Những điều cần lưu ý trong điều trị phẫu thuật gẫy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi

 Những điều cần lưu ý trong điều trị phẫu thuật gẫy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi

Những điều cần lưu ý trong điều trị phẫu thuật gẫy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi

Người viết: Tổ truyền thông

Gẫy liên mấu chuyển( LMC) xương đùi ở người cao tuổi rất hay gặp , nữ nhiều hơn nam. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng  200.000 ca gẫy liên mấu chuyển xương đùi và tỷ lệ tử vong lên tới 15 - 30% và chi phí điều trị khoảng 10 tỷ USD một năm.

Tại Việt nam, tuy chưa có thống kê chính thức về số lượng và tỷ lệ loại gẫy này nhưng chắc chắn rằng số lượng gẫy liên mấu chuyển xương đùi cũng nhiều và có xu hướng ngày càng tăng. Trong nhiều năm vừa qua tại khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân gẫy liên mấu chuyển xương đùi, bệnh nhân cao tuổi nhất là 103 tuổi.   ThS. BSCKII Trần Quang Toản - trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình đã đưa ra một số lưu ý sau:

Bệnh nhân cao tuổi gẫy liên mấu chuyển xương đùi có loãng xương sẽ ảnh hưởng đến sự liền xương, quá trình liền xương lâu hơn rất nhiều so với những người khác. Theo thống kê của IOF có tới 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ mắc phải loãng xương. Vì vậy đối với người cao tuổi gẫy liên mấu chuyển xương đùi, việc khảo sát mật độ xương là cần thiết để góp phần quyết định phương pháp phẫu thuật và lựa chọn vật liệu điều trị. Tại bệnh viện đa khoa Hà đông đã có phương pháp đo DEXA, là kỹ thuật tốt nhất do mật độ xương được ứng dụng trên lâm sàng. Năm 2003 WHO coi kỹ thuật DEXA là tiêu chuẩn vàng để chuẩn đoán loãng xương.

Bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình kiểm tra cho bệnh nhân sau phẫu thuật gẫy liên mẫu xương đùi

       Gẫy liên mấu chuyển xương đùi có nhiều phương pháp điều trị khác nhau

      Đối với bệnh nhân trẻ, chất lượng xương tốt thì chú trọng phương pháp kết xương bên trong, nhưng đối với những bệnh nhân cao tuổi có loãng xương thì chủ trương thay khớp háng bán phần. Các bác sĩ nhận thấy: Trong kết xương nẹp DHS thì bắt vít cố định khối cổ chỏm cần phải khoan lỗ khoan định hướng kích thước lớn xuyên qua cả cổ vào chỏm. Trong khi bệnh nhân có loãng xương vùng cổ chỏm thì việc khoan lỗ rộng tàn phá tổ chức xương vùng cổ chỏm sẽ làm chậm sự liền xương thậm chí không liền xương do mất các cầu xương trong lòng tủy cổ khả năng tự phục hồi là rất kém dẫn tới cổ chỏm mất vững, làm tiêu cổ chỏm, gập góc cổ thân. Nếu sử dụng nẹp vít khóa có ưu điểm hơn nẹp DHS vì nẹp khóa có vị trí cố định xương đa điểm và đa hướng do vít ngoài việc bắt vào xương còn có vòng ren cố định vào nẹp vít bắt vào cổ xương đùi nhỏ nên giảm tổn thương các cầu xương trong tủy cổ, chỏm trong trường hợp bệnh nhân loãng xương thì việc bắt vít vào vùng xương yếu lỏng lẻo sẽ dẫn đến cố định không vững chắc, không liền xương từ đó không thể vận động sớm, gây thiếu xương quanh chân vít, làm lỏng nẹp gây lên các biến chứng sau mổ ...

              Xuất phát từ sự đánh giá theo dõi bệnh nhân sau mổ , chúng tôi nhận định tác nhân góp phần vào thất bại của các phương pháp trên là do tình trạng loãng xương vùng đầu trên xương đùi vì vậy cần phải có sự khảo sát mật độ xương trước khi phẫu thuật. Tại khoa chấn thương chỉnh hình đã chủ động chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bán phần có xi măng cho những bệnh nhân gẫy liên mấu chuyển xương đùi từ 70 tuổi trở lên, qua theo dõi nhận thấy là cần thiết giúp cho bệnh nhân vận động sớm, giảm các biến chứng do phải nằm lâu, nâng cao chất lượng cuộc sống giảm bớt gánh nặng cho người thân.

Để điều trị dự phòng và phòng ngừa loãng xương sau phẫu thuật, bệnh nhân cần bổ sung vitamin D và calci qua ăn uống, tắm nắng và uống thuốc: Fosamax Plus 70mg  x  1 viên /tuần x 12 tháng uống với nhiều nước trước ăn sáng 30 phút.

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn kỹ hơn về điều trị phẫu thuật gẫy liên mấu xương đùi xin liên hệ: Khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Số điện thoại: 02433.646.370

Hoặc tư vấn trực tiếp ThS. BSCKII Trần Quang Toản - trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình. Số điện thoại: 0967.695.886