Cấp cứu thành công bệnh nhân cao tuổi do viêm ruột hoại tử
Thứ Hai 11/07/2022 14:44:47
Theo đó, tiền sử bà Đ. bị tăng huyết áp, viêm đa khớp, điều trị không theo đơn; đã phẫu thuật thay khớp háng hai bên. Trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện đau bụng 3 ngày, đau tăng dần, kèm sốt, do chủ quan bệnh nhân tự điều trị tại nhà, tới khi các triệu chứng ngày càng nặng mới đến viện. Kíp phẫu thuật cho bệnh nhân Đ. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng thể trạng suy kiệt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp dao động, dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân nặng, hội chứng Cushing do dùng thuốc chứa corticoid kéo dài. Ngay lập tức, bệnh nhân Đ. đã được các bác sĩ cấp cứu hồi sức, đồng thời tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nhanh chóng ra chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm trùng nhiễm độc - viêm phúc mạc do thủng ruột. Trong mổ, tổn thương rất nặng nề, ổ bụng nhiều dịch mủ, kèm dịch tiêu hóa, nguyên nhân là do viêm ruột hoại tử có nhiều ổ trên 1 đoạn ruột non dài 60cm. Xác định đây là một ca bệnh khó, kíp phẫu thuật đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện và tiến hành hội chẩn liên khoa để đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt đoạn ruột non dài 80 cm, đưa 2 đầu ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân. Sau mổ bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Gây mê Hồi sức. Với sự quan tâm, theo dõi sát sao của các cán bộ y tế, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện đã có quá trình hồi phục tốt. Hiện tại sau phẫu thuật 7 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, tự ngồi được, ăn tốt, vết mổ khô, đại tiện tốt, tình trạng nhiễm trùng được đẩy lui và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho hay: Viêm ruột hoại tử là một bệnh thường gặp ở trẻ em, ở người lớn rất hiếm gặp, nguyên nhân do độc tố của vi khuẩn Clostridial perfingens trong thịt lợn bị nhiễm bệnh. Đặc biệt với bệnh nhân này, là một bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền, điều trị corticoid kéo dài, bệnh nhân đến viện muộn, đã có biến chứng nặng nề, nên rất khó khăn trong chẩn đoán và điều trị. Để tránh những trường hợp đến viện muộn, bệnh nhân không nên chủ quan khi có các dấu hiệu đau bụng, nôn, bí trung đại tiện kèm các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi… Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá và kiểm tra, tránh để muộn dẫn đến các biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe.  

Xem Thêm

'Đổi gió' quan hệ tình dục tư thế lạ, nhiều quý ông 'gãy súng'
Thứ Tư 06/07/2022 10:40:38
   ThS.BSCII Nguyễn Quốc Đông - Phó Trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bác sĩ tại đây đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công cho 5 trường hợp bệnh nhân nam vỡ vật hang sau quan hệ tình dục sai tư thế. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 28 – 45 tuổi.    Đa số các trường hợp trên vào viện trong tình trạng đái ra máu, sưng tím toàn bộ dương vật, tụ máu lớn vùng bìu tầng sinh môn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ vật hang dương vật do quan hệ tình dục sai tư thế.    Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn T. ( 38 tuổi, địa chỉ Phú La, Hà Đông) vào viện với chẩn đoán vỡ vật hang được chỉ định mổ cấp cứu, xử lý khâu cân trắng vật hang. Sau phẫu thuật 5 đến ngày khâu lại vật hang thì bệnh nhân đã được xuất viện. Bs Đông thăm khám cho bệnh nhân T    ThS.BSCII Nguyễn Quốc Đông cho hay, nguyên nhân vỡ vật hang thường xảy ra lúc dương vật cương cứng cao độ. Chỉ cần một tác động nhẹ làm gập góc dương vật hoặc va chạm vào dương vật cũng đủ làm cho các lớp vỏ vật hang bị vỡ ra gây chảy máu từ vật hang ra ngoài:    Các tình huống có thể gây vỡ vật hang:   + Quan hệ tình dục vội vàng, lăn lộn nhiều vòng trong lúc quan hệ   + Quan hệ tư thế đặc biệt làm dương vật gập góc và gãy   + Tự bẻ dương vật   + Do bị đập vào vật cứng hoặc ngoại lực mạnh tác động vào lúc đang cương cứng...    Theo các bác sĩ, khi vật hang bị vỡ rách (rách lớp vỏ trắng) máu thoát ra ngoài gây máu tụ, dương vật biến dạng vẹo lệch, để lại những biến chứng như: cong vẹo dương vật, đái khó, đau khi cương, dẫn tới rối loạn cương dương, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống tình dục của người bệnh.    Đối với các bệnh nhân bị vỡ vật hang 6 tháng sau phẫu thuật, có thể bắt đầu duy trì được hoạt động quan hệ tình dục bình thường, Vì vậy, các quý ông cần cẩn trọng khi quan hệ tình dục, tránh những tư thế lạ và tư thế không an toàn cho "cậu nhỏ".    Khi có dấu hiệu gãy dương vật, không nên ngại ngùng, mà cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để can thiệp điều trị kịp thời nhằm giúp "cậu nhỏ" tránh những biến chứng, gây khó khăn cho việc xử trí và để lại những hậu quả sau này.

Xem Thêm

PHẪU THUẬT DÍNH NGÓN TAY BẨM SINH – MANG LẠI BÀN TAY LÀNH LẶN CHO NGƯỜI BỆNH
Thứ Tư 29/06/2022 09:08:20
Dính ngón tay có di truyền không? Dính ngón tay thông thường là chỉ bị một bên (khoảng 80%), chỉ khoảng 20% còn lại bị dính cả hai bên. Dính ngón tay có thể di truyền, đặc biệt khi bố hoặc mẹ của bé có dính ngón bẩm sinh nhưng tỷ lệ sinh con ra mắc dị tật này cao nhất cũng chỉ khoảng 50%.  Điều trị dính ngón tay ở đâu?  Tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông từ năm 2008 đến nay đã phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị dính ngón tay. Ngoài ra, còn điều trị phẫu thuật những dị tật bẩm sinh ở chi thể như: Phẫu thuật cắt ngón thừa; Phẫu thuật tách ngón điều trị dính ngón; Phẫu thuật điều trị ngón cái tách đôi; Phẫu thuật điều trị không có ngón tay cái; Phẫu thuật tạo hình điều trị vòng thắt bẩm sinh; Phẫu thuật ghép xương vi phẫu điều trị khớp giả bẩm sinh xương chày; Phẫu thuật điều trị thiểu sản bờ quay, bờ trụ.  Phẫu thuật điều trị dị tật bẩm sinh đã, đang và sẽ tiếp tục thắp sáng ước mơ cho nhiều trẻ em được sống như những đứa trẻ bình thường khác, được sống với một hình hài đẹp đẽ và lành lặn. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, dễ xảy ra biến chứng nên bố mẹ cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để con yêu được chữa trị tốt nhất, đảm bảo khả năng hồi phục và không để lại di chứng về sau. Hình ảnh  

Xem Thêm

Kích hoạt "báo động đỏ" phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư trực tràng 
Thứ Ba 21/06/2022 10:13:36
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa vừa kích hoạt "báo động đỏ" nội viện, phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.T.L (67 tuổi, ở Hà Nội), mắc ung thư trực tràng nặng và đến viện điều trị trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho bệnh nhân T.L. Nhiều năm nay, bà T.L thường có triệu chứng khó chịu vùng bụng, đi ngoài ra máu nhưng chỉ nghĩ là dấu hiệu bệnh trĩ, nên không tới cơ sở y tế thăm khám. Khi các dấu hiệu này ngày càng tăng nặng, bệnh nhân thường đau thắt vùng bụng, chán ăn, có hiện tượng đi ngoài ra máu không thuyên giảm thì mới đi kiểm tra. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, bệnh nhân T.L vào viện trong đêm với thể trạng gầy, da xanh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, hen phế quản và bị rối loạn đại tiện thường xuyên. Tình trạng đại tiện ra máu kéo dài được hơn một năm. Các bác sĩ tiến hành hồi sức, chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân T.L bị ung thư trực tràng. Sau khi bệnh nhân được điều trị hồi sức nâng cao thể trạng, bác sĩ chỉ định cắt đoạn u trực tràng bằng phương pháp nội soi. Do tổn thương trong mổ khối u trực tràng lớn đã xâm lấn vào vùng xương cùng cụt. Đặc biệt, do bệnh nhân cao tuổi, nhiều thách thức được đặt ra cho các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 4 giờ, khối u xâm lấn xung quanh gây chảy máu nhiều. Nhận thấy tình trạng người bệnh vô cùng nguy kịch, kíp trực cấp cứu đã tiến hành hồi sức tích cực, đồng thời kích hoạt "báo động đỏ" nội viện xin ý kiến hội chẩn của Ban Giám đốc, nhanh chóng huy động lực lượng bác sĩ thuộc các chuyên Khoa Hồi sức - Phẫu thuật - Gây mê - Huyết học để cùng cứu sống bệnh nhân. Các bác sĩ tiến hành thắt động mạch chậu hai bên, chèn gạt cầm máu và truyền 39 đơn vị máu cho bệnh nhân, đồng thời hội chẩn trực tuyến cùng các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt đoạn u trực tràng, nạo vét hạch cho bệnh nhân T.L. Hiện nay, bệnh nhân hồi phục tốt và đã ra viện sau 10 ngày điều trị. Cũng theo bác sĩ Tuấn, nhiều gia đình có người thân tuổi cao mà phát hiện bệnh ung thư thì thường lo ngại, thậm chí có tâm lý buông xuôi, không điều trị. "Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh", bác sĩ Tuấn phân tích. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn thăm, khám cho bệnh nhân sau 3 ngày phẫu thuật. Cũng theo các bác sĩ, hiện ung thư trực tràng và ung thư dạ dày đang có xu hướng gia tăng. Do vậy việc nội soi đại tràng định kỳ 6 tháng một lần có ý nghĩa quyết định để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm. Bởi các tổn thương nhỏ, hay u ở giai đoạn sớm trên cơ thể thường không có triệu chứng. Nếu người bệnh được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, sẽ giúp hạn chế tối đa những biến chứng, khó khăn khi phẫu thuật cũng như điều trị và nguy cơ xâm lấn hoặc khối u di căn gây nhuy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, A… và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Bên cạnh đó, đối với những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời. "Ngay cả khi phát hiện bệnh ung thư ở những người cao tuổi cao, vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa để không bỏ lỡ "thời gian vàng" và cơ hội chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh thêm. Quy trình "báo động đỏ" nội viện’ là xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, áp dụng cho những trường hợp cấp cứu cần can thiệp mới hy vọng cứu sống bệnh nhân. Mục đích cuối cùng khi thực hiện quy trình này là cứu sống được bệnh nhân, đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch.            

Xem Thêm

Cứu sống nam thanh niên bị dao đâm xuyên ngực
Thứ Ba 14/06/2022 16:06:24
Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã cứu sống bệnh nhân bị thương nghiêm trọng bị đâm vào vùng ngực phải dưới xương đòn. Bác sĩ Phú thăm khám cho bệnh nhân D 3 ngày sau mổ. BSCKII Nguyễn Quang Phú, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Lồng ngực cho biết, bệnh nhân H.X.D, 20 tuổi, cư trú tại Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang vào viện trong tình trạng hôn mê, mất ý thức, huyết áp không đo được, đồng tử giãn và có dấu hiệu ngưng tim, có vết thương ngực do bị đâm bằng vật sắc nhọn phía bên phải khoảng 3cm và chảy máu dữ dội. Ngay lập tức, kíp trực đã kích hoạt báo động đỏ nội viện, tập trung nhân lực, vật lực, đặt ống thở và đưa bệnh nhân lên phòng mổ hồi sức, cầm máu khẩn. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở rộng vết thương và thấy rách tĩnh mạch dưới đòn gần ngã ba cánh tay đầu bên phải, thủng khoang màng phổi trái, có rất nhiều máu cục ở màng phổi, hút ra khoảng hơn 2 lít máu. Kíp mổ đã khâu nối các tĩnh mạch và vết rách đỉnh phổi bên phổi trái. Vì vết thương quá nghiêm trọng nên có những lúc huyết áp của bệnh nhân tụt không đo được, đe dọa đến tính mạng. Một khó khăn khác trong quá trình phẫu thuật là động mạch và tĩnh mạch nằm sâu dưới xương đòn muốn phẫu thuật, buộc các bác sĩ hoặc phải bật khớp ức đòn để bộc lộ động mạch và tĩnh mạch dưới đòn để khâu phục hồi vết thương. Bác sĩ Phú cũng cho hay, bệnh nhân đến viện muộn, mất máu nhiều dẫn đến bị rối loạn đông máu, suy đa tạng (suy thận cấp, suy gan). Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa sau ba giờ đồng hồ, ca mổ đã thành công, bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Sau đó, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức theo dõi, phải dùng thuốc vận mạch liều rất cao và chạy thận nhân tạo. Quá trình hồi sức trong và sau mổ, bệnh nhân được truyền hơn 25 đơn vị máu. Hiện tại, 3 ngày sau mổ, bệnh nhân đã ổn định, tự vận động. Dự kiến, bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới và được hẹn tái khám 1 tháng sau mổ.

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông thay khớp háng thành công cho nhiều bệnh nhân cao tuổi
Thứ Hai 06/06/2022 08:53:42
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông thay khớp háng thành công cho bệnh nhân lớn tuổi đó là cụ N.T.H, 96 tuổi tại Chúc Sơn, Chương Mỹ. Được biết trước đó, khi đang sinh hoạt tại nhà thì cụ bị ngã, sau ngã cụ thấy đau nhiều vùng đùi trái, cổ tay trái, chảy máu khuỷu trái, gia đình đã đưa cụ đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông Tương tự, trước đó cụ Đ.P.T 92 tuổi ngụ tại Quang Trung, Hà Đông được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng già yếu, suy kiệt viêm phổi nặng và bị ngã đập háng phải xuống nền cứng. BSCKII Trần Quang Toản, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết hai bệnh nhân đã được phẫu thuật thay khớp háng thành công trong một tuần. Qua thăm khám và căn cứ vào các kết quả xét nghiệm, cùng với sự hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định phẫu thuật thay khớp háng cho 2 bệnh nhân cao tuổi này.    Đến nay, sau 5 ngày phẫu thuật bệnh N.T.H tỉnh táo, tiếp xúc tốt. BSCKII. Trần Quang Toản cũng cho biết, gãy cổ xương đùi và gãy xương vùng liên mấu chuyển xương đùi là một gãy xương hay gặp ở người cao tuổi nguyên nhân do ngã. Nếu không can thiệp phẫu thuật thay khớp bệnh nhân phải nằm bất động lâu gây đau đớn kéo dài và là nguyên nhân gây viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét vùng cùng cụt, gót chân… Chưa kể đến sự vất vả của người thân khi chăm sóc những bệnh nhân này, thậm chí còn bị tử vong. Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này cho người bệnh từ năm 2008 đến nay khoa Chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật thay khớp háng thành công cho nhiều người cao tuổi, bệnh nhân cao tuổi nhất là 103 tuổi.

Xem Thêm

Medsafe: Pregabalin và nguy cơ có thể bị viêm da bóng nước và các phản ứng da tróc vảy
Thứ Tư 20/04/2022 08:15:43
Medsafe đang nêu bật nguy cơ có thể bị viêm da bóng nước hoặc phản ứng da tróc vảy với pregabalin. Mục đích để thúc đẩy việc bổ sung thêm các báo cáo và tăng cường thông tin cho tín hiệu về an toàn thuốc trên. Tín hiệu về an toàn này đã được kích hoạt sau khi trung tâm giám sát các phản ứng có hại (CARM) nhận được 1 báo cáo (CARM ID 136065) mô tả một phụ nữ 87 tuổi bị phát ban phồng rộp lan rộng khoảng 4 ngày sau khi bắt đầu dùng pregabalin. CARM đã nhận được bốn báo cáo về phản ứng da với pregabalin, hai trong số đó là phản ứng nổi mẩn đỏ và hai trong số đó là phản ứng da tróc vảy (ID CARM: 96253, 131650, 136065, 139207). Thông tin bổ sung Viêm da bóng nước là một thuật ngữ chung bao gồm một số tình trạng da phồng rộp. Cơ chế phụ thuộc vào loại phản ứng, nhưng nhiều người được cho là qua trung gian miễn dịch. Giống như viêm da bóng nước, tróc da có thể là một đặc điểm của các phản ứng có hại nghiêm trọng trên da. Mặc dù mối quan tâm tiềm ẩn về an toàn này được kích hoạt bởi một trường hợp viêm da bóng nước,  Medscape cũng khuyến khích báo cáo về các phản ứng da khác có thể liên quan đến các phản ứng có hại nghiêm trọng trên da với pregabalin. Động thái quản lý Medsafe đang đặt mối quan tâm an toàn này vào chương trình Giám sát Thuốc để khuyến khích báo cáo về phản ứng viêm da bóng nước và bong tróc da với pregabalin. Thông tin về Pregabalin Pregabalin được chỉ định để điều trị đau thần kinh ở người lớn và cũng như liệu pháp bổ trợ ở người lớn bị co giật cục bộ có hoặc không kèm theo tổng quát thứ phát Các thuốc hiện đang lưu hành tại tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông bao gồm: Moritius 75mg ( Pregabalin) Điểm tin : Ds Lê Thị Thái Lan – Đơn vị Dược lâm sàng, thông tin thuốc Nguồn : https://medsafe.govt.nz/safety/Alerts/PregabalinAndDermatitis.asp

Xem Thêm

MHRA: Amiodarone nhắc nhở về nguy cơ điều trị và cần theo dõi, giám sát bệnh nhân
Thứ Tư 20/04/2022 08:11:32
   Ngày 15 tháng 03 năm 2022, Cơ quan quản lý Y tế Anh (Medicines and Healthcare products Regulatory Agency, MHRA) đã cảnh báo về tác dụng phụ nghiêm trọng của Amiodarone. Amiodarone được sử dụng để điều trị một số loại nhịp tim bất thường, bao gồm rung tâm nhĩ và loạn nhịp nhanh. Amiodarone thường được dự trữ cho các trường hợp không thể sử dụng các phương pháp điều trị khác hoặc đã thất bại. Tuy nhiên, Amiodarone có liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng, đặc biệt là phổi, gan và tuyến giáp. Amiodarone có thời gian bán hủy trong huyết tương dài khoảng 50 ngày, có nghĩa là bất kỳ tác dụng phụ nào có thể tồn tại trong một tháng (hoặc hơn) sau khi ngừng điều trị. Do vậy,bệnh nhân nên được giám sát và xem xét thường xuyên trong quá trình điều trị. Các vấn đề về phổi có thể khởi phát chậm nhưng sau đó tiến triển nhanh chóng. Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp xác định chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc phổi. Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế: Amiodarone có thể gây ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến mắt, tim, phổi, gan, tuyến giáp, da và hệ thần kinh ngoại vi Thường xuyên xem xét các bệnh nhân đang điều trị amiodarone dài hạn - một số phản ứng này có thể đe dọa tính mạng nhưng khởi phát có thể bị trì hoãn Kiểm tra chức năng gan và tuyến giáp trước khi điều trị, và định kỳ 6 tháng một lần; chức năng tuyến giáp cũng nên được theo dõi trong vài tháng sau khi ngừng thuốc Mặc dù không cần thiết phải chụp phổi định kỳ ở những bệnh nhân dùng amiodarone lâu dài, nhưng hãy lưu ý bệnh nhân cần được tư vấn nếu họ có các triệu chứng hô hấp mới hoặc xấu đi và cân nhắc sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT) nếu nghi ngờ nhiễm độc phổi. Báo cáo các phản ứng có hại của thuốc nghi ngờ liên quan đến Amiodarone Khuyến cáo dành cho người bệnh và người nhà của người bệnh Amiodarone được sử dụng để điều trị các tình trạng nghiêm trọng về tim, trong đó tim của bạn đập không đều hoặc quá nhanh Luôn luôn đọc Tờ rơi hướng dẫn sử dụng thuốc được cung cấp cùng với các loại thuốc của bạn và làm theo lời khuyên về các loại thuốc khác cần tránh và những điều cần làm nếu bạn có tác dụng phụ Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm máu, phổi, nhịp tim và mắt của bạn trước và trong khi điều trị - điều quan trọng là phải làm các xét nghiệm này vì họ có thể xác định xem có vấn đề gì không Ngừng dùng amiodarone và đi khám bác sĩ hoặc đến ngay bệnh viện nếu bạn gặp bất kỳ hiện tượng nào sau đây trong khi điều trị hoặc trong thời gian sau khi ngừng amiodarone: Khó thở mới hoặc trầm trọng hơn hoặc ho không khỏi Vàng da hoặc mắt (vàng da), cảm thấy mệt mỏi hoặc ốm, chán ăn, đau dạ dày hoặc nhiệt độ cao Suy nhược, giảm cân hoặc tăng cân, không dung nạp nhiệt hoặc lạnh, tóc mỏng, đổ mồ hôi, thay đổi thời kỳ kinh nguyệt, sưng cổ (bướu cổ), căng thẳng, cáu kỉnh, bồn chồn hoặc giảm tập trung Nhịp tim của bạn thậm chí còn trở nên không đều hoặc thất thường, hoặc trở nên rất chậm Bất kỳ sự mất thị lực nào Tác dụng có hại của amiodarone trên phổi MHRA đã nhận được một báo cáo từ một Coroner sau cái chết do suy đa cơ quan của một phụ nữ đã được điều trị bằng amiodarone trong khoảng 5 năm và bị viêm phổi trong quá trình điều trị.  Amiodarone thường có thể gây viêm phổi (viêm phổi). Trong một số trường hợp, tình trạng viêm này có thể tiến triển thành dày hoặc sẹo (xơ hóa) nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa tính mạng. Bệnh nhân nên được đánh giá lâm sàng cẩn thận và xem xét chụp X-quang ngực trước khi bắt đầu điều trị. Các triệu chứng của nhiễm độc phổi có thể bao gồm khó thở (có thể nghiêm trọng và không giải thích được do tình trạng tim hiện tại), ho không có đờm và suy giảm sức khỏe nói chung (mệt mỏi, sụt cân và sốt). Độc tính trên phổi thường (nhưng không phải luôn luôn) có thể hồi phục sau khi ngừng điều trị amiodaron sớm, có hoặc không có điều trị bằng corticosteroid. Nhắc nhở về theo dõi chức năng tuyến giáp Điều trị bằng amiodaron thường có thể dẫn đến suy giáp hoặc cường giáp, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh rối loạn tuyến giáp mà việc điều trị bị chống chỉ định. Mức độ xét nghiệm tuyến giáp nên được kiểm tra trước khi bắt đầu điều trị, vào khoảng thời gian 6 tháng và trong vài tháng sau khi ngừng điều trị. Đánh giá thường xuyên được khuyến khích ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh cho thấy tăng nguy cơ rối loạn chức năng tuyến giáp. Điểm tin: ThS. Lê Thị Thái Lan Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc Nguồn : https://www.gov.uk/drug-safety-update/amiodarone-cordarone-x-reminder-of-risks-of-treatment-and-need-for-patient-monitoring-and-supervision  

Xem Thêm

Phương pháp làm hàm giả toàn bộ cố định trên 4 hoặc 6 implant tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Hai 28/03/2022 09:03:58
Trước đây, đối với các bệnh nhân mất răng toàn bộ hoặc mất rất nhiều răng trên một hàm hoặc cả hai hàm thì phương án làm răng giả thích hợp và phổ biến nhất là phục hình tháo lắp. Đây là giải pháp tốt để phục hồi một phần chức năng ăn nhai và thẩm mỹ, chi phí thấp; tuy nhiên do đặc thù của hàm tháo lắp nên có những hạn chế như: bất tiện trong quá trình sử dụng, hạn chế về sức nhai, tiếp tục gây tiêu xương hàm trong quá trình đeo hàm, tình trạng lỏng hàm sau một thời gian sử dụng gây khó chịu và cần chỉnh sửa hoặc thay mới,… Nếu những bệnh nhân này mong muốn cấy ghép Implant đơn lẻ để làm răng giả cố định thì cần nhiều hơn 6 chốt Implant cho mỗi hàm, và vì chất lượng xương thường kém do mất nhiều răng nên hầu hết đều phải kết hợp phẫu thuật nâng xoang , ghép xương khá phức tạp, mất rất nhiều thời gian và chi phí. Trong những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của các kỹ thuật và vật liệu mới trong cấy ghép Implant đã đem đến cơ hội sử dụng răng giả tốt hơn cho các bệnh nhân mất răng nói chung và bệnh nhân mất răng toàn bộ nói riêng. Phương pháp làm hàm giả toàn bộ trên 4 hoặc 6 chốt Implant ra đời đã giúp bệnh nhân mất răng toàn bộ hoặc mất rất nhiều răng có thể được sử dụng phục hình cố định với những ưu điểm vượt trội, khắc phục hầu hết các nhược điểm cơ bản của hàm giả tháo lắp, cũng không đòi hỏi nhiều lần phẫu thuật phức tạp với chi phí cao và nhiều chống chỉ định như phương pháp làm răng giả cố định trên Implant thông thường. Trong phương pháp này, việc phẫu thuật đặt Implant  ít xâm lấn, ít đau, dựa vào mô xương thực tế của bệnh nhân mà không cần tới các phẫu thuật bổ trợ giúp cải thiện tình trạng xương (như ghép xương, nâng xoang), chỉ đặt 4 hoặc 6 Implant với mỗi hàm nên tiết kiệm thời gian và chi phí mà vẫn có thể phục hồi toàn bộ răng, cho kết quả ổn định, bền vững, thẩm mỹ cao; ngăn ngừa được tình trạng tiêu xương hàm. Ngoài ra, hàm giả có thể được tháo ra khỏi các chốt Implant để sửa chữa hoặc vệ sinh định  kỳ 1-2 năm/ lần bằng cách mở vít khá đơn giản. Quy trình thực hiện hàm giả toàn bộ trên 4 hoặc 6 Implant gồm những bước cơ bản như sau: Khám, chụp X quang, lấy dấu, lập kế hoạch điều trị Cấy ghép 4 hoặc 6 trụ Implant theo kế hoạch đã định (cấy 4 hoặc 6 Implant tùy thuộc vào chất lượng xương hiện có, mất răng hàm trên hay hàm dưới, bệnh nhân mong muốn làm 12 hay 14 răng giả) Lắp hàm giả tạm thời Chờ đợi lành thương: khoảng 3 đến 6 tháng Bộc lộ Implant, thực hiện các công đoạn làm hàm giả cuối cùng Theo dõi và tái khám định kỳ 6 tháng một lần Phương pháp làm hàm giả toàn bộ trên 4 hoặc 6 Implant là một kỹ thuật phục hình kết hợp phẫu thuật tương đối khó, không phải cơ sở Răng Hàm Mặt nào cũng có thể thực hiện được. Kỹ thuật này đã và đang được thực hiện thường quy tại Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Được trang bị hệ thống ghế máy, dụng cụ, thiết bị hiện đại - đặc biệt ở phòng khám theo yêu cầu thuộc khoa Răng Hàm Mặt; với máy chụp phim Panorama, máy chụp CT Cone Beam sẵn có tại khoa Chẩn đoán hình ảnh; cộng với đội ngũ bác sỹ có chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phục hình và Implant, phương pháp làm hàm giả toàn bộ trên 4 hoặc 6 Implant đã  đem đến cho nhiều bệnh nhân trong khu vực Hà Đông và các vùng lân cận cơ hội được sử dụng hàm giả toàn bộ cố định có hiệu quả nhai tốt, kỹ thuật an toàn với chi phí hợp lý, tiết kiệm. Dưới đây là một số hình ảnh bệnh nhân đã thực hiện phục hình toàn hàm trên 6 implant tại Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện đa khoa Hà Đông:    

Xem Thêm

Phẫu thuật nội soi khớp vai
Thứ Năm 24/03/2022 10:22:28
Phẫu thuật nội soi khớp vai là thủ thuật được các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình thực hiện để điều trị các tổn thương bên trong khớp vai. Phương pháp này có nhiều ưu điểm về thẩm mỹ, ít chảy máu, giảm đau, rút ngắn thời gian bệnh nhân nằm viện chỉ còn khoảng 1 - 2 ngày. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trường hợp BN nam 30T, bị trật khớp vai phải tái lại nhiều lần, được chẩn đóan " Trật khớp vai phải tái diễn" Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi và sau 3 ngày đã có thể xuất viện và tập phục hồi chức năng tại nhà dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ chuyên ngành. GIẢI PHẪU HỌC Khớp vai có cấu trúc phức tạp và có khả năng vận động nhiều hơn bất kỳ loại khớp nào khác trong cơ thể. Cấu tạo của khớp vai gồm ba xương: xương cánh tay, xương bả vai, và xương đòn. KHI NÀO CẦN THỰC HIỆN NỘI SOI KHỚP VAI? Bác sĩ có thể đề nghị nội soi khớp vai khi bệnh nhân bị đau khớp vai và tình trạng đau này  không thuyên giảm khi được điều trị bảo tồn bao gồm nghỉ ngơi, trị liệu bằng tay như tập vật lý trị liệu hoặc áp dụng thuật nắn xương, thuật châm cứu và sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để có thể giảm viêm. Viêm là một trong các phản ứng thông thường của cơ thể với tổn thương hay bệnh tật. Khi khớp vai bị bệnh hay tổn thương, tình trạng viêm sẽ gây ra sưng, đau và cứng khớp. Nguyên nhân của hầu hết các vấn đề ở vai là do tổn thương, vận động quá mức hay do tuổi tác. Nội soi khớp vai có thể giúp giảm các triệu chứng đau vai do tổn thương gân chóp xoay, sụn viền, sụn khớp, và các mô mềm khác quanh khớp vai. Các thủ thuật nội soi khớp vai thường gặp, bao gồm: Chỉnh sửa chóp xoay Cắt bỏ gai xương Cắt bỏ hay chỉnh sửa sụn viền Chỉnh sửa dây chằng Cắt bỏ mô bị viêm hay sụn bị bong ra Chỉnh sửa trật khớp vai tái phát. Các thủ thuật ít gặp hơn như giải ép dây thần kinh, chỉnh sửa xương gãy, cắt bỏ u nang cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp vai.Một số phẫu thuật như thay khớp vai, vẫn cần phải mổ hở với vết rạch lớn hơn. Hình ảnh được chụp qua ống nội soi khớp cho thấy màng hoạt dịch ở khớp vai bình thường. (Trái) và màng hoạt dịch bị viêm do tổn thương bởi tình trạng cứng vai (Phải). KẾ HOẠCH PHẪU THUẬT Chuẩn bị bệnh nhân, hồ sơ bệnh án Giải thích với bệnh nhân các nguy cơ, cho bệnh nhân ký giấy phẫu thuật thủ thuật Phương pháp vô cảm: tê đám rối hoặc gây mê nội khí quản Thời gian phẫu thuật: khoảng 1h, tuy nhiên thời gian có thể tùy từng trường hợp tổn thương của từng ca bệnh QUY TRÌNH THỰC HIỆN Đầu tiên bác sĩ phẫu thuật sẽ tiêm dung dịch vào khớp vai để bơm căng khớp. Điều này giúp bác sĩ nhìn thấy rõ hơn tất cả các cấu trúc của khớp vai qua ống nội soi. Sau đó, bác sĩ sẽ rạch một lỗ nhỏ trên vai bệnh nhân (kích cỡ bằng khuy áo) để đưa ống nội soi vào. Dung dịch sẽ chảy qua ống nội soi để giữ cho hình ảnh rõ nét và kiểm soát tình trạng xuất huyết. Các hình ảnh từ ống nội soi được chiếu trên màn hình giúp cho bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy bên trong vai bệnh nhân cùng với các tổn thương.                   Các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình thực hiện phẫu thuật nội soi khớp vai cho bệnh nhân (Trái) Trong quá trình nội soi, bác sĩ phẫu thuật đưa ống nội soi và những dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ vào khớp vai của bệnh nhân. (Phải) Hình ảnh nội soi bên trong khớp vai.   Khi đã xác định rõ vấn đề, bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa những dụng cụ phẫu thuật rất nhỏ vào qua các vết rạch riêng biệt để chỉnh sửa khớp vai. Những dụng cụ chuyên biệt được sử dụng để thực hiện các công việc như nạo, cắt, kẹp,  khâu xuyên, và thắt gút. Trong nhiều trường hợp, những dụng cụ đặc biệt được sử dụng để khâu neo vào xương. (Trái) Hình ảnh nội soi của khớp vai khỏe mạnh. (Giữa) hình ảnh của chóp xoay bị rách, một kẽ hở lớn có thể nhìn thấy giữa mép gân chóp xoay và chỏm xương cánh tay. (Phải) Sợi gân đã được khâu nối lại vào chỏm xương cánh tay. (Trái) Hình ảnh nội soi của khớp vai khỏe mạnh. (Giữa) hình ảnh của chóp xoay bị rách, một kẽ hở lớn có thể nhìn thấy giữa mép gân chóp xoay và chỏm xương cánh tay. (Phải) Sợi gân đã được khâu nối lại vào chỏm xương cánh tay. HỒI PHỤC Sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật bệnh nhân được đưa về phòng hồi tỉnh theo dõi. Sau đó được chuyển về khoa CTCH. Thời gian nằm viên của bệnh nhân khoảng hai đến ba ngày sau đó được hướng dẫn tập phục hồi chức năng và xuất viện Tại nhà Mặc dù nội soi khớp vai có thời gian hồi phục nhanh hơn so với mổ hở, bệnh nhân vẫn có thể cần đến vài tuần hay vài tháng để khớp vai hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân có thể sẽ bị đau và khó chịu trong ít nhất 1 tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân trải qua một cuộc phẫu thuật lớn hơn, có thể mất vài tuần trước khi cơn đau giảm xuống. Chườm đá sẽ giúp giảm đau và sưng. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau nếu cần. Bệnh nhân thường sẽ cần băng đeo hoặc một vật liệu cố định đặc biệt để bảo vệ khớp vai. Bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bệnh nhân về thời gian cần sử dụng băng đeo này. Phục hồi chức năng Sau phẫu thuật khớp vai, phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng giúp bệnh nhân trở lại với các hoạt động hàng ngày. Tùy thuộc vào trường hợp phẫu thuật cụ thể,  bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị bệnh nhân bắt đầu chương trình tập vật lý trị liệu sớm nhất có thể. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ cung cấp các hướng dẫn về điều trị đau và sưng. Đồng thời sẽ cung cấp một chương trình tập luyện để giúp bệnh nhân phục hồi sức mạnh và khả năng vận động của khớp vai. Ngoài ra, bệnh nhân còn được hướng dẫn để thực hiện các hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, làm việc, lái xe, v.v. BIẾN CHỨNG Hầu hết bệnh nhân không gặp biến chứng sau khi nội soi khớp vai.Tuy nhiên, cũng như các cuộc phẫu thuật khác, phương pháp này vẫn có một vài nguy cơ.Các nguy cơ này thường nhẹ và có thể điều trị được.Các nguy cơ có khả năng xảy ra sau khi nội soi khớp vai bao gồm nhiễm trùng, xuất huyết nặng, hình thành máu đông và tổn thương mạch máu hay dây thần kinh. Bác sĩ phẫu thuật sẽ trao đổi với bệnh nhân về những biến chứng có thể xảy ra trước khi phẫu thuật. KẾT QUẢ Vì tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân khác nhau nên thời gian hồi phục hoàn toàn ở mỗi bệnh nhân cũng sẽ khác nhau. Nếu chỉ chỉnh sửa đơn giản ở khớp vai, bệnh nhân có thể không cần sử dụng băng đeo và có thể hồi phục lại sau một thời gian ngắn phục hồi chức năng . Bệnh nhân có thể đi làm hay đi học trở lại trong vòng vài ngày sau phẫu thuật. Thời gian hồi phục sẽ lâu hơn nếu phẫu thuật phức tạp hơn.Mặc dù những vết rạch trong nội soi khớp vai rất nhỏ, nhưng các tổn thương lớn bên trong khớp vai vẫn có thể được chỉnh sửa bằng thủ thuật này.Thời gian hồi phục hoàn toàn có khi mất vài tháng.Mặc dù quá trình này có thể chậm, nhưng việc tuân thủ các hướng dẫn và kế hoạch phục hồi chức năng của bác sĩ phẫu thuật là điều rất quan trọng để phẫu thuật thành công. Hình ảnh phục hồi khớp vai trong quá trình điều trị  

Xem Thêm

DANH MỤC TIN