Hiếm gặp: Chân biến dạng do bệnh loạn sản xơ xương
Thứ Ba 04/10/2022 09:19:02
Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa điều trị cho 1 bệnh nhân 10 tuổi với căn bệnh hiếm gặp: loạn sản xơ xương khiến chân bị biến dạng. Đau chân do loạn sản xơ xương nhưng lại nghĩ do vận động nhiều Bệnh nhân là bé N.T.V.A (10 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Gia đình cho biết, một thời gian trước, bé kêu đau cẳng chân phải nhưng gia đình cứ nghĩ do con vận động chạy nhảy nhiều.  Tuy nhiên sau một thời gian tình trạng không đỡ quan sát chân của bé A gia đình phát hiện 2 chân của bé không to bằng nhau đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hình ảnh khối u xương phồng to do loạn sản xơ xương ở chân phải và khối u xương được lấy ra (ảnh nhỏ) Qua khám và làm các xét nghiệm bé được chẩn đoán loạn sản xơ xương cẳng chân phải.  Các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương - Chỉnh hình đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật để lấy lại chức năng vận động cho cháu bé.  Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt khối u xương mác để lại màng xương, đục bỏ khối u xương chày - ghép đoạn xương mác đối bên khoảng 12 cm, cố định bằng các phương tiện hết hợp xương. Sau phẫu thuật, bước đầu bệnh nhân ổn định, trục cẳng chân thẳng và chờ đợi thời gian liền xương để có thể tập đi. Bệnh nhân được tái khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.  Chân bệnh nhân sau khi điều trị Sau 15 tháng sau phẫu thuật xương liền tốt , bệnh nhân trở lại học tập và sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân được tháo phương tiện kết hợp xương. Loạn sản xơ xương là bệnh gì mà nguy hiểm vậy?  Chia sẻ về phương pháp điều trị bệnh loạn sản xơ xương, bác sĩ Trần Quang Toản, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) cho biết, loạn sản xơ xương là bệnh lý xương mạn tính, lành tính không di truyền, trong đó mô xương lành bị thay thế bằng mô xơ.  Khi xương phát triển, mô xơ mềm lan rộng, làm xương yếu đi, biến dạng và dễ gãy. Bệnh thường xảy ra ở tuổi thiếu niên, từ 3 -15 tuổi. Tỷ lệ nam giới và nữ giới mắc bệnh tương đương nhau. Loạn sản xơ xương chiếm khoảng 5% u xương lành tính. Trường hợp nhẹ thường không có triệu chứng, trường hợp nặng hơn có thể gây đau xương và biến dạng xương. Đau xương là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân có triệu chứng.  Các triệu chứng khác là sưng đau, biến dạng xương, gãy xương bệnh lý, khó khăn khi đi lại. Nguy cơ gãy xương hay biến dạng thân xương cao hơn ở các xương dài như xương đùi, xương chày, xương cánh tay. Bác sĩ tái khám cho bệnh nhân loạn sản xơ xương Sau phẫu thuật, bước đầu bệnh nhân ổn định, trục cẳng chân thẳng và chờ đợi thời gian liền xương để có thể tập đi "Nguy cơ ung thư xương như sarcom xương, sarcom sợi, sarcom sụn tăng lên (1 – 4% các trường hợp). Tổn thương ngoài xương khác là mảng sắc tố da, dậy thì sớm và cường giáp, hội chứng Cushing, cường cận giáp, còi xương giảm phospho máu.  Trong một số ít trường hợp, loạn sản xơ xương  có thể kết hợp với bất thường nội tiết, giảm thị lực và giảm thính lực khi tổn thương xương sọ mặt chèn ép thần kinh thị giác và thính giác. Tuy nhiên, đây là biến chứng hiếm gặp. Trong một số ít trường hợp, loạn sản xơ xương có thể kết hợp với bất thường nội tiết, giảm thị lực và giảm thính lực khi tổn thương xương sọ mặt chèn ép thần kinh thị giác và thính giác. Tuy nhiên, đây là biến chứng hiếm gặp", bác sĩ Toản nhấn mạnh.  Theo bác sĩ Toản, hiện chưa có phương pháp đặc trị nào để điều trị khỏi bệnh. Các bệnh nhân có các triệu chứng đau xương, sưng nề không liên quan đến chấn thương cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống hàng ngày.  Đồng thời phát hiện nhằm phát hiện bệnh là lánh tính hay ác tính để các phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Xem Thêm

BVĐK Hà Đông cứu sống bệnh nhân bị đâm thấu ngực, bụng
Thứ Ba 27/09/2022 08:32:13
Bệnh viện đa khoa Hà Đông, vừa qua đã tiếp nhận và cấp cứu thành công bệnh nhân suy hô hấp –shock mất máu do  bị đâm thấu ngực, bụng. Đó là bệnh nhân N. V. C 45 tuổi (Chương Mỹ - Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, shock mất máu, trụy mạch do chảy máu nhiều trong ổ bụng, và vết thương ở mạn sườn bên phải, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp không đo được, khó thở nhiều. Nhận thấy tình trạng người bệnh vô cùng nguy kịch, kíp trực cấp cứu đã tiến hành hồi sức tích cực, đồng thời kích hoạt “báo động đỏ ’’ nội viện xin ý kiến hội chẩn của Ban Giám đốc, gấp rút huy động lực lượng bác sĩ thuộc các chuyên khoa Ngoại tiêu hóa– Hồi sức – Gây mê – Huyết học để cùng phối hợp cấp cứu bệnh nhân. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu và được chuyển lên khoa khoa Gây mê hồi sức tiến hành vừa hồi sức truyền máu đồng thời phẫu thuật cùng lúc cho bệnh nhân.    Bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu Hóa thăm khám cho bệnh nhân sau 7 ngày phẫu thuật. Bệnh nhân đã được chỉ định mở ngực cấp cứu.Tổn thương trong mổ là vết thương kích thước 10cm đường nách trước lồng ngực phải đứt 2 xương sườn 7,8 bên phải , xuyên nhu mô phổi phải, đứt cơ hoành, xuyên vào gan và đứt tĩnh mạch trên gan phải. Qua đường mở ngực các bác sĩ khâu cầm máu nhu mổ phổi, xử lí vết thương gan, khâu tĩnh mạch trên gan, khâu cơ hoành. Ca phẫu thuật kéo dài trong vòng 3 giờ đồng hồ, dưới phối hợp nhịp nhàng giữa các khối chuyên khoa, khoa ngoại tiêu hóa – Khoa hồi sức– Khoa gây mê phẫu thuật– Khoa huyết học ,bệnh nhân đã được xử lí cầm máu vết thương gan, khâu vết thương nhu mổ phổi, khâu cơ hoành và khâu vết thương thành ngực. Trong suốt quá trình phẫu thuật bệnh nhân đã được truyền 10 đơn vị máu. Sau khi phẫu thuật đóng ngực, bệnh nhân được nội soi ổ bụng hút rửa cầm máu, kiểm tra các tạng khác trong ổ bụng.. Hiện tại, sau phẫu thuật 7 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, có thể tự ngồi dậy được, ăn uống tốt, vết mổ khô không có dấu hiệu nhiễm trùng, dẫn lưu màng phổi và dẫn lưu ổ bụng đã rút. Dự kiến bệnh nhân có thể được xuất viện trong vài ngày tới. BSCKII Bùi Đức Duy –  Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa cho biết: Bệnh nhân bị vật sắc nhọn đâm 1 vết rộng khoảng 10 cm đường nách trước lồng ngực bên phải xuyên qua nhu mô phổi phải và cơ hoành xuống đến gan làm đứt tĩnh mạch trên gan phải. Đây là một trường hợp vết thương phức tạp tổn thương nhiều cơ quan và gây nguy hiêm đến tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu và xử lí kịp thời. Qua ca bệnh này, Bác sĩ cũng khuyến các các trường hợp vết thương bị đâm bằng các dị vật kim khí phức tạp, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu chứ không được tự ý rút các di vật ở vết thương hoặc tự xử trí tại nhà.

Xem Thêm

Cấp cứu kịp thời tinh hoàn bị xoắn cho bệnh nhân nhi 14 tuổi
Thứ Sáu 23/09/2022 14:29:23
Khoa Cấp cứu ngoại, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Minh Nh. (sinh năm 2008, tại Quang Trung, Hà Đông), nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng bìu trái, đau liên tục, đau lan dọc thừng tinh lên vùng hố chậu trái. Bệnh nhân cho biết bắt đầu đau lúc khoảng 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng, gia đình tự điều trị nhưng không đỡ, nên đưa vào viện thăm khám. Qua khai thác về tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được làm xét nghiệm máu, chụp Xquang và siêu âm Doppler mạch tinh hoàn. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái giờ thứ 5, ngay lập tức các bác sĩ khoa Ngoại Thận - Tiết niệu mổ cấp cứu khẩn lúc 7 giờ cùng ngày, nhằm bảo tồn được tinh hoàn trái cho bệnh nhân. BSCKII Bùi Tiến Công - Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu cho hay: "Trong mổ cho thấy tinh hoàn trái xoắn 1 vòng trong màng, đã có dấu hiệu thiếu máu nuôi dưỡng, tinh hoàn tím, không có dấu hiệu mạch. Bác sĩ tiến hành tháo xoắn và ủ ấm tinh hoàn trái, sau một thời gian tinh hoàn hồng trở lại và đã có mạch đập, tinh hoàn trái được cố định chống tái xoắn...". Hình ảnh tinh hoàn trái của bệnh nhân bị xoắn Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân đã được kiểm tra bằng siêu âm Doppler mạch tinh hoàn trái, kết quả tinh hoàn trái được tưới máu bình thường, tinh hoàn trái đã được bảo tồn, bệnh nhân dần ổn định, hết đau và xuất viện chỉ trong vài ngày. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Xử trí muộn có thể phải cắt bỏ tinh hoàn Cũng theo BS. Bùi Tiến Công, xoắn tinh hoàn thường xảy ra trong khi ngủ, thể điển hình thường gặp ở trẻ lớn; đau bìu đột ngột, ban đêm bệnh nhân bật thức dậy, đau dữ dội lan dọc theo thừng tinh, ống bẹn đến hố chậu kèm theo cảm giác buồn nôn hay nôn. Bìu to dần, da bìu đỏ thắm hay bầm tím, phù lan rội sang cả bên đối diện. Xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh ngăn cản luồng máu đến tinh hoàn và mào tinh hoàn làm cho tinh hoàn có thể bị hoại tử. Xoắn tinh hoàn có thể coi là một tối cấp cứu vì nếu chẩn đoán và điều trị sớm có thể cứu được tinh hoàn ngược lại nếu sử trí muộn thường phải cắt bỏ tinh hoàn. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi từ ngay sau khi đẻ cho đến người cao tuổi. Tần suất mắc bệnh là 1/60 nam giới, 2/3 số trường hợp là suất hiện ở tuổi thanh niên, hai đỉnh cao là sơ sinh và 14 tuổi. Tinh hoàn có thể bị xoắn từ 3600 – 7200. Mức độ và thời gian xoắn quyết định thương tổn tinh hoàn. Chẩn đoán sớm mổ cấp cứu ngay, khả năng hồi phục tinh hoàn còn hy vọng; Trước 6 giờ khả năng hồi phục 83%, trước 10 giờ 70%, sau 10 giờ 10%. Nhân ca bệnh này, BS. Công cũng khuyến cáo đến người bệnh khi có những triệu chứng như đã mô tả ở trên, cần nhanh chóng đến các bệnh viện có uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe và duy trì chức năng sinh sản nam giới về sau.

Xem Thêm

Phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u "khổng lồ" trong ổ bụng bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền
Thứ Tư 07/09/2022 09:16:14
Bệnh nhân có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị không thường xuyên. Do hay uống bia nên người bệnh chỉ nghĩ béo bụng mà chủ quan không đi khám. Các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u khổng lồ tại ổ bụng của bệnh nhân Nguyễn Văn L. (72 tuổi, địa chỉ Thanh Oai, Hà Nội). Qua khai thác bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị không thường xuyên. Bệnh nhân có thói quen uống bia nhiều, thể trạng béo nhiều năm, đại tiện khó, tiểu đêm nhiều. Trước khi vào viện thăm khám, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, ý thức chậm, méo miệng, ăn uống rớt thức ăn. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân mắc đột quỵ - nhồi máu não/tăng huyết áp, có u lớn hạ vị. Sau khi được khám, làm cách xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn chuyên khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Nội tổng hợp, Ngoại tiêu hóa, các bác sĩ thống nhất đưa ra hướng xử trí toàn diện cho bệnh nhân. Trải qua 4 ngày điều trị nội khoa tích cực, tình trạng nhồi máu não ổn định, không có di chứng, bệnh nhân ăn uống tốt, đi lại bình thường, bệnh nhân được chuyển sang khoa Ngoại tiêu hóa để điều trị tiếp loại bỏ khối u. Khối u khổng lồ lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Khi nghe các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, gia đình và bản thân bệnh nhân hết sức bất ngờ khi trong bụng mang khối u lớn 20 x 25cm. Trước đó bệnh nhân vẫn chủ quan cho rằng “béo bụng do uống bia” và không đi khám bệnh bao giờ. Bệnh nhân được chuyển sang khoa Ngoại tiêu hóa và xếp lịch phẫu thuật sau khi thông qua hội đồng duyệt mổ bệnh viện. Ngay sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt khối u, đúng như dự đoán, khối u lớn chiếm hết cả tiểu khung, đè đẩy mạnh bàng quang, trực tràng, là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó đại tiện, đi tiểu liên tục, tiểu đêm nhiều. Khối u lớn nặng 2700g nằm ngay sát niệu quản và các mạch máu lớn khiến phẫu thuật rất khó khăn. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là một khối u cơ trơn lành tính. BSCKII Bùi Đức Duy – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết: Trường hợp bệnh nhân này rất phức tạp, bệnh nhân mắc phối hợp nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đã có biến chứng nhồi máu não, kèm theo khối u rất lớn sau phúc mạc. Khối u gây đè đẩy, chèn ép rất mạnh tới các tạng trong ổ bụng và nguy cơ xâm lấn, liên quan tới niệu quản và các mạch máu lớn sau phúc mạc, tiên lượng cuộc phẫu thuật cũng như quá hình hồi phục sau phẫu thuật sẽ rất khó khăn. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân đã có thể ăn uống bình thường, đi lại tốt, vết mổ khô và được xuất viện. Bệnh nhân và gia đình rất vui mừng vì đã loại bỏ được khối u nặng gần 3kg, cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước rất nhiều, đại tiện dễ, giảm hẳn tiểu đêm. Ra viện, bệnh nhân được cho đơn thuốc điều trị các bệnh mạn tính và dặn tái khám theo hẹn nhằm theo dõi và điều chỉnh điều trị và sinh hoạt kịp thời, phù hợp. Bác sĩ Bùi Đức Duy chia sẻ: “Từ trường hợp bệnh nhân L. có thể thấy hiện nay đời sống của mọi người đã được nâng cao, tuy nhiên tỉ lệ đi khám định kỳ còn thấp, kể cả nhiều trường hợp ở ngay sát bênh viện. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh nặng, nhiều bệnh phối hợp khiến quá trình điều trị phức tạp, nhiều nguy cơ rủi ro, tai biến. Chính vì vậy, cho dù là khỏe mạnh, mỗi người đều nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần".

Xem Thêm

Phối hợp liên viện cứu sống sản phụ sinh lần 5 nguy kịch
Thứ Ba 30/08/2022 09:31:47
Các bác sĩ BVĐK Hà Đông đã phối hợp với BVĐK huyện Chương Mỹ cứu sống một sản phụ sinh con lần 5 với biến chứng chảy máu không ngừng. BSCKII Nguyễn Đức Tú – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, khi đang hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới về sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, các bác sĩ nhận được đề nghị khẩn cấp, cấp cứu sản phụ Dương Thị N. (41 tuổi, ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).  Đây là bệnh nhân mang thai 38 tuần, chuyển dạ đẻ lần 5/ vết mổ đẻ cũ với tiền sử đẻ thường 3 lần, mổ đẻ 1 lần. Sản phụ được chỉ định phẫu thuật lấy thai là 01 bé gái nặng 3000g. Sau bóc rau, diện rau bám sát cổ tử cung gây chảy máu, các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu nhưng không cầm và tiến hành kẹp động mạch tử cung. Bệnh nhân N. 7 ngày sau phẫu thuật. Qua nắm bắt nhanh tình hình, ngay lập tức, BS. Tú đã gọi điện về Bệnh viện Đa khoa Hà Đông bố trí 1 kíp xuống hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ cách khoảng 20km; đồng thời mang theo 350ml lít máu nhóm O, 250ml huyết tương tươi. Trong vòng 30 phút, kíp hỗ trợ đã có mặt tại bệnh viện, nhanh chóng tiến hành gây mê, hồi sức, phẫu thuật cắt tử cung bán phần, lau sạch ổ bụng và khâu phục hồi thành bụng, truyền máu và huyết tương cho sản phụ. Ca phẫu thuật kéo dài 30 phút, sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của sản phụ đã có tiến triển, tử cung không còn chảy máu. Đến nay sức khỏe sức khỏe của sản phụ tiến triển tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Xem Thêm

Báo động đỏ cứu sống bệnh nhân vỡ kén khí hiếm gặp gây đứt dây chằng đỉnh phổi
Thứ Ba 23/08/2022 09:23:17
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực, cứu sống bệnh nhân vỡ kén khí màng phổi hiếm gặp gây đứt dây chằng đỉnh phổi. Hình ảnh phổi bệnh nhân ngập máu.    Bệnh nhân Đào Thị L. (35 tuổi, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốc mất máu, lơ mơ, da và niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được. Ngay lập tức, hệ thống báo động đỏ bệnh viện được kích hoạt với sự hội chẩn đa chuyên khoa (cấp cứu ngoại, ngoại thần kinh lồng ngực, gây mê hồi sức). Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu do tràn máu khoang màng phổi trái, mức độ nặng theo dõi do vỡ kén khí gây đứt dây chằng đỉnh phổi. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu ngoại đã nhanh chóng hồi sức, chống sốc, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền máu, truyền dịch cao phân tử cho bệnh nhân. Khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn định đã được chuyển phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân được mổ nội soi. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lồng ngực hoàn toàn, qua nội soi phát hiện trong khoang màng phổi trái có khoảng 2.000ml máu (máu loãng và máu cục), mạch máu từ dây chằng đỉnh phổi đứt đang phun thành tia, có nhiều kén khí vùng đỉnh phổi. Các bác sĩ đã tiến hành cầm máu, hút hết máu loãng và máu cục trong khoang màng phổi, cắt khâu các kén khí, gây dính khoang màng phổi để chống tái phát tràn khí. Kết hợp hồi sức tích cực truyền máu trước, trong và sau mổ 6 đơn vị máu cho bệnh nhân. Hiện tại, 7 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Theo các bác sĩ, đây là một thể bệnh hiếm gặp (tỷ lệ 22/100.000) cần được chẩn đoán phát hiện và xử trí kịp thời do nguy có sốc mất máu, suy hô hấp gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Bệnh nhân ổn định sau 7 ngày phẫu thuật. Nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi tự phát tiên phát ở người trẻ, không có bệnh lý phổi trước đó thường xuất hiện ở người trẻ, cao - gầy do vỡ bóng, kén khí phổi. Không phải bệnh nhân nào cũng có dây chằng phổi, đặc biệt vùng đỉnh, quá trình xuất hiện dây chằng đỉnh phổi thường do bệnh nhân đã có bóng kén khí từ trước, việc viêm nhiễm kén hoặc viêm màng phổi thường gây dính phổi với thành ngực tạo dây chằng phổi... Người bệnh có tràn khí màng phổi, gây xẹp phổi, co kéo dẫn đến đứt dây chằng đỉnh phổi, đứt mạch máu dây chằng, gây chảy máu vào khoang màng phổi. Mức độ chảy máu phụ thuộc vào mạch máu bị đứt lớn hay nhỏ, thời gian phát hiện dài hay ngắn. Nếu không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị nguy hiểm đến tính mạng do sốc mất máu, tràn máu tràn khí màng phổi gây chèn ép trung thất. Các bác sĩ khuyến cáo: Do biểu hiện bệnh không điển hình, nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tim mạch khác. Nếu không phát hiện, phẫu thuật kịp thời sẽ gây suy hô hấp rất nặng nề cho người bệnh. Vì vậy người dân khi có biểu hiện đau tức ngực, khó thở cần đến cơ ở y tế để khám và xử lý kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Xem Thêm

Phát hiện ung thư tinh hoàn bằng siêu âm Doppler
Thứ Hai 08/08/2022 08:24:32
Một nam bệnh nhân 33 tuổi (quốc tịch Trung Quốc - đang sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội) đã được các bác sĩ BVĐK Hà Đông chẩn đoán ung thư tinh hoàn giai đoạn I và có phương hướng điều trị kịp thời. Các bác sĩ khoa Thăm dò Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp bệnh nhân nam Dong Xiao M, 33 tuổi, người nước ngoài (hiện thường trú tại Hà Đông, Hà Nội), đến khám với triệu chứng đau, sưng vùng bìu trái. Bệnh nhân đã được chỉ định làm siêu âm, quá trình siêu âm tinh hoàn các bác sĩ phát hiện được vị trí giữa tinh hoàn trái có khối hỗn hợp kích thước 16x19x16 mm, bờ và ranh giới rõ xung quanh có viền giảm âm, trong khối có những dải tăng âm và những nốt vôi hóa, bìu không có dịch, doppler mầu khối u hỗn hợp không thấy hình ảnh tăng sinh mạch.  Hình ảnh khối u của bệnh nhân qua siêu âm.  Kết hợp giữa khám lâm sàng, cận lâm sàng và khai thác tiền sử của người bệnh các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị ung thư tinh hoàn trái Teranoma, giai đoạn I và chỉ định phẫu thuật kịp thời. Hiện bệnh nhân đang trong giai đoạn ổn định, hồi phục rất tốt. ThS. BS Bùi Thị Dương Thảo - Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, BVĐK Hà Đông cho biết, tinh hoàn của nam giới có chức năng là sản xuất kích tố sinh dục nam và tinh trùng để làm nhiệm vụ sinh sản. Một số bệnh lý ung thư của tinh hoàn thường gặp ở độ tuổi trẻ từ 15 và 34, chính vì vậy việc phát hiện sớm cho người bệnh là việc làm cần thiết để giữ gìn được sức khỏe và thiên chức làm bố của họ. Ung thư tinh hoàn có khả năng chữa được là rất cao, đặc biệt là khi xác định sớm. Ung thư tinh hoàn là một bệnh khá hiếm gặp so với các loại ung thư khác, căn bệnh này có thể chữa được với hiệu quả khá cao nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị bằng một hoặc kết hợp các phương pháp với nhau. Tự kiểm tra thường xuyên tinh hoàn có thể giúp xác định sự tăng trưởng sớm, có cơ hội điều trị thành công ung thư tinh hoàn cao nhất. Gần như tất cả bệnh ung thư tinh hoàn bắt đầu từ các tế bào mầm - các tế bào trong tinh hoàn sản xuất tinh trùng chưa trưởng thành. Nguyên nhân gây ra các tế bào mầm trở thành bất thường và phát triển thành ung thư, có ba loại chính ung thư tinh hoàn Seminoma, nonseminomas (teratoma), khối u mô đệm. Bác sĩ thực hiện siêu âm cho người bệnh. Các giai đoạn ung thư: - Giai đoạn I: Ung thư giới hạn trong tinh hoàn. - Giai đoạn II. Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở bụng. - Giai đoạn III. Ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư tinh hoàn phổ biến nhất là lây lan đến phổi, gan, xương và não. Bác sĩ Thảo cũng khuyến cáo đối với các em bé nhỏ tuổi chưa biết tự kiểm tra tinh hoàn của mình thì các bậc phụ huynh nên định kỳ kiểm tra cho con trai nhằm phát hiện sớm những bất thường như vùng bìu hoặc tinh hoàn to hơn bất thường sẽ đưa đến bệnh viện khám để được chẩn đoán sớm nhất các bệnh lý. Đối với những nam giới đã trưởng thành, bác sĩ khuyên nên thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn, cách kiểm tra tốt nhất là sau khi tắm nước ấm, nhiệt từ nước sẽ làm thư giãn bìu như vậy sẽ dễ dàng hơn để phát hiện điều bất thường. Bình thường tinh hoàn trơn, có hình dạng hình bầu dục, không có khối gồ lên, nếu sờ thấy một khối u bất thường hoặc thấy cả bìu to lên bất thường cần đến ngay bệnh viện. Ung thư tinh hoàn có khả năng chữa được là rất cao, đặc biệt là khi xác định sớm./.  

Xem Thêm

Dị vật pin- hiểm họa khó lường với trẻ em
Thứ Sáu 05/08/2022 10:31:53
Khác với các dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại thực quản nó sẽ gây ra một loạt các biến chứng như loét, hoại tử dần dần các lớp của thành thực quản dẫn tới thủng thực quản, tổn thương các mạch máu thực quản hoặc để lại di chứng hẹp thực quản về sau. Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận bệnh nhi T.B.N 8 tuổi (trú tại Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng trẻ nôn ọe nhiều, tăng tiết đờm dãi. Qua lời kể của gia đình, trước vào viện khoảng 1 giờ, trẻ cầm viên pin chơi với em trai, do tranh giành chơi nên bé gái cho viên pin vào miệng giấu, không may viên pin rơi xuống cổ. Khi phát hiện trẻ nôn ọe, gia đình đưa ngay trẻ đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Tại đây, trẻ được các bác sĩ thăm khám, chỉ định chụp phim Xquang cổ và ổ bụng, kết quả có hình ảnh dị vật cản quang là 2 hình tròn đồng tâm ngang mức cổ 6,7. Qua hỏi bệnh, thăm khám và kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng đã xác định dị vật trẻ nuốt phải là pin cúc, là một cấp cứu khẩn cấp. Trẻ nhanh chóng được chuyển lên khoa gây mê để tiến hành lấy dị vật. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi thực quản ống cứng lấy ra được dị vật là viên pin cúc áo đường kính 2cm, phủ dịch rỉ nâu đen, tại thực quản vị trí dị vật nằm đã có hiện tượng viêm hoại tử niêm mạc. Sau lấy dị vật bệnh nhân được điều trị và được nội soi tiêu hóa ống mềm ngày thứ 2 đánh giá kết quả, tổn thương tại vị trí dị vật nằm còn rất nặng nề. Hình ảnh pin cúc áo trên phim chụp Xquang cổ (ảnh trái) và dị vật viên pin sau khi gắp ra khỏi thực quản bệnh nhi (ảnh phải). Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật gắp dị vật cho bệnh nhi cho biết: "Dị vật pin cúc áo trong thực quản là tình trạng cấp cứu rất khẩn cấp trong chuyên ngành Tai Mũi Họng do nó có thể gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới tính mạng nếu dị vật nằm quá lâu ở thực quản. Khác với các dị vật vô cơ khác, khi viên pin mắc lại thực quản nó sẽ gây ra một loạt các biến chứng như loét, hoại tử dần dần các lớp của thành thực quản dẫn tới thủng thực quản, tổn thương các mạch máu thực quản hoặc để lại di chứng hẹp thực quản về sau". "Cơ chế gây nên tổn thương nhanh và nặng do pin cúc áo là do khi viên pin nằm lại ở thực quản nó vẫn còn hoạt động, và có hiện tượng kiềm hóa xảy ra ở cực âm dẫn tới bỏng hóa chất kiềm tại thực quản, đồng thời thực quản còn bị tổn thương thêm do nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác rò rỉ ra từ viên pin. Mức độ tổn thương thực quản phụ thuộc vào kích thước dị vật, độ mới của của dị vật và thời gian gắp được dị vật. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, thời gian dị vật viên pin lưu lại chỉ từ 30 phút trở lên đã có thể gây ra tổn thương niêm mạc tại vị trí dị vật nằm" - BS. Dũng phân tích thêm. Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhi sau 2 ngày gắp dị vật. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự gia tăng của thiết bị điện tử có sử dụng pin cúc (pin cúc áo) thì nguy cơ trẻ em nuốt phải viên pin vào đường tiêu hóa, nhét vào mũi hay vào đường hô hấp khi cầm chơi ngày càng gia tăng, nhất là ở trẻ từ 1- 3 tuổi. Tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông hàng năm tiếp nhận, thăm khám và xử trí thành công hàng chục bệnh nhi bị dị vật ở mũi, họng và đường tiêu hóa. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo việc phòng tránh tích cực dị vật viên pin ở trẻ nhỏ là rất quan trọng. Trong sinh hoạt hàng ngày các bậc phụ huynh, các cô giáo, nhân viên bảo mẫu phải hết sức lưu ý, kiểm soát thật tốt không để trẻ cầm chơi, ngậm các viên pin cúc hay các thiết bị điện tử có sử dụng pin. Khi phát hiện trẻ nuốt viên pin cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng gần nhất để được xử trí sớm nhất có thể, tránh các di chứng đáng tiếc về sau.

Xem Thêm

Sau hai giờ phẫu thuật khẩn cứu bé trai 16 tháng tuổi bị vỡ gan nặng do tai nạn giao thông
Thứ Tư 03/08/2022 10:44:06
   Bé trai 16 tháng tuổi bị xe taxi đâm trong lúc chạy qua đường, tính mạng nguy kịch do sốc mất máu, vỡ gan. Bác sĩ Bùi Đức Duy, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận bệnh nhân đêm 19/7. Bé trai bị taxi đâm khi đi qua đường, sốc mất máu, da xanh nhợt, không bắt được mạch, huyết áp không đo được, bụng chướng căng, tràn máu ổ bụng.    Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động nhiều chuyên khoa như ngoại tiêu hóa, gây mê phẫu thuật, hồi sức tích cực, cấp cứu, huyết học truyền máu hội chẩn. Hình ảnh vỡ gan của bệnh nhân nhi 16 tháng tuổi.    Cùng lúc đó, bác sĩ trực yêu cầu chuẩn bị phòng mổ, vừa hồi sức vừa làm các xét nghiệm thăm khám và chẩn đoán. Lúc này, sức khỏe bệnh nhi rất nguy kịch, sốc mất máu nặng, chảy máu trong ổ bụng do chấn thương bụng kín, nghi chấn thương gan, lách.    "Gan là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể. Trường hợp bị chấn thương nặng như trên, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến chảy máu ổ bụng, thậm chí tử vong", bác sĩ nói.    Theo bác sĩ, đây là ca phẫu thuật khó. Bé trai tổn thương nặng, phức tạp lại suy dinh dưỡng. Gan phải bé bị rách một đường dài 12 cm, tụ máu nhiều, trong ổ bụng có khoảng một lít máu, chỉ số men gan rất cao. Bệnh nhân có nguy cơ chảy máu, áp xe sau mổ, rò mật, suy gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu... Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau phẫu thuật 10 ngày.    Lúc này, bác sĩ phải khâu cầm máu nhu mô gan, tĩnh mạch gan giữa, cố gắng bảo tồn gan vỡ. Bệnh nhi được truyền 5 đơn vị hồng cầu và ba đơn vị huyết tương. Sau hai tiếng phẫu thuật, bé qua cơn nguy kịch.    "Chỉ khi các chỉ số trở về bình thường, bệnh nhân cầm máu, chúng tôi mới dám thở phào", bác sĩ nói.    10 ngày sau mổ, bé tỉnh táo, không sốt, da niêm mạc hồng, bụng mềm, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Xem Thêm

Báo động đỏ nội viện cứu sống bệnh nhi bị vỡ gan nặng do tai nạn giao thông
Thứ Tư 27/07/2022 09:24:07
Trong lúc chạy từ nhà sang hàng xóm chơi, bé trai bất ngờ bị một chiếc xe tắc xi đâm vào gây chấn thương vỡ gan nặng. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhi nam, 16 tháng tuổi (trú tại La Khê – Hà Đông) bị vỡ gan nặng do tai nạn giao thông. Theo lời kể của gia đình, nhà bệnh nhi gần ngay mặt đường, chiều muộn ngày 19/7/2022, bệnh nhi chạy từ nhà sang hàng xóm chơi thì bất ngờ bị một chiếc xe tắc xi đâm vào. Bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, da xanh nhợt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp không đo được, bụng chướng căng, tràn máu ổ bụng. Xác định đây là ca bệnh phức tạp, trẻ có dấu hiệu sốc chấn thương, ngay lập tức kíp trực bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với sự phối hợp của các chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Gây mê phẫu thuật, Hồ sức tích cực, Cấp cứu Nội, Cấp cứu Ngoại, Huyết học truyền máu. Rất nhanh chóng, các phương tiện, phòng mổ, nhân viên y tế có mặt để cấp cứu. Bệnh nhân vừa được tiến hành hồi sức, vừa làm các xét nghiệm thăm khám và chẩn đoán xác định sốc mất máu, chảy máu trong ổ bụng do chấn thương bụng kín, nghi chấn thương gan, lách. Sau đó, bệnh nhân vừa được tiến hành hồi sức vừa mổ cấp cứu. Theo các bác sĩ, các tổn thương trong mổ của bệnh nhi gồm: đường vỡ gan phải lớn với kích thước 12cm, đụng dọc nhu mô gan phải diện rộng, rách tĩnh mạch gan giữa, tụ máu nhiều khoang sau phúc mạc bên phải, đụng dọc tá tràng đầu tụng, trong ổ bụng có khoảng 1 lít máu. Các bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu nhu mô gan, tĩnh mạch gan giữa, bảo tồn gan vỡ, mở thông ống tràng cho ăn. Bằng sự nỗ lực của của cả kíp phẫu thuật, sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công, bệnh nhi qua cơn nguy kịch. Hình ảnh vỡ gan của bệnh nhân nhi 16 tháng tuổi. BSCKII Bùi Đức Duy – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: "Đây là một ca phẫu thuật khó bởi tổn thương nặng, phức tạp trên nền bệnh nhi nhỏ tuổi lại bị suy dinh dưỡng. Việc phẫu thuật giải quyết được nguyên nhân chảy máu, hồi sức trong và sau mổ rất khó khăn. Đặc biệt tổn thương gan diện rộng gây hủy hoại nhu mô gan nhiều. Trong và sau mổ chỉ số men gan của bệnh nhân rất cao, thường trên 4.000 UI/L". Cũng theo BS. Duy, ngoài việc cầm máu để cứu sống tính mạng người bệnh, trong mổ bệnh nhân được truyền 5 đơn vị hồng cầu và 3 đơn vị huyết tương. Việc chăm sóc sau mổ cho bệnh nhi cũng gặp nhiều khó khăn, các biến chứng sau mổ có thể gặp phải như: chảy máu, áp xe tồn dư sau mổ, rò mật, suy gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu...   Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi sau phẫu thuật 10 ngày.   Hiện tại, sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, da niêm mạc hồng, bụng mềm, đã ăn uống bình thường. Dự kiến trẻ sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Qua ca bệnh này, BS. Duy cũng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh: Trẻ nhỏ với bản tính hiếu động và chưa thể tự nhận thức được nguy hiểm từ môi trường xung quanh. Vì vậy phụ huynh cần quan sát, theo dõi chặt chẽ các hoạt động của trẻ vì độ tuổi này các em rất hiếu động, chạy nhảy khắp nơi. Hãy luôn chú ý đến trẻ vì chỉ cần một chút lơ là, không để ý trẻ có thể gặp những tai nạn thương tâm.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN