Phẫu thuật nội soi khớp gối
Thứ Năm 24/03/2022 08:57:02
Phẫu thuật nội soi(PTNS) khớp gối là một loại phẫu thuật tiên tiến được sử dụng để chẩn đoán và điều trị đau đầu gối hoặc các vấn đề đầu gối khác. Nó có thể được sử dụng cho viêm, tổn thương, chấn thương và nhiễm trùng. Cụ thể tại khoa Chấn thương chỉnh hình -  Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trường hợp bệnh nhân N.P.T nam 25T Đông Yên – Quốc Oai Hà Nội bị tai nạn thể thao cách vào viện 4 tháng, được chẩn đoán " Đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm trong gối phải" đã được phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân tự thân và cắt sửa sụn chêm, sau 3 ngày bệnh nhân được ra viện và bắt đầu được tập phục hồi chức năng.                       GIẢI PHẪU HỌC KHỚP GỐI Khớp gối bao gồm 4 bộ phận chính: xương, sụn, dây chằng và gân: Xương: khớp gối được hình thành bởi 03 xương đó là: xương đùi, xương chày và xương bánh chè; Sụn: bao gồm sụn khớp và sụn chêm. Trong đó sụn khớp nằm ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày và mặt sau của xương bánh chè được bao bọc bởi sụn khớp. Còn sụn chêm nằm giữa các mặt khớp xương đùi và xương chày có hai miếng sụn có hình chêm, được gọi là sụn chêm và nó đóng vai trò như bộ phận “giảm xóc" cho cơ thể; Dây chằng: Các xương sẽ được kết nối lại với nhau nhờ vào hệ thống dây chằng này. Khớp gối của cơ thể sẽ có tới 4 dây chằng chính để giúp liên kết các xương lại với nhau và giữ vững cho khớp. Gân: Có tác dụng giúp cơ liên kết với xương. các cơ quan phía trước đùi và liên kết với xương chày nhờ vào xương bánh chè. PHẪU THUẬT NỘI SOI KHỚP GỐI LÀ GÌ Phẫu thuật nội soi khớp gối là bước tiến vượt bậc của chuyên ngành chấn thương chỉnh hình. Đây được xem là một kỹ thuật ngoại khoa hiện đại, ít xâm lấn và ít làm tổn hại đến mô, cho phép các bác sĩ chẩn đoán và điều trị những bệnh lý liên quan đến khớp gối bằng việc cung cấp những hình ảnh rõ ràng bên trong khớp. Trong những năm gần đây, phương pháp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn dần thay thế phương pháp phẫu thuật mở trong chấn thương chỉnh hình.  Phương pháp phẫu thuật có thể được lựa chọn để điều trị trong các trường hợp sau: Đứt dây chằng chéo trước Đứt dây chằng chéo sau Rách sụn chêm khớp gối Viêm màng hoạt dịch khớp gối CÁC BƯỚC THỰC HIỆN Bác sĩ sẽ đưa ống kính soi vào bên trong khớp gối với vết mổ rất nhỏ (khoảng 0.5cm), soi trên camera, kiểm tra toàn bộ cấu trúc bên trong khớp, từ đó đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp.Thời gian phẫu thuật thường mất từ 30-45 phút. Phẫu thuật nhẹ nhàng, đau ít, kết quả tốt. Hình ảnh các Bs khoa Chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật nội soi khớp gối cho bệnh nhân T                         PHẪU THUẬT NỘI SOI KHỚP GỐI CÓ CÁC ƯU ĐIỂM: - Thời gian nằm viện ngắn từ 3-5 ngày.Tổn thương phục hồi nhanh, giảm đau, giảm nhiễm trùng.

Xem Thêm

Uốn ván nguy kịch vì giẫm phải đinh mà không chịu đi khám
Thứ Sáu 11/02/2022 11:08:30
   Bệnh nhân L. cho biết, hơn 10 ngày trước khi vào viện có giẫm phải một chiếc đinh cũ. Do chủ quan thấy vết thương nhỏ lành miệng sớm nên không để ý, đến khi cứng hàm, khó nuốt mới đi khám. ThS.BS Bùi Thị Dương Thảo - Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị L. (sinh năm 1958, Hà Đông, Hà Nội) vào khám với lý do khó nuốt. Bệnh nhân vào khám trong tình trạng tỉnh táo, khỏe mạnh, chỉ có một triệu chứng là nuốt khó nên được bác sĩ phòng khám chỉ định nội soi dạ dày tại Khoa Thăm dò chức năng. Theo quy định trước khi tiến hành nội soi bác sĩ đều hỏi các triệu chứng của người bệnh gặp phải trong khoảng thời gian gần nhất thì thấy bệnh nhân này chủ yếu là khó nuốt và rất khó mở rộng miệng. Với kinh nghiệm thăm khám, bác sĩ nhận thấy đây không phải là trường hợp khó nuốt thông thường. Khi khai thác kỹ tiền sử người bệnh cho biết, hơn 10 ngày trước có giẫm phải một chiếc đinh cũ, do chủ quan thấy vết thương nhỏ lành miệng sớm nên không để ý, khi bác sĩ gợi ý các câu hỏi mới nhớ ra. Sau khi thăm khám triệu chứng thực thể về dấu hiệu cứng hàm, bác sĩ nhận định người bệnh bị uốn ván – một căn bệnh nguy hiểm đang ở giai đoạn sớm ủ bệnh. Các bác sĩ quyết định dừng lại không thực hiện kỹ thuật nội soi để tránh tai biến khi ống soi đi qua những vùng cơ bị co thắt sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Ngay sau đó bác sĩ chỉ định chuyển bệnh nhân sang khoa Cấp cứu để có hướng xử trí cấp cứu kịp thời đồng thời bệnh nhân được chuyển ngay ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây các bác sĩ cho biết nếu để chậm 1 đến 2 ngày thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân là rất cao. Các bác sĩ thăm khám, điều trị cho bệnh nhân Những ngày đầu sau khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng có nhiều cơn co giật, chân tay không cử động được, đại tiểu tiện qua sonde. Qua quá trình điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, hết co giật, chân tay đã cử động được. Dự kiến, khoảng vài ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện được về nhà. Qua trường hợp bệnh nhân L., bác sĩ Thảo khuyến cáo, dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, đứt tay, côn trùng cắn, giẫm phải đinh... nhưng nếu chủ quan và xử lý ban đầu không tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng do uốn ván rất cao.

Xem Thêm

Cứu sống ca bệnh nguy kịch do hóc xương gà
Thứ Tư 05/01/2022 09:51:06
Vừa qua, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa - BVĐK Hà Đông mổ cấp cứu kịp thời, cứu sống bệnh nhân Nam 56 tuổi tại Hà Nội sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và bị thủng ruột non do hóc xương gà. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng đau dữ dội, chướng  căng, cảm ứng khúc mạc rõ, sốt cao 39 độ, dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, mạnh nhanh, nhỏ, huyết áp dao động. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, viêm đa khớp dạng thấp, và bị đau bụng 5 ngày nay nguyên nhân là sau khi đi ăn liên hoan tại nhà hàng xóm về có các triệu chứng đau bụng, nôn, chướng bụng và bí trung đại tiện. Bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ, sau 2 ngày sốt cao liên tục, bụng chướng, và ngày càng đau dữ dội hơn nên người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông để cấp cứu. Hình ảnh xương gà các bác sĩ lấy ra từ ruột non của bệnh nhân 56 tuổi.   BSCKII. Bùi Đức Duy, khoa Ngoại tiêu hóa cho biết: Qua thăm khám ban đầu chúng tôi ghi ngờ bệnh nhân nhiễm trùng ổ bụng rất nặng, các bác sĩ trong khoa tiến hành hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định điều trị tích cực với kháng sinh mạnh, hồi sức chống sốc và làm các xét nghiệm cơ bản (trong đó có cả thực hiện sàng lọc và test nhanh Covid-19 đảm bảo an toàn bệnh viện - an toàn người bệnh).  Kết quả siêu âm, chụp X-quang và công thức máu, cho thấy tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, có dị vật dài khoảng 4cm, đã chọc thủng thành ruột gây ra viêm phúc mạc dãn toàn bộ ruột non, dịch ổ bụng có khí tự do. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, tổn thương trong ổ bụng có nhiều dịch mủ và giả mạc. Dịch tiêu hóa trong ổ bụng nguyên nhân là do mảnh xương gà đâm xuyên táo ruột non. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt đoạn ruột non, đưa 2 đầu ruột ra ngoài. Sau 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ thành công, các bác sĩ đã xử trí tổn thương ruột non, làm sạch ổ bụng, lấy được dị vật là một xương gà dài 4cm. Bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ngoại tiêu hóa, BVĐK Hà Đông.   Hiện tại 7 ngày sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, mạch huyết áp ổn định, bụng mềm, dẫn lưu ruột non lưu thông tốt. BS Duy cũng cho biết thêm: Đây là một trường hợp dị vật đường tiêu hóa làm thủng ruột non, do mảnh xương gà cứng khiến đoạn ruột viêm dày, đầu xương chọc thủng thành ruột, bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn nhiễm trùng nhiễm độc nặng, viêm phúc mạc toàn thể, dẫn đến phải cắt đoạn ruột non, mà chưa thể nối được ngay. Trong vòng 2 tháng tới, bệnh nhân cần phải phẫu thuật thêm một lần nữa để phục hồi lưu thông tiêu hóa. Cùng với đó, BS Duy cũng cảnh báo trường hợp bệnh nhân này, nếu đến viện muộn 2 ngày nữa, ổ bụng của bệnh nhân sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thủng ruột do dị vật mà Bệnh viện ĐK Hà Đông đã tiếp nhận và xử lý do sự bất cẩn, thói quen sinh hoạt không đúng của người dân. Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên bỏ thói quen ngậm tăm trước khi đi ngủ, thận trọng khi ăn cá, hạn chế ăn đồ ăn cứng…, nhất là với người già, trẻ em.

Xem Thêm

Hiếm gặp: Bệnh lý xương bánh chè hai mảnh cả hai gối
Thứ Ba 20/07/2021 14:28:15
Bệnh lý xương bánh chè hai mảnh khá hiếm gặp với đa số các trường hợp được phát hiện tình cờ. Thông thường, tổn thương này không có triệu chứng, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây đau do vận động quá mức của khớp gối hoặc đi kèm tổn thương thoái hóa gối người lớn tuổi. Thế nào là tổn thương xương bánh chè hai mảnh? Tổn thương xương bánh chè hai mảnh xuất hiện khi điểm cốt hóa phụ của xương bánh chè không liền với xương bánh chè chính, gặp ở giai đoạn phát triển xương tuổi thiếu niên. Tỷ lệ gặp tổn thương này khoảng 2% và 50% các trường hợp bệnh nhân bị cả hai bên. Đa số các trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ tình cờ phát hiện qua chụp phim thường quy khớp gối. Một số trường hợp, có thể biểu hiện đau do vận động quá mức của khớp gối như chơi thể thao… hoặc cũng có thể do chấn thương. Biểu hiện tổn thương xương bánh chè hai mảnh: Triệu chứng đau do xương bánh chè hai mảnh thường xuất hiện theo 1 trong 2 cách: tiến triển từ từ hoặc là đột ngột sau chấn thương. Đau thường khu trú ở cực trên ngoài của bánh chè tương ứng với vị trí của mảnh xương phụ, đau thường tăng lên khi vận động và ảnh hưởng đến vận động thường kèm theo sưng nền quanh vị trí xương phụ. Tràn dịch gối rất hiếm gặp, nếu có thường phải loại trừ các tổn thương trong khớp kèm theo. Ở những bệnh nhân có triệu chứng kéo dài, tình trạng teo cơ đùi thường xảy ra và kèm theo là hạn chế duỗi gối chủ động. Một số tác giả cho rằng, triệu chứng đau do ảnh hưởng của lực kéo quá mức từ cơ rộng ngoài lên mảnh xương phụ, từ đó đề xuất phương pháp phẫu thuật chỉ giải phóng vị trí bám của gân cơ rộng ngoài lên mảnh xương phụ đơn thuần mà không cần lấy bỏ. Chẩn đoán và điều trị tổn thương xương bánh chè hai mảnh: Chụp X-quang thường quy khớp gối thẳng nghiêng là chưa đủ để chẩn đoán xác định cũng như phân biệt các loại của tổn thương này. Tư thế chụp có giá trị là chụp khớp bánh chè lồi cầu nhưng thường khó thực hiện do bệnh nhân đau nên khó gấp gối. Ngoài ra có thể chụp phim cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Chụp cộng hưởng từ có giá trị vì ngoài việc chẩn đoán xác định tổn thương còn loại trừ các tổn thương trong khớp khác khi có tràn dịch khớp gối kèm theo. Phẫu thuật nội soi là xu hướng mới xử trí tổn thương lấy bỏ xương bánh chè phụ với ưu thế can thiệp tối thiểu giúp bệnh nhân sớm phục hồi. Lời khuyên của bác sĩ: Tổn thương xương bánh chè hai mảnh khá hiếm gặp. Việc chẩn đoán khó khăn khi không nghĩ đến. Vì vậy, khi có biểu hiện sưng đau hạn chế vận động khớp gối kèm các biểu hiện nghi ngờ có dịch khớp cần đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được khám và đánh giá đúng mức tổn thương. Một trường hợp đặc biệt Bệnh nhân Ngô Thị Th. (59 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) vào viện do bị đau, mất vận động khớp gối đau nhiều vào buổi sáng khi ngủ dậy khiến việc đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi và được điều trị tại địa phương bằng thuốc  nam nhưng không đỡ, càng ngày cơn đau càng nhiều hơn đến khám khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Hà Đông khám. Tại đây, các bác sĩ thăm khám lâm sàng có biểu hiện tràn dịch khớp gối mức độ vừa, biên độ vận động gối bình thường, không có mất vững gối, không có triệu chứng lâm sàng của tổn thương sụn chêm. Chụp phim Xquang thấy có tổn thương mất liên tục của xương bánh chè phía trên ngoài, siêu âm có tràn dịch khớp gối. Chẩn đoán sơ bộ bệnh lý xương bánh chè hai mảnh hai gối vì không có yếu tố chấn thương, được chụp phim cộng hưởng từ đánh giá các dây chằng, sụn chêm và sụn khớp đều thấy bình thường. Tổn thương cực trên của hai gối nghĩ đến thương tổn xương bánh chè hai mảnh. Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi khớp gối, đây là kỹ thuật ít xâm lấn (ít gây tổn thương thêm cho người bệnh), trong và sau mổ người bệnh ít đau đớn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, nhanh chóng phục hồi và trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường. Đặc biệt với kỹ thuật này vết nội nhỏ khoảng 3cm nhanh liền seo, còn kỹ thuật nội soi truyền thông vết nội soi dài 15 đến 20 cm và lâu liền sẹo). Sau 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hết đau, đã bắt đầu tập đi. Dự kiến, sau 2 tuần bệnh nhân có thể tự đi mà không cần đến dụng cụ hỗ trợ.

Xem Thêm

Phẫu thuật nội soi cấp cứu cụ bà 89 tuổi bị thoát vị bịt nguy hiểm hiếm gặp
Thứ Hai 12/07/2021 14:53:22
Mắc bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm nhưng không biết, cụ bà N.T.H đã được ekip bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiến hành cấp cứu bằng phẫu thuật nội soi, kịp thời cứu sống trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết đã tiến hành phẫu thuật nội soi thành công, giải phóng đoạn ruột bị thoát vị và cắt bỏ 1 đoạn ruột  bị hoại tử cho cụ bà  (89 tuổi , nặng 30 kg) mắc bệnh lý thoát vị bịt hiếm gặp và nguy hiểm. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Trước đó, bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Vân Đình cấp cứu. Qua thăm khám các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Vân Đình đã chuyển thẳng bệnh nhân lên khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng từng cơn vùng quanh rốn, bụng chướng quai ruột nổi rõ, kèm theo nôn ói, bí trung đại tiện, môi khô, mạch nhanh, thể trạng suy nhược, bị sốc, nhiễm trùng nhiễm độc. Bệnh nhân có tự ý sử dụng thuốc tại nhà do con trai kể bệnh và mua tại hiệu thuốc. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định siêu âm kết quả cho thấy quai ruột giãn, có ít dịch trong ổ bụng, thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) phát hiện tắc ruột cao quai ruột non chui qua và kẹt ở lỗ bịt bên phải, các quai ruột non giãn, đường kính từ 27-30mm, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu Hóa đã tiến hành hội chẩn và chẩn đoán xác định bệnh nhân bị thoát vị bịt bên phải nghẹt, chỉ định mổ cấp cứu bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng. Ca phẫu thuật thành công sau khoảng hơn 1 giờ. 7 ngày sau mổ bệnh nhân không bị sốt, tỉnh táo, huyết áp ổn định, bụng mền, trung đại tiện bình thường. Hiện tại bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện.

Xem Thêm

Triển khai thành công kỹ thuật bơm Surfactant bằng phương pháp Insure điều trị chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non
Thứ Năm 08/07/2021 16:28:02
Hiện nay, tỷ lệ sinh non còn cao do rất nhiều nguyên nhân. Khi trẻ sinh non tháng, phổi và các cơ quan khác còn non nớt nên chưa thể thực hiện được các chức năng để duy trì sự sống. Phần lớn các trẻ sinh non đều gặp vấn đề về hô hấp, do phổi chưa trưởng thành... Được tận tay chăm sóc cho con gái bé bỏng của mình tại chị C. - mẹ bé H. nặng 1200gr không giấu nổi xúc động: "Đây là con thứ 3 của chúng tôi, hai đứa đầu sinh đủ tháng khỏe mạnh đến lần này đang ở tuần thai thứ 30 tôi đột nhiên bị đau bụng dữ dội ra huyết âm đạo nên đã đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Tại đây, sau khi được thăm khám và siêu âm, các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai cấp cứu". Sau mổ bé tím toàn thân, không thở, tim rời rạc nên đã được các bác sĩ sơ sinh hồi sức tim phổi tại phòng mổ sau 15 phút con mới thở được, con được chẩn đoán: Sơ sinh non tháng thai 30 tuần suy hô hấp, con được chỉ định chụp XQuang ngực, phổi giãn nở kém, màng trong độ 3. Các bác sĩ tiến hành bơm surfactant bằng phương pháp insure 2h sau sinh sau đó con được thở máy không xâm nhập. “Hai tuần phải cách ly với con là chuỗi ngày dài đằng đẵng với vợ chồng chúng tôi. Con sinh thiếu tháng lại suy hô hấp khi sinh ra khiến con quá yếu ớt, hy vọng sống của con cũng mong manh quá. Gia đình chúng tôi chỉ biết đặt tất cả niềm tin vào các bác sĩ nơi đây. Nhìn con khi mới sinh ra đỏ hỏn, nhỏ xíu, nặng chỉ có 1200 gr, lại bị suy hô hấp rất nặng mà lòng chúng tôi đau xót vô cùng" - chị C. tâm sự. Điều trị cho trẻ sinh non tại BVĐK Hà Đông. Theo người mẹ này, thời gian bé phải cách ly để các bác sĩ chăm sóc chị rất yên tâm. Mỗi khi được nghe bác sĩ báo các chỉ số máy giảm rồi cai máy thở khi nào, ăn được bao nhiêu ml sữa, lớn thêm được bao nhiêu là chị bớt một phần lo lắng và thêm vững tin hơn vào sự kiên cường của con chờ đến ngày có thể gặp mẹ. "Nay được nhìn thấy con, được ôm con trong vòng tay để tự mình có thể chăm sóc cho con thật lòng tôi không biết diễn tả cảm giác hạnh phúc của mình như thế nào nữa. Đồng thời cũng thấu hiểu hơn những nỗi vất vả của các đấng sinh thành. Gia đình tôi thực sự cảm ơn các y bác sĩ rất nhiều. Nếu không có đội ngũ y bác sĩ không quản ngày đêm chăm sóc tận tình cho con gái tôi từ khi bé mới có 1200 gr tới giờ được 1,7 kg, thì tôi không biết mẹ con tôi có giờ phút được ở bên nhau như thế này không nữa..." - chị C. nói. Bơm surfactant bằng phương pháp insure điều trị chứng suy hô hấp ở trẻ sinh non Theo các bác sĩ, phần lớn các trẻ sinh non đều gặp vấn đề về hô hấp, do phổi chưa trưởng thành, đặc biệt là sinh non ở tuổi thai: 26 tuần chiếm 90%, 28 tuần 80%, 30 tuần 70%, 32 tuần 55%, 34 tuần 25% và 36 tuần 12%. Thời gian qua, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện thành công kĩ thuật bơm surfactant bằng phương pháp insure điều trị bệnh màng trong cho 6 trẻ sinh non tháng suy hô hấp có cân nặng từ 500gr đến 1400 gr với tuần thai từ 28 đến 33 tuần. Cả 6 trẻ này đều không được tiêm trưởng thành phổi trước sinh. BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương – Trưởng khoa Nhi cho biết: Tại khoa Nhi đang áp dụng điều trị cho trẻ sinh non, bơm surfactant bằng phương pháp insure. Đây là phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm hạn chế tổn thương phổi do không phải đặt ống nội khí quản vào đường thở, tránh được tình trạng viêm phổi thở máy, giảm các biến chứng sinh non và giảm thời gian nằm viện cũng như giảm chi phí điều trị trẻ sinh non. Trẻ sinh non sau một thời gian điều trị khoẻ mạnh trong vòng tay mẹ. Ngoài ra, khoa Nhi cũng triển khai các kĩ thuật như: chiếu đèn vàng da, thở máy không xâm nhập, thở máy có xâm nhập, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân qua catherter tĩnh mạch rốn… Thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị thành công cho nhiều trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, trẻ vàng da, trẻ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, bệnh lý hô hấp sau sinh.   "Nuôi dưỡng trẻ sinh non quá nhẹ cân thực sự rất khó khăn, bởi vừa sinh ra bé đã bị suy hô hấp rất nặng, các cơ quan trong cơ thể đều non, trẻ dễ nhiễm khuẩn nên việc điều trị chăm sóc phải tuyệt đối vô khuẩn và đòi hỏi phải sát sao, tỉ mỉ, kiên trì. Ví dụ như việc cho các bé ăn, ban đầu cho bé ăn chỉ 1 ml sữa thôi, sau đó tăng dần tăng dần từng chút một, lên 2 ml, 3 ml và tăng dần tới 20 ml sữa. Việc cho ăn phải cho ăn qua sonde hoặc đổ thìa 30 phút/lần cho ăn Sau 2 tuần đến 1 tháng hoặc lâu hơn tùy thuộc vào từng bé có dấu hiệu sinh tồn ổn định, trẻ tự bú được  thì được chuyển sang phòng ghép mẹ và bé để mẹ bé có thể tự tay chăm sóc con của mình được" - BS. Dương cho hay. BSCKII. Nguyễn Thị Thùy Dương khuyến cáo: Ngay từ khi còn trong bụng mẹ các thai nhi cần phải được chăm sóc và theo dõi đầy đủ để có thể phát triển tốt nhất, tránh tình trạng sinh non bởi việc điều trị và nuôi dưỡng trẻ sinh non rất khó khăn, nhất là với các bé cân  nặng dưới 1 kg, khi mà hệ hô hấp, hệ tiêu hóa cũng như hệ tuần hoàn của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, với những phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non hoặc từng có tiền sử sinh non thì nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên và nếu có nguy cơ sinh non thì mẹ sẽ được tiêm thuốc trưởng thành phổi cho con và nên sinh con tại các bệnh viện có đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu, máy móc hỗ trợ điều trị bệnh nhi sinh non tốt, bởi vì nếu chỉ chậm trễ 1 chút thôi thì nguy cơ tử vong ở trẻ là rất cao.. Trong thời gian tới khoa sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức và cập nhật thêm nhiều phương pháp điều trị mới nhằm phục vụ công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, xứng đáng là địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy cho nhân dân và mong muốn áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới và hiện đại nhất nhằm đem lại sự sống cho trẻ sinh non cũng như đáp lại những niềm tin của người nhiều gia đình. 

Xem Thêm

Kích hoạt báo động đỏ cấp cứu thành công bệnh nhân đa chấn thương phức tạp
Thứ Sáu 02/07/2021 09:00:14
Vừa qua Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã cấp cứu thành công cho Bệnh nhân Lương Viết M (23 tuổi, Hợp Đồng – Chương Mỹ - Hà Nội) đa chấn thương phức tạp do tai nạn ô tô, xe máy, đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông phẫu thuật, hồi sức cấp cứu thành công thoát “cửa tử”. Bệnh nhân M được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng chậm, da xanh, niêm mạc nhợt, đau tức bụng, khó thở, sốc do đa chấn thương, mạch nhanh 130 lần/phút, huyết áp 50/20mmHg. Qua thăm khám cho thấy bệnh nhân sốc mất máu do chấn thương ngực bụng, gãy xương cánh tay(T).  Nhận thấy tình trạng người bệnh vô cùng nguy kịch, kíp trực cấp cứu đã tiến hành hồi sức tích cực, đồng thời kích hoạt báo động đỏ nội viện xin ý kiến hội chẩn của Ban Giám đốc , nhanh chóng huy động lực lượng bác sĩ thuộc các chuyên khoa Hồi sức – Phẫu thuật – Gây mê – Huyết học để cùng cứu sống người bệnh. Ngay khi nhập viện 20 phút, bệnh nhân được chuyển thẳng phòng mổ phẫu thuật cấp cứu xử trí các tổn thương. Bác sĩ Bùi Đức Duy– Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa – Bệnh viện đa khoa Hà Đông nhận định: “Đây là trường hợp chấn thương ổ bụng  rất phức tạp do tổn thương nhiều cơ quan: vỡ dạ dày, vỡ đại tràng lên, vỡ gan, vỡ lách, vỡ tụy, rách túi mật, rách ống gan phải, tràn máu, tràn khí khoang màng phổi phải, gãy xương cánh tay (T). Bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức do sốc mất máu, suy hô hấp. Vì vậy, việc hồi sức, phẫu thuật cấp cứu phải diễn ra khẩn trương để tăng tỷ lệ cứu sống người bệnh. Quá trình phẫu thuật chúng tôi đã tiến hành cắt bán phần dạ dày, cắt đại tràng phải, khâu cầm máu gan, cắt túi mật, dẫn lưu đường mật, cắt lách, đưa 2 đầu ruột ra làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu khoang màng phổi, cố định xương cánh tay(T) đồng thời kết hợp truyền dịch, truyền máu, hồi sức trong mổ. Trong phẫu thuật, bệnh nhân được truyền  9 đơn vị khối hồng cầu và 6 đơn vị huyết tương tươi”.   Bác sĩ Bùi Đức Duy– Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa,Bệnh viện đa khoa Hà Đông thăm khám lại cho bệnh nhân M sau phẫu thuật thành công Sau gần 1 tháng từ khi phẫu thuật nhờ sự chăm sóc và điều trị tích cực của các Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, khoa Ngoại tiêu hóa – Bệnh viện đa khoa Hà Đông, đồng thời được sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực – Bệnh viện Việt Đức hiện tại, bệnh nhân có thể tự thở, ăn uống, lưu thông tiêu hóa tốt, nhận thức và giao tiếp tốt, các cơ quan nội tạng phục hồi tốt, và chuẩn bị được mổ lần 2 để đóng hậu môn nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Sự phối hợp giữa các bác sĩ thuộc các chuyên khoa đã cứu sống thành công người bệnh Một lần nữa, nhờ kích hoạt báo động đỏ nội viện, phối hợp kịp thời, nhịp nhàng giữa các bác sĩ thuộc các chuyên khoa đã phẫu thuật thành công, giúp thêm một bệnh nhân vượt ngưỡng cửa tử, hồi phục ngoạn mục để sớm trở lại với sinh hoạt đời thường. Thành công này đã chứng tỏ năng lực xử trí cấp cứu tại chỗ đối với các trường hợp chấn thương nặng, phức tạp của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông, giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến, giảm tỷ lệ tử vong và tiếp thêm niềm tin vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến Thành Phố. Bác sĩ Bùi Đức Duy cho biết thêm: “Đối với các ca tai nạn giao thông được xác định bị vỡ nội tạng, đặc biệt là trường hợp vỡ tạng đặc (gan, thận, lá lách) đều rất nguy hiểm, cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay, nếu chậm trễ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Điều này đòi hỏi bệnh viện phải có một ê-kíp bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao để thực hiện. Việc làm chủ được kỹ thuật trong các ca mổ khó, đa chấn thương, vỡ nội tạng như bệnh nhân M khẳng định chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao của Bệnh viện đa khoa Hà Đông”.

Xem Thêm

Dùng nước suối nhiều ngày, đỉa dài 5 cm sống trong mũi bé 4 tuổi
Thứ Tư 30/06/2021 09:25:37
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần cảnh giác, chỉ nên cho trẻ sử dụng nước ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, đã được lọc sạch. Ngoài ra, khi cho trẻ đi chơi, bơi lội ở nơi có sông, suối nên cảnh giác tình trạng đỉa, vắt, chui vào và ký sinh trong cơ thể... Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa gắp thành công một con đỉa dài khoảng 5cm, sống khoảng 3 tuần trong khoang mũi bé trai 4 tuổi. Mẹ bệnh nhân Nguyễn Quốc K., (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhà lại neo người nên chị phải gửi con về Hòa Bình cho ông bà trông con giúp. Ở quê ông bà hay lấy nước suối về dùng sinh hoạt hàng ngày, K. về ở cùng ông bà được 3 tuần thì có hiện tượng chảy máu mũi phải nhiều lần, hiện tượng này càng này càng tăng không giảm. Sau đó, K. được bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ qua nội soi phát hiện cháu bé có dị vật trong mũi, máu chảy ra nhiều không cầm máu được. Trong khi đó, cháu bé không hợp tác trong điều trị nên cháu được chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng cấp cứu. Sau khi thăm khám, kiểm tra và các bác sĩ tiến hành nội soi, và chỉ định các xét nghiệm cơ bản. Kết quả chẩn đoán bệnh nhi chảy máu mũi phải, theo dõi dị vật di động mũi phải. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu. BS Nguyễn Thu Thư - Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết: Các bác sĩ tiến hành gây mê, nội soi hút sạch hốc mũi, cầm các điểm chảy máu bằng dụng cụ điện và thấy có dị vật sống trong mũi bệnh nhân bám dọc ngách văn mũi, sát vòm họng. Dị vật sau đó được xác định là 1 con đỉa có kích thước dài 5cm, to bằng đầu đũa. Con đỉa đã sống ký sinh trong mũi bệnh nhân nhiều ngày, mềm, trơn, nấp vào các xoang mũi nên rất khó gắp ra. Dị vật (con đỉa) được gắp ra từ mũi của bé trai 4 tuổi. Bằng sự tập trung, khéo léo, bác sĩ sử dụng ống hút, hút  thành công, lấy được con đỉa ra khỏi mũi bệnh nhân. Sau khi dị vật được lấy ra, bệnh nhân được vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng, sau khi tiến hành thủ thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. BS. Nguyễn Thu Thư cũng khuyến cáo: Trên cơ thể người có nhiều vị trí ký sinh trùng có thể xâm nhập và sống ký sinh gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe như ngạt mũi, chảy máu... thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó nếu người dân sống ở những nơi có khí hậu nóng ẩm và sử dụng nước suối, ao, hồ có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài, nghẹt thở, chảy máu cam, chảy máu đường tiết niệu, chảy máu ở mắt sợ ánh sáng... nên đi khám, nội soi nhằm loại trừ trường hợp ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể. Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng nước ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, đã được lọc sạch. Ngoài ra, khi đi chơi, bơi lội ở nơi có sông, suối nên cảnh giác tình trạng đỉa, vắt, chui vào và ký sinh trong cơ thể. Tuyệt đối không tự lấy dị vật ra vì có thể sẽ làm dị vật đi sâu hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc vô tình làm tổn thương niêm mạc đường thở.

Xem Thêm

Người phụ nữ hôn mê do say nắng khi đi chợ
Thứ Năm 24/06/2021 16:19:13
Người phụ nữ 61 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội có bệnh lý nền tăng huyết áp bị say nắng trong khi đi chợ cho gia đình vào thời điểm nhiệt độ ngoài trời rất cao. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị say nắng khi đi chợ Ngày 21/6, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận một bệnh nhân từ Trung tâm Cấp cứu 115 đưa vào trong tình trạng hôn mê sâu, không tiếp xúc, sốt cao 42 độ C, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn thân nhiệt. Đặc biệt, bênh nhân không có người nhà đi cùng và không có giấy tờ tùy thân mang theo. Sau khi được thăm khám và cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bệnh nhân được xác định trong tình trạng hôn mê sâu, thở nhanh, rối loạn thân nhiệt khó kiểm soát. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định đặt ống nội khí quản thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan, chụp CT não. Nhận thấy có tình trạng suy thận chức năng, CT sọ não ghi nhận tình trạng phù não cấp tính, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân bù nước điện giải, hạ sốt, chườm mát, chống phù não. Với sự nỗ lực của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. BSCKI Nguyễn Sơn Nam cho biết: "Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân dần hồi phục: tỉnh táo, được rút ống nội quản. Bênh nhân đã cung cấp thông tin cho chúng tôi liên hệ với người nhà". Bệnh nhân ổn định sau điều trị Qua tình trạng của bệnh nhân trên, bác sĩ Nam khuyến cáo: Người dân đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính. Cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh sốc nhiệt như hạn chế ra ngoài vào lúc nắng nóng cao điểm. Nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng nóng cần chia nhỏ thời gian làm và nghỉ ngơi xen kẽ; khi đi ra đường phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả; bổ sung đồ uống giàu chất điện giải; bôi kem chống nắng và tăng cường rèn luyện sức khỏe. Cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng, quanh mức 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật". Các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra với người có bệnh lý mãn tính, người già, trẻ nhỏ thì diễn biến nặng và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn. Bác sĩ Nam nhấn mạnh: Khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu, bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao.

Xem Thêm

Vừa ăn, vừa trông con, người đàn ông hóc xương vịt
Thứ Năm 24/06/2021 11:11:39
Các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa, BVĐK Hà Đông vừa cấp cứu thành công bệnh nhân bị mắc xương vịt trong thực quản bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi thực quản, dạ dày gây mê. Bệnh nhân nam, 42 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vì vướng nghẹn ở cổ sau khi ăn thịt vịt. Bệnh nhân cho biết khoảng 7h30 sáng ngày 22/6, bệnh nhân có ăn vịt quay tại nhà, do sơ ý trong lúc ăn (vừa ăn vừa trông con), bệnh nhân đã nuốt phải mảnh xương vịt. Ngay sau đó, bệnh nhân cảm thấy mắc nghẹn và vướng ở cổ. Lập tức bệnh nhận bảo người nhà đưa đến cấp cứu tại BVĐK Hà Đông. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng nội soi khảo sát kĩ vùng hầu họng, sau đó chỉ định chụp X-quang vùng cổ phát hiện có hình ảnh cản quang vị trí bờ trước thân đốt sống cổ C5-C6 theo dõi dị vật trong thực quản. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội tiêu hóa, các thầy thuốc nhận định đây là trường hợp khó do dị vật là xương vịt có kích thước lớn, cạnh sắc, rắn, găm sâu vào thành thực quản, gây khó khăn cho quá trình thực hiện thủ thuật. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và tránh các biến chứng, bệnh nhân đã được chỉ định nội soi thực quản dạ dày có dùng thuốc tiền mê dưới sự phối hợp của bác sĩ điều trị, bác sĩ nội soi Khoa Nội tiêu hóa và bác sĩ, kĩ thuật viên Khoa Gây mê hồi sức. Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện thực quản đoạn gần ngã ba hầu họng có dị vật là xương kích thước 3x0.5cm, cắm sâu vào lòng thực quản. Hình ảnh dị vật được gắp ra trong cổ họng bệnh nhân. Với nhiều năm kinh nghiệm xử lý các ca dị vật thực quản khó, sự thành thạo trong kĩ thuật nội soi can thiệp, các bác sĩ đã gắp thành công mảnh xương bằng kìm cá sấu cho bệnh nhân. Kết quả bệnh nhân không còn cảm giác vướng nghẹn ở cổ, không đau ngực, không sốt, có thể ăn cháo nguội ngay sau đó. Hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nội tiêu hóa để phát hiện và xử trí những biến chứng hay gặp như chảy máu, viêm, áp xe thực quản, trung thất. Theo ThS.BSCKII Phạm Thị Đào Chinh - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, người trực tiếp thực hiện thủ thuật thì đây là một trường hợp dị vật hiếm và khó, bởi thông thường dị vật thực quản hay gặp ở đối tượng người già, trẻ em, người có rối loạn tâm thần hoặc các bệnh lý liên quan đến rối loạn khả năng nuốt. Tuy nhiên đây lại là trường hợp bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, mắc dị vật là do sơ ý trong quá trình ăn uống. Hơn nữa, dị vật lại là mảnh xương kích thước lớn, rắn cạnh sắc đã găm sâu vào thành thực quản, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao và kinh nghiệm nhiều năm mới gắp được thành công và hạn chế các biến chứng như chảy máu, thủng thực quản, áp xe thực quản, trung thất rất nguy hiểm và khó khăn trong điều trị. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau 1 ngày gắp dị vật tại khoa Nội tiêu hóa. Bác sĩ Chinh cũng cho biết, trước kia gần như các ca dị vật đường tiêu hóa đều phải lấy dị vật bằng phương pháp phẫu thuật, nhưng ngày nay dưới sự phát triển khoa học kĩ thuật đặc biệt kĩ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp. Tại khoa Nội tiêu hóa đã triển khai kĩ thuật nội soi can thiệp gắp dị vật đường tiêu hóa từ nhiều năm và đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh dị vật khó, giúp bệnh nhân tránh được các cuộc phẫu thuật lớn ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần tập thói quen ăn chậm, nhai kĩ, không nói cười, đùa giỡn khi ăn, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao mắc dị vật thực quản như đã nói ở trên cần ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, và có sự giám sát của người khác. Khi nuốt phải các dị vật cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xử lý, tuyệt đối không dùng thức ăn hay nước hoặc cá phương pháp chữa mẹo để đẩy dị vật xuống, rất dễ làm dị vật găm sâu vào ống tiêu hóa gây các biến chứng nguy hiểm.  

Xem Thêm

DANH MỤC TIN