Tăng cường công tác tập huấn về giảm kì thị và phân biệt đối xử do sợ hãi bị lây nhiễm HIV, các nguyên tắc dự phòng chuẩn

Tăng cường công tác tập huấn về giảm kì thị và phân biệt đối xử do sợ hãi bị lây nhiễm HIV, các nguyên tắc dự phòng chuẩn
Chuyên môn | 14/08/2020

Tăng cường công tác tập huấn về giảm kì thị và phân biệt đối xử do sợ hãi bị lây nhiễm HIV, các nguyên tắc dự phòng chuẩn

Người viết: Tổ truyền thông

HIV/AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, từng được coi là đại dịch. HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người và gây ra bệnh AIDS. Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ chống lại nhiễm trùng, tăng sức đề kháng khỏi những tác nhân gây bệnh. Theo thời gian, HIV làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể. Từ đó, làm cơ thể mất khả năng chống lại các nhiễm trùng và một số bệnh lí ác tính khác. Giai đoạn này được gọi là bệnh AIDS. AIDS có thể đe dọa tính mạng, nhưng nó cũng là một căn bệnh có thể phòng ngừa được.

Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.Do vậy, với mục đích tăng cường nhận thức về căn bệnh thế kỷ, ngăn chặn sự lây nhiễm trong y khoa, đặc biệt nhằm thay đổi những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với những bệnh nhân mắc căn bệnh này, bệnh viện đa khoa Hà Đông phối hợp với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh – CDC Hà Nội và tổ chức Hợp tác phát triển y tế - HAIVN đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho nhân viên y tế, các buổi khảo sát đầu vào về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Để tăng cường hơn nữa công tác tập huấn về giảm kì thị và phân biệt đối xử HIV/AIDS và dự phòng chuẩn, bệnh viện đã lồng ghép bài trình bày của BSCKII. Trần Thị Kim Anh, trường khoa Các bệnh nhiệt đới trong những buổi giao ban toàn bệnh viện và giao ban các khoa, phòng trong bệnh viện. Bài chia sẻ chủ yếu đề cập đến các nội dung về virut HIV là gì, các đường lây truyền HIV, virut HIV tồn tại ở những dịch nào trong cơ thể, nguy cơ lây truyền HIV sau phơi nhiễm nghề nhiệp, nguyên tắc của dự phòng chuẩn,… Thông qua những thông tin rất hữu ích này, giúp người nghe hiểu hơn rằng HIV sẽ không dễ lây truyền nếu như chúng ta hiểu về nó và nắm được nguyên tắc dự phòng lây nhiễm. Với hình thức lồng nghép trong buổi giao ban bệnh viện này, ban lãnh đạo bệnh viện và trưởng các khoa phòng sẽ được cập nhật và nắm rõ hơn các kiến thức về lây truyền HIV, từ đó phổ biến đến các nhân viên y tế của khoa phòng mình, trang bị thêm kiến thức, giảm kì thị và phân biệt đối xử HIV, đặc biệt là giúp các nhân viên y tế thực hiện các nguyên tắc dự phòng chuẩn, giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong công tác chuyên môn.

Công tác tập huấn về giảm kì thị và phân biệt đối xử do sợ hãi bị lây nhiễm HIV tại buổi giao ban các trưởng khoa, phòng Bệnh viện

BSCKII. Trần Thị Kim Anh, trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới báo cáo tại buổi giao ban bệnh viện

Trong buổi giao ban tại khoa Các bệnh nhiệt đới, đến dự buổi tập huấn, BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện đề cao mục đích, ý nghĩa bài chia sẻ của BS Kim Anh, thông qua những kiến thức về lây truyền HIV, chúng ta thấy HIV không dễ lây truyền như mọi người vẫn nghĩ, từ đó mỗi nhân viên y tế nên là một tuyên truyền viên tích cực đối với cộng đồng, để mọi người giảm kì thị, phân biệt đối xử với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt trong môi trường y tế, từ đó giúp họ được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, bình đẳng nhất.

Thông qua hình thức lồng nghép trong buổi giao ban tại các khoa, phòng trong bệnh viện, giúp các thông tin về lây truyền HIV/AIDS, nguyên tắc dự phòng chuẩn đến gần hơn với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong toàn bệnh viện, đẩy mạnh giảm kì thị và phân biệt đối xử HIV, thực hiện các nguyên tắc dự phòng chuẩn, giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong công tác chuyên môn.

BSCKII. Lê Hoàng Tú phát biểu tại buổi giao ban khoa Các bệnh nhiệt đới

BSCKII. Trần Thị Kim Anh chia sẻ về giảm kì thị và phân biệt đối xử do sợ hãi bị lây nhiễm HIV với các bác sĩ, điều dưỡng khoa CBNĐ