Đái tháo đường - Bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Đái tháo đường - Bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Đái tháo đường - Bệnh lý nguy hiểm cần quan tâm

Người viết: Tổ truyền thông

Trong những năm gần đây, số bệnh nhân đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng nhanh với nhiều biến chứng nặng nề như biến chứng tim mạch, thận, mắt, thần kinh… trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của toàn xã hội. Việc trang bị những hiểu biết về triệu chứng bệnh đái tháo đường sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

z3009021796574_68b400eae3ef99608889d43cd5a73352.jpg

Bệnh đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng đường máu do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng đường máu mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa về đường, đạm, mỡ, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Dự đoán vào năm 2045, cứ 10 người lớn sẽ có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019. Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, hiện đã và đang điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường và các biến chứng liên quan đến căn bệnh đái tháo đường.

Các loại đái tháo đường thường gặp

Bệnh đái tháo đường gồm 2 thể chính là: đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2. Ngoài ra còn có đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường, đái tháo đường thứ phát và thể bệnh chuyên biệt của đái tháo đường.

  1. Đái tháo đường Típ 1

Tế bào β của tuyến tụy bị phá hủy do nguyên nhân tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân, gây nên thiếu insulin tuyệt đối.

Tỷ lệ mắc bệnh típ 1 chiếm từ 5 – 10% tổng số người mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra ở người dưới 20 tuổi, bệnh tiến triển nhanh nếu không kịp thời chữa trị. 

  1. Đái tháo đường Típ 2

Do tế bào của cơ thể kháng với insulin, dẫn đến thiếu insulin tương đối (tức là insulin vẫn tiết ra với số lượng bình thường nhưng thiếu so với đòi hỏi của cơ thể).

Bệnh này chiếm tỷ lệ cao khoảng 90 – 95% người bệnh, phổ biến gặp ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên hiện nay số ca mắc có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều người mắc ở tuổi 30 và thanh niên. 

  1. Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường khi mang thai là tình trạng rối loạn đường huyết. Đa phần đái tháo đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ mang thai ở tuần 24-28.

Triệu chứng của đái tháo đường

Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường típ 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.

– Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi

– Đi tiểu thường xuyên

– Cảm thấy rất khát

– Cảm thấy rất đói – ngay cả khi đang ăn

– Nhìn mờ

– Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:

– Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường típ 1)

– Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường típ 2)

biến chứng do bệnh ĐTĐ.jpg

Biến chứng của đái tháo đường

Bệnh tim mạch: ảnh hưởng đến tim và mạch máu và có thể gây ra các biến chứng gây tử vong như bệnh động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ.

Bệnh thận (bệnh thận đái tháo đường): gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người đái tháo đường hơn những người không mắc đái tháo đường.

Bệnh thần kinh (bệnh thần kinh do đái tháo đường): đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương, và nhiều chức năng khác. Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa ran và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt cụt chi.

Bệnh về mắt (bệnh võng mạc do đái tháo đường): hầu hết những người mắc đái tháo đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt (bệnh võng mạc) làm giảm thị lực hoặc mù lòa.

Các biến chứng trong thời kỳ mang thai: Phụ nữ mắc đái tháo đường trong suốt thời kỳ mang thai nguy cơ có một số biến chứng nếu họ không theo dõi cẩn thận và kiểm soát tình trạng bệnh. Đường máu cao trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến thai nhi bị quá cân. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sinh nở, chấn thương cho trẻ và mẹ, và đột ngột giảm glucose máu ở trẻ sau sinh. Trẻ bị phơi nhiễm trong thời gian dài với đường máu cao trong tử cung có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn trong tương lai.

Chẩn đoán đái tháo đường

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường( Bộ Y Tế Việt Nam - năm2020) dựa vào 1 trong 4 tiêu chí sau đây:

  1. Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L) hoặc:
  2. Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose bằng đường uống ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)
  3. HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
  4. BN có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc của cơn tăng glucose huyết cấp kèm mức glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Chẩn đoán xác định nếu có 2 kết quả trên ngưỡng chẩn đoán trong cùng 1 mẫu máu xét nghiệm hoặc ở 2 thời điểm khác nhau đối với tiêu chí a, b, hoặc c; riêng tiêu  d chí chỉ cần xét nghiệm duy nhất 1 lần.

Điều trị bệnh đái tháo đường

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cùng với thiết lập chế độ thể dục thể thao hợp lý kết hợp theo dõi tình trạng bệnh lý thường xuyên là những việc làm quan trọng nhất  dù ở thể bệnh nào.

Đái tháo đường típ 1: bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã không còn khả năng tự sản xuất insulin.

Đái tháo đường típ 2:có thể dùng 1 hay nhiều loại thuốc uống phối hợp nhau  hoặc phối hợp thuốc uống với thuốc tiêm(insulin, GLP1), hoặc chỉ dung thuốc tiêm tùy theo điều kiện và tình trạng của mỗi người bệnh cụ thể mà bác sỹ kê đơn.

Để hạn chế tiến triển nặng của bệnh, người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp với điều kiện của mình, điều trị liên tục, không tự ý bỏ thuốcvà tự ý điều chỉnh thuốc(chỉ tạm dừng hoặc bỏ thuốc khi đã được khám và tư vấn của bác sỹ chuyên khoa nội tiết trong 1 số trường hợp).

Cần lưu ý rằng, bệnh đái tháo đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng giai đoạn, do đó người bệnh cần được thăm khám, đánh giá chính xác tình trạng hiện tại để có kế hoạch điều trị thích hợp và hiệu quả.

Tóm lại, người bệnh cần phải khám định kỳ và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ.

Phòng bệnh đái tháo đường

Hiện nay, chưa thể phòng ngừa được đái tháo đường típ 1. Nhiều yếu tố liên quan đến môi trường, độc chất hay virus được cho rằng có khả năng kích hoạt quá trình tự miễn mà thông qua đó cơ thể bạn tự sản xuất ra kháng thể chống lại tuyến tụy. Tế bào beta ở tuyến tụy là nơi sản xuất ra insulin, hormone đóng vai trò chính yếu trong việc kiểm soát đường huyết của bạn. Do đó, khi tuyến tụy bị phá hủy, đặc biệt là tế bào beta tụy không còn nguyên vẹn, bệnh đái tháo đường sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, những yếu tố kích hoạt nói trên vẫn đang trong quá trình khảo sát và chưa có biện pháp ngăn ngừa đái tháo đường típ 1 nào được chứng minh hiệu quả.

Vì vậy, các chương trình dự phòng mà bác sĩ đề cập với bạn đều nhằm mục đích hạn chế hoặc làm chậm diễn tiến xuất hiện đái tháo đường típ 2 hoặc làm chậm sự tiến triển của các biến chứng và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng do đái tháo đường.

Chế độ ăn uống:

Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát được bệnh. Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của bệnh đái tháo đường: đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia.

 

z3009010036780_337efdfb9e113a2fb209bb0ee645a9c6.jpg

Chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp BN tiểu đường kiểm soát bệnh

Thiết kế bữa ăn đơn giản, không quá đắt tiền và phù hợp với tập quán địa phương. Cân bằng tỷ lệ đường( ngũ cốc: gạo , ngô, khoai, sắn,…), đạm và chất béo; bổ sung những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên hạt; theo dõi đường huyết sau bữa ăn… Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống thích hợp.

Vận động:

Việc vận động không chỉ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch…Khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường tập thể dục thể thao ít nhất 5 ngày mỗi tuần với thời gian tập 30 phút mỗi ngày, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bài tập phù hợp.

Nên tập thể dục cùng với bạn bè, người thân để được giúp đỡ khi cần(trong khi tập thể dục có thể có những tai biến do hạ đường huyết, hoặc xuất hiện các biến chứng khác của đái tháo đường). Có thể vận động với loại hình mình yêu thích, phù hợp với tuổi tác và sức khỏe. Các môn thể dục thích hợp với người bệnh đái tháo đường là yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội, dưỡng sinh... Tập thói quen vận động nhẹ nhàng sau bữa ăn giúp hạ đường huyết.

Không nên tập thể dục khi:

  • Đường huyết < 70 mg/dl(<3,9 mmol/l) hoặc có triệu chứng hạ đường huyết
  • Có ceton trong nước tiểu và đường huyết > 250 mg/dl (> 13,9 mmol/l)
  • Không có ceton niệu trong nước tiểu nhưng có đường huyết > 400 mg/dl (> 22,2 mmol/l) đối với bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
  • Khi nghỉ mà có cơn đau thắt ngực.