Điều dưỡng nghề cứu người thầm lặng

Người viết: Tổ truyền thông

25/05/2022 09:08:56

Nhắc đến ngành y, chúng ta thường hay nói nhiều về bác sĩ – là những người trực tiếp khám chữa bệnh, đem lại sức khoẻ tốt nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một bộ phận đóng vai trò không nhỏ, kề cận với bệnh nhân nhất đó lại là các điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật viên - Những “người hùng thầm lặng” song hành cùng với các bác sĩ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người bệnh.

Gian nan trong nghề

Điều dưỡng là một nghề đặc biệt, đối tượng phục vụ của nghề là người bệnh, những người thường xuyên phải chịu đau đớn vì bệnh tật, sức khỏe yếu. Hơn ai hết người bệnh cần được chăm sóc bằng cả tình yêu thương, sự thấu hiểu. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày Điều dưỡng luôn thầm lặng chăm sóc và hỗ trợ điều trị người bệnh như “Tình mẫu tử”.

Nếu chăm sóc cho một người bệnh nhẹ đã khó, đã khổ thì chăm sóc cho người bệnh nặng lại  càng áp lực đến mức nào. Bởi vậy, người ta còn nói nghề này giống như “nghề làm dâu trăm họ”, Bởi lẽ nghề vô cùng vất vả, phải đánh đổi hầu hết thời gian để ở bên cạnh bệnh nhân, chăm sóc,theo dõi sức khỏe, thay băng, tiêm truyền, nhận định tình trạng của bệnh nhân, ghi hồ sơ bệnh án… họ phải luôn dành thời gian thăm hỏi, an ủi gia đình bệnh nhân cũng như bệnh nhân yên tâm điều trị, yêu thương họ như chính người thân trong gia đình của mình. Thế nhưng ít ai biết rằng, phía sau thành công của y, bác sĩ là những hy sinh, đóng góp thầm lặng của những người điều dưỡng. Có những hi sinh thầm lặng theo họ suốt cả cuộc đời khi mang trên mình màu áo blouse và sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chỉ khi được chứng kiến công việc hàng ngày của họ mới thấu hiểu nỗi vất vả của những người làm công việc điều dưỡng. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua là một minh chứng đầy xúc động về sự hy sinh thầm lặng của những người điều dưỡng để bảo vệ tính mạng bệnh nhân, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh

Có thể thấy, bên cạnh những vất vả ấy người điều dưỡng còn phải đối mặt với nhiều rủi ro không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên đối với họ lòng nhiệt huyết và tận tâm với nghề vẫn không bao giờ nguội tắt.

Những bệnh nhân khó tính

Đối với nghề điều dưỡng, việc gặp phải những bệnh nhân khó tình là điều không tránh khỏi, thậm chí là thường xuyên liên tục. Có rất nhiều bệnh nhân luôn mang đến sự khó chịu cho các điều dưỡng. Nhưng bản thân là người chăm sóc sức khỏe, họ không thể có bất kỳ phản ứng nào. Vì vậy, có rất nhiều điều dưỡng viên đôi khi cảm thấy rất stress khi tiến hành công việc.

Ngoài việc thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm của mình, những điều dưỡng viên cần phải tự rèn luyện cho mình tâm lý vững chắc cũng như sự kiên nhẫn trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Chia sẻ thực tế của chị Trần Thị Lan Hương – Điều dưỡng khoa Hổi sức tích cực cho biết: là người trực tiếp theo dõi về tình hình sức khỏe và thể trạng bệnh nhân nên đòi hỏi trong mỗi người điều dưỡng sự cẩn trọng, tỉ mỉ, lòng yêu nghề và hết lòng vì người bệnh. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, họ luôn sẵn sàng tiếp đón, hướng dẫn tận tình làm các thủ tục xuất, nhập viện, tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh trước, trong và sau khi người bệnh ra viện. Bên cạnh đó, họ luôn dặn dò hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân giúp người bệnh hồi phục sức khỏe nhanh nhất. Đồng thời, các công việc thường quy như: Lập kế hoạch chăm sóc cho người bệnh, phát thuốc, tiêm thuốc, truyền dịch, phụ giúp bác sĩ làm thủ thuật. Cuối giờ làm bàn giao người bệnh cho điều dưỡng trực, ghi sổ những y lệnh còn lại trong ngày, những yêu cầu theo dõi, chăm sóc đối với từng người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng, luôn được những “người hùng thầm lặng” hoàn thành một cách tốt nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ban lãnh đạo khoa và Bệnh viện giao phó.

Chia sẻ thực tế của chị Nguyễn Thị Hồng – khoa  Ung bướu kể  lại “Mỗi lần chúng tôi cho uống thuốc, bệnh nhân lại nói: “Uống làm gì, trước sau gì cũng chết, tôi không uống đâu, cô đi ra đi, tôi đau lắm, tôi mệt lắm, đừng phiền tôi”.Tuy nhiên, với lương tâm nghề nghiệp cùng với kinh nghiệm làm việc lâu năm, chị thấy thương cảm đối với bệnh nhân thay vì cáu giận với họ. Chính vì vậy, trong quá trình chăm sóc tôi luôn cố gắng dùng hết sức để giải thích cho người bệnh rằng “nếu điều trị tốt họ có thể sống thêm rất nhiều năm việc chúng tôi đang làm chỉ là giúp họ giảm đau đớn, bằng lương tâm nghề nghiệp, chúng tôi chấp nhận những cơn nóng nảy đó để thực hiện tốt bổn phận. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là những suy nghĩ tiêu cực nhất thời khi họ đang phải gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần của bệnh tật”.

Theo sát người bệnh

Một trong những công việc bắt buộc của điều dưỡng chính là phải luôn theo dõi người bệnh mọi lúc, mọi nơi. Đối với những bệnh nhân nhẹ có thể tự mình thực hiện các công việc vệ sinh cá nhân thì công việc có phần nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với những bệnh nhân mất khả năng phục vụ bản thân thì công việc sẽ trở nên khó khăn hơn, các điều dưỡng sẽ phải theo dõi những bệnh nhân này 24/24 để đề phòng bất kỳ vấn đề bất trắc nào xảy đến.

Suốt một ngày theo chân điều dưỡng Hương tại khoa Hồi sức cấp cứu, điều chúng tôi nhìn thấy nhiều nhất có lẽ là những đôi chân sải bước nhanh và những bàn tay không ngừng nghỉ. Những bát cơm, những gói mì ăn vội, sự khẩn trương vượt qua nỗi mệt mỏi về thể xác, sự cần mẫn chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người bệnh. Chẳng mỹ từ nào có thể đủ để diễn tả về nghề điều dưỡng. Dù là lễ tết, dù là con cái hay người thân ở nhà, họ đều phải tạm gác lại không thể chăm sóc chu toàn cho gia đình được. Làm việc cống hiến hết thời gian trong ngày để chăm sóc bệnh nhân nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự cảm thông, chia sẻ, không ít lần bản thân những điều dưỡng đón nhận những bức xúc, to tiếng của bệnh nhân và người nhà người bệnh… Mỗi công việc đều có niềm vui nỗi buồn đan xen nhau, cùng nhau chia sẻ vượt qua khó khăn để gắn bó nhau hơn. 

Cũng có nhiều người bệnh, người nhà người bệnh nhân khi ra viện đã thấu hiểu, cảm thông và biết ơn những người điều dưỡng đã hàng ngày chăm sóc họ khi đau ốm. Đôi khi họ nhận được những bức thư cảm ơn, những lời động viên, những bông hoa tươi thắm, những món quà nhỏ từ người bệnh, dù giá trị vật chất không nhiều nhưng cũng làm họ cảm thấy ấm lòng. Người bệnh thì đâu phải ai cũng có tính cách giống nhau, cũng có người này người nọ, tính tình, cách cư xử, trình độ văn hóa khác nhau. Để hiểu và đáp ứng được những mong muốn của người bệnh hẳn phải là những người thực sự tận tâm, yêu nghề lắm mới vượt qua những khó khăn để có thể bám trụ với nghề và hoàn thành tốt công việc này.

Trong những lời thơ về “Nghề điều dưỡng” có câu:

“Nghề điều dưỡng, làm dâu trăm họ

Lắm vất vả, càng nhiều đắng cay

Lúc nhọc nhằn chỉ biết lau mồ hôi, nở nụ cười

Trước tình người, mang trọn niềm tin

Tận tình sẻ chia, tận tụy chăm sóc

Vất vả thầm lặng...

Để rồi hạnh phúc xiết bao...

Khi cùng đồng nghiệp cứu sống bệnh nhân...”

Thật hạnh phúc khi nhận được cái vẫy tay chào của người bệnh cùng nụ cười, lời cảm ơn khi rời khoa của người bệnh và người nhà người bệnh. Qua những năm công tác, các Điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Hà Đông ngày càng tự hào là những “người hùng thầm lặng” song hành cùng các bác sĩ trên mọi mặt trận góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hy vọng rằng các bạn đồng nghiệp hãy cố gắng hết mình mang lại niềm tin cho người bệnh và người thân của họ giúp họ tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn và biến niềm tin ấy thành hiện thực. Chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe để luôn tận tâm, tận lực, thắp lửa và cháy hết mình trên con đường Điều dưỡng đã chọn.

DANH MỤC TIN