Gắp thành công dị vật cuống răng giả chui vào phổi bệnh nhân có bệnh lý động kinh
Gắp thành công dị vật cuống răng giả chui vào phổi bệnh nhân có bệnh lý động kinh
Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã gắp thành công dị vật bị bỏ quên trong phổi của một bệnh nhân. Đó là trường hợp của Ông Nguyễn Văn T(58 tuổi, Chương Mỹ - Hà Nội).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ho nhiều, đau ngực. Qua khai thác bệnh nhân có tiền sử bị bệnh động kinh, cách đây 4 tuần trong một lần lên cơn dộng kinh, bệnh nhân T bị co giật, mất ý thức, không may lúc đó cuống răng giả của bệnh nhân bị rơi ra và chui tọt vào phổi mà không hề hay biết, khi có dấu hiệu ho tăng dần và kéo dài nhiều ngày không đỡ nên bệnh nhân đã đến bệnh viện thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân – Khoa Hô hấp và Bệnh phổi cho biết, tại thời điểm bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định bệnh nhân chụp X-quang, CT. Sau đó tiến hành nội soi phế quản, kết quả cho thấy, trong phổi bệnh nhân có rất nhiều đờm, mủ bên phổi trái, đồng thời có dị vật kích thước khoảng 1,5x2cm trong phế quản thùy dưới bên trái.
Hình ảnh dị vật cuống răng giả chui vào phế quản bệnh nhân T
Ngay sau khi phát hiện dị vật, các bác sĩ đã nhanh chóng gắp thành công dị vật nguy hiểm là cuống răng giả có bề mặt trơn nhẵn nằm sâu trong phế quản phổi trái, xung quanh bị phù nề và rỉ máu. Các Bác sĩ tiến hành cầm máu, hút đờm mủ, bơm rửa sạch phế quản, kết hợp điều trị kịp thời, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục và tiến triển tốt.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân T sau khi gắp dị vật thành công
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân – Khoa Hô hấp bệnh phổi – Người người trực tiếp lấy dị vật thành công cho biết “do dị vật nằm trong phổi là cuống răng giả có bề mặt nhẵn, trơn nên rất khó lấy, nếu lấy không khéo thì dị vật sẽ tuột vào bên trong, hơn nữa bệnh nhân lại có tiền sử bị động kinh, có thể lên cơn co thắt phế quản và có thể tử vong ngay trên bàn nội soi. Chính sự khó khăn này nên khi thực hiện gắp dị vật chúng tôi phải thực hiện một cách nhanh, gọn và chính xác”.
Dị vật thường bị bỏ quên, bỏ sót ở người lớn tuổi. Nhất là với những bệnh nhân có tiền sử bệnh động kinh lại đeo răng giả thì việc rơi rụng và lọt vào đường thở khi lên cơn co giật và mất ý thức là điều dễ xảy ra. Tùy theo vị trí kẹt, dị vật có thể gây nghẽn đường thở, chất tiết ra không được lưu thông ra phía bên ngoài nên bệnh nhân rất dễ viêm phổi, tái đi tái lại. Nếu lâu ngày không điều trị, không phát hiện được, không lấy dị vật ra sẽ gây ra đông đặc phổi, xẹp phổi, thậm chí là áp xe phổi. Nguy cơ áp xe có thể gây thủng màng phổi, màng tim gây ra những biến chứng lâu dài, nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể bị nhiều biến chứng nguy hiểm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bệnh nhân, BS Tân cảnh báo.