Điều trị suy giãn tĩnh mạch mạn chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch

Người viết: Tổ truyền thông

12/08/2021 09:33:06

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý mạn tính, đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng đưa máu về tim gây ra sự ứ trệ máu ở các hệ thống tĩnh mạch vùng chân. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Trong đó, tỷ lệ nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới ( tỷ lệ 3:1 ).

Bệnh thường tiến triển chậm, việc chẩn đoán bệnh không quá phức tạp nhưng điều trị lâu dài và tốn kém, nhất là khi đã xảy ra biến chứng.

Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ làm tổn thương chức năng của hệ thống van tĩnh mạch một chiều như:

• Tư thế sinh hoạt, làm việc phải đứng lâu, ngồi lâu, ít vận động.

• Tuổi tác.

• Tình trạng thừa cân, béo phì.

• Một số yếu tố nguy cơ khác: phụ nữ có thai, bệnh lý huyết khối tĩnh mạch, bệnh lý khiếm khuyết van bẩm sinh,…

Các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển từ từ qua từng giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu:

• Cảm giác bó chặt ở bắp chân, nặng và mỏi chân.

• Chuột rút ở bắp chân về đêm, cảm giác kiến bò ở chân.

• Các mạch máu nhỏ nổi lên ở vùng cổ chân, bàn chân

Ở giai đoạn tiến triển:

• Chân sưng phù, ngứa, đặc biệt ở vùng mắt cá chân.

• Các tĩnh mạch nổi thành búi dọc theo đùi, mắt cá hoặc đầu gối.

• Thay đổi sắc tố da…

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới diễn tiến âm thầm, có thể gây ra các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch nông và huyết khối mạch sâu gây đau, phù nề, thậm chí là gâu ra các ổ loét nhiễm khuẩn lâu liền.

Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Tuỳ thuộc tình trạng bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và đặc điểm của người bệnh sẽ lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả.

Với tình trạng bệnh lý nhẹ, có thể sử dụng phương pháp điều nội khoa dùng thuốc kết hợp với đeo tất áp lực, thay đổi lối sống cũng như tập vận động hợp lý.

Đối với giai đoạn nặng hơn thì cần ưu tiên phương pháp phẫu thuật, can thiệp nội mạch.

‍Điều trị suy giãn tĩnh mạch mạn chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch

BSCKII Đỗ Hữu Nghị - Trưởng khoa Tim mạch Lõa khoa Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: “Trước đây, khi điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh nhân phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu, gây đau đớn, thời gian hồi phục kéo dài, để lại sẹo, tính thẩm mỹ không cao... Ngày nay, với phương pháp can thiệp nội mạch ít xâm lấn, sẽ rất nhẹ nhàng, ít gây biến chứng, thời gian hồi phục nhanh có thể xuất viện sau 1 ngày, mang tính thẩm mỹ cao không để lại sẹo và gần như không tái phát.”

DANH MỤC TIN