Tập huấn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV-AIDS tại cơ sở y tế

Người viết: Tổ truyền thông

03/01/2019 14:17:35

HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, được coi là đại dịch. Những năm gần đây, số người nhiễm HIV và người chết do AIDS đã giảm. Song ở Việt Nam những người bị nhiễm HIV vẫn còn chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Với mục đích tăng cường nhận thức về căn bệnh thế kỷ, ngăn chặn sự lây nhiễm trong y khoa, đặc biệt nhằm thay đổi những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với những bệnh nhân mắc căn bệnh này.  Bệnh viện đa khoa Hà Đông phối hợp cùng HAIVN và CDC tổ chức tập huấn “Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS” . Khóa tập huấn diễn ra trong 3 buổi chiều từ 17/12/2018 đến 19/12/2018 với sự trao đổi, hướng dẫn của BS. Nguyễn Thị Ninh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật HN, BSCKII. Trần Thị Kim Anh, Phó trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cùng các giảng viên tổ chức HAIVN. Số học viên tham gia khóa tập huấn là 30 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế các khoa phòng trong bệnh viện.

Theo BSCKII. Trần Thị Kim Anh, Phó trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết hiện nay, tại khoa Các bệnh nhiệt đới có hơn 800 bệnh nhân HIV-AIDS đang điều trị ngoại trú, được các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trực tiếp thăm khám, chăm sóc, phát thuốc, điều trị và tư vấn. Số lượng bệnh nhân đang điều trị HIV-AIDS tại bệnh viện khá lớn, đây là một thách thức không nhỏ liên quan đến thái độ của nhân viên y tế đối với người mắc căn bệnh này. Vì thực tế, kỳ thị, phân biệt đối xử bệnh nhân HIV-AIDS là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng, điều này cản trở họ được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV-AIDS. Do vậy, mục tiêu của khóa tập huấn hướng tới giảng dạy cho các học viên nắm rõ các nhận thức cơ bản về căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS, cập nhật các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn quan trọng có liên quan, giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV, triển khai các bước hoạt động nhằm giảm phân biệt đối xử, nguyên tắc dự phòng chuẩn.

Trong thời gian 3 ngày, các học viên đã được các giảng viên chia sẻ về thực trạng kỳ thị và phân việt đối xử HIV-AIDS trong các cơ sở y tế hiện nay, thực trạng này tồn tại khiến cho những người nhiễm HIV khi đến các cơ sợ y tế, họ e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng.  Bên cạnh đó, học viên được phổ biến các chính sách,  chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường giảm kì thị, phân biệt đối xử trong cơ sở y tế và Hướng dẫn triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại cơ sở y tế, đặc biệt là chương trình mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV-AIDS: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp. Các giảng viên cũng chia sẻ về  nguy cơ, tỷ lệ lây nhiễm HIV,  nguyên tắc dự phòng chuẩn, đồng thời học viên cũng hiểu rõ hơn về quyền của những người nhiễm HIV trong tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS có chất lượng, nhận diện được mức độ nguy cơ phơi nhiễm HIV trong hoạt động y tế cũng như các biện pháp dự phòng không cần thiết dễ gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Qua đó góp phần xây dựng môi trường y tế thân thiện hơn đối với tất cả bệnh nhân. Thông qua bài tập tình huống “Xác định và gọi tên sự kỳ thị tại cơ sở y tế” thông qua tranh vẽ, các nhóm học viên được linh hoạt sử dụng khả năng, tư duy, kiến thức bài giảng để nêu lên quan điểm của mình về kỳ thị, phân biệt đối xử, phân tích và xác định nguy cơ, lập kế hoạch thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt tại Bệnh viện. Phương pháp giảng dạy này giúp các học viên được truyền đạt một cách tích cực,  dưới sự tham gia, góp ý của thành viên lớp và các giảng viên. Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ là những giảng viên giảng dạy, tuyên truyền cho các đồng nghiệp của mình, các cán bộ y tế về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử bệnh nhân HIV-AIDS.

BS. Nguyễn Thị Ninh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ về tầm quan trọng của các can thiệp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử tại cơ sở y tế

Các nhóm học viên thảo luận bài tập tình huống về các chủ đề liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử bệnh nhân HIV-AIDS

 Thông qua tập huấn, các học viên tham dự sẽ nhận biết được các biểu hiện kỳ thị, phân biệt đối xử và tác động của nó đến những người nhiễm HIV-AIDS và các nhóm có nguy cơ mắc bệnh, chấp nhận, tôn trọng và thừa nhận các quyền của họ trong tiếp cận với chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng; giảm lo sợ cho cán bộ y tế về nguy cơ nhiễm HIV qua công việc tại cơ sở y tế và chấm dứt việc thực hiện các biện pháp dự phòng không cần thiết. BSCKII. Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của buổi tập huấn, giúp các học viên hiểu rõ hơn về HIV-AIDS, từ đó thay đổi thái độ, cách nhìn nhận  tích cực hơn đối với những bệnh nhân mắc căn bệnh này, đồng thời tăng cường chất lượng phục vụ, cải thiện môi trường y tế.

DANH MỤC TIN