Gắp bỏ khối u chứa nhiều răng nhỏ mọc tại xương hàm nam thanh niên
Gắp bỏ khối u chứa nhiều răng nhỏ mọc tại xương hàm nam thanh niên
Vừa qua,bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy ra khối u răng đa hợp hi hữu cho bệnh nhân Nguyễn Tiến Sơn(18 tuổi, Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Ban đầu bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, chỉ thấy vùng hàm dưới bên trái sưng nhưng không đau, gây biến dạng khuôn mặt nên đi chụp X-Qquang, thì phát hiện khối u răng kích thước 3x4cm. Đây là một khối u đa hợp gồm rất nhiều răng bé có đầy đủ tổ chức như một răng bình thường, kết lại thành một khối trong xương hàm.
Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt chỉ định phẫu thuật để gắp bỏ khối u ra. Ca phẫu thuật được thực hiện bởi BSCK II Trịnh Xuân Học, trưởng khoa Răng Hàm Mặt, kéo dài hơn 1 tiếng, tương đối khó khăn do khối u nằm sâu bên trong, chiếm gần hết thân xương hàm, bám dính chắc vào xương hàm trái, ekip phẫu thuật phải dùng dụng cụ bóc tách, cắt nhỏ từng phần, sau đó từ từ gắp ra, tránh gây tổn thương dây thần kinh, rồi bơm rửa sạch, sát khuẩn vùng xương hàm, kiểm tra lại, sau đó đóng vết mổ. Kết quả các bác sĩ lấy ra được vô số răng nhỏ, dị dạng, kích thước to nhỏ khác nhau, có phần dính vào nhau, phần tách rời.
Các bác sĩ gắp ra vô số răng nhỏ tạo thành khối u răng vùng xương hàm bệnh nhân
Hình ảnh CT Conebeam khối u răng của bệnh nhân
Hình ảnh chụp Xquang trước và sau khi loại bỏ khối u răng tại vùng xương hàm trái của bệnh nhân
Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, vết mổ tốt, kiểm tra chụp X-Quang sau phẫu thuật không còn hình ảnh u răng.
BS. Đinh Thanh Tùng, khoa Răng Hàm Mặt, người trực tiếp tham gia ca phẫu thuật cho biết: Khối u răng đa hợp là một loại u răng lành tính, chủ yếu gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh khó phát hiện vì khối u tiến triển âm thầm, thường không gây đau nhức. Đôi khi có trường hợp khối u gây đau nhưng người bệnh dễ nhầm lẫn với đau nhức do sâu răng hay các bệnh lý răng miệng khác, dẫn đến chủ quan hoặc điều trị sai cách, không triệt để, bệnh tiến triển ngày một nặng.Nếu để lâu khối u phát triển to lên gây biến dạng mặt, phá hủy xương, chèn ép dây thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của các răng khác.
Bên cạnh đó, BS Tùng cũng khuyến cáo bệnh này chỉ qua chụp phim X-Quang mới có thể phát hiện thấy. Nếu bệnh nhân đến sớm thì phẫu thuật sẽ đơn giản, khả năng hồi phục cao. Trường hợp bệnh nhân đến muộn hơn sẽ khó điều trị, thậm chí để lại nhiều di chứng. Do đó, để phòng ngừa bệnh lý u răng đa hợp và bảo vệ sức khỏe răng miệng, người dân nên đi khám và chụp X-Quang răng định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần.