Tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19

 Tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19

Tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19

Người viết: Tổ truyền thông

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid – 19. Thực hiện công tác phòng chống dịch và kế hoạch của bệnh viện về đào tạo liên tục. Chiều ngày 13/04/2021 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn cập nhật khám và điều trị Covid - 19 cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi tập huấn

Phát biểu tại lớp tập huấn BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện đã cung cấp thông tin về tình hình diễn biễn phức tạp của đại dịch Covid-19 đồng thời nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch đặc biệt quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị khoa, phòng, nhân viên Bệnh viện, nêu cao tinh thần khẩn trương và quyết tâm của cán bộ y tế bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại buổi tập huấn, học viên được cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid - 19 do BSCKII.Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới trình bày với các nội dung: Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam; Lâm sàng và chẩn đoán COVID-19; Điều trị COVID-19; Vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, BSCKII.Trần Thị Kim Anh  có chỉ ra các biểu hiện lâm sàng như sau: Thời gian ủ bệnh: từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Khởi phát: Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Diễn biến: Hầu hết (> 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, khó thở, ỉa chảy, đau đầu, đau cơ, chảy nước mũi, mất khứu giác/vị giác, thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện, 14% diễn biến nặng như viêm phổi, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong (2-20%). Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày.

Đặc biệt bác sĩ Kim Anh nhấn mạnh tiêu chuẩn xuất viện:

1.Người bệnh được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn sau:

1.1.Người có triệu chứng

- Hết sốt, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện.

- Đã cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên và tối thiểu hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau từ 48 đến 72 giờ) âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp real-time RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.

1.2.Người không có triệu chứng

- Cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày VÀ tối thiểu hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau từ 48 đến 72 giờ) xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng pp realtime RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.

2. Theo dõi sau xuất viện

2.1. Người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của Y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38oC ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế. Làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp real-time RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

2.2. Đối với những trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp real-time RT-PCR tái dương tính trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Kết thúc lớp tập huấn, nhân viên Y tế được cập nhật các kiến thức mới nhất về chẩn đoán và điều trị Covid-19, đồng thời nâng cao trách nhiệm của mình với công tác phòng, chống dịch Covid-19, cập nhật, tăng cường kiến thức, kỹ năng, khả năng phản ứng nhanh với tình huống có thể xảy ra, không để dịch lây lan rộng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, đồng thời góp phần mang lại môi trường bệnh viện an toàn, không để cán bộ, công nhân viên hoang mang, lo sợ trước tình hình diễn biến của dịch bệnh.