Khuyến cáo mới nhất về dịch bệnh Covid-19
Khuyến cáo mới nhất về dịch bệnh Covid-19
1. Thông tin chung về bệnh
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A với các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở,…;
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng của người lành;
Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 02-14 ngày; Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
2. Khuyến cáo đối với người lao động
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;
Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng;
Che kín miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc tay áo;
Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng;
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;
Nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở,… thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được tư vấn.
3. Khuyến cáo đối với người sử dụng lao động
Cung cấp chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sử dụng trong gia dụng và y tế;
Duy trì vệ sinh sạch sẽ và khử trùng các bề mặt có thể có vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn… bằng các hóa chất phù hợp;
Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc; Có quy định để người lao động thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế khi có các biểu hiện mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi mắc bệnh (nếu được);
Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động và cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch;
Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng).
Người khỏe mạnh, không mắc bệnh đường hô hấp không cần sử dụng khẩu trang khi không cần thiết hoặc có thể sử dụng khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe
4. Khẩu trang y tế
Ai cần đeo khẩu trang y tế
Cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, điều trị người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp hoặc có tiếp xúc với mẫu, bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm
Người chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp
Người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh hoặc có các triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi…
Tất cả những người đi đến cơ sở y tế
Khi nào cần đeo khẩu trang y tế
Khi tiếp xúc, chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc với mẫu, bệnh phẩmbệnhtruyềnnhiễm
Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp
Khi đi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế; khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà
Khi đi đến làm việc, thăm hỏi, chăm sóc tại các cơ sở y tế
Cách đeo khẩu trang y tế đúng cách
Khẩu trang y tế chỉ sử dụng một lần, không sử dụng lại khẩu trang y tế dùng một lần
Đeo mặt màu (xanh/xám) ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên. Kéo khẩu trang che kín cả mũi lẫn miệng, ấn kẹp nhôm ôm sát vào phần sống mũi
Trong quá trình đeo khẩu trang, tuyệt đối không dùng tay chạm vào mặt khẩu trang
Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang, tránh dùng tay cầm vào mặt trước của khẩu trang để tháo ra. Sau khi tháo khẩu trang cho ngay vào thùng rác có nắp đậy
Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc chà tay bằng nước rửa tay có cồn sau khi tháo khẩu trang
5. Khẩu trang vải
Ai cần đeo khẩu trang vải
Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi…
Khi nào cần đeo khẩu trang vải
Khi đến các khu vực tập trung đông người như bến xe, nhà ga, sân bay, chợ, siêu thị, phố đi bộ …
Cách đeo khẩu trang vải đúng cách
Kéo khẩu trang vải che kín cả mũi lẫn miệng
Trong quá trình đeo khẩu trang, tránh không dùng tay chạm vào mặt trước khẩu trang
Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào phần dây đeo qua tai để tháo khẩu trang, tránh dùng tay cầm vào mặt trước của khẩu trang để tháo ra
Giặt sạch khẩu trang hàng ngày bằng xà phòng để dùng lại cho lần sau
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh
Ảnh kết xuất của phần tử virus 2019-nCoV (Wikipedia)
Ảnh vi điện tử của phần tử Virus viêm phế quản truyền nhiễm (WikipediA)
6. Các biện pháp phòng chống bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…
Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Những người từ Trung Quốc trở về
Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.
Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Những người đi đến Trung Quốc
Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona nCoV.
Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
(Nguồn: Sức khoẻ Việt Nam)
Đường dây nóng Bệnh viện đa khoa Hà Đông sẵn sàng tiếp nhận thông tin dịch bệnh Covid-19
Số điện thoại: 0966 461 616; Email: bvdkhd@hanoi.gov.vn