Điều trị loét vùng cùng cụt do nằm bất động lâu ngày

 Điều trị loét vùng cùng cụt do nằm bất động lâu ngày

Điều trị loét vùng cùng cụt do nằm bất động lâu ngày

Người viết: Tổ truyền thông

Loét tỳ đè vùng cùng cụt là tình trạng bệnh lý xảy ra ở những bệnh nhân nằm bất động lâu ngày, loét có thể xảy ra ở bất cứ nơi tỳ đè nào của cơ thể nhưng hay gặp nhất là vùng cùng cụt và ụ ngồi.

Loét chiếm tỉ lệ khoảng 60% ở các BN bị tổn thương tủy sống có liệt, 65% ở các bệnh nhân bị gãy xương đùi, 20-30% ở bệnh nhân bỏng nặng, bệnh nhân nằm ICU( phòng hồi sức) dài ngày. Do lực tì đè quá mức bình thường dài (4h sẽ gây hoại tử cơ, 12h sẽ gây hoại tử da). Ngoài ra các yếu tố như: dinh dưỡng, tình trạng bệnh lí, tình trạng nhiễm trùng... ảnh hưởng lớn đến tiến trình của loét.

Tình trạng ổ loét chia thành 5 giai đoạn dựa vào các dấu hiệu lâm sàng:

Giai đoạn 1: Tổn thương thượng bì, da ửng đỏ, có nốt phỏng hay vết chợt da. Giai đoạn 2: Tổn thương toàn bộ da.

Giai đoạn 3: Tổn thương lớp mô dưới da. Giai đoạn 4: Tổn thương tới xương.

Giai đoạn 5: Tổn thương tới xương và tạo nhiều hốc lớn.

Tổn thương từ giai đoạn 3 trở lên đã có chỉ định phẫu thuật tạo hình che phủ ổ loét bằng vạt da có cuống mạch liền. Để đạt kết quả điều trị cần sự phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phẫu thuật che phủ ổ loét bằng chất liệu mô mềm tự thân có vai trò quan trọng trong lành vết thương và ngăn ngừa loét tái phát. Năm 1993, Koshima lần đầu tiên áp dụng vạt da nhánh xiên động mạch mông trên che phủ cho 8 BN loét cùng cụt cho kết quả tốt.

Từ năm 2019, khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh Viện Đa Khoa Hà Đông chúng tôi đã áp dụng vạt da nhánh xiên động mạch mông trên điều trị cho bệnh nhân loét cùng cụt.Vạt da nhánh xiên động mạch mông trên được sử dụng dưới dạng vạt có cuống mạch liền, với cuống mạch dài góc xoay rộng chep hủ được các ổ loét lớn thêm vào đó vùng bóc vạt được đóng kín trực tiếp.Trong điều kiện chưa có doppler mạch để xác định vị trí mạch chúng tôi vẫn mạnh dạn thực hiện kĩ thuật này và đạt kết quả tốt không có vạt nào hoại tử. Có được kết quả này do chúng tôi dựa vào tính hằng định của động mạch và tuân thủ nguyên tắc khi bóc vạt nhánh xiên.  

             

Hình ảnh trước và sau khi tạo hình che phủ vết loét vùng cùng cụt

Điều trị phẫu thuật che phủ ổ loét vùng cùng cụt từ giai đoạn 3 trở lên bằng vạt da cân có độ dày vừa đủ che phủ hết diện tích khuyết hổng, nơi cho vạt được khâu kín da thì đầu, vạt nhánh xiên động mạch mông trên là một lựa chọn hợp lý và hiệu quảtrong điều trị loét vùng cùng cụt.

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn kỹ hơn về điều trị loét vùng cùng cụt do nằm bất động lâu ngày, xin liên hệ: Khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Số điện thoại: 02433.646.370

Hoặc tư vấn trực tiếp ThS. BSCKII Trần Quang Toản - trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình. Số điện thoại: 0967.695.886