Tập huấn Tiêm an toàn: Thực trạng và giải pháp
Tập huấn Tiêm an toàn: Thực trạng và giải pháp
Nhằm cập nhật kiến thức tiêm an toàn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, đảm bảo an toàn người bệnh, trong các ngày từ 06/10 đến 9/10/2020, Bệnh viện đã tổ chức lớp tập huấn “Tiêm an toàn” cho các học viên là các điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên các khoa lâm sàng, cận lâm sàng trong toàn Bệnh viện. Tham dự buổi tập huấn có BSCKII. Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện. Đ/c Phó Giám đốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi tập huấn, về quy trình Tiêm an toàn là rất cần thiết, giúp đội ngũ điều dưỡng được nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hành tiêm an toàn, từ đó áp dụng được kiến thức đã học vào thực hành chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Mở đầu buổi tập huấn, Cử nhân Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Điều dưỡng đã nêu lên khái niệm tiêm an toàn. Tiêm an toàn là kỹ thuật tiêm không gây nguy hại cho người được tiêm, không gây phơi nhiễm cho người tiêm và không để lại chất thải nguy hại cho cộng đồng. Các điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật viên đã có những chia sẻ về các sự cố tại khoa từng gặp và đưa ra quan điểm của mình về những tình huống đó đã đạt mức an toàn chưa với thực trạng hiện nay. Bên cạnh đó, bài giảng cũng để cập đến một số sự cố y khoa tại các bệnh viện khác liên tục được báo chí mổ xẻ như: tiêm nhầm vaccine cho trẻ, tiêm nhầm thuốc khí dung, tiêm insulin quá liều,… Một số nguyên nhân dẫn đến tiêm không an toàn đó là: Chưa tuân thủ quy trình kĩ thuật, thao tác vô khuẩn, chưa thường xuyên vệ sinh tay, đi tiêm không mang đủ phương tiện, dùng chung bơm, kim tiêm cho thuốc khác nhau, người bệnh khác nhau, lưu kim trên lọ, thiếu hộp đựng vật sắc nhọn trong tầm tay, vị trí người bệnh không thuận tiện, thực hành quy trình không đúng, thiếu phương tiện bảo hộ cho người thu gom, phân loại rác không đúng, gia tăng rác thải từ những mũi tiêm không cần thiết,…Tiêm không an toàn gây ra rất nhiều hậu quả. Đối với người bệnh, tiêm không an toàn có thể gây tử vong, sốc phản vệ, liệt, teo cơ,kéo dài thời gian điều trị, giảm hiệu quả điều trị, lây truyền bệnh, tăng chi phí, ảnh hưởng bới tác dụng phụ của thuốc,..Chính vì những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó mà vai trò của người điều dưỡng ngày càng phải được khẳng định, nâng cao cả về chất lượng, về tư cách, phẩm chất. CN điều dưỡng Nguyễn Thị Phương đã chia sẻ một số giải pháp thực hành tiêm an toàn đến với lớp tập huấn, đó là: giảm hoặc loại bỏ các mũi tiêm không cần thiết, đảm bảo đầy đủ các phương tiện, thuốc cho kỹ thuật tiêm, tiêm phòng vaccine viêm gan B cho nhân viên y tế, tăng cường kiến thức về tiêm an toàn và kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hành đúng quy trình kĩ thuật tiêm, phát hiện và xử lý tốt biến chứng. Đặc biệt, người điều dưỡng cần tuân thủ thực hiện 6 mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh: Xác định chính xác người bệnh, giao tiếp hiệu quả, an toàn sử dụng thuốc, phẫu thuật đúng vị trí, phương pháp và đúng người bệnh, giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, giảm nguy cơ và hậu quả do ngã. Trong bài giảng của mình, CN Nguyễn Thị Phưỡng đã lồng ghép nhiều minh họa cụ thể, đưa ra những bài tập tình huống cho các học viên sử dụng kinh nghiệm của mình để xử trí, mang đến không khí học tập, trao đổi sôi nổi, hiệu quả.
Thông qua buổi tập huấn, các điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật viên tại các khoa phòng trong bệnh viện đã rút ra những bài học, kinh nghiệm, áp dụng với công việc thực tế hàng ngày của mình, giúp phòng tránh tối đa sự cố y khoa không mong muốn.
Dưới đây là hình ảnh tại buổi tập huấn: