Các phương pháp giảm đau sau mổ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

Các phương pháp giảm đau sau mổ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Giảm đau sau mổ là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, phục hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng. Cùng Bác sĩ chuyên khoa II Vương Danh Chính - Trưởng khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chia sẻ về vấn đề này bởi lẽ kiểm soát đau sau mổ không chỉ là việc làm giảm cảm giác đau đơn thuần mà còn là một chiến lược y khoa toàn diện.
Tại sao cần giảm đau sau mổ?
Sau phẫu thuật, đau là phản ứng tự nhiên của cơ thể. Cảm giác đau sau mổ luôn là một trong những nỗi lo lắng của bất kỳ bệnh nhân nào. Nếu cơn đau không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề như:
• Khó thở, tăng nguy cơ viêm phổi
• Giảm khả năng vận động, tăng nguy cơ huyết khối
• Rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm
• Kéo dài thời gian hồi phục và nằm viện
Do đó, giảm đau sau mổ không chỉ là giúp bệnh nhân “dễ chịu” hơn, mà còn là một phần quan trọng trong quá trình điều trị.
Tập thể cán bộ y tế Khoa gây mê và phương pháp giảm đau sau mổ
Các phương pháp giảm đau sau mổ được thực hiện tại khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã thực hiện được rất nhiều phương pháp giảm đau hiện đại để giúp người bệnh giảm bớt được cơn đau sau phẫu thuật cũng như nhanh chóng phục hồi hơn. Tùy theo loại phẫu thuật và tình trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
Dưới đây là hai phương pháp phổ biến và hiệu quả đang được thực hiện tại Khoa Gây mê Hồi sức.
Phương pháp giảm đau ngoài màng cứng (Epidural Analgesia)
Gây tê ngoài màng cứng là một kĩ thuật gây tê vùng được tiến hành bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để ức chế dẫn truyền thần kinh ở một vùng nhất định do các rễ thần kinh chi phối. Gây tê ngoài màng cứng có tác dụng giảm đau liên tục trong 72 giờ. Đây cũng là giai đoạn người bệnh đau nhất sau mổ. Tuy nhiên, nếu được gây tê ngoài màng cứng, bệnh nhân có thể ngồi dậy vận động sớm, tránh được các biến chứng sau mổ.
Ưu điểm:
• Giảm đau rất tốt, đặc biệt trong các phẫu thuật bụng, ngực, hoặc chi dưới
• Giúp bệnh nhân thở sâu, ho hiệu quả hơn
• Giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau toàn thân, hạn chế tác dụng phụ
Cách thực hiện: Bác sĩ gây mê sẽ đặt một ống nhỏ (catheter) vào khoang ngoài màng cứng trước mổ, sau đó truyền liên tục thuốc giảm đau trong và sau mổ.
Lưu ý: Có thể gây tê tạm thời vùng chi dưới, tụt huyết áp nhẹ hoặc ngứa – nhưng thường được kiểm soát tốt.
Giảm đau bằng đường tĩnh mạch (IV PCA – Patient-Controlled Analgesia)
PCA là một phương pháp giảm đau sau mổ mới và hiện đại cho phép người bệnh chủ động tự kiểm soát cơn đau của mình. Khi bệnh nhân đau chỉ cần bấm nút máy sẽ tự động bơm một liều thuốc giảm đau an toàn dưới sự theo dõi của nhân viên y tế...
Ưu điểm:
• Chủ động kiểm soát cơn đau theo nhu cầu cá nhân
• An toàn, có cơ chế khóa liều để tránh quá liều
• Hiệu quả trong các phẫu thuật bụng, ngực, hoặc khi không thể dùng giảm đau ngoài màng cứng
Tác dụng phụ có thể gặp: Buồn nôn, ngứa, táo bón – thường nhẹ và có thể xử lý dễ dàng.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là bệnh viện đa khoa hạng I, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Mỗi năm, Khoa Gây mê Hồi sức thực hiện gây mê cho khoảng 15.000 ca phẫu thuật và thủ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh. Trong đó, có khoảng 30 – 40% bệnh nhân được áp dụng các phương pháp giảm đau sau mổ nhằm nâng cao chất lượng hồi phục.
Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng gây mê hồi sức có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm, Khoa Gây mê Hồi sức luôn là địa chỉ tin cậy, an toàn được người bệnh lựa chọn cho các cuộc phẫu thuật.
Chúng tôi muốn gửi thông điệp tới ngưởi bệnh:
“Cơn đau sau mổ không cần phải chịu đựng. Hãy chia sẻ với bác sĩ gây mê – chúng tôi luôn có giải pháp giúp bạn hồi phục trong sự thoải mái và an toàn.”