Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em không để lại sẹo

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em không để lại sẹo
Chuyên môn | 30/05/2024

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em không để lại sẹo

Người viết: Truyền thông BVHD

Trong gần một năm trở lại đây, các bác sĩ khoa Ngoại thận tiết niệu- Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã ứng dụng thành công và làm chủ phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em. Với kỹ thuật này, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.

Với kỹ thuật này, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.

Theo BSCKII Nguyễn Quốc Đông - Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận và phẫu thuật cho khoảng gần 100 trẻ mắc bệnh lý thoát vị bẹn hoặc là dị tật bẩm sinh. Do còn ống phúc tinh mạc nên khi tăng áp lực ổ bụng, ruột chui xuống bìu, nếu không được phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ hoại tử ruột. Thoát vị bẹn thường gặp ở bé trai và thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh thiếu tháng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Trẻ bị thoát vị bẹn trước đây thường được điều trị bằng cách mổ mở (mổ phanh), tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm như tắc ống dẫn tinh hay teo tinh hoàn. Nhằm khắc phục điều này, Khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã đưa vào thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi 1 lỗ điều trị thoát vị bẹn trẻ em – phương pháp được xem là tiên tiến nhất hiện nay trong điều trị bệnh lý này ở trẻ.

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em không để lại sẹo- Ảnh 2.

Thoát vị bẹn trẻ em là hiện tượng thoát vị xảy ra ở vùng bẹn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thoát vị bẹn ở trẻ em điển hình mà bố mẹ nên nắm vững để sớm phát hiện bệnh:

Dễ nhận thấy nhất là vùng bẹn của trẻ xuất hiện một khối phồng to. Khối này có thể lan rộng xuống vùng bìu hoặc vùng mu - môi lớn. Khi trẻ nằm yên thì rất khó phát hiện, chỉ khi vận động, chạy nhảy,… bạn mới thấy kích thước khối tăng lên.

Khi ép vào vùng phồng to ở bẹn, bạn sẽ sờ thấy túi thoát vị bẹn, đồng thời cảm nhận được phần túi bên trong hơi mềm và di chuyển.

Ban đầu trẻ không có biểu hiện đau. Đến khi khối thoát vị bị nghẹt và phồng to gây chèn ép các cơ quan xung quanh thì trẻ mới cảm thấy đau. Lúc này, trẻ sẽ luôn quấy khóc và xuất hiện các triệu chứng như: nôn ói, bụng căng, đau bụng dữ dội,… Trường hợp nặng hơn, khối thoát vị bẹn sẽ chuyển sang màu đỏ, tím hoặc sậm màu.

Các bác sĩ khuyến cáo, thoát vị bẹn nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây nhiều biến chứng cho trẻ như: nghẹt, hoại tử ruột khi ruột bị mắc kẹt trong túi thoát vị. Rối loạn tiêu hoá, gây chậm lớn ở trẻ nhỏ. Bệnh còn là yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn hoặc hoại tử buồng trứng. 

Phụ huynh không nên chủ quan cho rằng bệnh có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên, càng không nên đợi đến khi trẻ lớn mới đưa đi phẫu thuật bởi bệnh lý này chỉ có thể được điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật và trẻ cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.