Kích hoạt báo động đỏ, cứu sống bệnh nhân bị vết thương tim phức tạp

Người viết: Tổ truyền thông

13/05/2020 07:09:35

Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân Đặng Văn T. (40 tuổi, Tân Mai, Hoàng Mai, HN), sốc mất máu nặng đa vết thương (vết thương tim, ngực, bụng, lưng) do bị đâm. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, mạch, huyết áp không đo được, đa vết thương (vết thương thấu ngực hai bên, vết thương bụng, lưng, cánh tay), đặc biệt có một vết thương vào vùng tim. Kíp trực nhận định tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch, sốc mất máu đa vết thương phức tạp, nguy cơ tử vong rất cao.Bệnh viện đã kích hoạt chế độ báo động đỏ toàn viện. Ngay sau khi hội chẩn nhanh bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ, ê kíp phẫu thuật vừa tiến hành hồi sức tích cực vừa phẫu thuật cho bệnh nhân. 

Khi mở ngực trái của bệnh nhân, bên trong ngực có rất nhiều máu loãng lẫn máu cục, các bác sĩ đã hút hết máu và lấy máu cục, kiểm tra tổn thương thấy màng tim rách khoảng 5 cm, rách nhu mô phổi trái, máu từ khoang màng tim liên tục chảy ra. Mở màng tim thấy vết thương gây rách tâm thất trái khoảng 6 cm, chảy nhiều máu. Kíp phẫu thuật vừa cầm máu nhanh chóng, vừa khâu vết thương tâm thất và vết thương phổi trái cho bệnh nhân. Tiếp tục xử lý vết thương ngực phải, sau khi mở ngực phải, bên trong cũng có nhiều máu loãng lẫn máu cục, vết thương gây rách thùy dưới nhu mô phổi dài khoảng 10cm, các bác sĩ lấy bỏ hết máu loãng lẫn máu cục, đồng thời khâu nhu mô phổi, đóng ngực lại. Sau gần 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ kết thúc thành công, bệnh nhân được truyền tổng số 4500ml máu trong cả quá trình phẫu thuật.

Hình ảnh trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân

Chia sẻ về ca bệnh, BSCKII. Nguyễn Quang Phú, phụ trách khoa Ngoại Thần kinh – Lồng ngực, cho biết: Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi nhận thấy đây là ca bệnh rất nặng nên quyết định phải phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân. Nếu chậm trễ thì bệnh nhân có khả năng tử vong rất cao. Việc kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện nhằm tối ưu nguồn lực và thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đa vết thương, đa chấn thương nguy kịch đã được cứu sống khi thực hiện quy trình này.

Bên cạnh đó, BSCKI. Vương Danh Chính, trưởng khoa Gây mê hồi sức, người trực tiếp tham gia gây mê hồi sức cho bệnh nhân nhận định với tổn thương nặng và phức tạp, đây là ca bệnh rất nặng nguy cơ tử vong rất cao trong quá trình gây mê phẫu thuật và hồi sức sau mổ. Trong quá trình điều trị các chỉ số sinh tồn và chức năng tim luôn được theo dõi và đánh giá liên tục. Chúng tôi thường xuyên hội chẩn toàn viện với sự tham gia của các chuyên khoa hồi sức tích cực, tim mạch,phẫu thuật lồng ngực, huyết học…để đánh giá tình trạng bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến của người bệnh.

Bác sĩ thăm khám lại vết mổ cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Hiện tại, bệnh nhân dần ổn định, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường, tiếp xúc tốt, tỉnh táo, sau 3 ngày được rút ống nội khí quản và 5 ngày rút ống dẫn lưu khoang màng phổi hai bên, dự kiến bệnh nhân được ra viện sau 2 tuần điều trị tích cực.

DANH MỤC TIN