Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là tình trạng tăng đường máu xảy ra trong thời kỳ mang thai và sẽ trở về bình thường sau khi sinh.
Tiểu đường thai kỳ thường bắt đầu ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ, có thể gây ra một số nguy cơ cho bà mẹ và bé ở trong giai đoạn mang thai và sau sinh. Tuy nhiên các nguy cơ này có thể giảm bớt nếu (TĐTK) được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
Ai có nguy cơ với TĐTK?
- Tuổi cao (đặc biệt trên 40 tuổi)
- Thừa cân béo phì (BMI trên 30)
- Tiền sử đẻ thai to ở các lần mang thai trước (trên 4000g)
- Có bố hoặc mẹ, anh chị em sinh đôi bị tiểu đường mạn tính
- Chủng tộc Đông Nam Á, Da màu, Nam Mỹ, Trung Đông
Triệu chứng của TĐTK?
Thường TĐTK không có triệu chứng gì rõ rệt nếu mức độ không quá nặng. Một số thai phụ có thể xuất hiện các dấu hiệu sau đây nếu mức đường máu tăng quá cao: hay khát nước, tiểu nhiều lần, khô miệng, mệt mỏi, nhìn mờ, ngứa ở vùng âm hộ.
TĐTK sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ của bạn?
Hầu hết các sản phụ với mức độ TĐTK nhẹ vẫn sẽ có một thai kỳ và em bé khoẻ mạnh. Tuy nhiên, TĐTK có thể gây ra một số vấn đề như
- Kích thước, trọng lượng của thai nhi lớn hơn bình thường (dẫn đến sang chấn nặng tầng sinh môn của mẹ khi sinh thường hoặc phải sinh mổ)
- Đa ối
- Sinh non (chuyển dạ sinh trước 37 tuần thai)
- Tiền sản giật (bệnh lý có tăng huyết áp, protein trong nước tiểu và có thể tổn thương ở các cơ quan gan, thận … trong thai kỳ)
- Tình trạng hạ đường huyết, vàng da, vàng mắt ở em bé sau sinh
- Thai lưu
Với các thai kỳ mà mắc TĐTK trong khi mang thai sẽ có nguy cơ bị tiểu đường mạn tính cao hơn vê sau.
Làm thế nào để sàng lọc và phát hiện sớm TĐTK?
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi và khai thác tiền sử của bạn để sàng lọc xem bạn có yếu tố nguy cơ cao với TĐTK hay không.
Nếu bạn có một trong các yếu tốt nguy cơ, bạn sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết. Nghiệm pháp này bao gồm 3 lần lấy máu. Lần đầu vào buổi sáng sau khi bạn nhịn ăn 8 – 10 tiếng. Sau đó bạn sẽ được uống 1 cốc nước đường (75g đường nguyên chất) và lấy máu 2 lần sau đó cách 1 và 2 giờ.
Nghiệm pháp dung nạp đường huyết thường được làm ở tuần 24 – 28 của thai kỳ. Nếu bạn bị TĐTK trước đó, bạn có thể sẽ được chỉ định làm xét nghiệm này sớm hơn.
TĐTK có để được điều trị bằng cách nào?
Nếu bạn bị mắc TĐTK, các nguy cơ với mẹ và em bé có thể được cải thiện nếu như bạn kiểm soát tốt được mức đường huyết của mình.
Bạn sẽ được hướng dẫn để theo dõi đường huyết tại nhà bằng máy thử đường huyết mao mạch.
Tình trạng đường máu của bạn sẽ có thể được cải thiện khi bạn thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường tập luyện, vận động. Một số vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, bài tập yoga cho bà bầu có thể giúp giảm hiệu quả mức đường huyết của bạn.
Nếu mức đường huyết của bạn không được cải thiện sau khi bạn thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động, tập luyện. Bạn có thể sẽ được chỉ định dùng thuốc giúp kiểm soát đường huyết. Thông thường là insulin dạng tiêm.
Nếu bạn bị TĐTK, bạn cũng sẽ được theo dõi thai kỳ sát hơn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nguy cơ với em bé.
Các nguy cơ lâu dài nào bạn có thể bị sau khi mắc TĐTK?
TĐTK thường sẽ tự khỏi sau khi bạn sinh em bé. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ bị TĐTK ở các lần có thai sau và mắc tiểu đường mạn tính khi bạn nhiều tuổi hơn.
Bạn nên làm xét nghiệm để loại trừ tiểu đường mạn tính sau khi sinh từ 6 – 12 tuần.
Bạn cũng nên duy trì mức độ vận động hợp lý, chế độ ăn cân bằng để giảm nguy cơ bị mắc tiểu đường mạn tính về sau.
Kế hoạch mang thai lần tiếp theo như thế nào nếu đã có tiền sử mắc TĐTK?
Nên kiểm tra lại đường huyết sau trước khi mang thai
Nếu bạn bị tiểu đường thì cần khám chuyên khoa nội tiết để điều chỉnh trước khi mang thai. Đồng thời cần khám thai sớm ngay khi thử thai dương tính để bác sĩ sản khoa có thể hướng dẫn bạn theo dõi đúng cách giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ cho thai kỳ lần này.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chúng tôi đã triển khai làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết thường qui để sàng lọc và phát hiệt bệnh lý TĐTK đối với các thai phụ đang khám và quản lý thai tại bệnh viện từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ tại phòng khám thai 319, toà nhà khoa khám bệnh của bệnh viện. Nếu thai phụ bị TĐTK thì sẽ được chuyển sang khám và tư vấn để quản lý tình trạng đường huyết của mình tại khoa nội tiết của bệnh viện, nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra cho mẹ và thai nhi nếu như mức đường huyết của thai phụ không được kiểm soát tốt.