Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ 50 tuổi đeo hậu môn nhân tạo suốt 9 năm
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Phẫu thuật thành công cho người phụ nữ 50 tuổi đeo hậu môn nhân tạo suốt 9 năm
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng cơn vùng hố chậu phải, bí trung tiện, khối vùng hậu môn nhân tạo loét sùi, có mùi hôi, chảy dịch.
Ngày 14/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa của Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân lồng ruột - ung thư đại tràng tái phát và mang hậu môn nhân tạo suốt 9 năm.
Theo đó, bệnh nhân nữ N.T.S (50 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) có tiền sử mổ cắt u trực tràng làm hậu môn nhân tạo cách đây 9 năm. Sau mổ, bệnh nhân có đi tái khám và điều trị theo dõi tại một bệnh viện.
Tuy nhiên, sau đó, nghe lời người thân và những người xung quanh khuyên không nên đóng lại hậu môn nhân tạo nên bệnh nhân không đi tái khám và mang túi hậu môn nhân tạo bên mình suốt nhiều năm qua.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng cơn vùng hố chậu phải, bí trung đại tiện, khối vùng hậu môn nhân tạo loét sùi, có mùi hôi, chảy dịch bẩn.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng bệnh nhân được chẩn đoán trước mổ: Bán tắc ruột do lồng hồi tràng - đại tràng phải - sa lồi, u sùi hậu môn nhân tạo theo dõi ung thư tái phát/mổ cũ cắt u trực tràng.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật giải quyết nguyên nhân lồng ruột, cắt khối u sùi hậu môn nhân tạo và đóng lại hậu môn nhân tạo.
Tổn thương trong mổ nguyên nhân gây lồng ruột là do khối u vùng manh tràng. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt đoạn đại tràng phải nối đại tràng hồi tràng bên phải, cắt đoạn đại tràng trái chứa hậu môn nhân tạo và khối u sùi nối đại tràng trái và đoạn trực tràng còn lại tận bên bằng máy nối tròn.
Cả 2 đoạn đại tràng đều được lấy ra làm giải phẫu bệnh và đều cho kết quả là ung thư biểu mô tuyến – trường hợp bệnh nhân này khá đặc biệt vì ung thư ở 2 chỗ khác nhau của đường tiêu hóa. Sau 4 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển phòng hồi tỉnh theo dõi tiếp.
3 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đánh hơi tốt qua hậu môn thật đã được rút sonde hậu môn và cho ăn đường miệng. Sau đó, bệnh nhân đã đại tiện được qua hậu môn thật của mình sau 9 năm đeo túi hậu môn nhân tạo.
Ngày thứ 9 sau mổ, bệnh nhân ổn định, ăn uống tốt, đại tiểu tiện tốt và được ra viện.
Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Đức, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đây là ca bệnh khá đặc biệt, bệnh nhân đeo túi hậu môn nhân tạo bên mình suốt 9 năm làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống, làm tổn hại đến kinh tế do phải mua túi dán hậu môn nhân tạo, ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của bệnh nhân.
Từ trường hợp này, BS Đức khuyến cáo, việc tái khám sau phẫu thuật theo đúng lịch hẹn của bác sĩ là điều vô cùng quan trọng. Việc này giúp bệnh nhân được nghe tư vấn của bác sĩ có chuyên môn và chuyên khoa sâu để chất lượng cuộc sống sau mổ đạt hiệu quả cao tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.