Phòng bệnh khi thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh khi thời tiết chuyển lạnh

Người viết: Truyền thông BVHD

Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, thời tiết hanh khô, độ ẩm cao sẽ khiến mọi người dễ có nguy cơ bị cảm lạnh, cảm cúm hay dễ mắc các bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp làm ảnh hưởng đến sức khỏe, không khí thay đổi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận trên 1300 bệnh nhân, tăng 30% so với thời điểm trước. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện chiếm 18,9%. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi và trẻ em, đây là đối tượng có sức đề khám kém dễ mắc bệnh. Với những người cao tuổi có bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính hay các bệnh cơ xương khớp khi thời tiết giao mùa bệnh sẽ tăng lên, bệnh nhân khó chịu nhiều mới đi khám. Trẻ nhỏ dễ bị viêm nhiễm khi thời tiết giao mùa, chủ yếu là viêm nhiễm đường hô hấp.

Mấy ngày nay thấy người mệt mỏi, nên ông Tạ Tương Tân đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Bác sỹ cho biết chỉ số huyết áp của ông là 180/100, cần phải uống thuốc huyết áp hàng ngày và theo dõi.

BSCKII. Phí Thị Hải Anh – Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Theo sinh lý bệnh học thời tiết thay đổi nhất là đối với các trường hợp có bệnh nền và sức khỏe kém dễ bị viêm nhiễm do có vi rút gây bội nhiễm đường hô hấp, với các bệnh nhân bị tim mạch mạch rất dễ bị co mạch ngoại viên, tăng huyết áp thứ phát.

BSCKII. Phí Thị Hải Anh – Trưởng khoa Khám bệnh thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi

BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay: Số lượng bệnh nhân vào viện do bị viêm mũi họng, cảm cúm, viêm thanh quản, viêm phổi tăng… thời tiết chuyển mùa là điều kiện vi khuẩn và vi rút phát triển mạnh hơn người dân dễ mắc bệnh về đường hô hấp.

BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương – Trưởng khoa Nhi thăm khám cho bệnh nhân nhi đang điều trị tại khoa

Những ngày gần đây bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tăng, trong đó ảnh hưởng của yếu tố thời tiết được xem là nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh. Để giúp việc điều trị cho bệnh nhân được hiệu quả, bệnh viện sắp xếp phòng bệnh, không để bệnh nhân không phải nằm ghép, đồng thời tăng cường tư vấn, hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân về cách chăm sóc cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân.

Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính nên khi thời tiết thay đổi bệnh thường nặng hơn người trẻ rất nhiều.Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi. Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Bệnh do thời tiết cũng có thể khỏi sau vài ngày điều trị tích cực nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời nhất là trẻ em. Chính vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu bệnh nặng là rất cần thiết để điều trị, giúp trẻ mau hồi phục. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tránh diễn biến nặng cũng như những biến chứng xảy ra. Còn đối với những người cao tuổi, phải tăng cường sức đề kháng, tuân thủ điều trị, khi thấy những biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho bữa ăn để tăng sức đề kháng. Trẻ em và người cao tuổi cần giữ ấm, tránh bị nhiễm lạnh. Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch nên hạn chế ăn thức ăn mặn, thường xuyên tập thể dục thể thao…

Để phòng bệnh do thời tiết thay đổi, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, việc mỗi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe cũng rất quan trọng.