BVĐK Hà Đông: Tổ chức câu lạc bộ Hen phế quản - COPD cho người bệnh nội trú và ngoại trú

Người viết: Tổ truyền thông

11/11/2022 09:53:42

Với mục tiêu cung cấp các kiến thức cũng như cách kiểm soát, phòng tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen phế quản. Giải đáp các câu hỏi thắc mắc về quá trình điều trị bệnh hen, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, xịt bình thở… cho các bệnh nhân sử dụng đúng cách đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị bệnh.

Sáng ngày 05/11/2022, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hen phế quản - COPD. Tham dự buổi sinh hoạt có BSCKII Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc bệnh, các bác sĩ khoa Khám bệnh cùng 130 bệnh nhân hen đã và đang điều trị tại Bênh viện Đa khoa Hà Đông trong nhiều năm qua.

Phát biểu khai mạc, BSCKII Lê Hoàng Tú – Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc quản lý tốt bệnh COPD, phát hiện và điều trị sớm COPD sẽ làm giảm nguy cơ tử vong và những gánh nặng về kinh tế, xã hội khác do COPD mang lại.

Tại buổi sinh hoạt, BSCKI Nguyễn Thị Thanh Minh -  khoa Khám bệnh trình bày các nội dung: phòng tráng các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn cấp tính hen – COPD; Tránh các yếu tố gây khởi phát cơn Hen.

Theo đó, các yếu tố nguy cơ của COPD bao gồm: Do vi khuẩn hoặc virut gây viêm làm tăng tình trạng tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân khó thở nặng hơn; Các yếu tố thuộc về môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, các phần tử bụi bẩn trong môi trường; Tình trạng suy dinh dưỡng; Các bệnh phối hợp: Suy tim và một số các bệnh khác như đái tháo đường, tắc mạch phổi...

 Đặc biệt bệnh nhân có tăng huyết áp: Khi cơn cao huyết áp sẽ làm khởi phát đợt cấp hoặc đợt cấp nặng lên do đó khi vận động gắng sức quá mức cũng có thể gây nên đợt cấp COPD như:

 Gắng sức mức độ nặng: bệnh nhân COPD giai đoạn II hoặc GOLD B (lao động, leo cầu thang, mang vác nặng, đi bộ, chạy…)

 Gắng sức mức độ trung bình: bệnh nhân COPD giai đoạn III hoặc GOLD C (lao động, leo cầu thang, mang vác, đi bộ, dọn nhà …)

 Gắng sức mức độ nhẹ: bệnh nhân COPD giai đoạn IV hoặc GOLD D (đi lại, vệ sinh cá nhân: tắm, giặt, đi đại tiện…)

Thở ôxy quá liều làm tăng CO2 máu trong khi thở ôxy không đủ lại làm bệnh nhân phải gắng sức nhiều, tốn công hô hấp, gây mệt cơ.

Thay đổi thời tiết, thời tiết quá nóng, quá lạnh, độ ẩm cao cũng làm tăng tình trạng viêm nhiễm, kích ứng gây co thắt đường hô hấp làm bệnh nhân khó thở nặng thêm

Các trạng thái tâm lý có thể đóng góp vào quá trình khởi phát một đợt cấp mới

Sử dụng thuốc hợp lý, thận trọng bao gồm cả thở ôxy; tránh các stress về tâm lý và gắng sức quá mức

Sử dụng đúng và đủ các phác đồ dùng thuốc trong dự phòng đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

 Luôn mang theo người thuốc giãn phế quản xịt cấp cứu: Khi ra ngoài để vào túi áo, đi ngủ để đầu gường để khi khó thở có thuốc xịt ngay. Tập thở theo bài dành cho người có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Cải thiện môi trường, tránh ô nhiễm.

Cũng tại buổi sinh hoạt, BSCKII Phí Thị Hải Anh - Trưởng khoa Khám bệnh trình bày Hướng dẫn bệnh nhân hen phế quản - COPD sử dụng đúng dụng cụ hít với các nội dung: Tác hại khi sử dụng dụng cu hít không đúng kĩ thuật; Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng đúng cách các loại dụng cụ hít hiện có tại Việt Nam; Hướng dẫn bệnh nhân nhận biết đúng thuốc ngừa cơn và cắt cơn; Hướng dẫn bệnh nhân biết khi nào thuốc hết.

Theo bác sĩ Hải Anh việc sử dụng đúng các loại dụng cụ, nhận biết đúng thuốc ngừa cơn và cắt cơn, cũng như nhận biết khi nào hết thuốc vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân hen phế quản - COPD giúp bệnh nhân đạt được hiệu quả tốt trong quá trình điều trị bệnh. Ngược lại nếu không nhận biết đúng sẽ gặp tác dụng phụ hoặc biến chứng khó lường.Kết thúc buổi sinh hoạt câu lạc bộ này, bệnh nhân được nâng cao kiến thức về bệnh hen phế quản - COPD, cải thiện kỹ năng thực hành kiểm soát môi trường sống. Đặc biệt biết xử lý khi cơn hen xuất hiện trong trường hợp vận động gắng sức. Đồng thời biết cách sử dụng đúng cách các dụng cụ hít cũng như nhận biết đúng thuốc ngừa cơn cắt cơnbiết khi nào thuốc hết.

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ hen phế quản – COPD

DANH MỤC TIN