Cứu sống bệnh nhân thủng tạng rỗng có bệnh lý tim mạch phức tạp

Người viết: Tổ truyền thông

21/05/2020 08:17:28

Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã phối hợp cấp cứu xử trí thành công cho bệnh nhân Nguyễn Bá D(61 tuổi, Quê Thanh Oai-Hà Nội) bị thủng tạng rỗng có tiền sử bệnh lý tim mạch phức tạp.

Theo ghi nhận, Bệnh nhân vào viện vì đau bụng dữ dội vùng thượng vị sau lan ra khắp bụng, bụng chướng, sốt cao, khó thở. Khám khi vào viện bệnh nhân tỉnh táo,phản ứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc dương tính, dấu hiệu nhiễm trùng rõ, sốt 38 độ, nhịp tim chậm. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, qua kiểm tra và thăm khám các bác sỹ đã nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị thủng tạng rỗng – một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, cần được phẫu thuật cấp cứu sớm, kèm theo suy tim.

Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu, tuy nhiên tình trạng bệnh lý tim mạch nặng, phức tạp tiên lượng nguy cơ có thể ngừng tim ngay khi gây mê hồi sức trong và sau mổ. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám Đốc bệnh viện đã hội chẩn chuyên khoa gồm: Cấp cứu, Gây mê hồi sức, Tim mạch, Ngoại tiêu hóa, quyết định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Sau đó kíp can thiệp Tim mạch do các bác sĩ khoa Tim mạch lão học đã đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân đảm bảo huyết động phục vụ cho ca mổ cấp cứu được diễn ra an toàn.

Khi tình trạng tim mạch của bệnh nhân tạm ổn định, Bệnh nhân lập tức được gây mê phẫu thuật ổ bụng. Các Bác sĩ nhận thấy tổn thương trong mổ: lỗ thủng mặt trước hành tá tràng, kích thước 0,5x1cm trên nền ổ loét xơ trai, ổ bụng có nhiều dịch tiêu hóa và giá mạc, các bác sĩ đã tiến hành khâu lỗ thủng, rửa sạch bụng, dẫn lưu rộng rãi. Sau mổ bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt và rất may sau 1 tuần sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt và tiếp tục điều trị tim mạch.

Hình ảnh phẫu thuật thủng tạng rỗng của bệnh nhân D

Tại khoa Tim mạch – Lão học, các bác sĩ tiếp tục khai thác tiền sử bệnh được biết bệnh nhân D đã đi thăm khám nhiều nơi và phát hiện bị rối loạn nhịp tim nhiều năm nay với những triệu chứng như: khó thở, hay bị hụt hơi, choáng váng. Kết quả kiểm tra thăm khám cho thấy bệnh nhân bị rối loạn dẫn truyền, block nhĩ thất độ III, nhịp tim của bệnh nhân: 35-40 lần/phút(chỉ số ở người bình thường khoảng 60 – 80 lần/phút). Qua hội chẩn, các bác sĩ xác định cần đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để đảm bảo bệnh nhân không bị nhịp chậm, tiến tới ổn định nhịp tim và làm giảm tiến triển suy tim, giảm nguy cơ đột tử.

Ekip can thiệp do BSCKI.Đỗ Hữu Nghị - Phụ trách khoa Tim mạch cùng các y bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Hà Đông, đã cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn 2 buồng với sự hỗ trợ của máy C-ARM các bác sĩ đã tiến hành tạo đường vào tĩnh mạch, luồn và cố định điện cực vào thành cơ tim, sau đó nối vào máy tạo nhịp được cấy dưới da.

 Ngay sau đặt máy các th        ông số kỹ thuật của máy ổn định, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số đều ở mức bình thường ghi nhận nhịp máy tạo nhịp là  >60 lần/phút. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân D sau ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn thành công

Sau khi xuất viện thì bệnh nhân sẽ được hẹn kiểm tra máy tạo nhịp sau 1 tháng, sau 3 tháng, sau đó là mỗi 6 tháng/lần, mục đích là đánh giá tình trạng hoạt động của máy và tình trạng nhịp tim của bệnh nhân để điều chỉnh cho phù hợp.

Bác sĩ Nghị cho biết “nếu không đặt máy tạo nhịp tim, bệnh nhân sẽ tiếp tục mệt mỏi, choáng ngất bất ngờ, giảm khả năng lao động cũng như sinh hoạt hàng ngày, có thể gây ngưng tim, thậm chí là đột tử”.

Liên quan đến ca bệnh này, BSCKII.Bùi Đức Duy – Phụ trách Khoa Ngoại Tiêu hóa cho biết thêm “đây là ca bệnh ngoại khoa thường gặp trong cấp cứu tuy nhiên bệnh nhân này có kèm theo bệnh lý nền là tim mạch phức tạp nên đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau, đặc biệt là khoa Gây mê hồi sức và khoa Tim mạch. Cũng chính nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và khẩn trương của đội ngũ Bác sĩ các khoa đã giúp bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần”.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân, nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các bệnh, đặc biệt là với những người có bệnh lý nền để được tư vấn điều trị thích hợp, kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

DANH MỤC TIN