Gia tăng nhiều ca nặng nhập viện do chó tấn công, Bác sĩ khuyến cáo cách xử lý

Người viết: Tổ truyền thông

26/02/2023 09:47:51

Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước liên tục xảy ra những vụ việc thương tâm bị chó tấn công, theo khuyến cáo từ ngành y tế, bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bệnh nhân nhiễm bệnh dại đã lên cơn thì sẽ tử vong, do đó việc sử dụng vắc xin đúng và kịp thời sau khi phơi nhiễm là biện pháp duy nhất điều trị dự phòng an toàn, đảm bảo tính mạng người bị chó dại cắn.

BS CKII. Trần Quang Toản – khoa Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Trong những ngày qua Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chó tấn công, điển hình là chị Nguyễn Thị T. (55 tuổi ở Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đa vết thương phần mền do chó tấn công vào vùng ngực, đùi và cẳng chân. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và thực hiện cấp cứu khẩn cấp, trải qua 6 ngày điều trị tích cực hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Chị T. cho biết trên đường về nhà, chị đi qua nhà hàng xóm thì bất ngờ bị chó tấn công. Điều đáng nói, trước đó con chó này cũng từng cắn một người nhưng vẫn được chủ của nó vô tư thả rông nơi công cộng, bất chấp những nguy hiểm chúng có thể gây ra. 

Cùng với đó bác sĩ Toản cũng cho biết thêm, bệnh nhân Nguyễn Thị Bảo A. (5 tuổi, tại Hòa Phú, Ứng Hòa, Hà Nội) vào viện trong tình trạng vết thương tại khủyu tay trái rất phức tạp với vết cắn gây rách da rộng, chảy nhiều máu và gây đau dữ dội. Trải qua nhiều ngày điều trị các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ của bệnh nhân  A  đã dần ổn định và hoàn toàn không gây mất chức năng vận động.

Bác sĩ Toản khuyến cáo: những tổn thương do bị chó cắn gây ra mà cụ thể là nguy cơ mắc bệnh dại, đe dọa đến tính mạng nạn nhân cũng rất cao. Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu đối với người bị chó cắn có vai trò vô cùng quan trọng.

Khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Sau đó, sát trùng lại bằng cồn 70 % hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Các chất sát trùng đơn giản phổ biến trong nhà có thể sử dụng như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm ngay sau khi bị cắn. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý theo tùy từng trường hợp. Thời gian tốt nhất để điều trị dự phòng bệnh dại là 24-48 giờ sau khi bị cắn.

Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu, chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại và xử lý vết thương theo quy trình càng sớm càng tốt.

 

Khi bị chó cắn hoặc khi thấy chó ốm, người nhà tuyệt đối không được đập chết chó hoặc bán chó trong vòng 10 ngày. Làm như vậy, không những không theo dõi được tình trạng của chó, mà còn vô tình làm phát tán mầm bệnh ra khỏi cộng đồng.

Theo khuyến cáo chung của các bác sĩ, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với chó, không thả rông chó nếu không đeo rọ mõm. Ngoài ra, cần giáo dục cho trẻ cách phòng tránh, cách xử lý ban đầu khi bị chó, mèo cắn.

DANH MỤC TIN