Tập huấn phòng chống dịch Covid-19: Sử dụng máy thở; Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19
Tập huấn phòng chống dịch Covid-19: Sử dụng máy thở; Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19
Với mục đích nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thấp nhất khả năng lây bệnh cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhân viên y tế bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc và điều trị cho người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, nhân viên trong bệnh viện về dịch bệnh Covid-19 với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, cập nhật diễn biến dịch bệnh…
Ngày 11/08/2020 Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức lớp tập huấn phòng chống dịch Covid-19 cho toàn bộ nhân viên Y tế trong đội tăng cường dự phòng chống dịch Covid-19 của bệnh viện.
Buổi tập huấn, học viên được cập nhật các kiến thức bao gồm: Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19 của BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh; Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập dưới sự trình bày của BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực.
BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi tập huấn
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn BSCKII.Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện đã cung cấp thông tin về tình hình diễn biễn phức tạp của đại dịch Covid-19 đồng thời, nhấn mạnh công tác phòng, chống dịch đặc biệt quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các đơn vị khoa, phòng, nhân viên Bệnh viện nêu cao tinh thần khẩn trương và quyết tâm của cán bộ y tế bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tại buổi tập huấn, BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh đã đề cập nội dung trong “Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19”, trong đó nội dung tập huấn cũng đề cập đến các lưu ý phải đảm bảo an toàn sinh học như: Trang phục bảo hộ cá nhân (BHCN) được cho vào túi ni lông chuyên dụng cùng với các dụng cụ bẩn, phải được buộc chặt và sấy ướt ở nhiệt độ 120°C/30 phút hoặc đốt tại lò đốt rác. Rửa tay xà phòng và tẩy trùng bằng chloramine 0,1% toàn bộ dụng cụ và khu vực lấy mẫu, phích lạnh dùng cho vận chuyển mẫu. Tránh làm hỏng, mất mẫu, không làm nhiễm các mẫu với nhau, tránh phơi nhiễm người với mẫu và tránh lây nhiễm ra môi trường xung quanh. Các giấy tờ về mẫu (phiếu yêu cầu xét nghiệm, phiếu điều tra ca mắc covid…) không để tiếp xúc với bệnh phẩm. Lựa chọn đường vận chuyển mẫu, thuận tiện và an toàn cho các khu vực khác (khu vực tập trung bệnh nhân, khu hành chính…). Người lấy mẫu biết sử lý sự cố tràn đổ mẫu bệnh phẩm. Khử trùng hộp đựng mẫu lớp thứ hai hoặc thứ 3 trước khi tái sử dụng.
BSCKII.Trần Lệ Tiến – Trưởng khoa Vi sinh trình bày về chuyên đề “Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm Real Time RT PCR COVID-19”
Tiếp theo buổi tập huấn, BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực tập huấn về nội dung “Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập” . Về Thông khí nhân tạo xâm nhập là thông khí nhân tạo qua nội khí quản(NKQ) và mở khí quản và thông khí nhân tạo xâm nhập qua nội khí quản vẫn là biện pháp hỗ trợ hô hấp cơ bản nhất cho các trường hợp suy hô hấp nặng. Mục tiêu của thông khí nhân tạo xâm nhập là: Đảm bảo thay thế chức năng của phổi; PaO2, aCO2, PH phải thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý, từng chỉ định thở máy; Hạn chế các biến chứng thở máy: Biến chứng liên quan đến chăm sóc như tắc ống, tuột ống , xẹp phổi, viêm phổi, tắc tĩnh mạch sâu, loé…Biến chứng do đặt các thông số không phù hợp như chấn thương áp lực, tụt huyết áp…tiếp đến BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh có đề cấp đến nội dung về chỉ định, chống chỉ định một số phương thức thông khí, các chế độ thở, các biến của nhịp thở. Theo đó, Thông khí nhân tạo không xâm nhập: Được dùng để chỉ các hình thức thông khí nhân tạo qua mặt nạ hoặc các dụng cụ tương tự mà không qua nội khí quản. Thông khí nhân tạo không xâm nhập không áp dụng trên bệnh nhân hôn mê, nó chỉ hiệu quả khi bệnh nhân tỉnh hợp tác tốt với máy thở. Qua đó, những trường hợp áp dụng thông khí nhân tạo không xâm nhập là: Nguy cơ suy hô hấp do mệt cơ mà có thể hồi phục trong 24 – 48h; Suy hô hấp ở mức độ vừa và nhẹ: Đợt cấp của COPD, hen phế quản cấp, phù phổi cấp huyết động, ARDS, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, phù nề thanh môn sau rút ống NKQ; Trong cai thở máy có thể rút ống NKQ sớm và dùng phương pháp thông khí không xâm nhập; Trong suy hô hấp mãn tính, hộ chứng ngừng thở khi ngủ. Và ngược lại những trường hợp không áp dụng thông khí nhân tạo không xâm nhập là: Suy hô hấp nguy kịch; Có chấn thương hay biến dạng ở mặt; Ngừng thở; Tăng tiết đờm, ho khạc kém; Rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động; Tắc nghẽn đường hô hấp trên; Bệnh nhân không hợp tác, hôn mê, không tự bảo vệ đường thở được.
BSCKII.Đoàn Bình Tĩnh – Trưởng khoa Hồi sức tích cực trình bày chuyên đề “Thông khí nhân tạo xâm nhập và Thông khí nhân tạo không xâm nhập”
Kết thúc buổi tập huấn, BSCKII.Lê Hoàng Tú nhận định buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên với công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tăng cường kiến thức, kỹ năng, khả năng phản ứng nhanh với tình huống có thể xảy ra, không để dịch lây lan rộng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, đồng thời góp phần mang lại môi trường bệnh viện an toàn, không để cán bộ, công nhân viên hoang mang, lo sợ trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, … từ đó triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh tại Bệnh viện.