Nội soi gắp bã gừng bị kẹt tại hành tá tràng của bệnh nhân cao tuổi

Người viết: Tổ truyền thông

21/01/2020 14:46:39

 

Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và nội soi can thiệp thành công cho 1 trường hợp bị mắc dị vật. Đó là bệnh nhân Trần Văn Tr. (72 tuổi, Đông Phương yên, Chương Mỹ). Ông Tr. bị đau bụng âm ỉ từ 2 hôm trước, sau đó vào viện trong tình trạng bụng chướng, đau bụng ngày càng tăng dần thành từng cơn, không trung tiện, đại tiện được. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiến hành nội soi dạ dày. Trong quá trình nội soi phát hiện dị vật là bã thức ăn mắc tại đoạn hành tá tràng bị loét, gây chít hẹp lại. Các bác sĩ đã tiến hành lấy khối bã thức ăn qua nội soi bằng cách cắt khối bã lớn thành nhiều miếng nhỏ, sau đó dùng kìm cá sấu gắp từng miếng nhỏ ra. Tổng thời gian thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp khoảng 20 phút. Sau khi gắp dị vật ra, bã thức ăn được xác định là một miếng gừng. Khối bã thức ăn này có kích thước khoảng 2,5cm.

Sau phẫu thuật, ông Tr. đã hết đau bụng, chướng bụng, trung tiên, đại tiện bình thường. Khi biết bã thức ăn bị mắc kẹt trong tá tràng của mình là một miếng gừng, ông Tr. nhớ lại trước đó có ăn lẩu tại gia đình, bản thân lại thích nhá gừng, răng yếu nhai kém nên ông nuốt phải miếng gừng nhưng không nghĩ lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chia sẻ về ca bệnh này, BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: “Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ hay gặp tắc ruột do bã thức ăn vì răng yếu, nhai kém nên hạn chế sự nhai, nghiền nát thức ăn khiến thức ăn còn ở dạng thô. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa suy yếu do hệ thống men tiêu hóa suy giảm chất lượng và số lượng nên lâu tiêu hóa được các chất khó tiêu hơn người trẻ. Trường hợp bệnh nhân Tr. tuổi đã cao, răng yếu nhai kém, bị loét hành tá tràng, lại ăn thực phẩm có nhiều chất bã xơ như gừng, nên bị kẹt lại ở đoạn hành tá tràng bị loét, nếu không kịp thời gắp ra sẽ gây viêm loét nặng hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột”

Hình ảnh miếng gừng sau khi được các bác sĩ nội soi cắt nhỏ và lấy ra ngoài

BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân sau khi nội soi

Các chuyên gia y tế khuyến cáo để tránh nguy cơ mắc kẹt bã thức ăn tại dạ dày, tá tràng hay ở ruột, đặc biệt ở người lớn tuổi cần quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng chế độ ăn uống hằng ngày, thức ăn phải được nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn, tránh ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, tránh ăn thức ăn có chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, nếu có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc do tự ý điều trị hoặc chậm trễ đến bệnh viện.

DANH MỤC TIN