Tập huấn Phản vệ, sốc phản vệ, dị ứng thuốc tê

Người viết: Tổ truyền thông

05/12/2019 13:26:52

Nhằm cập nhật và bồi dưỡng thêm kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế, chiều ngày 03/12/2019,  Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi tập huấn với chuyên đề: " Cập nhật phản vệ, sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê" dưới sự hướng dẫn và chia sẻ của PGS.TS Mai Xuân Hiên, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức Cấp cứu - Học viện quân y. Tại buổi tập huấn các nhân viên y tế được cập nhật các kiến thức mới, diễn biến bệnh, các biểu hiện lâm sàng do ngộ độc thuốc tê và cách xử trí khi có dấu hiệu trên.

PGS.TS. Mai Xuân Hiên hướng dẫn, trao đổi chuyên đề: “Cập nhật phản vệ, sốc phản vệ và ngộ độc thuốc tê”

Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Mai Xuân Hiên đã nêu lên khái niệm: Phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính và nguy kịch nhất có nguy cơ gây tử vong. Phản ứng phản vệ được chia ra 3 mức độ. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có biểu hiện ban đỏ, mày đay, phù quanh mắt, phù mạch. Ở mức độ trung bình thấy khó thở, tím, khò khè, nôn và buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, chít hẹp họng miệng, đau bụng. Mức độ nặng, người bệnh tím tái, rối loạn ý thức, ngất, đại tiểu tiện mất tự chủ. Các tác nhân phản vệ thường gặp là kháng sinh, cao su, phản vệ quanh cuộc mổ, thuốc cản quang, ong đốt, thực phẩm,…Đồng thời, giảng viên cũng chỉ rõ cho các học viên các triệu chứng sốc phản vệ được thể hiện qua các cơ quan cơ thể như: da, mắt miệng, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, thần kinh. Trước những biểu hiện khá phức tạp và tính nguy cấp của phản vệ, đòi hỏi nhân viên y tế phải xử trí lâm sàng ngay. Theo đó, PGS.TS Mai Xuân Hiên đã hướng dẫn cách xử trí tức thời đối với điều dưỡng khi gặp phải tình huống bệnh nhân sốc phản vệ, đó là phải loại bỏ dị nguyên, gọi hỗ trợ, tiêm bắp adrenalin, đặt bệnh nhân ở tư thế đầu bằng chân cao, nằm nghiêng, thở oxy, hồi sức dịch. Trong đó, tiêm bắp adrenalin là việc vô cùng cần thiết và quan trọng, liều tiêm, truyền adrenalin và thời gian tiêm cũng được nhấn mạnh trong buổi tập huấn. Trường hợp cần thận trọng khi tiêm adrenalin khi bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, cường giáp, tăng huyết áp, mổ sọ não…Bên cạnh đó, bài giảng cũng đề cập đến phác đồ xử trí đối với các trường hợp nhẹ, nặng và nguy kịch tại khoa hồi sức tích cực. Và điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là: Nhân viên y tế được phép tiêm bắp adrenalin cho bệnh nhân sốc phản vệ theo phác đồ khi chưa có bác sỹ.

Buổi tập huấn với sự tham dự của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Phần thứ hai của buổi tập huấn, PGS.TS Mai Xuân Hiên đã hướng dẫn, trao đổi về chủ đề: “Ngộ độc thuốc tê” đến các học viên. Đốc tính toàn thân của thuốc tê sẽ ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, tim mạch. Các yếu tố ảnh hưởng đến độc tính thuốc tê bao gồm: thuốc, vị trí tiêm, yếu tố bệnh nhân như: tuổi, di truyền, bệnh tim, có thai, tương tác thuốc, toan máu, thiếu oxy máu. Nồng độ thuốc tê trong máu phụ thuộc vào: lượng thuốc tê được tiêm, mức hấp thu, vị trí tiêm, mức phân bố ở mô, mức sinh chuyển hóa, mức bài tiết, liên quan bệnh nhân: tuổi, tình trạng tim mạch, chức năng gan. Biểu hiện ngộ độc thuốc tê được biểu hiện trên toàn thân, hệ tim mạch, hệ thần kinh. Biểu hiện lâm sàng của ngộ độc thuốc tê bao gồm: dấu hiệu thần kinh trung ương:  đắng miệng, tê quanh miệng, kích động, co giật, đờ đẫn, hôn mê hoặc ngưng thở. Dấu hiệu tim mạch qua các biểu hiện: rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp tiến triển, ngừng tim. Cách xử trí đầu tiên là ngừng tiêm thuốc tê, sau đó truyền lipid 20%, kiểm soát đường thở bằng thở oxy 100%, đặt nội khí quản thở máy. Ngoài ra, bài giảng cũng hướng dẫn cấp cứu ngừng tim do ngộ độc thuốc tê, sau đó tiếp tục theo dõi 4-6 giờ nếu có biến cố tim mạch, hoặc ít nhất 2 giờ nếu có biến cố thần kinh trung ương.

Phát biểu kết thúc lớp tập huấn, BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc bệnh viện đánh giá cao và ghi nhận tầm quan trọng, ý nghĩa của buổi tập huấn, giúp các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế kịp thời ứng phó với các tình huống bệnh nhân phản vệ, sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê, đảm bảo an toàn người bệnh.

DANH MỤC TIN