Sinh hoạt khoa học tháng 3
Sinh hoạt khoa học tháng 3
Với mục đích cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh đó tạo môi trường sinh hoạt khoa học, tiền đề cho các đề tài nghiên cứu khoa học.
Chiều ngày 03/02/2021, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học tháng 03, với sự tham gia của Ban giám đốc Bệnh viện và hơn 50 học viên là các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện, nội dung sinh hoạt khoa học tháng 3 với 4 chuyên đề: Cập nhật phác đồ điều trị Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 – BSCKI Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết; Sự phát triển và vai trò của Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 – Ts.Bs.Trần Thị Đoàn – Bệnh viện Nội tiết TW; Cấy chỉ huyệt vị cải thiện tình trạng tăng tiết mồ hôi – Một số nghiên cứu về dịch tễ - Lâm sàng của Ths.Bs.Trần Nhật Trường – Phó Trưởng khoa YHCT; Phân loại Insulin và cách sử dụng bút tiêm Insutin solostar – Ths.Ds.Lê Thị Thái Lan.
Ts.Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học
Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, Ts.Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện “nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, đồng thời yêu cầu các học viên phải luôn nâng cao tinh thần tự giác học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bổ sung kiến thức phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh”.
BSCKI Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết trình bày chuyên đề “Cập nhật phác đồ điều trị Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2”
Mở đầu buổi sinh hoạt là chuyên đề đến từ Khoa Nội tiết “Cập nhật phác đồ điều trị Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2” do BSCKI Đinh Văn Tuy – Trưởng khoa Nội tiết trình bày với các nội dung chính: Cập nhật các hướng dẫn quốc tế; Lý do chọn lựa tăng cường với phác đồ basal plus; Insulin glulisine - giải pháp hiệu quả và an toàn. Trong đó, Bs Đinh Văn Tuy đưa ra kết luận: Insulin nền vẫn là ưu tiêu lựa chọn khi BN cần sử dụng insulin theo ADA và AACE 2020. Phác đồ điều trị tăng cường basal plus giúp bệnh nhân đạt kiểm soát đường huyết đói và đường huyết sau ăn. Insulin glulisine là insulin tác dụng nhanh hiệu quả tốt kiểm soát đường huyết sau ăn.
Tiếp đến là chuyên đề “Sự phát triển và vai trò của Insulin nền trong điều trị đái tháo đường tuýp 2” của Ts.Bs.Trần Thị Đoàn – Phó khoa Tim mạch và RLCH – Bệnh viện Nội tiết TW. Theo đó, Insulin nền vẫn là ưu tiêu lựa chọn khi BN cần sử dụng insulin theo ADA và AACE 2020. Hạ đường huyết là yếu tố chính giới hạn kiểm soát đường huyết tích cực và gây nhiều hậu quả cho bệnh nhân và hệ thống y tế. Gla-300 là insulin nền thế hệ mới có PK/PD phẳng hơn và thời gian tác động dài hơn (> 24h) nên có hiệu quả kiểm soát ĐH tương đương mà ít bị hạ ĐH hơn.
Chuyên đề thứ 3 trong buổi sinh hoạt khoa học là “Cấy chỉ huyệt vị cải thiện tình trạng tăng tiết mồ hôi – Một số nghiên cứu về dịch tễ - Lâm sàng” của Ths.Bs.Trần Nhật Trường – Phó Trưởng khoa YHCT trình bày có đưa ra các kết luận như: Tăng tiết mồ hôi là bệnh lý tương đối phổ biến; Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống; Có nhiều phương pháp điều trị nhưng hiện tại chưa có phương pháp nào cho thấy hiệu quả và an toàn tuyệt đối; Phương pháp cấy chỉ bước đầu cho thấy hiệu quả điều trị và tính an toàn trong điều trị tăng tiết mồ hôi khu trú.
Cuối cùng Ths.Ds.Lê Thị Thái Lan trình bày về “Phân loại Insulin và cách sử dụng bút tiêm Insulin solostar”. Trong đó có chỉ ra định nghĩa về Insulin Là hormon do tế bào β tuyến tụy tiết ra. Giúp đưa đường từ máu vào trong tế bào. Giúp duy trì lượng đường bình thường trong máu; Insulin được tiết ra từ TB β của tụy dưới dạng Proinssulin. Insulin nội sinh được tiết ra gồm: Insulin nền (khi ngủ + xa bữa ăn) và Insulin theo bữa ăn.
Buổi sinh hoạt khoa học tháng 3 với các chuyên đề rất thiết thực và bổ ích đã nhận được sự quan tâm, đặt ra câu hỏi và thảo luận từ các bác sĩ, điều dưỡng... tham dự trong việc ứng dụng lâm sàng, giúp các học viên cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả tối đa trong khám và điều trị bệnh.