Phẫu thuật thành công khối u lớn nặng 4,3kg chiếm toàn bộ ổ bụng
Thứ Ba 21/04/2020 01:05:41
Tuần qua, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật thành công khối u ổ bụng cực kỳ lớn để cứu sống bệnh nhân. Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Vân (62 tuổi, Vạn Phúc, Hà Đông) có tiền sử huyết áp cao, khoảng hơn 1 năm nay thường xuyên bị đau bụng, bụng to dần, cảm thấy người mệt mỏi, nặng nề, chán ăn. Sau đó, bà V. vào khám tại bệnh viện Hà Đông, thông qua các xét nghiệm được bác sĩ chẩn đoán có khối u mạc treo lớn ở ổ bụng kích thước rất to, khoảng 30x40cm, chèn ép vào thận, niệu quản phải, ruột non, dạ dày và đại tràng, có xâm lấn vào mạc treo ruột non, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khối u này phát triển với kích thước lớn nếu không được phẫu thuật kịp thời, có thể sẽ vỡ, gây chảy máu trong, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, khối u nặng 4,3kg đã được các bác sĩ trong ekip bóc tách trọn vẹn ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Khối u rất lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng, xâm lấn, chèn ép vào nhiều cơ quan, mạch máu quan trọng nên quá trình mổ tương đối khó khăn. Các bác sĩ phải cẩn thận, tỉ mỉ bóc tách, cầm máu kĩ càng, bảo toàn tối đa, tránh gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. 7 ngày sau mổ, bệnh nhân ổn định, hồi phục tốt, hết đau, đi lại bình thường. Khối u lớn với kích thước 30x40cm sau khi được lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân Bệnh nhân Nguyễn Thị V. đã ổn định sức khỏe và được xuất viện BSCKII. Bùi Đức Duy, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện đa khoa Hà Đông đưa ra khuyến cáo đối với người dân khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng. mệt mỏi, chán ăn, gầy sút,… nên đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Ngoài ra, mọi người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh trước khi quá muộn.

Xem Thêm

Cấp cứu thành công bệnh nhi 6 tuổi thủng ổ loét dạ dày tá tràng
Thứ Ba 21/04/2020 00:39:14
Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ nhỏ hiếm gặp nên khi trẻ bị đau bụng, các bậc phụ huynh thường nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun. Tuy nhiên nếu chủ quan và không điều trị kịp thời cho trẻ sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Anh Thư (6 tuổi, Bích Hòa, Thanh Oai) nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, đi ngoài, phân đen. Theo người nhà cho biết, cháu bé có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, từ 3 ngày nay cháu bị chướng bụng, nôn nhiều, liên tục kêu đau khắp bụng. Tình hình không thuyên giảm nên gia đình cho cháu nhập viện vào khoa Ngoại tiêu hóa. Sau khi thăm khám các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng rõ, kết quả siêu âm và chụp CT cắt lớp cho thấy nhiều hình ảnh dịch, khí tự do trong ổ bụng, chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, chỉ định phẫu thuật nội soi. Trong quá trình mổ cho thấy, tá tràng của bệnh nhân có ổ loét đã thủng, nhiều dịch ổ bụng và giả mạc. Ekip mổ đã tiến hành khâu lỗ thủng, rửa sạch và dẫn lưu ổ bụng.  Sau 2 ngày điều trị tại khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh nhân ổn định, hết sốt, bụng mềm, ngồi dậy được, dự kiến được xuất viện sau 7 ngày. Bệnh nhân được khuyến cáo điều trị nội khoa dạ dày sau khi xuất viện để phòng ngừa các biến chứng như bục, loét, chảy máu dạ dày, hẹp môn vị,…  Hình ảnh ổ loét đã thủng ở tá tràng của bệnh nhân Cháu Th.(6 tuổi) sau phẫu thuật, hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định Chia sẻ về ca bệnh, BSCKII. Bùi Đức Duy, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Th. cho biết: Thủng ổ loét dạ dày, tá tràng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc người có tiền sử bệnh dạ dày. Trường hợp bệnh nhân Th. còn nhỏ tuổi, lại không có tiền sử viêm dạ dày trước đó, nên hiếm gặp. Ngoài ra, bác sĩ Duy cũng đưa ra khuyến cáo: Bệnh loét dạ dày, tá tràng ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ tương đối ít, nhưng phụ huynh vẫn cần hết sức lưu ý đến các triệu chứng của trẻ như đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội, cần đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm. Theo các chuyên gia y tế, hiện nay tình trạng viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng, để phòng ngừa cho trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý điều chỉnh lối sống lành mạnh cho sự phát triển của trẻ, loại bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ nhỏ để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP, hạn chế cho trẻ xem tivi hoặc chơi đùa trong khi ăn, ăn nhiều rau quả, đủ chất dinh duỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ 8-10 tiếng/ ngày, giảm stress, căng thẳng trong học tập cho trẻ.

Xem Thêm

Hoại tử cánh cẳng tay vì thuốc tiêm cho gà
Thứ Tư 15/04/2020 06:53:50
Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân tương đối hi hữu, Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Vũ (26 tuổi, Biên Giang, Hà Đông). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, căng tức, sưng tấy đỏ cánh cẳng bàn tay trái. Người nhà cho biết anh V. bị câm điếc bẩm sinh nên nhận thức không được bình thường, 4 ngày trước khi nhập viện, anh V có dùng bơm kim tiêm thuốc cho gà tự tiêm vào tay mình ( theo người nhà là loại thuốc tiêm kích thích cho gà nhanh lớn). Ngay sau khi nhập viện, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Văn V: Áp xe lan tỏa cánh cẳng bàn tay trái do thuốc tiêm cho gà . Theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Tiên lương nặng nguy cơ cắt cụt chi là rấtcao. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu rạch tháo mủ toàn bộ cẳng tay ,cánh tay rộng rãi cả mặt trước và sau, kiểm tra thấy toàn bộ các cơ tím, không chảy máu có dấu hiệu hoại tử. Hậu phẫu bệnh nhân được điều trị tích cực truyền kháng liều cao phối hợp ,truyền máu , truyền dịch , nâng cao thể trạng, thay băng sáng chiều, tình trạng viêm lan tỏa giảm nhưng ngược lại toàn bộ khối cơ cẳng tay cả mặt trước và sau đều hoại tử ( hoại tử hết từ khuỷu đến ngón tay). Sau 10 ngày điều trị tích cực không còn khả năng bảo tồn bênh nhân được phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới cánh tay trái. Hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đang thăm khám cho bệnh nhân Thông qua trường hợp của ca bệnh trên, các bác sĩ khuyến cáo: Khi người dân tiêm thuốc cho gia cầm cần chú ý ngay sau khi tiêm xong bơm kim tiêm cần được thu gom đúng cách không vứt bừa bãi tránh nguy hiểm cho tất cả mọi người đặc biệt là trẻ em và người già, người thiếu hiểu biết, tránh được những hậu quả đáng tiếc như trên. 

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu thành công bệnh nhân bị tăm tre cắm vào thành dạ dày
Thứ Ba 18/02/2020 09:46:42
Hóc dị vật là một tai nạn thường gặp, không chỉ ở trẻ nhỏ mà còn ở người lớn, đôi khi xuất phát từ những thói quen hàng ngày. Tuần qua, tại khoa khám chữa bệnh tự nguyện, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân như vậy.  Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị C. (56 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội từng cơn ở vùng dưới  từ tối hôm trước cho đến ngày hôm sau.  Qua thăm khám bác sĩ xác định được đây là bệnh lý cấp tính ở dạ dày, bệnh nhân được chỉ định nội soi cấp cứu. Kíp kỹ thuật đã tiến hành thủ thuật nội soi thực quản, dạ dày. Khi ống kính nội soi vào dạ dày thì bất ngờ phát hiện dị vật dài, nhỏ cắm vào hai thành dạ dày ngay trước lỗ môn vị, vị trí cắm phù nề có mủ, có nguy cơ thủng dạ dày. Nhận thấy tình hình hết sức nguy cấp, dị vật trong dạ dày cần phải lấy ra ngay nếu không diễn biến khó lường.. Bằng kinh nghiệm chuyên môn, sự tập trung, khéo léo, chỉ vài phút sau, bác sĩ đã dùng kìm cá sấu gắp dị vật ra ngoài thành công, dạ dày không bị tổn thương thêm. Dị vật sau đó được xác định là một chiếc tăm tre nhọn hai đầu. Điều quan trọng ở đây là sự phát hiện sớm và xử trí kịp thời, nếu để muộn sẽ có nguy cơ gây thủng dạ dày, viêm phúc mạc,bệnh nhân sẽ phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Hình ảnh bác sĩ thực hiện nội soi gắp dị vật ra cho bệnh nhân Sau khi nội soi, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết đau bụng. Chia sẻ với bác sĩ, bà C. cho biết, nguyên nhân chiếc tăm tre ở trong dạ dày là do bà thường có thói quen ngậm tăm ở miệng và nằm nghỉ, không may ngủ thiếp đi, chiếc tăm rơi vào trong miệng và trôi xuống dạ dày. Hình ảnh dạ dày bệnh nhân khi mắc tăm tre và sau khi tăm được lấy ra Qua sự việc trên đây là hồi chuông cảnh báo cho mọi người chúng ta nên tránh những thói quen bất cẩn tuy nhỏ, nhưng có thể gây ra những tai họa lớn, khôn lường cho sức khỏe. Từ trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị C. kể trên, bác sĩ cảnh báo: Việc sử dụng tăm là thói quen của nhiều người, trong đó một số người còn có thói quen ngậm tăm khi nằm, khi đi dạo, thậm chí cả khi nói chuyện, có thể gây nguy hiểm nếu lỡ nuốt phải. Nuốt tăm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thường là tăm đâm xuyên thủng ống tiêu hóa. Nếu lỡ nuốt phải tăm, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, nội soi đường tiêu hóa lấy tăm ra càng sớm càng tốt hoặc được phẫu thuật khi có chỉ định.

Xem Thêm

Nội soi gắp bã gừng bị kẹt tại hành tá tràng của bệnh nhân cao tuổi
Thứ Ba 21/01/2020 14:46:39
  Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và nội soi can thiệp thành công cho 1 trường hợp bị mắc dị vật. Đó là bệnh nhân Trần Văn Tr. (72 tuổi, Đông Phương yên, Chương Mỹ). Ông Tr. bị đau bụng âm ỉ từ 2 hôm trước, sau đó vào viện trong tình trạng bụng chướng, đau bụng ngày càng tăng dần thành từng cơn, không trung tiện, đại tiện được. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiến hành nội soi dạ dày. Trong quá trình nội soi phát hiện dị vật là bã thức ăn mắc tại đoạn hành tá tràng bị loét, gây chít hẹp lại. Các bác sĩ đã tiến hành lấy khối bã thức ăn qua nội soi bằng cách cắt khối bã lớn thành nhiều miếng nhỏ, sau đó dùng kìm cá sấu gắp từng miếng nhỏ ra. Tổng thời gian thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp khoảng 20 phút. Sau khi gắp dị vật ra, bã thức ăn được xác định là một miếng gừng. Khối bã thức ăn này có kích thước khoảng 2,5cm. Sau phẫu thuật, ông Tr. đã hết đau bụng, chướng bụng, trung tiên, đại tiện bình thường. Khi biết bã thức ăn bị mắc kẹt trong tá tràng của mình là một miếng gừng, ông Tr. nhớ lại trước đó có ăn lẩu tại gia đình, bản thân lại thích nhá gừng, răng yếu nhai kém nên ông nuốt phải miếng gừng nhưng không nghĩ lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chia sẻ về ca bệnh này, BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: “Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ hay gặp tắc ruột do bã thức ăn vì răng yếu, nhai kém nên hạn chế sự nhai, nghiền nát thức ăn khiến thức ăn còn ở dạng thô. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa suy yếu do hệ thống men tiêu hóa suy giảm chất lượng và số lượng nên lâu tiêu hóa được các chất khó tiêu hơn người trẻ. Trường hợp bệnh nhân Tr. tuổi đã cao, răng yếu nhai kém, bị loét hành tá tràng, lại ăn thực phẩm có nhiều chất bã xơ như gừng, nên bị kẹt lại ở đoạn hành tá tràng bị loét, nếu không kịp thời gắp ra sẽ gây viêm loét nặng hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột” Hình ảnh miếng gừng sau khi được các bác sĩ nội soi cắt nhỏ và lấy ra ngoài BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân sau khi nội soi Các chuyên gia y tế khuyến cáo để tránh nguy cơ mắc kẹt bã thức ăn tại dạ dày, tá tràng hay ở ruột, đặc biệt ở người lớn tuổi cần quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng chế độ ăn uống hằng ngày, thức ăn phải được nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn, tránh ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, tránh ăn thức ăn có chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, nếu có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc do tự ý điều trị hoặc chậm trễ đến bệnh viện.

Xem Thêm

Nam sinh lớp 12 bị đứt cánh tay trên đường đi học về
Thứ Ba 21/01/2020 14:43:58
Ngày 15/01/2020, Tại Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa Hà đông đã tiếp nhận một bệnh nhân nam Nguyễn Anh D (18 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội). Vào viện trong tình trạng vết thương phức tạp ở cánh tay phải do ngã xe lao vào xưởng tôn bị tấm tôn cắt gần như hết cánh tay phải. Tại Bệnh bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp CT đánh giá các tổn thương và chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến – Khoa chấn thương chỉnh hình cho biết: bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, đứt gần hết chu vi cánh tay phải, đầu chi lạnh, mạch tay trụ không bắt được. Vết thương ¾ chu vi cánh tay và 1/3 mặt trước ngoài, đứt toàn bộ khối cơ mặt trước gồm cơ nhị đầu, cơ cánh tay, đứt một 1 phần khối cơ sau cánh tay. Kiểm tra trong mổ cho thấy bệnh nhân bị đứt thần kinh quay, đứt thần kinh bì cánh tay trong đụng giật, chèn ép quanh bó mạch. Sau đó các bác sĩ tiến hành bơm rửa, cắt lọc, giải phóng bó mạch thần kinh cánh tay, nối lại thần kinh quay, nối nhánh thần kinh bì cánh tay trong, nối lại các cơ bị đứt, đặt đầu dẫn lưu. Sau giải phóng mạch đập trở lại. Hình ảnh đứt ¾ chu vi cánh tay của bệnh nhân D Theo bác sĩ Tiến: Do vết thương của em D bị tấm tôn cắt ngang nên nhiều phần cơ, mạch máu bị dập và đứt gần hết chu vi cánh tay chỉ để lại 1 bó mạch thần kinh cánh tay. Đây là trường hợp hy hữu vì chỉ cần vết thương đi vào 1mm nữa là dẫn đến tổn thương bó mạch thần kinh cánh tay, khi đó nguy cơ mất toàn bộ phần dưới thương tổn nếu không được xử lý kịp thời. Ca mổ kéo dài trong 4 tiếng và thành công tốt đẹp. Hiện tại sức khỏe của em D tốt, tỉnh táo, mạch quay đập rõ, đầu chi hồng ấm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để cánh tay bị thương hoạt động bình thường, sau khi vết thương liền da và liền xương, bệnh nhân cần được theo dõi và tập phục hồi chức năng. Từ trường hợp trên, các bạn học sinh khi tham gia giao thông trên đường nên chú ý quan sát, tránh phóng nhanh vượt ẩu để không xảy ra tai nạn đáng tiếc.  

Xem Thêm

Chuyển giao kĩ thuật mới trong sinh thiết vú và điều trị u tuyến giáp lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Tư 27/11/2019 09:57:26
Ngày 24/11/2019, các bác sĩ Bệnh viện trung ương quân đội 108 đã thực hiện chuyển giao 2 kỹ thuật tại khoa Ngoại thần kinh – lồng ngực, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đó là kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB và kĩ thuật đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp. Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB là kỹ thuật không cần phẫu thuật giúp điều trị dứt điểm u vú lành tính (bướu sợi tuyến vú, nang vú, áp xe…). Kỹ thuật này được sử dụng để sinh thiết một khối u nghi ngờ ở vú. Để sinh thiết khối u, thay vì phải mổ hở, các bác sĩ sẽ dùng lực hút chân không bằng kim của máy VABB để cắt và hút mẫu mô ra rồi gửi đi xét nghiệm tế bào học. Sinh thiết này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, nhũ ảnh hay MRI. Bên cạnh đó, sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB còn được sử dụng để lấy toàn bộ những khối u lành tính như bướu sợi tuyến, bướu nhú, viêm vú có kích thước lớn đến 8cm. Như vậy người bệnh sẽ tránh được một cuộc mổ hở, không bị sẹo. Điều này đặc biệt có lợi khi người bệnh có nhiều khối u ở vú. Các trường hợp được áp dụng là bệnh nhân u vú lành tính và u vú tổn thương nhỏ nghi ngờ ác tính. Kĩ thuật này mang lại nhiều ưu điểm như: dễ thực hiện, xâm lấn tối thiểu, không sẹo, không cần điều trị nội trú, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, kết quả rất tốt và tỉ lệ biến chứng thấp. Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh – lồng ngực thực hiện sinh thiết vú Kĩ thuật thứ hai được thực hiện chuyển giao lần này là đốt sóng cao tần (RFA). Đây là phương pháp mới, hiện đại nhất hiện nay trong điều trị u tuyến giáp lành tính. Phương pháp này sử dụng sóng cao tần để hủy các khối u dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao. Nhiệt do ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao sẽ làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông khối u, từ đó làm giảm thể tích bướu giáp. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: độ an toàn cao do không phải rạch da xâm lấn, không cần gây mê nên quá trình theo dõi và tái khám tương đối đơn giản, thời gian thực hiện và nằm lại theo dõi tương đối nhanh giúp tiết kiệm thời gian, quá trình đốt được thực hiện qua một đầu kim rất nhỏ, do đó hoàn toàn không để lại sẹo.   Kĩ thuật điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA Với tinh thần tập trung chuyên môn, trách nhiệm cao trong công việc và tất cả vì người bệnh, các bác sĩ bệnh viện trung ương quân đội 108 và các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chuyển giao thành công hai kĩ thuật mới trong sinh thiết vú và điều trị u tuyến giáp, phục vụ điều trị bệnh nhân mắc bệnh về u vú và tuyến giáp, nâng cao trình độ chuyên môn, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của nhân dân.

Xem Thêm

Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nhờ phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch
Thứ Năm 14/11/2019 10:38:56
Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh nghiêm trọng bằng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn P. (37 tuổi, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốc, trụy mạch, huyết áp tụt, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, ý thức lơ mơ. Theo người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều năm, xơ gan 3 năm nay, khoảng 2 ngày gần đây thấy mệt mỏi nhiều, chán ăn, mất ngủ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nôn ra dịch nâu đỏ, tiểu ít. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu, Xquang tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm đánh giá đường kính tĩnh mạch chủ dưới,.. các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn đường vào tiêu hóa biến chứng suy đa tạng (suy gan, thận, trụy tim mạch), có toan chuyển hóa nặng. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành bù dịch, cấy máu, sử dụng kháng sinh liều cao và thuốc vận mạch, đặc biệt là áp dụng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch – tĩnh mạch, nhằm loại bỏ ra khỏi máu hầu hết các chất độc nội sinh và ngoại sinh, cân bằng dịch và điện giải một cách liên tục, đồng thời ít ảnh hưởng đến huyết động. Quá trình lọc máu được diễn ra liên tục trong 23 giờ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ về các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ, theo dõi sát đề phòng tình trạng đông, chảy máu trên lâm sàng. Sau khi được áp dụng phương pháp lọc máu và điều trị tích cực, sau 3 ngày, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt, cắt được thuốc vận mạch, thoát khỏi tình trạng sốc, thấy tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm giác dễ chịu hơn và tự ăn uống được. Hình ảnh bệnh nhân đang trong quá trình lọc máu liên tục Theo BSCKII. Đoàn Bình Tĩnh, trưởng khoa Hồi sức tích cực & chống độc, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ về phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch: “Đây là phương pháp điều trị tiên tiến và hiện đại trong hồi sức cấp cứu, được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, phương pháp lọc máu này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Sau lọc máu, nguy cơ tử vong cũng như các chỉ số tổn thương giảm rõ rệt. Đặc biệt các yếu tố gây viêm giảm nhiều sau khi lọc máu nên các cơ quan thương tổn nhanh chóng phục hồi” BSCKI. Nguyễn Sơn Nam, khoa Hồi sức tích cực & chống độc thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn P. trước khi ra viện Bên cạnh đó, những bệnh nhân được lọc máu sớm có tỷ lệ sống cao hơn những trường hợp muộn. Các số liệu tổng kết cho thấy, kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng, giảm thời gian thở máy, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng do thở máy và nằm lâu giảm, nhờ đó chi phí điều trị cũng giảm đáng kể.  

Xem Thêm

Dị vật hình bông hoa bằng sắt mắc kẹt trong thực quản bé trai 4 tuổi
Thứ Hai 28/10/2019 10:19:03
Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc dị vật vẫn xảy ra. Tuần qua, bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận một bé trai bị hóc dị vật mắc kẹt trong thực quản. Đó là trường hợp của bệnh nhân Phạm Duy Th. (4 tuổi, xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ, HN). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau cổ họng, nuốt vướng, nuốt đau do hóc phải dị vật. Theo lời kể của gia đình, sau khi ngủ dậy, cháu Th. trong lúc chơi đã nuốt phải một vật nhỏ, sau đó kêu đau họng, bố mẹ ngay lập tức đã đưa cháu vào bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. Tại đây, cháu bé được các bác sĩ chỉ định chụp phim Xquang, hình ảnh cho thấy có dị vật cản quang ở khoảng 1/3 trên thực quản, gần hầu họng. Ngay sau đó người nhà đã chuyển cháu bé thẳng lên Bệnh viện đa khoa Hà Đông để kịp thời xử lý. Sau khi thăm khám và dựa trên kết quả chụp phim Xquang, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiến hành nội soi cấp cứu cho bệnh nhân. Vì bệnh nhân còn nhỏ tuổi, nên các bác sĩ đã quyết định gây mê trong quá trình làm. Ekip thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân có: BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa và BSCKI. Cao Đăng Lâm, phó trưởng khoa Gây mê phẫu thuật. Quá trình nội soi cho thấy:  Cách cung răng trên khoảng 17cm có một dị vật bằng sắt, dạng tròn, cắm vào thực quản. Xác định được vị trí, bác sĩ đã dùng kìm răng cá sấu nhấc dần những chỗ dị vật mắc vào thực quản rồi từ từ lôi ra ngoài.  Ekip nội soi đã xử lý hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận tránh để dị vật rơi vào sâu bên trong, đồng thời tránh làm tổn thương xung quanh thực quản. Sau đó soi kiểm tra lại tình trạng thực quản ổn định, không còn dị vật nào khác. Sau khi được đưa ra ngoài , Dị vật mà cháu Th. nuốt phải được xác định là một vật hình như bông hoa, bằng sắt, bên trong là nhựa, đường kính khoảng 1,2cm. Ca nội soi tiến hành an toàn, hiện cháu bé đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, và không còn vướng mắc, đau họng.         Hình ảnh nội soi khi tiến hành gắp dị vật và sau khi dị vật được đưa ra khỏi thực quản của bệnh nhân Dị vật bệnh nhân Th. nuốt phải có đường kính khoảng 1,2 cm BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ trực tiếp gắp dị vật cho cháu Th. cho biết: Về trường hợp của bệnh nhân Th, cháu 4 tuổi nên đã biết thông tin cho gia đình biết mình nuốt phải dị vật và rất may gia đình đưa cháu đến bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm nhiều đến tình mạng, nếu rơi vào trường hợp các cháu bé nhỏ hơn, chưa biết nói, rất có thể gia đình sẽ không tìm ra nguyên nhân để xử lý. Bên cạnh đó, BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh cũng khuyến cáo: hóc dị vật ở trẻ nhỏ cũng là tình trạng mà các bác sĩ không hiếm gặp. Do trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh nên dễ cho các đồ vật vào miệng dẫn đến hóc các dị vật sắc, nhọn, có hóa chất độc hại… đặc biệt nguy hiểm nên các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng chú ý con em mình, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Xem Thêm

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u thượng thận lớn nhiều năm
Thứ Hai 21/10/2019 09:19:43
Tuần qua, khoa Ngoại  thận Tiết niệu Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiến hành phẫu thuật nội soi thành công cắt bỏ toàn bộ u tuyến thượng thận bên phải từ nhiều năm nay cho bệnh nhân H. Bệnh nhân   Lê Thị  Thu  H,  45 tuổi, ở Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội, vào viện với các triệu chứng đau bụng, mệt lả, giảm vận động tứ chi. Qua thăm khám, các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm sàng lọc,  siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cấp cứu phát hiện thấy khối máu tụ khu vực tuyến thượng thận phải, máu lan nhanh ra khoang sau phúc mạc rồi tràn vào trong ổ bụng. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Việt Đức và tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. BSCKII Bùi Tiến Công  – Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu đồng thời là trưởng ê kíp mổ  cho biết: Ca phẫu thuật diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn khối u tuyến thượng thận phải cho bệnh nhân. Ca mổ thành công tốt đẹp. Hình ảnh chị H sau ngày mổ nội soi thứ 7 Hiện tại chị H đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, tuy nhiên sau mổ bệnh nhân có triệu chứng đái tháo nhạt. Bác sĩ cho biết đây là biểu hiện hay xảy ra sau mổ u tuyến thượng thận nên đã dự đoán trước.Với sự phối hợp của khoa  Nội tiết sau 5 ngày tình trạng đái tháo nhạt đã hết, các chỉ số huyết áp, kali máu cortisol máu được duy trì ổn định. Trước đó, qua khai thác tiền sử BSCKII. Bùi Tiến Công chia sẻ chị H bị bệnh u tuyến thượng thận đã 3 năm nay, cách đây 2 năm chị nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có chỉ định mổ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chị phải xin về nhà để điều trị bằng thuốc. Những ngày gần đây chị bị tăng huyết áp thường xuyên, kèm theo chuột rút, cơ thể mệt mỏi thậm chí có khi 2 tay chị bị liệt không cử động được. Khi vào chị vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông cơ thể gầy yếu, cân nặng là 40kg, chỉ số BMI 16,65.  Cùng với đó BSCKII Bùi Tiến Công  – Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu cho biết thêm: U tuyến thượng thận là bệnh lý hiếm gặp, u nằm sau phúc mạc, giữa thận và gan cạnh các mạch máu lớn nên quá trình nội soi và cắt sẽ rất khó khăn, dễ gây chảy máu. Trường hợp bệnh nhân bị u thượng thận nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể gặp tai biến, dẫn đến tử vong. Trong một số trường hợp bệnh diễn biến kéo dài, âm thầm mà không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng về tim, biến chứng mạch máu nhỏ ở mắt, não, thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.  

Xem Thêm

DANH MỤC TIN