Sinh hoạt khoa học tháng 9 năm 2019

 Sinh hoạt khoa học tháng 9 năm 2019

Sinh hoạt khoa học tháng 9 năm 2019

Người viết: Tổ truyền thông

Nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, áp dụng thực tiễn, cải tiến hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức sinh hoạt khoa học tháng 9 với 2 chuyên đề: Chuyên đề “Kĩ thuật làm cầu tay AVF và một số yêu cầu đối với siêu âm Doppler mạch máu”, khoa Ngoại Chấn thương; và Chuyên đề : "Báo cáo tình hình mổ Phaco 06 tháng đầu năm 2019" của khoa Mắt. Phát biểu khai mạc buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII. Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh vai trò của buổi sinh hoạt, tạo điều kiện trao đổi chuyên môn, các kiến thức khoa học kĩ thuật mới, từ đó áp dụng có hiệu quả trong điều trị lâm sàng, phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh”.

 

 BSCKII. Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học tháng 9

Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường, Khoa Ngoại chấn thương đã chia sẻ về chuyên đề “Kĩ thuật làm cầu tay (Avf) và một số yêu cầu đối với  siêu âm Doppler mạch máu”. Có 2 loại giải phẫu cầu tay là Giải phẫu cầu tay truyền thống và giải phẫu cầu tay loại chuyển vị. Thứ tự lựa chọn vị trí làm avf là ở bên tay không thuận. Sau đó có thể tiến hành lựa chọn: TM đầu – ĐM quay vị trí cổ tay, TM đầu – ĐM cánh tay ở khuỷu, TM nền – ĐM trụ đoạn cổ tay, TM nền – ĐM cánh tay đoạn khuỷu, TM cánh tay – ĐM cánh tay, TM đầu đoạn cẳng tay chuyển vị - ĐM cánh tay đoạn khuỷu. Bên cạnh đó, ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường cũng đánh giá vai trò của Doppler mạch máu và sự trưởng thành của AVF. Toàn bộ các AVF mới được kiểm tra trong 4-6 tuần để kiểm tra các triệu chứng của trưởng thành. AVF trưởng thành nên tuân thủ luật số 6: Đường kính 6mm, sâu dưới da không quá 6mm, có tốc độ máu thấp nhất 600ml/phút, chiều dài đoạn hiệu dụng ít nhất 6cm. Đối với cầu nối không trưởng thành thường đánh giá sau phẫu thuật 6-8 tuần, các nguyên nhân thường gặp như: hẹp miệng nối, hoặc TM bản lề, TM dẫn lưu phụ, TM dẫn lưu hẹp tắc, huyết khối, mạch không giãn nở do vôi hóa xơ vữa. Ngoài ra, ThS.BS Nguyễn Mạnh Trường cũng trình bày một số vấn đề về can thiệp nong mạch, phình và giả phình, phình mạch avf, hẹp giãn phối hợp,…

BSCKI. Nguyễn Thu Uyên, khoa Mắt đã hướng dẫn, chia sẻ chuyên đề “Báo cáo tình hình mổ Phaco 06 tháng đầu năm 2019”.

Tiếp sau chuyên đề “Kĩ thuật làm cầu tay (Avf) và một số yêu cầu đối với  siêu âm Doppler mạch máu”, BSCKI. Nguyễn Thu Uyên, khoa Mắt đã hướng dẫn, chia sẻ chuyên đề “Báo cáo tình hình mổ Phaco 06 tháng đầu năm 2019”. Thể thủy tinh là một thấu kính hội tụ có 2 mặt lồi trong suốt, bao gồm 3 phần tử từ ngoài vào trong là bao, vỏ, nhân và được treo bởi 2 dây chằng Zinn. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến đục thể thủy tinh: đục thể thủy tinh tuổi già, đục thể thủy tinh bệnh lý, do chấn thương. Các yếu tố nguy cơ gây đục thể thủy tinh gồm tiểu đường, hút thuốc, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chế độ ăn sử dụng vi chất, uống rượu, gen di truyền. Các triệu chứng lâm sàng cũng được BSCKI. Nguyễn Thu Uyên chỉ ra: về các triệu chứng cơ năng nhìn mờ, lóa, rối loạn màu sắc, song thị, cận thị giả; về các triệu chứng thực thể: tùy vào loại đục thể thủy tinh mà có các triệu chứng khác nhau. Về hình thái, đục thể thủy tinh tuổi già bao gồm đục nhân trung tâm TTT, đục vỏ TTT, đục dưới bao sau. Đối với bệnh này, điều trị nội khoa ít có giá trị, phẫu thuật có 3 loại phẫu thuật: phẫu thuật trong bao cổ điển, phẫu thuật ngoài bao, mổ phaco.  Nguyên lý: máy Phaco phát ra một sóng hình sin có tần số vào khoảng 40.000H. Sóng này được truyền đến bộ phận

chuyển đổi nằm trong tay cầm của máy Phaco và được chuyển thành dao động theo chiều dọc của đầu type Phaco. Các bước phẫu thuật bao gồm: gây tê, tạo đường vào tiền phòng, bơm nhầy TP, xé bao trước hình tròn liên tục, bơm nước tách nhân, phaco nhân, rửa hút chất nhân, bơm nhầy đầy bao, bắn nhân vào trong bao, bơm phù mép mổ. Một số biến chứng trong và sau mổ Phaco cũng được đề cập tới. Phương pháp mổ Phaco có nhiều ưu điểm: thời gian phẫu thuật ngắn, không đau, không chảy máu, vết mổ nhỏ, không cần khâu, giảm tối đa tỷ lệ loạn thị sau mổ, thị lực phục hồi sau 24h và xuất viện sớm, an toàn, giảm thiểu các biến chứng sau mổ. Ngoài ra, BSCKI. Nguyễn Thu Uyên cũng đề cấp đến phương pháp chăm sóc sau mổ,thực trạng mổ Phaco tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, đánh giá kết quả sau phẫu thuật, giải pháp tăng thu dung bệnh nhân. Buổi sinh hoạt khoa học nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thắc mắc của các học viên.    

Buổi sinh học khoa học tháng 9 với các chuyên đề đều rất ý nghĩa, mang tính ứng dụng cao trong lâm sàng, đồng thời giúp các khoa phòng khác trong toàn bệnh viện cập nhật kiến thức chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, từ đó học hỏi, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh hướng tới sự hài lòng người bệnh.