Khâu nối tai đứt gần lìa cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông

 Khâu nối tai đứt gần lìa cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông

Khâu nối tai đứt gần lìa cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông

Người viết: Tổ truyền thông

Tuần qua, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã cấp cứu cho một bệnh nhận bị tai nạn giao thông trong tình trạng chấn thương vùng đầu mặt tai, nghiêm trọng hơn là phần tai phải bị đứt lìa gần như hoàn toàn. Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Duy K., 35 tuổi, ở Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội. Qua khai thác từ phía bệnh nhân,  anh K  kể lại khi đi xe máy trên đường về, không làm chủ được tay lái nên va vào tường, quệt toàn bộ mặt bên phải vào tường, xây xát nghiêm trọng, chảy nhiều máu và đáng chú ý là bị đứt gần như toàn bộ phần tai phải. Sau khi khẩn trương sơ cấp cứu cho bệnh nhân, qua thăm khám các bác sĩ nhận định phần tai phải của bệnh nhân gần như đứt lìa hoàn toàn, bám đầy bụi bẩn, thậm chí là rêu tường, chỉ còn dính lại một phần nhỏ sụn tai và dái tai. Lúc này bác sĩ khoa Tai Mũi Họng lập tức tiến hành cầm máu, đồng thời vệ sinh toàn bộ phần vết thương bị bẩn để tránh nhiễm trùng, cắt lọc phần sụn tai bị nát, hỏng. Sau đó, sử dụng kĩ thuật khâu da, khâu vành tai bằng chỉ dafilon 3.0, cố định phần dái tai bị đứt rời vào.  Khi thực hiện các bước trên xong, bác sĩ dùng băng, ép vùng tai mới phẫu thuật lại để tránh nhiễm trùng và chảy máu tai. Sau 1 giờ, ca phẫu thuật kết thúc thành công và cố định lại tai phải cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kháng sinh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ, tránh các va chạm mạnh làm tổn thương đến tai.

Đây là ca phẫu thuật sử dụng kĩ thuật khâu da, khâu vành tai tương đối phức tạp vì phần sụn tai bị tổn thương nghiêm trọng, hỏng nát bỏ đi khá nhiều , đòi hỏi chuyên môn cao, độ tỉ mỉ, chuyên nghiệp cũng như tinh thần trách nhiệm từ các y, bác sĩ. Sau 3 ngày phẫu thuật, dưới sự điều trị tích cực, ở phần tai được khâu vào của bệnh nhân đã hồng trở lại, các mạch máu được nuôi dưỡng tốt. Đến thời điểm hiện tại sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện với tình trạng vết thương ở tai liền tốt, đã được cắt chỉ và không còn đau.

Hình ảnh tai phải của bệnh nhân gần như bị đứt lìa hoàn toàn khi gặp tại nạn

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thư, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng thăm khám cho bệnh nhân, vết thương phần tai  phải đã ổn định, phục hồi tốt

BS nội trú Nguyễn Thị Thu Thư, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Duy K. cho biết: Trường hợp này bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tai mặc dù dập nát nhưng chưa bị đứt rời hoàn toàn và được đưa vào viện sớm nên khả năng phục hồi sau phẫu thuật tương đối cao, trong trường hợp để quá thời gian vàng (tối đa là 6 tiếng), cơ hội để khâu nối cứu sống thành công là rất thấp. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, việc mất vành tai còn ảnh hưởng đến chức năng nghe vì vành tai có nhiệm vụ hứng âm thanh để truyền vào ống tai. Vì vậy, khi gặp tai nạn này, bệnh nhân cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu điều trị.