Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống tăng huyết áp (17/5/2021) Tăng huyết áp – Những điều cần biết

 Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống tăng huyết áp (17/5/2021) Tăng huyết áp – Những điều cần biết

Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống tăng huyết áp (17/5/2021) Tăng huyết áp – Những điều cần biết

Người viết: Tổ truyền thông

Tình trạng tăng huyết áp là phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị THA, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi. Theo ước tính của WHO, hiện đã có khoảng 1,5 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và mỗi năm có khoảng 9,4 triệu người bị tăng huyết áp đã tử vong. Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay.

Ngày 17/5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…. và những bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm.

Tăng huyết áp là bệnh mạn tính phổ biến gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và cũng là 1 trong 8 bệnh gây tử vong lớn nhất hàng năm… Tăng huyết áp (THA) còn được gọi là "Kẻ giết người thầm lặng" vì chúng thường không có những biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo trước. Các yếu tố nguy cơ của THA là tuổi tác, thừa cân – béo phì, lối sống, yếu tố tiền sử gia đình…

Một người được xác định là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.

Để chủ động phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người cần thực hiện:

1. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình.

2. Tăng cường ăn rau và trái cây.

3. Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày.

4. Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.

5. Không hút thuốc, hạn chế rượu bia.

6. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình.

7. Người mắc tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.

Tăng huyết áp là một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm. Chính vì vậy, tăng huyết áp cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến cố nguy hiểm về tim mạch. Để sớm phát hiện và điều trị bệnh tăng huyết áp, khách hàng cần đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để được tư vấn, khám và điều trị./.