Hà Nội công bố 10 bệnh viện chất lượng 'mức độ cao' và 5 bệnh viện 'mức độ thấp'
Hà Nội công bố 10 bệnh viện chất lượng 'mức độ cao' và 5 bệnh viện 'mức độ thấp'
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá theo bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; tổ chức khảo sát sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế; kiểm tra công tác cấp cứu, hồi sức tích cực người bệnh; áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nâng cao chất lượng và phản hồi một số văn bản phục vụ quản lý nhà nước.
Tổng số bệnh viện được kiểm tra, đánh giá, phúc tra là 80/85 bệnh viện (đạt 94%). Trong đó có 42/42 bệnh viện công lập; 37/42 bệnh viện ngoài công lập; 1/1 bệnh viện Bộ, ngành.
Kết quả kiểm tra, đánh giá xếp loại, đoàn ghi nhận 10 bệnh viện có mức đánh giá chất lượng cao nhất gồm Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh. Bên cạnh đó có 5 bệnh viện ở mức đánh giá chất lượng thấp.
5 Bệnh viện có mức đánh giá chất lượng thấp nhất là Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Chữ Thập Xanh, Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì, Bệnh viện Mắt Ánh sáng, Bệnh viện mắt Hitec.
Qua kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả cao hơn các năm trước ở tất cả các nội dung cải tiến chất lượng bệnh viện. Tỉ lệ tiêu chí mức 4, 5 (chất lượng tốt và rất tốt) của các bệnh viện tăng so với năm 2022. Đặc biệt là hoạt động hướng đến người bệnh, chỉ số hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế cải thiện qua từng năm.
Nhiều đơn vị đã áp dụng những sáng kiến, cải tiến quy trình, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, triển khai hoạt động chuyên môn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại các đơn vị cần sớm khắc phục. Đó là cơ sở vật chất của một số bệnh viện xuống cấp, nhất là khu khám bệnh của các bệnh viện tuyến huyện.
Trình độ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của một số cán bộ y tế còn hạn chế; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có lúc, có nơi còn biểu hiện chưa tốt.
Ngoài ra, các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính còn gặp khó khăn để đảm bảo nguồn thu và đời sống cho nhân viên y tế ảnh hưởng đáng kể đến công tác khám, chữa bệnh.
Trước đó, nói về chất lượng bệnh viện, TS.Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sau hơn 10 năm áp dụng bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, diện mạo của nhiều bệnh viện thay đổi, được Chính phủ, nhân dân công nhận, ủng hộ.
Điều này được thể hiện bằng việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 thông qua ngày 9/1/2023 tại các Điều 49, Điều 57, Điều 58 quy định về việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện, hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế là đơn vị đầu mối, thông qua phương án xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh gồm Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản và Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao.
Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản sẽ được dự thảo dựa trên nội dung các tiêu chí từ mức 1 đến mức 3.
Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao sẽ được dự thảo nội dung các tiêu chí từ mức 4 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trong khu vực châu Á) và các tiêu chí mức 5 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trên thế giới).
Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc sẽ phải bắt buộc hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản để được duy trì hoạt động.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ công bố danh sách công khai các bệnh viện đạt tiêu chuẩn cơ bản để người dân có quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc gia trở lên.
Cũng về đánh giá chất lượng bệnh viện, cuối năm 2023 Sở Y tế TP.HCM cũng công bố đánh giá chất lượng bệnh viện. Qua đánh giá, Sở Y tế này đã ghi nhận hầu hết các bệnh viện có nhiều hoạt động cải tiến rõ rệt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần xây dựng nền kinh tế Thành phố trong năm vừa qua. Cụ thể trong 37 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (mức chất lượng tốt) có 11 bệnh viện trên 50% tiêu chí đạt mức 5 (mức tối đa).
Kết quả có 8 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 tăng 33% so với năm 2021, 29 bệnh viện từ 4 - 4,5 tăng 11,5% so với năm 2021 và 9 bệnh viện dưới 3 giảm 40% so với năm 2021.
Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9% so với năm 2021, nhóm bệnh viện Thành phố tăng 2,5% so với năm 2021 và nhóm bệnh viện quận huyện tăng 0,3% so với năm 2021.
Qua đó, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm bệnh viện công lập. Nhóm bệnh viện quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn các nhóm khác.
Theo đó, Bệnh viện Hùng Vương đứng đầu danh sách với 4,73 điểm (cao nhất là 5 điểm). Trong khi đó, thấp nhất là Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn với 2,32 điểm.
Ngoài những ưu điểm của các bệnh viện qua đợt kiểm tra trên, Sở Y tế ghi nhận vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục và ưu tiên cải tiến trong thời gian tới về các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng tiết chế, các vấn đề tuân thủ quy định ghi chép hồ sơ bệnh án và đặc biệt lưu ý các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự khi có thay đổi phải được cho phép bởi cơ quản quản lý có thẩm quyền để duy trì hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh đảm bảo an toàn người bệnh.