Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh Đái tháo đường 14/11/2021

Người viết: Tổ truyền thông

14/11/2021 08:45:09

Đái tháo đường(ĐTĐ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu lâu dài dẫn đến tổn thương các cơ quan tim mạch, thận, mắt, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tim mạch, mù lòa suy thận, chạy thận, cắt cụt chi không phải do tai nạn. Bên cạnh đó, các biến chứng cấp tính bao gồm: hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong.

Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc…

Biến chứng của bệnh Đái tháo đường

Trên thế giới cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn có 1 người mắc bệnh. 3/4 người mắc đái tháo đường ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Mỗi 6 giây có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Chi phí y tế được sử dụng cho quản lý đái tháo đường chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu.

Bệnh Đái tháo đường – “kẻ giết người thầm lặng”

Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường tốc độ tăng 211% trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, 65% bệnh nhân KHÔNG BIẾT mình mắc bệnh và do bệnh thường được phát hiện muộn.

Mặc dù là căn bệnh thầm lặng và nguy hiểm, bệnh ĐTĐ và các biến chứng vẫn có thể phòng tránh. Điều trị và phát hiện sớm sẽ giảm nguy cơ tử vong và biến chứng.

Hưởng ứng ngày toàn Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Hà đông tuyên truyền với thông điệp “Dinh dưỡng lành mạnh cùng với lối sống lành mạnh giúp ổn định đường huyết và dự phòng biến chứng của bệnh đái tháo đường” chúng ta nên:

Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn (fast food), thực phẩm nhiều tinh bột; tránh thực phẩm nội tạng động vật, thức uống nhiều đường (nước ngọt); Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần; Kiểm soát cân nặng BMI từ 18-25. Trong đó, quan trọng nhất là việc khám tầm soát ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh (6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ) và điều trị thường xuyên đối với người đã mắc bệnh.

Hãy thực hiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng cũng như đi khám định kỳ để được điều chỉnh kịp thời.

DANH MỤC TIN