Xét nghiệm hóa sinh trong chấn đoán đái tháo đường

Xét nghiệm hóa sinh trong chấn đoán đái tháo đường

Xét nghiệm hóa sinh trong chấn đoán đái tháo đường

Người viết: Ban truyền thông - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

 Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh lý nội tiết phổ biến nhất hiện nay, được đánh giá là gánh nặng toàn cầu. Theo dự báo của IDF Atlas 2021 đến năm 2045 toàn thế giới có khoảng 537 triệu người mắc ĐTĐ, khu vực Đông  Nam Á tăng 68%  số lượng người mắc từ 90 triệu người (năm 2021) lên 152 triệu người (năm 2045). Tại Việt Nam, bệnh ĐTĐ có xu hướng tăng nhanh và hiện đứng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong hàng năm. Bệnh này đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose trong máu do sự thiếu hụt insulin hoặc sự kháng insulin. Việc phát hiện, chẩn đoán điều trị sớm và quản lý theo dõi người bệnh đái tháo đường là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng do ĐTĐ gây nên.

 1. Chẩn đoán đái tháo đường:

Theo Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ - ADA (American Diabetes Association) , bệnh đái tháo đường được xác định khi người bệnh có một trong bốn tiêu chuẩn sau:

  • Nồng độ glucose máu lúc đói  ≥  126 mg/dL (hay 7mmol/L)
  • Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, đo nồng độ glucose máu ở thời điểm 2 giờ  ≥  200 mg/dL (11.1 mmol/L)
  • Định lượng HbA1C  ≥  6.5% (48mmol/L)
  • Nồng độ glucose máu ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (11.1 mmol/L)

và có các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh đái tháo đường như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân.

  1. Xét nghiệm trong chẩn đoán đái tháo đường:

    Việc chẩn đoán xác định ĐTĐ chủ yếu cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm: xét nghiệm đường huyết lúc đói, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, xét nghiệm đường huyết bất kỳ và HbA1C

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói (Fasting glucose plasma): Glucose máu lúc đói là lượng glucose được định lượng sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Trên thực tế, người bệnh thường được khuyên thực hiện xét nghiệm vào sáng sớm, khi chưa ăn gì. Giá trị bình thường của xét nghiệm này là < 100 mg/dL. Người bị ĐTĐ có nồng độ glucose máu đói ≥ 126 mg/dL. Những người có kết quả trong khoảng từ 100 mg/dL đến 125 mg/dL được kết luận mắc chứng tiền đái tháo đường hay rối loạn dung nạp đường huyết, có thể được hẹn để thực hiện xét nghiệm lại lần 2
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: Bệnh nhân được yêu cầu nhịn ăn ít nhất 8 giờ, sau đó uống  khoảng 200mL nước đã được hòa với 75g glucose. Bệnh nhân được xét nghiệm ở hai thời điểm, trước khi uống đường và 2 giờ sau khi uống 75g đường. Giá trị bình thường của xét nghiệm đường huyết sau 2 giờ là < 140mg/dL. Khi trị số này trên 200 mg/dL, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc ĐTĐ
  • Xét nghiệm định lượng HbA1C: HbA1C là thông số phản ánh nồng độ đường máu trung bình trong khoảng 3 tháng gần nhất. HbA1C có vai trò đánh giá lượng glucose gắn vào hồng cầu trong máu người bệnh. Đây là xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị ở những bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2. Xét nghiệm HbA1C phải được thực hiện ở các phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Giá trị HbA1C ở người bình thường là < 5,7%. Khi HbA1C > 6,4%, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.

Đây là ba xét nghiệm cơ bản nhất thường được thực hiện khi chẩn đoán bệnh ĐTĐ. Ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán ĐTĐ cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết để điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cũng như kế hoạch điều trị một cách hợp lý, ngăn ngừa các biến chứng .

BVĐK Hà Đông hiện đang  triển khai các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị ĐTĐ thực hiện tại khoa Hóa Sinh trên các hệ thống máy phân tích đạt chuẩn Châu Âu và Hoa Kỳ, được vận hành bởi nguồn nhân lực trình độ cao và thực hiện nhiều gói khám chữa bệnh chất lượng cao, sàng lọc ĐTĐ, rối loạn mỡ máu… nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền ĐTĐ, phân loại chính xác type ĐTĐ, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do ĐTĐ gây ra.

Máy xét nghiệm hóa sinh đường huyết glucose

Máy xét nghiệm Hba1c là thiết bị chuyên dụng chấn đoán và kiểm soát bệnh đái tháo đường

Hãy chủ động đi khám và làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ bản thân khỏi bệnh ĐTĐ. Phát hiện sớm bằng các xét nghiệm là chìa khóa để kiểm soát bệnh hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống.