NHẬN BIẾT NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU THẮT LƯNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
NHẬN BIẾT NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU THẮT LƯNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Theo thống kê từ 1990 – 2010 trên thế giới, trung bình cứ 2 người thì có 1 người bị đau lưng. Tỉ lệ này tăng đến 57% ở các nước đang phát triển và chỉ 16% ở các nước phát triển. Đau lưng gây gánh nặng xã hội, đứng thứ 6 trong các dạng bệnh tật (kể cả bệnh gây tử vong và không gây tử vong).
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, cứ 5 người cao tuổi sẽ có 1 người bị đau, 18% những người trên 65 tuổi đang phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên. Đau ở người cao tuổi gây giảm vận động, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, thậm chí bứt rứt, kích động, khiến người già không có khả năng tự chăm sóc... Việc chăm sóc bệnh đau lưng mãn tính ở người cao tuổi là một bài toán khó không chỉ với gia đình mà hệ thống y tế.
- Người cao tuổi (NCT) rất dễ mắc chứng đau thắt lưng. Đau thắt lưng có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có những nguyên nhân cần chữa trị nếu không sẽ gây biến chứng nặng nề cho người bệnh.
Nguyên nhân
Đau thắt lưng ở NCT phổ biến nhất là do thoái hóa xương khớp bởi sự lão hóa vì tuổi tác hoặc NCT trước đây đã từng bị chấn thương (do nghề nghiệp, chơi thể thao, tai nạn...),
Hoặc NCT đã và đang có bệnh lý ở hệ tiết niệu (sỏi, u, lao thận…), bệnh lý của dạ dày (viêm, loét, u…). Trong đó, nguyên nhân do thoái hóa cột sống thắt lưng bởi tuổi tác hoặc do thoát vị đĩa đệm (hoặc là đơn thuần hoặc là kết hợp cả hai) là quan trọng hơn cả.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vùng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm có thể do cấu tạo của ống sống. Hầu hết người trưởng thành có ống sống dạng tròn nhưng có một tỉ lệ thấp ống sống dạng hình lá dễ dàng bị thoát vị đĩa đệm hơn khi có các tác động cơ học (bưng bê vật nặng sai tư thế). Tỉ lệ nam giới bị thoát vị đĩa đệm cao hơn tỉ lệ nữ giới (nam khoảng trên 80%) và đặc biệt ở những đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, ngồi, đứng lâu. NCT thoát vị đĩa đệm còn có thể do bị loãng xương hoặc đã bị thoái hóa cột sống thắt lưng hoặc thoái hóa đĩa đệm hoặc cả hai (vừa thoái hóa cột sống thắt lưng vừa thoái hóa đĩa đệm). Thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa đĩa đệm chiếm đa số là do thoái hóa sinh lý (theo năm tháng, càng nhiều tuổi, tỉ lệ thoái hóa cột sống thắt lưng và thoái hóa đĩa đệm càng cao).
Ngoài ra, các cơn đau của sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản), bệnh của thận (viêm, u, lao, ứ nước, ứ mủ…) thể hiện ngay ở vùng thắt lưng. Cơn đau của dạ dày hoặc âm ỉ, kéo dài hoặc cơn đau cấp đôi khi lan xuống vùng thắt lưng gây đau mỏi thắt lưng, nhất là người cao tuổi.
Biểu hiện:
Đau thắt lưng có thể là cấp tính hoặc đau ê ẩm kéo dài (mạn tính). Đau thắt lưng thường xảy ra ở vị trí 1/3 dưới lưng nằm giữa 2 gai mào chậu. Vị trí đau có thể ở chính giữa cột sống thắt lưng hay hai bên cột sống thắt lưng. Tùy theo mức độ của bệnh mà có sự lan tỏa khác nhau.
Đau thắt lưng cấp tính, xảy ra đột ngột do tác động cơ học ngay tức thì như bưng bê vật nặng sai tư thế (bê chậu cảnh, xách xô nước, mang vác vật nặng sai tư thế hoặc vấp ngã…) gây co cơ thắt lưng cấp tính hoặc thoát vị đĩa đệm cấp hoặc lao động nặng quá mức hoặc cơn đau quặn thận do sỏi, viêm cấp, thận ứ nước, ứ mủ... Thoát vị đĩa đệm cấp tính xảy ra gây đau dữ dội, rất khó cử động hoặc thậm chí không cử động được phải nằm yên ở một vị trí. Thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy ra khi ngồi làm việc quá lâu do sai tư thế hoặc cúi lom khom một thời gian quá lâu (mặc dù cúi lom khom để làm việc không quá nặng). Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm, có nguy cơ chuyển thành mạn tính. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mạn tính có thể có những đợt cấp tính tái phát do một điều kiện thuận lợi nào đó, nhất là tác động cơ học.
Đối với cơn đau thắt lưng cấp hay mạn tính do các bệnh khác gây nên (thận, dạ dày, túi mật…) khi giải quyết hết nguyên nhân, bệnh hết đau, đau thắt lưng cũng chấm dứt.
Biến chứng của đau thắt lưng ở NCT, nếu nhẹ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày (đứng lên, ngồi xuống, xoay mình khó khăn…), nếu do thoát vị đĩa đệm có thể gây đau dây thần kinh tọa, lâu dần gây teo cơ đùi, cẳng chân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày (rối loạn đại tiểu tiện), để lại di chứng nặng nề (liệt).
Có thể điều trị
Nguyên tắc là điều trị giảm đau và điều trị nguyên nhân. Khó khăn nhất là điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, cần nghỉ ngơi, dùng thuốc giãn cơ, giảm đau, lý liệu pháp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp. Muốn làm tốt điều đó, khi thấy đau thắt lưng nên đi khám bệnh để được xác định nguyên nhân, đặc biệt là thoát vị đĩa đêm cấp tính cần được xử trí sớm, đúng chuyên môn. Tuyệt đối không nên để những người không có chuyên môn về y học điều trị cho mình với bất kỳ hình thức nào (kéo, nắn, dẫm đạp vùng thắt lưng…).
Lời khuyên của thầy thuốc
NCT không nên mang vác và bưng bê vật nặng nhất là làm sai tư thế. NCT không nên đứng ngồi lâu một chỗ (ngồi xem vô tuyến, đọc sách, viết…), phải có giải lao khoảng vài giờ một lần, kéo dài khoảng 10 phút để đi lại, vươn vai và làm các động tác thể dục nhẹ nhàng như: đứng lên, ngồi xuống, quay người... Khi đã có bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng, bệnh về dạ dày, thận, gan mật…, cần tích cực chữa trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Hàng ngày nên vận động cơ thể một cách đều đặn, bài bản theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông – Đơn nguyên KCB Tự nguyện
Đăng ký đặt khám: 0969 668 115