Nội soi can thiệp thành công cho cụ bà 72 tuổi bị mắc xương mang cá
Nội soi can thiệp thành công cho cụ bà 72 tuổi bị mắc xương mang cá
Bệnh nhân là chị Vũ Thị Q. (SN 1947, ở Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội). nhập viện trong tình trạng đau vùng cổ. Qua khai thác gia đình cho biết trước đó bệnh nhân có ăn cơm với canh cá. Sau ăn, bệnh nhân cảm thấy nuốt đau ở vùng cổ, đã đi khám nội soi tai mũi họng nhưng không phát hiện ra hóc xương.
Bệnh nhân về nhà và vẫn đau vùng cổ, đau sau xương ức càng càng ngày tăng, đặc biệt cứ ăn vào lại vào nôn ra.
Qua thăm khám lâm sàng bệnh nhân được chỉ định đi khám tại phòng Nội soi tiêu hóa can thiệp của Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện của Bệnh viện đa khoa Hà Đông và phát hiện bị hóc xương cá.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Cương người thực hiện nội soi cho biết, đã cùng Ths.BS Đỗ Anh Giang- Bệnh viện Bạch Mai gắp xương cá cho bệnh nhân bởi đây là một trong những trường hợp hóc xương cá cực nguy hiểm, do bệnh nhân đã lớn tuổi, lại hóc xương mang cá có cấu tạo như một móc câu, mỏng, to bản, kích thước 2x1,7cm ở sâu đoan 1/3 thực quản. Nếu tiến hành gắp xương cá thông thường từ thực quản ra ngoài thì sẽ gây xé rách thực quản, dẫn tới chảy máu nhiều sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Hình ảnh nội soi
Do vậy, kíp phẫu thuật đã lựa chọn giải pháp đưa dị vật xuống dạ dày, sau đó gắp dị vật bằng dụng cụ chuyên biệt. Với phương pháp tối ưu này đã giúp bệnh nhân tránh được chảy máu thực quản và gắp được dị vật thành công mà không gây tai biến cho bệnh nhân. Sau khi gắp dị vật thành công, bệnh nhân được hướng dẫn theo dõi tại nhà không phải nằm viện.
Dị vật được gắp ra sau khi đưa từ thực quản xuống dạ dày
Theo các chuyên gia y tế, hóc xương cá là “tai nạn” rất thường gặp khi ăn uống bất cẩn, xảy ra ở trẻ nhỏ và cả người lớn. Khi bị hóc, dù là một hay hai mẩu xương nhỏ, cũng khiến người hóc có cảm giác khó chịu và đau đớn. Để tránh tình trạng hóc xương cá mọi người nên thận trọng trong lúc ăn. Không nên vừa cười vừa nói khi nhai.
Khi bị hóc xương cá, nên dừng tất cả các hoạt động ăn uống, vì có thể khiến dị vật có nguy cơ đâm sâu hơn vào cổ họng gây tổn thương.
Nếu không may bị hóc xương hoặc dị vật, sặc kèm theo ho kéo dài, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên sâu để kiểm tra. Nếu phát hiện sớm có thể lấy dị vật ra ngoài bằng phương pháp nội soi, tránh phải phẫu thuật hoặc gặp các biến chứng đáng tiếc, mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.