiễm ở nước ta rất cao. Đây là khoảng trống lớn trong quản lý điều trị căn bệnh mạn tính không lây này.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN