Bã thức ăn lớn mắc kẹt trong thực quản người đàn ông được gắp ra thành công

Người viết: Tổ truyền thông

13/10/2020 04:12:14

Vừa qua, khoa Nội tiêu hóa BVĐK Hà Đông tiếp nhận bệnh nhân nam, 58 tuổi, vào viện vì nôn nhiều, nuốt nghẹn. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, khoảng 1 tháng nay nôn nhiều ngay sau ăn, kèm nuốt nghẹn, bệnh nhân nghĩ mình bị trào ngược dạ dày thực quản nên đã tự đi mua thuốc uống nhưng không đỡ, tình trạng nôn ngày càng tăng.Bệnh nhân đi khám tại BVĐK Hà Đông được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày. Lần đầu soi thực quản còn nhiều thức ăn máy soi không đi tiếp được, bệnh nhân được bác sĩ dặn dò nhịn ăn để nội soi lại.Lần thứ 2 bác sĩ nội soi phát hiện một bã thức ăn ở thực quản cách cung răng trên khoảng 35cm, các bác sĩ nội soi tại phòng khám đã gắp và đẩy bằng kìm sinh thiết nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để tiến hành nội soi gây mê gắp bã thức ăn. Tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh nhân được tiến hành nội soi ngay trong ngày , các bác sĩ phát hiện cách cung răng trên 40cm có 1 khối thức ăn bơm rửa không trôi, tiến hành gắp bã thức ăn bằng kìm răng cá sấu. Sau khi gắp bệnh nhân dễ chịu, ăn không còn nghẹn, và không còn nôn sau ăn. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại khoa Nội tiêu hóa.

Hình ảnh bã thức ăn mắc kẹt trong thực quản bệnh nhân

Theo Ths, BS CK II Phạm Thị Đào Chinh – Trưởng khoa Nội tiêu hóa, người trực tiếp gắp bã thức ăn cho bệnh nhân, khối bã thức ăn thường gặp ở những người trong độ tuổi trung niên trở lên, do nhu động đường tiêu hóa suy giảm. Những thực phẩm có khả năng cao hình thành các khối bã như xôi, hồng ngâm, xoài xanh, ổi…bởi các loại quả này có chứa nhiều chất tanin, ngoài ra còn có măng, thịt nạc, gân...đây cũng là những loại thực phẩm có chứa nhiều bã xơ. Thêm vào đó là thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ hình thành khối bã thức ăn. Nguy hiểm nữa, cùng với việc nhiều người thường uống nhiều loại thuốc đông y khiến chúng quyện với thức ăn khó tiêu như thịt, chất xơ tạo thành khối bã thức ăn lớn trong dạ dày người bệnh. Trong trường hợp này, bã thức ăn là một cây nấm, là một loại tuy nhỏ nhưng dễ gây bám dính, bệnh nhân trong quá trình ăn không nhai kĩ nên đã bị mắc ở thực quản. Một số bã thức ăn trôi xuống dạ dày, ruột non có thể gây tắc ruột, khi đó cần phải phẫu thuật lấy khối bã thức ăn.

Cũng theo các bác sĩ, để tránh tình trạng bã thức ăn trong đường tiêu hóa, nhất là ở đối tượng người lớn tuổi, chúng ta nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều bã xơ như hồng ngâm, xoài xanh, ổi, hồng xiêm, măng…Thức ăn cũng cần được nấu kỹ, ninh nhừ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên uống đủ nước, tập thể dục đều đặn (việc này sẽ kích thích hệ tiêu hóa co bóp, làm việc tốt hơn), nhai kỹ thức ăn khi ăn nhất là những người lớn tuổi hoặc có tiền sử có bã thức ăn. Tại khoa Nội tiêu hóa BVĐK Hà Đông, với hệ thống máy nội soi hiện đại cùng các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đã tiến hành lấy các bã thức ăn bằng nội soi, không đau, không khó chịu, có thể ăn uống, đi lại ngay sau khi gắp bã thức ăn.

DANH MỤC TIN