Những điều cần biết về bệnh suy giãn tĩnh mạch

Người viết: Tổ truyền thông

16/05/2022 08:47:29

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới (suy giãn tĩnh mạch chân) là nguyên nhân gây ra tàn tật cho người bệnh, nếu nặng có thể dẫn đến mất chi hoặc tử vong. Tuy nhiên nhiều người lại chủ quan, bỏ qua căn bệnh này vì dấu hiệu ban đầu khá mơ hồ.

Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là các bất thường về chức năng và hình thể của hệ tĩnh mạch diễn biến kéo dài. Biểu hiện bằng các triệu chứng giãn tĩnh mạch, nặng tức chân, phù và các thay đổi ở da tùy theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh, hậu quả của bệnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

NỘI DUNG:

Trước đây, giãn tĩnh mạch được coi là một vấn đề thẩm mỹ chỉ ảnh hưởng tới cảm giác thoải mái của người bệnh chứ không phải là nguyên nhân gây ra tàn tật. Tuy nhiên, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính nặng có thể dẫn tới mất chi hoặc tử vong.

BSCKII Đỗ Hữu Nghị - Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường gặp ở người trên 50 tuổi, đôi khi xuất hiện cả ở những người trẻ tuổi hơn. Khi chức năng đưa máu trở lại tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giảm, dẫn đến tình trạng máu ứ đọng và gây biến dạng mô xung quanh, hình thành bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Bệnh gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

"Suy giãn tĩnh mạch chi dưới tương đối phổ biến nhưng triệu chứng lại dễ nhầm lẫn với viêm khớp, đau khớp chân, đau thần kinh cơ dẫn đến việc điều trị không hiệu quả. Lâu dần, suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như những vết loét lâu ngày có thể nhiễm trùng và chảy máu, thậm chí là hình thành huyết khối trôi về tim, gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngay khi phát hiện, bệnh nhân cần phải đến khám và điều trị kịp thời theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa" – BS. Nghị tư vấn.

Nguyên nhân không ngờ khiến bạn bị suy giãn tĩnh mạch chân mà không biết - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

1. Nguyên nhân gây ra bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Hiện nay chưa có một nguyên nhân rõ ràng nào trực tiếp gây nên bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh lý này:

  • Một số tư thế sinh hoạt hoặc đặc thù nghề nghiệp phải ngồi một chỗ lâu, ít vận động, hay phải mang vác nặng…
  • Môi trường làm việc ẩm thấp, phải đứng lâu;
  • Sử dụng giày không phù hợp gây tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ.
  • Những người mắc bệnh béo phì, chế độ ăn thiếu chất xơ, vitamin.
  • Phụ nữ mang thai nhiều lần cũng dễ gặp phải bệnh lý này.
  • Quá trình thoái hoá tuổi già là nguyên nhân hay gặp nhất gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

2. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới có 3 giai đoạn tiến triển bệnh, nếu không để ý rất có thể bệnh nhân không nhận biết và bỏ qua cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn biến chứng.

Giai đoạn đầu: Các dấu hiệu không rõ nét, dễ dàng bị bỏ qua như:

  • Đau mỏi chân, cảm giác nặng nề khi đi lại, mang giày thấy chật hơn bình thường;
  • Khi đứng lâu sẽ bị mỏi hoặc phù nhẹ chân;
  • Ban đêm có thể gặp tình trạng bị chuột rút;
  • Có cảm giác kim châm ở vùng chân, các mạch máu nổi li ti.

Nguyên nhân không ngờ khiến bạn bị suy giãn tĩnh mạch chân mà không biết - Ảnh 3.

Hình ảnh bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Giai đoạn tiến triển:

  • Phù chân, phù mắt cả chân hoặc cả bàn chân;
  • Thay đổi màu sắc ở vùng da cẳng chân;
  • Để ý sẽ thấy các tĩnh mạch nổi phồng trên da gây nên cảm giác đau nhức, khó chịu;
  • Nặng hơn có thể xuất hiện các búi tĩnh mạch hoặc các mảng bầm máu trên da.

Giai đoạn biến chứng: Khi bệnh đã ở giai đoạn 3, một số biến chứng xuất hiện rõ ràng hơn cụ thể:

  • Bệnh nhân bị viêm tĩnh mạch nông huyết khối, lâu dần tiến triển thành thuyên tắc tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi;
  • Giãn vỡ tĩnh mạch gây chảy máu nặng.
  • Nhiễm khuẩn vết loét.

3. Khi nào cần điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới?

Tuỳ thuộc vào thể trạng và giai đoạn tiến triển bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định và phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới:

  • Điều trị nội khoa;
  • Phẫu thuật;
  • Can thiệp tĩnh mạch bằng laser nội mạch.

Trong đó, can thiệp tĩnh mạch bằng laser nội mạch để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới là phương pháp hiện đại, đạt được hiệu quả cao và tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân. Nguyên lý của phương pháp can thiệp tĩnh mạch bằng laser là phóng thích một năng lượng vừa đủ vào trong lòng tĩnh mạch để phá hủy tĩnh mạch bằng những phản ứng sinh lý không thể đảo ngược.

Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế xâm lấn, ít gây đau đớn. Sau khi can thiệp, bệnh nhân có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Không cần phải ở lại viện và có thể về nhà ngay trong ngày. Thời gian phục hồi nhanh khi đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Cũng theo BS. Nghị, tính đến tháng 5/2022, tại BVĐK Hà Đông có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị suy tĩnh mạch bằng laser cho kết quả thành công cao, hiện tại không ghi nhận biến chứng nào theo dõi sau 1 tháng: 100% không có dòng trào ngược tái phát; 100% cải thiện triệu chứng lâm sàng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Được biết, nếu như trước kia, bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới phải tốn hàng chục triệu đồng cho một lần điều trị, thì nay theo quy định của BHYT, bảo hiểm sẽ chi trả nhằm làm giảm bớt gánh nặng lớn về chi phí cho bệnh nhân.

Nguyên nhân không ngờ khiến bạn bị suy giãn tĩnh mạch chân mà không biết - Ảnh 5.

Điều trị cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

4. Cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh suy giãn tĩnh mạch không những làm mất thẩm mỹ mà còn có thể gây ra những nguy hiểm khó lường. Tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh bệnh một cách dễ dàng, chỉ cần thay đổi lối sống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chẳng hạn:

- Không nên mang giày cao gót để tránh việc dồn trọng lượng cơ thể xuống hai bàn chân, gây áp lực lên các tĩnh mạch chân, nên chọn những đôi giày gót thấp vừa phải, da mềm.

- Nên mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, tránh bó sát đặc biệt là ở chân, hông.

- Không nên ngồi xổm, đung đưa, vắt chéo chân gây cản trở máu lưu thông. Nên chọn ghế ngồi phù hợp, và kê cao chân khi nằm khoảng 20cm so với tim.

- Không nên ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ, nên đi lại thường xuyên, giãn cơ để các tĩnh mạch không bị quá tải.

- Tập các bài tập nhẹ như chạy bộ, bơi lội, thể dục dưỡng sinh... để nâng cao sức khỏe và có lợi cho hệ thống tĩnh mạch chân.

- Hạn chế tắm nước nóng hay xoa bóp dầu nóng tại vùng da bị bệnh vì sẽ làm các tĩnh mạch giãn nở to hơn, bệnh sẽ càng nặng hơn.

DANH MỤC TIN