Sinh hoạt khoa học tháng 7 năm 2020

Sinh hoạt khoa học tháng 7 năm 2020
Chuyên môn | 10/07/2020

Sinh hoạt khoa học tháng 7 năm 2020

Người viết: Tổ truyền thông

Với mục đích nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh đó tạo môi trường sinh hoạt khoa học, tiền đề cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức buổi “Sinh hoạt khoa học tháng 7” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nội tiết, điều trị đái tháo đường.

          Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học với chuyên đề: “Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn điều trị các rối loạn nhịp chậm” do BS. Ngô Minh Đạt, khoa Tim mạch lão học, Bệnh viện đa khoa Hà Đông trình bày. Tại phần trình bày của mình, BS. Ngô Minh Đạt đã đưa ra khái niệm rối loạn nhịp chậm là một trong những bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm cho bệnh nhân như ngất, thậm chí ngừng tim. Biện pháp điều trị hữu hiệu nhất để kiểm soát nhịp tim ổn định lâu dài hiện nay đó là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Bên cạnh đó, bác sĩ đã chỉ ra các nguyên nhân gây rối loạn nhịp chậm như: bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim không do thiếu máu, bệnh lí tim bẩm sinh, thoái hóa hệ dẫn truyền, nhồi máu cơ tim cấp,… Để giải quyết các vấn đề này, giải pháp đưa ra là sử dụng máy tạo nhịp: là một thiết bị điện tử rất đặc biệt với khả năng phân tích các hoạt động chức năng của hệ thống điện học của tim, tạo ra những xung động hỗ trợ để đẩm bảo hoạt động chức năng của tim. Các trưởng hợp chỉ định và chống chỉ định sử dụng máy tạo nhịp vĩnh viễn cũng được chỉ ra rất rõ. Đồng thời để chuẩn bị đặt máy, phải thực hiện những lưu ý với người thực hiện, người bệnh, phương tiện và hồ sơ bệnh án. Sau đó, khi đã tiến hành các bước chuẩn bị sẵn sàng, BS Đạt mô tả các bước tiến hành đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, cũng như các lưu ý khi thực hiện. Tại khoa Tim mạch lão học, bệnh viện đa khoa Hà Đông, từ năm 2019 đến nay, các bác sĩ đã thực hiện cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn dưới hướng dẫn C-arm cho 5 bệnh nhân và thu được kết quả rất khả quan. Trong đó, độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 66, bệnh nhân lớn tuổi nhất là 95 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 39 tuổi.

BS Ngô Minh Đạt, khoa Tim mạch lão học, bệnh viện đa khoa Hà Đông chia sẻ chuyên đề: “Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn điều trị các rối loạn nhịp chậm”

           Chuyên đề tiếp theo tại buổi sinh hoạt khoa học lần này với tiêu đề: Thuốc ức chế SGLT2: Cột mốc mới mang tính đột phá trong y học do ThS.BS Trịnh Ngọc Anh, nguyên giảng viên đại học Y Hà Nội, Phó tổng thư ký hội Nội Tiết Hà Nội chia sẻ. Mở đầu chuyên đề, ThS.BS Ngọc Anh đã đưa ra những ví dụ cụ thể về các ca bệnh lâm sàng, phân tích đặc điểm bệnh nhân, mục tiêu điều trị, lựa chọn điều trị. Bên cạnh đó, bài giảng cũng chỉ ra bộ 8 cơ chế sinh lý bệnh phức tạp, lợi ích lâm sàng của thuốc ức chế SGLT2 trên các yếu tố nguy cơ truyền thống. Sự ra đời của thuốc ức chế SGLT2 được coi là giải pháp có thể bổ trợ cho các loại thuốc hạ glucose máu, hạ huyết áp, giảm acid uric máu, điều trị suy tim, cải thiện gan nhiễm mỡ.

Trong phần tiếp theo của buổi tập huấn, ThS.BS Phạm Thu Hà, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai đã có bài chia sẻ về: “Đơn giản hóa phác đồ điều trị đái tháo đường týp 2”. ThS.BS Phạm Thu Hà đã trình bày các nội dung liên quan đến quản lý bệnh đái tháo đường typ2, đặc điểm phân tử của linagliptin, hiệu quả chứng minh trên phổ rộng bệnh nhân, khẳng định hồ sơ an toàn tim mạch và thận. Kết thúc các chuyên đề, phần thảo luận cũng diễn ra hết sức sôi nổi, các học viên đặt câu hỏi cho từng chuyên đề nhằm giải đáp các thắc mắc và để hiểu rõ hơn nội dung của bài giảng.

Đơn giản hóa phác đồ điều trị đái tháo đường týp 2 với sự chia sẻ của ThS.BS Phạm Thu Hà, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai

Buổi sinh hoạt khoa học nhận được sự chú ý và các câu hỏi tham gia của các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông

Buổi sinh hoạt khoa học tháng 7 đã kết thúc thành công với các chuyên đề đều nhận được sự quan tâm, lắng nghe và được đánh giá cao bởi các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông, giúp các bác sĩ trau dồi, cập nhật thêm nhiều kiến thức chuyên môn, qua đó có thêm sự chủ động trong chẩn đoán và phối hợp điều trị bệnh cho bệnh nhân.