Tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn cho các bà bầu trên 13 tuần
Thứ Sáu 17/09/2021 11:22:16
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19 so với những người không mang thai. Vì vậy, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 ở phụ nữ mang thai trên 13 tuần là cần thiết. Ngày 10/8, Bộ Y tế Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Theo hướng dẫn, phụ nữ mang thai trên 13 tuần thuộc đối tượng được tiêm vaccine COVID-19. Chiều ngày 16/9/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi tại điểm tiêm chủng Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện. BSCKII Trần Ngọc Cường – Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, theo các nghiên cứu thì phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm virus như nhau, song phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ diễn tiến nặng hơn khi nhiễm COVID-19. Chủ động phòng bệnh với nhóm này là thực sự cần thiết nên tiêm vaccine là cách bảo vệ cả mẹ và em bé... Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần được sàng lọc kỹ trước tiêm, cần khám thai để biết tình trạng của mình và em bé trước khi tiêm. Với phụ nữ mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm vaccine nhưng cần phải tầm soát kỹ hơn và tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ. Sau tiêm, thai phụ cũng cần phải theo dõi sức khoẻ kỹ càng hơn cả với mẹ và em bé, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc... cần liên hệ y tế ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được khám, tư vấn ngay lập tức. Sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ cũng nên đi khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và em bé. Theo kế hoạch, bệnh viện sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 loại AstraZeneca cho thai phụ mang thai trên 13 tuần tuổi.   Tại điểm tiêm chủng, các bà bầu đến tiêm đều được khai báo y tế, đo thân nhiệt, khám sàng lọc, kiểm tra lâm sàng, khai thác kỹ các thông tin sức khoẻ, nhất là các thông tin liên quan đến tiền sử dị ứng, tiền sử sử dụng thuốc, từ đó chỉ định cho phép hoặc tạm hoãn tiêm. Tất cả đều được thông tin về loại vaccine đang sử dụng, liều lượng, hạn sử dụng của vaccine. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, ngay sau tiêm, các bà mẹ tương lai sẽ được theo dõi sức khoẻ tại chỗ trong 45 phút, đồng thời được cán bộ y tế bệnh viện hướng dẫn tiếp tục theo dõi trong 24 giờ đầu tiên và 7 ngày sau tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chia sẻ về cảm xúc khi tiêm vaccine phòng COVID-19, chị Trần Khánh L (sinh năm 1989, Hà Đông, Hà Nội) đang mang thai tuần thứ 14 cho biết: "Bản thân tôi rất mừng khi được biết bệnh đa khoa Hà Đông triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các chị em đang mang bầu từ 13 tuần trở lên. Đây là lần đầu tiên mang bầu nên tôi khá hồi hộp và lo lắng. Nhưng khi vào tiêm, tôi được nhân viên y tế tư vấn kỹ càng, tiêm rất nhẹ nhàng nên cảm thấy yên tâm. 45 phút sau tiêm, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ là về nhà theo dõi sức khỏe của mình nếu thấy bất thường thì làm theo đúng căn dặn của thầy thuốc". Lãnh đạo bệnh viện cho biết, quy trình tiêm vaccine được bệnh viện đảm bảo nghiêm ngặt theo các bước quy định của Bộ Y tế. Qua theo dõi sau tiêm, buổi tiêm diễn ra an toàn, không có các triệu chứng dị ứng, phản ứng xảy ra ở thai phụ.

Xem Thêm

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR
Thứ Tư 15/09/2021 14:17:23
Bệnh viện Đa khoa đa khoa Hà Đông vừa được Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR. Bệnh viện có trách nhiệm thực hiện, duy trì năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 và chịu sự giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. S.BS Nguyễn Văn Thắng cho hay: Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang bị các trang thiết bị hiện đại, chuẩn bị đầy đủ các hóa chất, sinh phẩm đạt chuẩn theo quy định. Sau khi tiến hành thẩm định, đánh giá năng lực xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã quyết định cấp giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Qua kiểm tra, Đoàn đánh giá hệ thống xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế theo quy định an toàn sinh học đảm bảo về trang thiết bị y tế cũng như đội ngũ nhân lực. Việc được công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông có ý nghĩa quan trọng, góp phần đáp ứng nhanh với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay, đặc biệt cùng với thành phố nâng cao năng lực xét nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh. BSCKII Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR là phương pháp xét nghiệm xác định sự hiện diện của vi rút thông qua vật liệu di truyền của vi rút SARS-CoV-2 với độ chính xác cao. Kết quả thu được có thể giúp bác sĩ điều trị tiên lượng và đánh giá hiệu quả điều trị cho người nhiễm vi rút. Để có đủ điều kiện triển khai xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, cơ sở hạ tầng khoa Vi sinh phải đạt được các tiêu chuẩn Phòng xét nghiệm SHPT đảm bảo an toàn sinh học cấp 2, máy móc trang thiết bị đầy đủ, kỹ thuật viên của Khoa Vi sinh đủ năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 và Phòng xét nghiệm có hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm đảm bảo đủ các tiêu chuẩn trong thẩm định Phòng xét nghiệm. Phương pháp realtime RT-PCR là một trong những kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và phổ biến nhất hiện nay, có độ chính xác cao, cho kết quả nhanh và có thể sử dụng để xét nghiệm số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn.  Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông sở hữu máy Realtime RT-PCR và máy tách chiết tự động công suất trung bình 300 đến 400 mẫu đơn/ngày, mẫu gộp là 3.000 đến 4.000 bệnh nhân/ngày.

Xem Thêm

Không phát hiện thêm F0 ở công trường xây dựng, BVĐK Hà Đông chữa khỏi cho 41 bệnh nhân COVID-19
Thứ Hai 30/08/2021 10:53:59
Chiều 27/8, BVĐK Hà Đông cho biết đã có 41 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh được ra viện; số bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định, dự kiến cuối tuần sau sẽ được ra viện hết. Bệnh viện luôn chủ động phòng chống dịch ở mức cao nhất, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế Theo BSCKII. Đào Thiện Tiến - Giám đốc BVĐK Hà Đông, từ ngày 5/8 đến 15/8/2021, bệnh viện ghi nhận 57 ca COVID-19 (56 ca là công nhân thuộc công trường xây dựng của bệnh viện và 01 cán bộ thuộc khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn). Tất cả những bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chuyển đến các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 của Thành phố. Từ đó tới nay không phát hiện thêm trường hợp mắc mới. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, khu công trường xây dựng của bệnh viện vẫn tiếp tục phong tỏa theo quy định. Sau 03 lần xét nghiệm tổng thể toàn bệnh viện cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên các công ty dịch vụ thuê ngoài tại bệnh viện bằng phương pháp RT-PCR, 100% mẫu xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2. Điều này chứng tỏ các khoa phòng thuộc bệnh viện ở trong trạng thái an toàn. Bệnh viện cũng đã thực hiện triệt để công tác 4 tại chỗ. Tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV- 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 100% nhân viên y tế và các đối tượng có chỉ định tiêm vaccine tại bệnh viện do TTYT Hà Đông gửi (đảm bảo có lối đi riêng tại cổng 2C Nguyễn Viết Xuân, không tiếp xúc với người trong bệnh viện). Hiện tại, bệnh viện đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các hoạt động khám chữa bệnh thường quy đang được triển khai bình thường.

Xem Thêm

Tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng
Thứ Sáu 27/08/2021 16:15:48
Thực hiện quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/07/2021 của Bộ Y tế phê duyệt đề án “tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện  điều trị người bệnh COVID-19 nặng”. Căn cứ công văn số 346/SYT-TCCB ngày 11/08/2021 của Sở Y tế Hà Nội về việc giao nhiệm vụ đào tạo cho các Trung tâm HSTC vùng; Nhằm mục đích đào tạo nhân lực chuyên ngành Hồi sức tích cực cho các bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc địa bàn Quận Hà Đông; Huyện Mỹ Đức; Huyện Ứng Hòa; Huyện Phú Xuyên; Huyện Thanh Oai; Ba Vì; Chương Mỹ; TX Sơn Tây.   Toàn cảnh lớp tập huấn Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn về “ tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng” cho gần 100 học viên là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các Bệnh viện như: Mỹ Đức; Ứng Hòa; Phú Xuyên; Thanh Oai; Ba Vì; Sơn tây. Chương trình tập huấn được chia làm 3 lớp (Lớp 1 từ ngày 25/08-27/08/2021; Lớp 2 từ ngày 30/08-01-09/202; Lớp 3 từ ngày 06/09-08/09/2021).   BSCKII Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện tại lớp tập huấn Với sự tham gia của BSCKII Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện cùng các giảng viên chuyên môn sâu của Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong lĩnh vực Cấp cứu hồi sức, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm COVID -19 và phòng chống lây nhiễm. Tại buổi tập huấn, các học viên được trực tiếp thảo luận về các nội dung: Tổ chức, quản lý và điều trị bệnh nhân Covid 19 tại BVĐK Hà Đông; Đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên điều trị chăm sóc bệnh nhân Covid-19; Liệu pháp Oxy cho bệnh nhân Covid-19; Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng thở máy. Bên cạnh đó, các học viên sẽ được thực hành bằng hình thức cầm tay chỉ việc tại Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Thông qua chương trình tập huấn lần này đã giúp các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trau dồi thêm kinh nghiệm, cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cũng như chủ động tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19. Đây cũng là một trong những bước quan trọng để chuẩn bị đảm bảo sẵn sàng nguồn nhân lực cho những kịch bản, tình huống tiếp nhận, chăm sóc, điều trị nhiều người bệnh nhiễm COVID – 19 nặng tại chỗ.

Xem Thêm

Tiêm Vắc xin phòng Covid-19 cho bệnh nhân đang điều trị thận nhân tạo
Thứ Tư 25/08/2021 07:40:04
Chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 160 bệnh nhân đang điều trị thận nhân tạo tại Bệnh viện được chia thành 2 ngày, mỗi ngày 80 bệnh nhân và vắc xin được tiêm là Astrazenca. Các bệnh nhân đều được tư vấn và kiểu tra sức khoẻ kỹ càng trước khi tiêm phòng Theo các bác sĩ, các bệnh nhân điều trị thận nhân tạo này đều phải lọc máu định kỳ 3 lần/1 tuần, sử dụng nhiều loại thuốc bổ trợ. Bên cạnh đó, các bệnh nhân còn có thêm nhiều bệnh lý nền nên việc khám sàng lọc được Bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt theo quy định nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Đồng thời, Bệnh viện bố trí kíp cấp cứu hồi sức có kinh nghiệm và chuyên môn sâu trực tại Khoa Nội thận tiết niệu để sẵn sàng xử trí khi có tình huống bất lợi xảy ra, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ngoài ra, các bệnh nhân còn được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn kỹ lưỡng về cách thức ăn uống, nghỉ ngơi và những phản ứng phụ sau tiêm. Bác sĩ Trần Văn Phú, Trưởng Khoa Nội thận tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay: Do điều kiện sức khỏe của bệnh nhân chạy thận nhân tạo không tốt nên vấn đề an toàn khi tiêm cho nhóm bệnh nhân này luôn được các y, bác sĩ đặt lên hàng đầu. Các bệnh nhân đều được kiểm soát thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim... đặc biệt, đều được test nhanh Covid-19 nhằm bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe trước khi tiêm. Sau tiêm, các bệnh nhân đều được yêu cầu ở lại theo dõi 60 phút thay vì 30 phút như người bình thường. Sau tiêm, các bệnh nhân đều được yêu cầu ở lại theo dõi 60 phút thay vì 30 phút như bình thường Còn bác sĩ Đinh Thị Uyên, Trưởng Đơn nguyên tiêm chủng Bệnh viện cho biết: Những bệnh nhân bị bệnh thận thường có hệ thống miễn dịch kém, nên tránh sử dụng các loại vắc xin vi rút bất hoạt. Tuy nhiên, với vắc xin AstraZeneca là an toàn sử dụng với người mắc bệnh thận. "Qua theo dõi trong buổi tiêm, các bệnh nhân chạy thận đều không có các phản ứng dị ứng sau tiêm. Trước đó, các nhân viên y tế cũng được đào tạo rất kỹ về tiêm vắc xin Covid-19, cùng hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế trước khi thực hiện nhằm đảm bảo cho việc tiêm vắc xin được an toàn nhất”, bác sĩ Uyên cho biết thêm.      

Xem Thêm

Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và động viên cán bộ Y Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19
Thứ Sáu 13/08/2021 16:24:02
Sáng 13-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai do Bộ Tư lệnh Thủ đô và Bệnh viện đa khoa Hà Đông quản lý. Tham gia đoàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh... Báo cáo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bác sĩ Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông cho biết, Bệnh viện được Thành phố giao nhiệm vụ phối hợp cùng Sư đoàn 301 – Bộ Tư lệnh Thủ đô vận hành khu điều trị này và đến nay đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở trang thiết bị để có thể đón tiếp bệnh nhân ngay. Bệnh viện huy động toàn bộ 250 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 70 bác sĩ thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng của Sư đoàn 301 chịu trách nhiệm toàn bộ khâu hậu cần như vệ sinh, dinh dưỡng, nhu yếu phẩm và bảo vệ an ninh trật tự cho toàn khu. Dù chưa có bệnh nhân nhưng các phương án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chia làm 3 vùng xanh, đỏ, vàng và đều có các yêu cầu nghiêm ngặt. Rác thải cũng được thu gom theo lối riêng để tránh lây nhiễm. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã động viên, thăm hỏi và giao nhiệm vụ cho các y, bác sỹ, nhân viên y tế và lực lượng quân đội tại khu vực. Lực lượng y tế, quân đội, công an không được để lây nhiễm COVID-19 và cần thực hiện các biện pháp phòng dịch quyết liệt, gương mẫu. "Còn trang thiết bị cần thì báo cáo Thành phố. Quân dân và lực lượng y tế phải kết hợp và nêu cao ý chí. Chưa có bệnh nhân thì chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có bệnh nhân thì phải làm ngày làm đêm, lo cho bệnh nhân để không ai đuối sức hay tử vong”   

Xem Thêm

Liên đoàn lao động TPHN - Công đoàn ngành Y tế Hà Nội - Liên đoàn lao động thăm hỏi động viên và tặng quà CBYT Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Năm 12/08/2021 10:51:16
Sáng 11/8, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Liên đoàn lao động quận Hà Đông đã đến thăm và tặng quà động viên đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng quà cho Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Chia sẻ những khó khăn của Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tặng một số nhu yếu phẩm thiết yếu và 50 triệu đồng cho 50 cá nhân (mỗi cá nhân 1 triệu đồng); Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tặng 10.000.000 đồng tiền mặt và thùng khẩu trang y tế; Liên đoàn lao động quận Hà Đông tặng 20 triệu đồng. BS Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh viện là 01 trong 07 bệnh viện được Sở Y tế giao nhiệm vụ cơ sở điều trị cho bệnh nhân F0 với 250 giường bệnh, có sở điều trị F0 làm 3 tầng: tầng thứ nhất điều trị cho bệnh nhân không có triệu chứng và nhẹ; tầng thứ 2 điều trị bệnh nhân mức độ vừa và trung bình; tầng thứ 3 điều trị nặng và nguy kịch. Bệnh viện cũng được Bộ Y tế giao thành lập Trung tâm điều trị tích cực Covid cấp vùng với 250 giường bệnh. Nhìn chung công tác phòng chống dịch được bệnh viện thực hiện nghiêm túc, trong khu điều trị F0, bệnh viện đang điều trị cho 84 bệnh nhân. Riêng trong công trình xây dựng có 51 trường hợp F0 và 40 F1, ngay khi có ca bệnh, bệnh viện đã lập tức khoang vùng và phối hợp với CDC Hà Nội, TTYT quận Hà Đông xử lý tích cực ổ dịch, toàn bộ công trường được phong toả và khử khuẩn. Cùng với đó, bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ nhân viên các khoa, phòng với 600 mẫu gộp và cho kết quả âm tính. Ngoài ra, TTYT Hà Đông cũng lấy 150 mẫu xét nghiệm cho các hộ dân và chợ dân sinh xung quanh bệnh viện cũng  cho kết quả âm tính. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đang được an toàn. Đối với công tác quan tâm đời sống cán bộ, nhân viên, người lao động của bệnh viện, bác sĩ Tiến cho biết, mặc dù bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn nhưng bệnh viện luôn chủ động, thường xuyên động viên cán bộ, nhân viên, người lao động, đồng thời đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên, người lao động để cán bộ, nhân viên, người lao động yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao cũng như cố gắng hết sức mình tham gia công tác phòng chống dịch. Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tặng quà động viên cán bộ, nhân viên, người lao động Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đồng chí Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Hội bày tỏ sự xúc động, lòng biết ơn trước những nỗ lực, vất vả của các lực lượng cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Đồng chí, mong muốn các cán bộ, nhân viên, người lao động nói riêng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông nói chung tiếp tục khắc phục khó khăn để làm tốt nhiệm vụ, chủ động khoanh vùng, kiểm soát tốt nguồn bệnh, điều trị bệnh nhân, đồng thời giữ vững bệnh viện an toàn.

Xem Thêm

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông kích hoạt toàn bộ kịch bản phòng chống dịch mức cao nhất
Thứ Hai 09/08/2021 10:30:05
Sau khi phát hiện 32 ca dương tính tại khu công trình thi công nhà 9 tầng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) đã kích hoạt toàn bộ kịch bản phòng chống dịch mức cao nhất. Bác sĩ Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Kể từ thời điểm khu công trình thi công nhà 9 tầng thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội TP. Hà Nội quản lý biệt lập với các khu khác của bệnh viện phát hiện các ca mắc COVID-19, bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất. Đến thời điểm hiện tại, tổng số F0 được ghi nhận tại khu vực công trường là 32, số F1 được xác định qua điều tra dịch tễ là 48. Các ca F0 đã được chuyển ngay vào khu điều trị F0 của bệnh viện để điều trị. Các ca F1, sau khi thống nhất với Trung tâm y tế Hà Đông đã chuyển vào khu điều trị bệnh nhân F1 của bệnh viện, định kỳ làm xét nghiệm RT-PCR để theo dõi. Toàn bộ khu vực công trường được phong tỏa và phun khử khuẩn. Công tác điều tra, truy vết để tìm nguồn lây nhiễm vẫn đang được tiến hành theo quy định Bác sĩ Đào Thiện Tiến cho biết thêm: Ngay sau khi phát hiện có ca F0 tại khu vực công trường biệt lập với bệnh viện. Bệnh viện đã tiến hành làm xét nghiệm RT- PCR để sang lọc trên quy mô toàn bệnh viện đối với tất cả bệnh nhân, người nhà bênh nhân, nhân viên y tế và các nhân viên của các công ty thuê ngoài làm việc tại bênh viện. Kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính cho thấy không có sự lây lan bệnh từ công trường xây dựng sang các khu vực còn lại của bệnh viện. Khu vực công trình thi công có 32 ca F0. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế Hà Đông đối với các hộ dân xung quanh bệnh viện, các hộ buôn bán kinh doanh tại các chợ dân sinh lân cận cũng đều âm tính chứng tỏ không có sự lây lan bệnh từ khu vực công trường ra cộng đồng dân cư. Theo bác sĩ Đào Thiện Tiến, bệnh viện đã tăng cường các lực lượng tham gia phòng chống dịch, siết chặt các quy định về An toàn phòng chống dịch như: giảm tải bệnh viện, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ, thực hiện 5K, xét nghiệm RT-PCR định kỳ 3-5 ngày/lần, tiêm phòng vaccine cho toàn bộ nhân viên y tế, nhân viên các công ty thuê ngoài, tăng cường công tác vệ sinh môi trường Với các biện pháp đồng bộ và tích cực như trên và căn cứ vào các kết quả công việc đã làm, bệnh viện khẳng định hiện tại bệnh viện vẫn an toàn và hoạt động trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu đang cấp thiết của hàng ngàn người bệnh. Về quy trình khám chữa bệnh, theo bác sĩ Đào Thiện Tiến, đối với khu khám bệnh, tất cả các bệnh nhân và người nhà đến khám đều được khai báo y tế tại bàn khai báo và được đo thân nhiệt. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở, có hoặc không có yếu tố dịch tễ hoặc bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ thì đi thẳng vào khu khám sàng lọc, cách ly. Bệnh nhân không có triệu chứng, không có yếu tố dịch tễ sẽ khai báo y tế và được hướng dẫn đến khám theo luồng đi phù hợp. Sau khi khám sàng lọc, bệnh nhân được xử trí theo các bước như sau: Nếu bệnh nhân không có nguy cơ, không có yếu tố nghi nhiễm sẽ được thực hiện quy trình khám và cấp phát thuốc thông thường. Đối với bệnh nhân có nguy cơ thấp, trung bình sẽ được cách ly, thực hiện xét nghiệm ngay tại khu vực cách ly, bệnh nhân chờ tại phòng khám sàng lọc đến khi có kết quả và tiếp tục xử lý tùy theo kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, đối với bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ được cách ly riêng ngay lập tức, xét nghiệm RT-PCT và chờ kết quả xét, bệnh viện bố trí khu vực chờ riêng đối với bệnh nhân nguy cơ cao.

Xem Thêm

Chương trình đào tạo " nhận biết và xử trí sơ cấp cứu ban đầu" cho toàn bộ Điều dưỡng - Kỹ thuật viên - Hộ sinh
Thứ Năm 15/07/2021 14:32:51
Cấp cứu người bệnh kịp thời là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi nhân viên y tế, tránh trường hợp bệnh nhân cấp cứu nhưng xử trí chậm trễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Sơ cấp cứu có tầm quan trọng đối với nạn nhân vì sơ cứu ban đầu sẽ quyết định sự sống chết người bị nạn. Bệnh nhân sẽ sống sót nếu sơ cứu kịp thời và đúng cách, hoặc ít ra cũng để lại di chứng nhẹ nhất có thể. Sơ cứu kịp thời sẽ làm cho các chức năng sống bảo tồn, các chức năng sinh hoạt sẽ được phục hồi. Vì vậy, bất cứ ai cũng cần có kỹ năng sơ cấp cứu đặc biệt là cán bộ y tế.  Nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành cấp cứu người bệnh và chất lượng điều trị, từ chiều ngày 06/7 - 13/7/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức chương trình đào tạo “nhận biết và xử trí sơ cấp cứu ban đầu” cho toàn bộ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh trong toàn Bệnh viện. Toàn cảnh buổi đào tạo Tham dự buổi đào tạo có Ts.Bs Nguyễn Văn Thắng – Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông và nhóm giảng viên gồm: BSCKI Nguyễn Sơn Nam – Khoa Hồi sức tích cực; CN Nguyễn thị Phương - TP Điều dưỡng; CN Nguyễn Thanh Hương - ĐDT Khoa Hồi sức tích cực; CN Phạm Văn Tuân - ĐDT Cấp cứu ngoại cùng toàn bộ điều dương, kỹ thuật viên, hộ sinh tại các khoa lâm sàng và cận lâm sàng được chia thành 04 lớp để đảm bảo giãn cách trong phòng chống dịch. Ts.Bs Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc bệnh viện phát biểu tại buổi đào tạo Phát biểu tại buổi đào tạo, Ts.Bs Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc bệnh viện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình đào tạo về cách nhận biết cũng như cách xử trí sơ cấp cứu ban đầu là rất cần thiết, giúp đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh được nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hành về sơ cấp cứu ban đầu, từ đó áp dụng được kiến thức đã học vào thực hành chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Tại buổi đào tạo, học viên đã được cập nhật các kiến thức về: Các nguyên lý cơ bản về sơ cứu, cấp cứu tại chỗ; Nhận biết, xử trí và phòng ngừa phản vệ; Nhận biết và xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn; Nhận biết và xử trí cấp cứu dị vật đường thở; Nhận biết và xử trí cấp cứu ban đầu chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương bụng, sơ cấp cứu gãy xương; Phương pháp vận chuyển bệnh nhân an toàn; Giới thiệu quy trình báo động đỏ nội viện. Dưới sự hướng dẫn, truyền đạt tích cực, nhiệt huyết của nhóm giảng viên, tất cả học viên tham gia với tinh thần sôi nổi và nghiêm túc, tích cực tham gia vào các bài tập giải quyết tình huống được đưa ra sau mỗi bài giảng, cùng nhau thảo luận, áp dụng lý thuyết được truyền tải vào giải quyết các tình huống cụ thể. Đây là chương trình đào tạo thường niên của Bệnh viện đa khoa Hà Đông dành cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh viên nhằm cập nhật, bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cấp cứu mà Bệnh viện đa khoa Hà Đông nỗ lực xây dựng, tạo ra nguồn nhân lực đầy đủ kỹ năng và kiến thức, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh.

Xem Thêm

Bệnh viện đa khoa Hà Đông tích cực, chủ động phòng chống dịch Sốt xuất huyết
Thứ Sáu 09/07/2021 14:03:05
Mùa mưa đến cũng là lúc phải nâng cao cảnh giác với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, trong đó có sốt xuất huyết. Đây là bệnh có thể chủ động phòng tránh, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang còn nhiều biến động, càng không thể để tình hình “dịch chồng dịch” gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2021 đến nay cả nước ghi nhận hơn 22 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020 số lượng ca mắc có giảm, nhưng số ca tử vong lại tăng. Tại Hà Nội, Từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã có 194 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp nào tử vong. Một số quận/huyện có số ca mắc cao như: Đống Đa 43 ca, Hai Bà Trưng 37 ca, Hoài Đức 31 ca... số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây, dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm dịch. Trước diễn biến thất thường của dịch bệnh cộng với việc thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã có kế hoạch chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và phát hiện sớm các ca bệnh, không để dịch bệnh bùng phát tại bệnh viện. Tại các khoa là nơi tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân đầu tiên như khoa Khám bệnh, khám bệnh yêu cầu và cấp cứu luôn đề cao công tác phòng chống dịch, thăm khám bệnh nhân tỉ mỉ, khai thác kỹ thông tin. Đặc biệt lưu ý đến các trường hợp mới đi từ các vùng có dịch và các vùng lân cận, để kịp thời khám sàng lọc phát hiện sớm ca bệnh. Các khoa Lâm sàng phổ biến kiến thức cho người bệnh và người nhà người bệnh về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện và cộng đồng. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan, đặc biệt là nguồn nước cung cấp cho bệnh viện; phun thuốc diệt muỗi tại các khoa, phòng, buồng bệnh và cung cấp đủ màn cho người bệnh điều trị nội trú. Chuẩn bị đủ nhân lực, giường bệnh, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, và các phương tiện cấp cứu, tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch sốt xuất huyết trong toàn bệnh viện qua tờ rơi, áp phích, mạng xã hội … chủ động thực hiện các phương án ứng phó nếu có dịch xảy ra. Để chủ động phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết có hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại gia đình. Đồng thời, người dân cần chủ động thực hiện triệt để các khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng -  Bộ Y tế như sau: Ảnh minh họa (Nguồn:Internet) 1. Sốt xuất huyết thường do bọ gậy gây nên, vì thế cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. 2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy. 3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. 4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. 5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. 6. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao. Hãy cùng chung tay cùng Bệnh viện đa khoa Hà Đông chung tay phòng chống dịch Sốt xuất huyết.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN