Sinh hoạt khoa học tháng 6 về chuyên môn: Răng Hàm Mặt và Y học cổ truyền

Người viết: Tổ truyền thông

09/06/2020 06:15:20

Nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, áp dụng thực tiễn, cải tiến hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh. Chiều ngày 02/06/2020 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học tháng 6 với 02 chuyên đề “Sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III”, Khoa Răng Hàm Mặt và chuyên đề “Hiệu quả và sự an toàn của các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh”, Khoa Y học cổ truyền(YHCT). Buổi sinh hoạt khoa học có sự tham gia của Ban giám đốc bệnh viện và lãnh đạo khoa, phòng, bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện.

BSCKII.Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học

Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII.Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện “nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, đồng thời yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao tinh thần tự giác học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh”.

Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, Ths.Bs Lê Anh Tùng – Khoa Răng Hàm Mặt đã trình bày về “Sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III”. Nội dung báo cáo nhấn mạnh vai trò của hàm Facemask là một loại khí cụ chỉnh hình, sử dụng lực ngoài miệng tác động lên xương hàm trên có tác dụng: làm tách đường khớp để kích thích sự phát triển của xương hàm trên, di chuyển ra trước xương hàm trên và răng hàm trên, xoay xuống dưới và ra sau xương hàm dưới, ngả lưỡi răng cửa hàm dưới. Hàm Facemask có cấu tạo bao gồm ba phần: Mặt nạ ngoài mặt (mask): Làm chỗ tựa để kéo xương hàm trên ra trước; Máng đeo trong miệng: Liên kết thành một khối gắn với răng hàm trên để tăng neo chặn và nâng cao khớp cắn; Hệ thống chun truyền lực: Nối giữa mặt nạ ngoài mặt và máng trong miệng. Tiếp đến Ths.Bs Lê Anh Tùng chỉ ra các trường hợp sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III do kém phát triển xương hàm trên; Bệnh nhân trong độ tuổi đang tăng trưởng; Răng cửa hàm trên có trục bình thường hay ngả sau; Kích thước dọc phía trước trung bình hoặc ngắn. Cuối cùng Ths.Bs Lê Anh Tùng trích dẫn case lâm sàng cụ thể bệnh nhân sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III.

 

Ths.Bs.Lê Anh Tùng – Khoa Răng Hàm Mặt trình bày về chuyên đề “Sử dụng hàm Facemask điều trị khớp cắn loại III”

Tiếp sau đó là chuyên đề “Hiệu quả và sự an toàn của các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh” được chia sẻ bởi Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Hương Giang, Khoa Y học cổ truyền. Theo đó, Báo cáo viên chỉ ra tiêu chuẩn lâm sàng chẩn đoán Mãn kinh: Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên đang hành kinh xuất hiện mất kinh tự nhiên liên tục trong 12 tháng. Đối vớiphụ nữ dưới 40 tuổi tắt kinh, cần làm thêm xét nghiệm để chẩn đoán: nồng độ FSH > 40 mIU/ml và/hoặc estradiol < 50pg/l. Hội chứng mãn kinh: phụ nữ mãn kinh có một trong số 11 triệu chứng theo thang điểm BLATT – KUPPERMAN: bốc hỏa, tâm tính bất thường, mất ngủ, dễ bị kích động, lo âu, chóng mặt, hồi hộp, tính tình yếu đuối, đau cơ xương khớp, cảm giác kiến bò ở da. Trong báo cáo Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang có đưa ra định nghĩa về Mất ngủ là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc thức dậy quá sớm và không quay trở lại được giấc ngủ hoặc ngủ dậy có cảm giác không ngon giấc. Mất ngủ trong YHCT gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”, gồm các thể bệnh:Tâm tỳ lưỡng hư, Âm hư hỏa vượng, Tâm đởm khí hư, Can uất hóa hỏa, Đàm nhiệt nội nhiễu. Mãn kinh có bệnh danh “kinh tuyệt” trong YHCT, là biểu hiện của quá trình lão suy. Cơ chế bệnh sinh chính của thời kì mãn kinh là do thận tinh hư tổn, âm huyết hư dẫn tới một loạt các biến hóa bệnh lý đều ảnh hưởng tới giấc ngủ. Hai thể bệnh hay gặp là Tâm tỳ lưỡng hư và Âm hư hỏa vượng. Khi điều trị bệnh lý mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cần phải áp dụng pháp trị cả tiêu lẫn bản: lấy bổ huyết sinh tinh làm căn bản để điều trị rối loạn thời kì mãn kinh; đồng thời sử dụng các vị thuốc có tác dụng an thần để điều trị triệu chứng. Qua đó, Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang đã đưa ra các bài thuốc trong YHCT để điều trị mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh như: Thuốc sắc YHCT, Điện châm, Nhĩ châm, Cấy chỉ, Cứu, Xoa bóp bấm huyệt, Massage chân, Ngâm chân thảo dược,... Hiện nay các bác sĩ Khoa Y học cổ truyền đã và đang tiến hành nghiên cứu tác dụng của bài thuốc Hậu thiên lục vị phương điều trị mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh trên 15 bệnh nhân có độ tuổi từ 40-65 có mất ngủ, điều trị liên tục trong vòng 30 ngày và cho kết quả bước đầu ghi nhận có đến 60% bệnh nhân mất ngủ có giấc ngủ khá hơn, 27% có chất lượng giấc ngủ tốt hơn sau điều trị. Sau đó, Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang chỉ ra các ưu điểm của các phương pháp này giúp cải thiện triệu chứng mất ngủ đồng thời điều trị vào gốc bệnh, tác dụng an thần gây ngủ là tổng hòa của nhiều thành phần tác động lên giấc ngủ, tác dụng từ từ, ổn định, hạn chế được các tác dụng không mong muốn, tình trạng nhờn thuốc, quen thuốc.

Bs nội trú Nguyễn Thị Hương Giang – Khoa Y học cổ truyền trình bày về chuyên đề “Hiệu quả và sự an toàn của các bài thuốc Y học cổ truyền trong điều trị rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mãn kinh”

Kết thúc phần trình bày của 02 báo cáo viên, các chuyên đề đã nhận được sự quan tâm, đặt ra câu hỏi và thảo luận từ các bác sĩ, điều dưỡng... tham dự trong việc ứng dụng lâm sàng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả tối đa trong khám và điều trị bệnh.

Buổi sinh học khoa học tháng 6 với các chuyên đề đều rất ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao trong lâm sàng, đồng thời giúp các khoa phòng khác trong toàn bệnh viện cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, từ đó học hỏi, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh.  

 

DANH MỤC TIN