Tập huấn nghiệp vụ Công tác xã hội cho nhân viên y tế trong bệnh viện
Tập huấn nghiệp vụ Công tác xã hội cho nhân viên y tế trong bệnh viện
Nhằm giúp nhân viên y tế thực sự hiểu được hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện một cách có hệ thống, thực hiện được một số hoạt động công tác xã hội cơ bản, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tổ chức buổi tập huấn "Nghiệp vụ công tác xã hội cho nhân viên y tế tại bệnh viện", dưới sự hướng dẫn, chia sẻ của TS. Phạm Tiến Nam, Giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng. Tham dự và chỉ đạo buổi tập huấn, BSCKII. Đào Thiện Tiến - Giám đốc bệnh viện nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiệp vụ công tác xã hội trong bệnh viện và vai trò của cán bộ mạng lưới công tác xã hội, qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều trị.
Buổi tập huấn "Nghiệp vụ công tác xã hội cho nhân viên y tế tại bệnh viện", với sự hướng dẫn, chia sẻ của TS. Phạm Tiến Nam, trường Đại học Y tế Công cộng.
Tại buổi tập huấn, TS. Phạm Tiến Nam đã trình bày rất tâm huyết những vấn đề lý luận về CTXH nói chung và CTXH trong bệnh viện nói riêng như: Mục đích, nguyên tắc hoạt động, tiêu chuẩn đạo đức, vai trò của nhân viên CTXH trong bệnh viện, phân biệt giữa hoạt động CTXH và hoạt động từ thiện… Trong đó, CTXH trong bệnh viện được xem là một lĩnh vực chuyên biệt thuộc công tác xã hội, xem xét các vấn đề tâm lý – xã hội và những khó khăn của người bệnh/ nhân viên y tế trong việc tiếp cận các nguồn lực hoặc dịch vụ y tế nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, khơi dậy phát huy năng lực của bản thân trong quá trình điều trị bệnh, chăm sóc người bệnh, hướng tới sự hài lòng và hỗ trợ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, TS. Phạm Tiến Nam cũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ của CTXH trong bệnh viện: Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; Vận động tiếp nhận tài trợ; Hỗ trợ nhân viên y tế; Đào tạo, bồi dưỡng; Tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội của bệnh viện; Tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng. Những nhiệm vụ chính này đòi hỏi các cán bộ CTXH cần đáp ứng các yêu cầu về thái độ, kỹ năng và kiến thức về nhiều lĩnh vực như: Kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe, bệnh, quản lý bệnh viện; Kiến thức về tâm lý & xã hội học; Kiến thức chuyên sâu về công tác xã hội (xử lý trường hợp, nhóm, truyền thông, tham vấn & trị liệu tâm lý…); Kiến thức về chính sách, pháp luật liên quan đến y tế. Ngoài ra, TS. Phạm Tiến Nam cũng trình bày về Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu hình thành và phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bài tập thảo luận được các nhóm tham gia đóng góp ý kiến
CTXH trong bệnh viện xem xét các vấn đề tâm lý – xã hội của bệnh nhân và gia đình nhằm trợ giúp họ vượt qua khó khăn, đáp ứng phác đồ điều trị, nâng cao tính tương tác với thầy thuốc, chất lượng khám chữa bệnh, và hòa nhập xã hội. Buổi tập huấn kết hợp với nhiều bài tập tình huống, thảo luận nhóm và minh họa bài học thông qua tiết mục tiểu phẩm của các nhóm. Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế, góp phần tích cực trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lớp tập huấn cung cấp cho học viên các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong ngành y tế nói riêng, giúp học viên có cách nhìn và hiểu đúng về ý nghĩa của công tác xã hội từ đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế , tất cả vì mục tiêu “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”.
Phát biểu kết thúc lớp tập huấn, BSCKII. Đào Thiện Tiến, Giám đốc bệnh viện đánh giá cao và ghi nhận tầm quan trọng, ý nghĩa của buổi tập huấn, đồng thời nhấn mạnh hoạt động công tác xã hội nhằm hỗ trợ người bệnh vì vậy công tác xã sẽ giúp tạo dựng mối quan hệ giữa người bệnh, người nhà người bệnh với nhân viên y tế trở nên gắn bó, thân thiết hơn.