Người viết: Tổ truyền thông
28/10/2019 10:19:03
Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc dị vật vẫn xảy ra. Tuần qua, bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận một bé trai bị hóc dị vật mắc kẹt trong thực quản. Đó là trường hợp của bệnh nhân Phạm Duy Th. (4 tuổi, xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ, HN). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau cổ họng, nuốt vướng, nuốt đau do hóc phải dị vật. Theo lời kể của gia đình, sau khi ngủ dậy, cháu Th. trong lúc chơi đã nuốt phải một vật nhỏ, sau đó kêu đau họng, bố mẹ ngay lập tức đã đưa cháu vào bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. Tại đây, cháu bé được các bác sĩ chỉ định chụp phim Xquang, hình ảnh cho thấy có dị vật cản quang ở khoảng 1/3 trên thực quản, gần hầu họng. Ngay sau đó người nhà đã chuyển cháu bé thẳng lên Bệnh viện đa khoa Hà Đông để kịp thời xử lý.
Sau khi thăm khám và dựa trên kết quả chụp phim Xquang, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiến hành nội soi cấp cứu cho bệnh nhân. Vì bệnh nhân còn nhỏ tuổi, nên các bác sĩ đã quyết định gây mê trong quá trình làm. Ekip thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân có: BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa và BSCKI. Cao Đăng Lâm, phó trưởng khoa Gây mê phẫu thuật. Quá trình nội soi cho thấy: Cách cung răng trên khoảng 17cm có một dị vật bằng sắt, dạng tròn, cắm vào thực quản. Xác định được vị trí, bác sĩ đã dùng kìm răng cá sấu nhấc dần những chỗ dị vật mắc vào thực quản rồi từ từ lôi ra ngoài. Ekip nội soi đã xử lý hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận tránh để dị vật rơi vào sâu bên trong, đồng thời tránh làm tổn thương xung quanh thực quản. Sau đó soi kiểm tra lại tình trạng thực quản ổn định, không còn dị vật nào khác. Sau khi được đưa ra ngoài , Dị vật mà cháu Th. nuốt phải được xác định là một vật hình như bông hoa, bằng sắt, bên trong là nhựa, đường kính khoảng 1,2cm. Ca nội soi tiến hành an toàn, hiện cháu bé đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, và không còn vướng mắc, đau họng.
|
|
Hình ảnh nội soi khi tiến hành gắp dị vật và sau khi dị vật được đưa ra khỏi thực quản của bệnh nhân
Dị vật bệnh nhân Th. nuốt phải có đường kính khoảng 1,2 cm
BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ trực tiếp gắp dị vật cho cháu Th. cho biết: Về trường hợp của bệnh nhân Th, cháu 4 tuổi nên đã biết thông tin cho gia đình biết mình nuốt phải dị vật và rất may gia đình đưa cháu đến bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm nhiều đến tình mạng, nếu rơi vào trường hợp các cháu bé nhỏ hơn, chưa biết nói, rất có thể gia đình sẽ không tìm ra nguyên nhân để xử lý. Bên cạnh đó, BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh cũng khuyến cáo: hóc dị vật ở trẻ nhỏ cũng là tình trạng mà các bác sĩ không hiếm gặp. Do trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh nên dễ cho các đồ vật vào miệng dẫn đến hóc các dị vật sắc, nhọn, có hóa chất độc hại… đặc biệt nguy hiểm nên các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng chú ý con em mình, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.