Tập huấn chuyên ngành Tim mạch – Chẩn đoán hình ảnh năm 2020

 Tập huấn chuyên ngành Tim mạch – Chẩn đoán hình ảnh năm 2020

Tập huấn chuyên ngành Tim mạch – Chẩn đoán hình ảnh năm 2020

Người viết: Tổ truyền thông

Nhằm nâng cao chất lượng, khám, điều trị bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị tăng huyết áp, tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi tập huấn chuyên ngành tim mạch, chẩn đoán hình ảnh năm 2020. Buổi tập huấn với sự tham dự chỉ đạo của ban lãnh đạo bệnh viện, sự tham gia của các bác sĩ, điều dưỡng tại các khoa phòng trong bệnh viện. Đặc biệt có sự hướng dẫn, chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trường Giang, chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, đại học Y Dược, đại học Thái Nguyên với chuyên đề “Siêu âm đàn hồi mô gan ứng dụng lâm sàng” và chuyên đề “Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2020” đến từ BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc bệnh viện.

Mở đầu buổi tập huấn, BSCKII. Lê Hoàng Tú đã trình bày, chia sẻ về “Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2020”. Trong chuyên đề này, bác sĩ đã cập nhật những thay đổi hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp của Quyết định 5904/QĐ-BYT ngày 20/12/2019 so với Quyết định 3192/QĐ-BYT ngày 31/08/2010. Những điểm giống và khác nhau đáng chú ý là các biện pháp thay đổi lối sống, điều trị tại cơ sở mới triển khai quản lý tăng huyết áp, hướng dẫn thực hành dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, chuyên đề cũng chỉ ra tại sao đích huyết áp 130/80 là tối ưu, khởi trị với phối hợp thuốc với đơn trị liệu. Ưu điểm khởi trị bằng phối hợp thuốc so với đơn trị: Đáp ứng điều trị trên một số lượng lớn bệnh nhân, tỷ lệ bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu cao hơn, độ dung nạp cao hơn, bảo vệ tim mạch.

Chuyên đề “Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2020” được chia sẻ bởi BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc bệnh viện.

          Phần tiếp theo của buổi tập huấn,  TS.BS Nguyễn Trường Giang, chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, đại học Y Dược, đại học Thái Nguyên đã có những chia sẻ với bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông về chuyên đề: “Siêu âm đàn hồi mô gan ứng dụng lâm sàng”. ARFI là một phương pháp mới về siêu âm đàn hồi không xâm hại để xác định gan xơ hoá. Nó xác định một vùng giải phẫu để khảo sát tính chất đàn hồi bằng kích thích cơ học với xung âm thời gian ngắn, qua đó gây ra dời chỗ mô khu trú do truyền sóng biến dạng. Chuyên đề đã chỉ ra tầm quan trọng, vai trò của siêu âm đàn hồi và khi nào cần siêu âm đàn hồi gan, các giá trị siêu âm đàn hồi trong đánh giá độ cứng nhu mô gan. Sau đó, BS Nguyễn Trường Giang đã lấy những ví dụ cụ thể siêu âm đàn hồi với các bệnh viêm gan virut, bệnh gan mỡ không do rượu, bệnh gan do rượu, bệnh xơ gan. Từ đó rút ra kết luận ARFI là phương pháp tương đối đơn giản, chi phí thấp, kết quả khá tương đồng giữa mỗi lần khám và giữa mỗi người khám, làm tăng khả năng và độ tự tin khi khám các bệnh lý gan mạn tính.

TS.BS Nguyễn Trường Giang, chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, đại học Y Dược, đại học Thái Nguyên với chuyên đề

“Siêu âm đàn hồi mô gan ứng dụng lâm sàng”

BSCKII. Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi tập huấn

Buổi tập huấn đã mang lại những kiến thức chuyên môn thực sự rất hữu ích, thiết thực trong chuyên ngành tim mạch, chẩn đoán hình ảnh. Phát biểu tại buổi tập huấn, BSCKII. Đào Thiện Tiến mong các bác sĩ tham gia lớp tập huấn cập nhật tài liệu, giáo trình, gắn lý thuyết với thực hành để nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng phù hợp với công việc hàng ngày, góp phần thực hiện nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh dễ tiếp cận các dịch vụ khám, điều trị bệnh theo đúng yêu cầu; tạo nên uy tín, thương hiệu cho bệnh viện.