Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân cao tuổi bị bướu giáp khổng lồ 30 năm
Thứ Sáu 08/11/2024 08:41:52
Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh lồng ngực - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nữ 81 tuổi có khối u bướu giáp khổng lồ tồn tại 30 năm. Bệnh nhân nữ Đ.T.K ( 81 tuổi, trú tại Viên Nội - Ứng Hòa – Hà Nội) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vì ăn uống khó nuốt vướng nghẹn, nằm ngủ khó thở kéo dài. Bệnh nhân cho biết, 30 năm nay bệnh nhân xuất hiện tuyến giáp đa nhân hai thuỳ, tuy nhiên không đi khám định kỳ cũng như điều trị. Tại BV, kết quả chọc hút tế bào cho thấy, hình ảnh bướu giáp keo lành tính. Tuy nhiên trên hình ảnh chụp MRI và soi phế quản kích thước hai thùy tuyến giáp rất lớn mỗi bên 15cm, kèm theo tuyến giáp thòng xuống trung thất khó tiếp cận, chèn ép gây hẹp 70% khí quản. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật. Hình ảnh khối u được lấy sau khi phẫu thuật Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa, thống nhất và chỉ định cắt toàn bộ u hai thùy tuyến giáp khổng lồ cho bệnh nhân. Sau 2 giờ phẫu thuật, kíp phẫu thuật do BSCKII Nguyễn Quang Phú – Trưởng khoa Ngoại thần kinh lồng ngực làm trưởng kíp đã bóc tách thành công khối u nặng 1 kg, kích thước 9x14 cm. Đây được đánh giá là ca phẫu thuật có độ khó cao, vì ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác như khí quản, thanh quản và các mạch máu, dây thần kinh vùng cổ... Do đó, phẫu thuật viên phải có kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm, tỉ mỉ để bóc tách khối u một cách an toàn cho bệnh nhân. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi thực hiện phẫu thuật. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định và được xuất viện sau 7 ngày phẫu thuật. Bướu giáp khổng lồ là bệnh lý hiếm gặp, khối u kích thước lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống như gây khó nuốt, khó thở, run tay, khàn giọng… Phẫu thuật bướu giáp khổng lồ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tai biến. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và được điều trị phẫu thuật sớm.

Xem Thêm

Xét nghiệm điện di huyết sắc tố
Thứ Ba 14/04/2020 11:53:32
  Huyết sắc tố (Hemoglobin- Hb), là một protein phức tạp có chứa Fe++, ở trong hồng cầu và chiếm 33% trọng lượng hồng cầu.Huyết sắc tốlàm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến tổ chức và vận chuyển cacbonic từ tổ chức về phổi. Hb là đại phân tử gồm có hai thành phần là hem và globin. Có nhiều loại huyết sắc tố khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cơ thể: giai đoạn phôi, giai đoạn thai, giai đoạn sau sinh. Những loại huyết sắc tố bình thường giai đoạn sau sinh là: HbA, HbA2, HbF. Ngày nay người ta phát hiện được nhiều loại huyết sắc tố bất thường (> 700 loại) như HbH, Hb Bart’s, HbE, HbS, HbC, HbD, HbI,...tạo ra các thể khác nhau của bệnh lý huyết sắc tố. 1. Xét nghiệm Điện di huyết sắc tố (XN Điện di hemoglobin): Là một xét nghiệm để đánh giá thành phần và tỷ lệ các loại hemoglobin trong máu. XN điện di hemoglobin có giá trị trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh lý huyết sắc tố. 2. Xét nghiệm Điện di huyết sắc tố khi nào? XN điện di hemoglobin nên thực hiện khi: - Xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu” có biểu hiện hồng cầu nhỏ nhược sắc (MCV < 85 fL và MCH < 28 pg). - Thiếu máu hồng cầu nhỏ không liên quan đến giảm sắt, bệnh lý mạn tính, hoặc ngộ độc chì.  - Thiếu máu tan máu không giải thích được. - Trong gia đình có người có bệnh lý hemoglobin/bệnh Thalassemia. - Những người chuẩn bị kết hôn và sinh con cũng nên sàng lọc bệnh Thalassemia 3. Xét nghiệm điện di huyết sắc tố nên chuẩn bị gì trước? Xét nghiệm này không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt. Nhưng trước khi làm hãy báo cho bác sĩ biết bạn có: + Đang bị thiếu máu thiếu sắt và đang trong quá trình điều trị bệnh này hay không. Vì thiếu máu thiếu sắt có thể làm cho trị số hemoglobin A2 đo được không chính xác. + Có truyền máu trong vòng 3 tháng vừa qua không, vì nó cũng có thể làm sai kết quả xét nghiệm. 4. Cách lấy mẫu, thời gian trả kết quả: - 2 ml máu, có chống đông EDTA. - Mẫu nhận 24/24h. Các mẫu nhận trước 9h thứ 6 sẽ trả kết quả vào 16h thứ 6 cùng ngày. 5. Kết quả bình thường: nồng độ hemoglobin bình thường theo lứa tuổi Lứa tuổi HbA (%) HbA2 (%) HbF (%) Sơ sinh 20 ÷ 40 0,03 ÷ 0,6 60 ÷ 80 02 tháng 40 ÷ 70 0,9 ÷ 1,6 30 ÷ 60 04 tháng 80 ÷ 90 1,8 ÷ 2,9 10 ÷ 20 06 tháng 93 ÷ 97 2,0 ÷ 3,0 1,0 ÷ 5,0 01 tuổi 97 2,0 ÷ 3,0 0,4 ÷ 2,0 > 05 tuổi 97 2,0 ÷ 3,0 0,4 ÷ 2,0 Người trưởng thành 96 ÷ 98 0,5 ÷ 3,5 <1   6. Ứng dụng xét nghiệm điện di huyết sắc tố: chẩn đoán bệnh lý huyết sắc tố (HbS. HbC…), bệnh Thalassemia. Bộ xét nghiệm sàng lọc Thalassemia gồm: - Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi - Định lượng sắt huyết thanh, ferritin huyết thanh - Điện di huyết sắc tố   ThS.BSCKII. Nguyễn Hương Liên, trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện đa khoa Hà Đông khuyến cáo, để phòng bệnh Thalassemia: + Các đôi nam nữ nên được khám và xét nghiệm bệnh Thalassemia trước khi kết hôn. + Nên được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn về bệnh Thalassemia khi nghi ngờ mang gen hoặc mắc bệnh Thalassemia. + Khi phát hiện 1 người bệnh Thalassemia hoặc 1 người mang gen bệnh thì tất cả các thành viên trong gia đình cần được sàng lọc Thalassemia. + Nếu cả 2 người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, nên được tư vấn trước khi dự định có thai. + Nếu cặp vợ chồng cùng mang gen bệnh Thalassemia có thai, nên được chẩn đoán trước sinh khi thai được 12 - 18 tuần, tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Dưới đây là hình kĩ thuật viên của khoa Huyết học - Truyền máu thực hiện xét nghiệm điện di huyết sắc tố tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông: Các xét nghiệm điện di huyết sắc tố được thực hiện thường xuyên tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn kỹ hơn về xét nghiệm điện di huyết sắc tố cũng như bệnh Thalassemia xin liên hệ: Khoa Huyết học - Truyền máu, tầng 2 nhà E, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Số điện thoại: 02433.528.203 Hoặc tư vấn trực tiếp BSCKII. Nguyễn Thị Hương Liên, trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, số điện thoại: 0986.021.848

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm