“Bơm xi măng ”- Phẫu thuật ít xâm lấn, hiệu quả, an toàn cho bệnh nhân xẹp đốt sống

“Bơm xi măng ”- Phẫu thuật ít xâm lấn, hiệu quả, an toàn cho bệnh nhân xẹp đốt sống

“Bơm xi măng ”- Phẫu thuật ít xâm lấn, hiệu quả, an toàn cho bệnh nhân xẹp đốt sống

Người viết: Ban truyền thông - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

Xẹp đốt sống là một trong những nguyên nhân gây đau lưng và ảnh hưởng đáng kể dẫn đến giảm chất lượng sống, đặc biệt ở nữ giới cao tuổi.

Theo nghiên cứu về loãng xương cột sống ở Châu Âu (EVOS), ở tuổi 75-79, tỷ lệ xẹp đốt sống do loãng xương mỗi năm là 13.6 trên 1000 người đối với nam, và 29.3 đối với nữ.

Xẹp đốt sống biểu hiện với các triệu chứng: Đau lưng tăng dần sau một chấn thương nhẹ hoặc sau bê vật nặng; đau khi thay đổi tư thế, khi đi lại hoặc các dấu hiệu khác đi kèm như đau tê chân, yếu chân, rối loạn đại tiểu tiện...Phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua cuống là một phẫu thuật ít xâm lấn điều trị xẹp đốt sống với mục đích giảm đau, nâng chiều cao thân đốt sống, tái khôi phục đường cong sinh lý và tăng độ vững cho cột sống. Đây là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, ít tai biến biến chứng nhưng hiệu quả rất cao.

 Đối tượng chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định:

- Gãy xẹp đốt sống gây đau có dấu hiệu phù nề thân đốt sống trên phim chụp cộng hưởng từ.

- Bệnh nhân không có triệu chứng tổn thương thần kinh và dấu hiệu chèn ép tủy sống

- Xẹp đốt sống do loãng xương có đau cấp tính hoặc kéo dài.

- Xẹp đốt sống sau chấn thương.

- Di căn xương gây phá hủy thân đốt sống, đau nhiều.

- Không đáp ứng với điều trị nội khoa (thuốc, nghỉ ngơi).

Chống chỉ định:

- Bất thường về đông máu hay tình trạng nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân

- Xẹp đốt sống do tổn thương thứ phát

- Xẹp đốt sống không có hình ảnh phù nề trên phim cộng hưởng từ

- Bệnh nhân xẹp đốt sống không đau hoặc đau rất ít cũng nên cân nhắc chỉ định bơm xi măng

Ưu điểm của phương pháp bơm xi măng cột sống

Kỹ thuật bơm xi măng cột sống là phương pháp điều trị xẹp đốt sống hiệu quả với ưu điểm vượt trội như:

Bệnh nhân giảm đau ngay sau phẫu thuật và có thể đứng dậy đi lại sớm (sau 4-6h phẫu thuật)

Phương pháp can thiệp tối thiểu (vết mổ <5mm trên da), nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, hạn chế mất máu, hạn chế để lại sẹo

Thời gian phẫu thuật ngắn, chỉ khoảng 30 phút, an toàn cho các bệnh nhân lớn tuổi

Chỉ gây tê tại chỗ, không cần gây mê tránh tác dụng phụ như mất chức năng nhận thức, đau cơ, chóng mặt,…

Phẫu thuật an toàn, ít gây ra biến chứng và mang lại hiệu quả cao.

Các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh lồng ngực thực hiện kỹ thuật bơm xi măng xẹp đốt sống cho bệnh nhân

Quy trình thực hiện

Trước khi tiến hành bơm xi măng sinh học, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám người bệnh toàn diện

Chỉ định chụp X-quang, MRI, xét nghiệm máu, đo mật độ loãng xương, đánh giá bệnh lý kết hợp: Tăng huyết áp, đái tháo đường....

Nếu đủ điều kiện, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật bơm xi măng:

- Bệnh nhân ở tư thế nằm sấp trên bàn mổ

-  Bệnh nhân được tiền mê, gây tê tại chỗ

-  Xác định đốt sống thương tổn dưới C-Arm.

- Đưa kim chuyên dụng đi vào bờ ngoài cuống vào thân sống

- Dùng Xi măng sinh học (PolyMethylMethAcrylate-PMMA) bơm vào thân sống khoảng 4 – 8 ml, quá trình này được kiểm soát liên tục dưới C-Arm để tránh dò xi măng ra xung quanh

- Kiểm tra thường xuyên vận động, cảm giác 2 chân của bệnh nhân để đề phòng biến chứng.

Sau phẫu thuật bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại giường 2 giờ, sau đó cho ngồi dậy và đi lại.

- Bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu tăng cường sức cơ. Phối hợp dùng thuốc chống loãng xương để làm giảm nguy cơ gãy xương mới.

Những lưu ý sau khi bơm xi măng cột sống

Sau khi bơm xi măng cột sống, bệnh nhân cần:

  • Tái khám đúng lịch, nếu xuất hiện các triệu chứng đau bất thường nào thì cần đi khám ngay
  • Ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ
  • Đo mật độ xương định kỳ, điều trị loãng xương theo đúng liệu trình. Đặc biệt, với người cao tuổi bị loãng xương, khi đốt sống đã được bơm trở nên vững chắc thì các đốt sống lân cận sẽ trở nên yếu hơn dễ bị xẹp hơn
  • Cố gắng giữ an toàn trong các hoạt động sinh hoạt và làm việc mỗi ngày, tránh các nguy cơ té ngã, va chạm ảnh hưởng đến cột sống.