Nội soi gắp bã gừng bị kẹt tại hành tá tràng của bệnh nhân cao tuổi
Thứ Ba 21/01/2020 14:46:39
  Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và nội soi can thiệp thành công cho 1 trường hợp bị mắc dị vật. Đó là bệnh nhân Trần Văn Tr. (72 tuổi, Đông Phương yên, Chương Mỹ). Ông Tr. bị đau bụng âm ỉ từ 2 hôm trước, sau đó vào viện trong tình trạng bụng chướng, đau bụng ngày càng tăng dần thành từng cơn, không trung tiện, đại tiện được. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiến hành nội soi dạ dày. Trong quá trình nội soi phát hiện dị vật là bã thức ăn mắc tại đoạn hành tá tràng bị loét, gây chít hẹp lại. Các bác sĩ đã tiến hành lấy khối bã thức ăn qua nội soi bằng cách cắt khối bã lớn thành nhiều miếng nhỏ, sau đó dùng kìm cá sấu gắp từng miếng nhỏ ra. Tổng thời gian thực hiện thủ thuật nội soi can thiệp khoảng 20 phút. Sau khi gắp dị vật ra, bã thức ăn được xác định là một miếng gừng. Khối bã thức ăn này có kích thước khoảng 2,5cm. Sau phẫu thuật, ông Tr. đã hết đau bụng, chướng bụng, trung tiên, đại tiện bình thường. Khi biết bã thức ăn bị mắc kẹt trong tá tràng của mình là một miếng gừng, ông Tr. nhớ lại trước đó có ăn lẩu tại gia đình, bản thân lại thích nhá gừng, răng yếu nhai kém nên ông nuốt phải miếng gừng nhưng không nghĩ lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chia sẻ về ca bệnh này, BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết: “Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ hay gặp tắc ruột do bã thức ăn vì răng yếu, nhai kém nên hạn chế sự nhai, nghiền nát thức ăn khiến thức ăn còn ở dạng thô. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa suy yếu do hệ thống men tiêu hóa suy giảm chất lượng và số lượng nên lâu tiêu hóa được các chất khó tiêu hơn người trẻ. Trường hợp bệnh nhân Tr. tuổi đã cao, răng yếu nhai kém, bị loét hành tá tràng, lại ăn thực phẩm có nhiều chất bã xơ như gừng, nên bị kẹt lại ở đoạn hành tá tràng bị loét, nếu không kịp thời gắp ra sẽ gây viêm loét nặng hoặc trôi xuống ruột gây tắc ruột” Hình ảnh miếng gừng sau khi được các bác sĩ nội soi cắt nhỏ và lấy ra ngoài BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân sau khi nội soi Các chuyên gia y tế khuyến cáo để tránh nguy cơ mắc kẹt bã thức ăn tại dạ dày, tá tràng hay ở ruột, đặc biệt ở người lớn tuổi cần quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng chế độ ăn uống hằng ngày, thức ăn phải được nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn, tránh ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, tránh ăn thức ăn có chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, nếu có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc do tự ý điều trị hoặc chậm trễ đến bệnh viện.

Xem Thêm

Nam sinh lớp 12 bị đứt cánh tay trên đường đi học về
Thứ Ba 21/01/2020 14:43:58
Ngày 15/01/2020, Tại Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa Hà đông đã tiếp nhận một bệnh nhân nam Nguyễn Anh D (18 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội). Vào viện trong tình trạng vết thương phức tạp ở cánh tay phải do ngã xe lao vào xưởng tôn bị tấm tôn cắt gần như hết cánh tay phải. Tại Bệnh bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp CT đánh giá các tổn thương và chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến – Khoa chấn thương chỉnh hình cho biết: bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh, đứt gần hết chu vi cánh tay phải, đầu chi lạnh, mạch tay trụ không bắt được. Vết thương ¾ chu vi cánh tay và 1/3 mặt trước ngoài, đứt toàn bộ khối cơ mặt trước gồm cơ nhị đầu, cơ cánh tay, đứt một 1 phần khối cơ sau cánh tay. Kiểm tra trong mổ cho thấy bệnh nhân bị đứt thần kinh quay, đứt thần kinh bì cánh tay trong đụng giật, chèn ép quanh bó mạch. Sau đó các bác sĩ tiến hành bơm rửa, cắt lọc, giải phóng bó mạch thần kinh cánh tay, nối lại thần kinh quay, nối nhánh thần kinh bì cánh tay trong, nối lại các cơ bị đứt, đặt đầu dẫn lưu. Sau giải phóng mạch đập trở lại. Hình ảnh đứt ¾ chu vi cánh tay của bệnh nhân D Theo bác sĩ Tiến: Do vết thương của em D bị tấm tôn cắt ngang nên nhiều phần cơ, mạch máu bị dập và đứt gần hết chu vi cánh tay chỉ để lại 1 bó mạch thần kinh cánh tay. Đây là trường hợp hy hữu vì chỉ cần vết thương đi vào 1mm nữa là dẫn đến tổn thương bó mạch thần kinh cánh tay, khi đó nguy cơ mất toàn bộ phần dưới thương tổn nếu không được xử lý kịp thời. Ca mổ kéo dài trong 4 tiếng và thành công tốt đẹp. Hiện tại sức khỏe của em D tốt, tỉnh táo, mạch quay đập rõ, đầu chi hồng ấm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để cánh tay bị thương hoạt động bình thường, sau khi vết thương liền da và liền xương, bệnh nhân cần được theo dõi và tập phục hồi chức năng. Từ trường hợp trên, các bạn học sinh khi tham gia giao thông trên đường nên chú ý quan sát, tránh phóng nhanh vượt ẩu để không xảy ra tai nạn đáng tiếc.  

Xem Thêm

Chuyển giao kĩ thuật mới trong sinh thiết vú và điều trị u tuyến giáp lần đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Thứ Tư 27/11/2019 09:57:26
Ngày 24/11/2019, các bác sĩ Bệnh viện trung ương quân đội 108 đã thực hiện chuyển giao 2 kỹ thuật tại khoa Ngoại thần kinh – lồng ngực, bệnh viện đa khoa Hà Đông. Đó là kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB và kĩ thuật đốt sóng cao tần điều trị u tuyến giáp. Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB là kỹ thuật không cần phẫu thuật giúp điều trị dứt điểm u vú lành tính (bướu sợi tuyến vú, nang vú, áp xe…). Kỹ thuật này được sử dụng để sinh thiết một khối u nghi ngờ ở vú. Để sinh thiết khối u, thay vì phải mổ hở, các bác sĩ sẽ dùng lực hút chân không bằng kim của máy VABB để cắt và hút mẫu mô ra rồi gửi đi xét nghiệm tế bào học. Sinh thiết này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, nhũ ảnh hay MRI. Bên cạnh đó, sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không VABB còn được sử dụng để lấy toàn bộ những khối u lành tính như bướu sợi tuyến, bướu nhú, viêm vú có kích thước lớn đến 8cm. Như vậy người bệnh sẽ tránh được một cuộc mổ hở, không bị sẹo. Điều này đặc biệt có lợi khi người bệnh có nhiều khối u ở vú. Các trường hợp được áp dụng là bệnh nhân u vú lành tính và u vú tổn thương nhỏ nghi ngờ ác tính. Kĩ thuật này mang lại nhiều ưu điểm như: dễ thực hiện, xâm lấn tối thiểu, không sẹo, không cần điều trị nội trú, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, kết quả rất tốt và tỉ lệ biến chứng thấp. Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh – lồng ngực thực hiện sinh thiết vú Kĩ thuật thứ hai được thực hiện chuyển giao lần này là đốt sóng cao tần (RFA). Đây là phương pháp mới, hiện đại nhất hiện nay trong điều trị u tuyến giáp lành tính. Phương pháp này sử dụng sóng cao tần để hủy các khối u dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao. Nhiệt do ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao sẽ làm khô mô xung quanh dẫn đến làm mất nước trong tế bào và hoại tử đông khối u, từ đó làm giảm thể tích bướu giáp. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: độ an toàn cao do không phải rạch da xâm lấn, không cần gây mê nên quá trình theo dõi và tái khám tương đối đơn giản, thời gian thực hiện và nằm lại theo dõi tương đối nhanh giúp tiết kiệm thời gian, quá trình đốt được thực hiện qua một đầu kim rất nhỏ, do đó hoàn toàn không để lại sẹo.   Kĩ thuật điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần RFA Với tinh thần tập trung chuyên môn, trách nhiệm cao trong công việc và tất cả vì người bệnh, các bác sĩ bệnh viện trung ương quân đội 108 và các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chuyển giao thành công hai kĩ thuật mới trong sinh thiết vú và điều trị u tuyến giáp, phục vụ điều trị bệnh nhân mắc bệnh về u vú và tuyến giáp, nâng cao trình độ chuyên môn, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của nhân dân.

Xem Thêm

Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nhờ phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch
Thứ Năm 14/11/2019 10:38:56
Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh nghiêm trọng bằng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn P. (37 tuổi, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông trong tình trạng sốc, trụy mạch, huyết áp tụt, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, ý thức lơ mơ. Theo người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều năm, xơ gan 3 năm nay, khoảng 2 ngày gần đây thấy mệt mỏi nhiều, chán ăn, mất ngủ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nôn ra dịch nâu đỏ, tiểu ít. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu, Xquang tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm đánh giá đường kính tĩnh mạch chủ dưới,.. các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn đường vào tiêu hóa biến chứng suy đa tạng (suy gan, thận, trụy tim mạch), có toan chuyển hóa nặng. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành bù dịch, cấy máu, sử dụng kháng sinh liều cao và thuốc vận mạch, đặc biệt là áp dụng phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch – tĩnh mạch, nhằm loại bỏ ra khỏi máu hầu hết các chất độc nội sinh và ngoại sinh, cân bằng dịch và điện giải một cách liên tục, đồng thời ít ảnh hưởng đến huyết động. Quá trình lọc máu được diễn ra liên tục trong 23 giờ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ về các chỉ số mạch, huyết áp, nhiệt độ, theo dõi sát đề phòng tình trạng đông, chảy máu trên lâm sàng. Sau khi được áp dụng phương pháp lọc máu và điều trị tích cực, sau 3 ngày, bệnh nhân đã có những chuyển biến tốt, cắt được thuốc vận mạch, thoát khỏi tình trạng sốc, thấy tỉnh táo, tiếp xúc tốt, cảm giác dễ chịu hơn và tự ăn uống được. Hình ảnh bệnh nhân đang trong quá trình lọc máu liên tục Theo BSCKII. Đoàn Bình Tĩnh, trưởng khoa Hồi sức tích cực & chống độc, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ về phương pháp lọc máu liên tục tĩnh mạch: “Đây là phương pháp điều trị tiên tiến và hiện đại trong hồi sức cấp cứu, được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, phương pháp lọc máu này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Sau lọc máu, nguy cơ tử vong cũng như các chỉ số tổn thương giảm rõ rệt. Đặc biệt các yếu tố gây viêm giảm nhiều sau khi lọc máu nên các cơ quan thương tổn nhanh chóng phục hồi” BSCKI. Nguyễn Sơn Nam, khoa Hồi sức tích cực & chống độc thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn P. trước khi ra viện Bên cạnh đó, những bệnh nhân được lọc máu sớm có tỷ lệ sống cao hơn những trường hợp muộn. Các số liệu tổng kết cho thấy, kỹ thuật lọc máu liên tục giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng, giảm thời gian thở máy, giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng do thở máy và nằm lâu giảm, nhờ đó chi phí điều trị cũng giảm đáng kể.  

Xem Thêm

Dị vật hình bông hoa bằng sắt mắc kẹt trong thực quản bé trai 4 tuổi
Thứ Hai 28/10/2019 10:19:03
Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc dị vật vẫn xảy ra. Tuần qua, bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa tiếp nhận một bé trai bị hóc dị vật mắc kẹt trong thực quản. Đó là trường hợp của bệnh nhân Phạm Duy Th. (4 tuổi, xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ, HN). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau cổ họng, nuốt vướng, nuốt đau do hóc phải dị vật. Theo lời kể của gia đình, sau khi ngủ dậy, cháu Th. trong lúc chơi đã nuốt phải một vật nhỏ, sau đó kêu đau họng, bố mẹ ngay lập tức đã đưa cháu vào bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. Tại đây, cháu bé được các bác sĩ chỉ định chụp phim Xquang, hình ảnh cho thấy có dị vật cản quang ở khoảng 1/3 trên thực quản, gần hầu họng. Ngay sau đó người nhà đã chuyển cháu bé thẳng lên Bệnh viện đa khoa Hà Đông để kịp thời xử lý. Sau khi thăm khám và dựa trên kết quả chụp phim Xquang, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiến hành nội soi cấp cứu cho bệnh nhân. Vì bệnh nhân còn nhỏ tuổi, nên các bác sĩ đã quyết định gây mê trong quá trình làm. Ekip thực hiện nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân có: BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa và BSCKI. Cao Đăng Lâm, phó trưởng khoa Gây mê phẫu thuật. Quá trình nội soi cho thấy:  Cách cung răng trên khoảng 17cm có một dị vật bằng sắt, dạng tròn, cắm vào thực quản. Xác định được vị trí, bác sĩ đã dùng kìm răng cá sấu nhấc dần những chỗ dị vật mắc vào thực quản rồi từ từ lôi ra ngoài.  Ekip nội soi đã xử lý hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận tránh để dị vật rơi vào sâu bên trong, đồng thời tránh làm tổn thương xung quanh thực quản. Sau đó soi kiểm tra lại tình trạng thực quản ổn định, không còn dị vật nào khác. Sau khi được đưa ra ngoài , Dị vật mà cháu Th. nuốt phải được xác định là một vật hình như bông hoa, bằng sắt, bên trong là nhựa, đường kính khoảng 1,2cm. Ca nội soi tiến hành an toàn, hiện cháu bé đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, và không còn vướng mắc, đau họng.         Hình ảnh nội soi khi tiến hành gắp dị vật và sau khi dị vật được đưa ra khỏi thực quản của bệnh nhân Dị vật bệnh nhân Th. nuốt phải có đường kính khoảng 1,2 cm BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ trực tiếp gắp dị vật cho cháu Th. cho biết: Về trường hợp của bệnh nhân Th, cháu 4 tuổi nên đã biết thông tin cho gia đình biết mình nuốt phải dị vật và rất may gia đình đưa cháu đến bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm nhiều đến tình mạng, nếu rơi vào trường hợp các cháu bé nhỏ hơn, chưa biết nói, rất có thể gia đình sẽ không tìm ra nguyên nhân để xử lý. Bên cạnh đó, BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh cũng khuyến cáo: hóc dị vật ở trẻ nhỏ cũng là tình trạng mà các bác sĩ không hiếm gặp. Do trẻ nhỏ có tính tò mò, hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh nên dễ cho các đồ vật vào miệng dẫn đến hóc các dị vật sắc, nhọn, có hóa chất độc hại… đặc biệt nguy hiểm nên các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng chú ý con em mình, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Xem Thêm

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân có khối u thượng thận lớn nhiều năm
Thứ Hai 21/10/2019 09:19:43
Tuần qua, khoa Ngoại  thận Tiết niệu Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiến hành phẫu thuật nội soi thành công cắt bỏ toàn bộ u tuyến thượng thận bên phải từ nhiều năm nay cho bệnh nhân H. Bệnh nhân   Lê Thị  Thu  H,  45 tuổi, ở Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội, vào viện với các triệu chứng đau bụng, mệt lả, giảm vận động tứ chi. Qua thăm khám, các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm sàng lọc,  siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cấp cứu phát hiện thấy khối máu tụ khu vực tuyến thượng thận phải, máu lan nhanh ra khoang sau phúc mạc rồi tràn vào trong ổ bụng. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Việt Đức và tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. BSCKII Bùi Tiến Công  – Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu đồng thời là trưởng ê kíp mổ  cho biết: Ca phẫu thuật diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn khối u tuyến thượng thận phải cho bệnh nhân. Ca mổ thành công tốt đẹp. Hình ảnh chị H sau ngày mổ nội soi thứ 7 Hiện tại chị H đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, tuy nhiên sau mổ bệnh nhân có triệu chứng đái tháo nhạt. Bác sĩ cho biết đây là biểu hiện hay xảy ra sau mổ u tuyến thượng thận nên đã dự đoán trước.Với sự phối hợp của khoa  Nội tiết sau 5 ngày tình trạng đái tháo nhạt đã hết, các chỉ số huyết áp, kali máu cortisol máu được duy trì ổn định. Trước đó, qua khai thác tiền sử BSCKII. Bùi Tiến Công chia sẻ chị H bị bệnh u tuyến thượng thận đã 3 năm nay, cách đây 2 năm chị nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có chỉ định mổ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chị phải xin về nhà để điều trị bằng thuốc. Những ngày gần đây chị bị tăng huyết áp thường xuyên, kèm theo chuột rút, cơ thể mệt mỏi thậm chí có khi 2 tay chị bị liệt không cử động được. Khi vào chị vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông cơ thể gầy yếu, cân nặng là 40kg, chỉ số BMI 16,65.  Cùng với đó BSCKII Bùi Tiến Công  – Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu cho biết thêm: U tuyến thượng thận là bệnh lý hiếm gặp, u nằm sau phúc mạc, giữa thận và gan cạnh các mạch máu lớn nên quá trình nội soi và cắt sẽ rất khó khăn, dễ gây chảy máu. Trường hợp bệnh nhân bị u thượng thận nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể gặp tai biến, dẫn đến tử vong. Trong một số trường hợp bệnh diễn biến kéo dài, âm thầm mà không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng về tim, biến chứng mạch máu nhỏ ở mắt, não, thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.  

Xem Thêm

Thay khớp gối toàn phần thành công cho bệnh nhân 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng đã điều trị nhiều nơi không hiệu quả
Thứ Hai 07/10/2019 18:57:59
Tuần qua, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do thoái hóa khớp gối nặng, đó là trường hợp của bệnh nhân Cao Viết Quế (50 tuổi quê ở Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khớp gối chân phải đau nhức dữ dội, không gập được gối, đi đứng hết sức khó khăn. Theo thông tin ghi nhận được thì bệnh nhân bị đau khớp gối phải đã nhiều năm nay, đã đi thăm khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc và cũng đã điều trị nội khoa nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tại khoa ngoại chấn thương bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân được BSCKII.Trần Quang Toản – Trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, trực tiếp kiểm tra, thăm khám và chụp Xquang cho thấy bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối phải nặng độ IV, biến dạng đầu gối, phải phẫu thuật thay khớp gối. Hình ảnh phẫu thuật khớp gối của bệnh nhân Cao Viết Quế BSCKII.Trần Quang Toản cho biết: “ Đây không phải là trường hợp đầu tiên thay khớp gối tại khoa chúng tôi, tuy nhiên với những ca trước thì quá trình phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng gần 2 tiếng, còn ở bệnh nhân này tuy tuổi còn trẻ nhưng mức độ thoái hóa khớp gối thể nặng biến dạng và tiêu xương dưới sụn nhiều phải bơm rửa nhiều lần, phải thử  và cắt lại diện mâm chày và khó chọn bộ khớp thích hợp cho bệnh nhân nên tốn nhiều thời gian hơn, hơn nữa bệnh nhân chuyển vào khoa Ngoại quá muộn nên gây khó khăn hơn trong quá trình phẫu thuật”. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân phục hồi tích cực, đã có thể ngồi dậy, khớp gối đã gấp duỗi tối đa. Đến nay, khớp gối phục hồi tốt và đang tập vận động tại khoa. Hình ảnh bệnh nhân Cao Viết Quế sau khi được thay khớp gối Bệnh nhân Cao Viết Quế trong tinh thần phấn khởi chia sẻ: “ Tôi thật sự rất vui mừng như lúc bạo bệnh gặp thầy giỏi cứu giúp, tôi đã chạy khắp nơi để chữa trị, chỉ mong cho chân đi đứng được bình thường nhưng không ngờ cái chân ngày càng đau nặng, khiến tôi không thể đi đứng được, cơn đau hành hạ khiến tôi ăn không ngon ngủ không yên, những tưởng mình sẽ chết vì đau. Nhưng giờ được các bác sĩ thay khớp nhân tạo, tôi đã đỡ đau nhiều, chân tôi đã co duỗi được, tôi ăn ngon ngủ ngon và sắp được bước đi trên chính đôi chân này như trước đây, tôi thật sự cảm ơn các Bác sĩ bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã nhiệt tình cứu giúp tôi”.  BSCKII.Trần Quang Toản – Trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình khuyến cáo: các bệnh lý thoái hóa khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng ngày càng trẻ hóa vì vậy chúng ta nên chú trọng các giải pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh, kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập thể dục và dùng thuốc đúng bệnh. Phẫu thuật thay khớp gối hiện là giải pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng, khắc phục biến dạng của khớp, cải thiện triệu chứng đau và tránh nguy cơ tàn tật vĩnh viễn. Bên cạnh đó Bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với các bệnh nhân thoái hóa khớp độ III,IV nên có chỉ định phẫu thuật không cố điều trị nội vì điều trị nội khoa không thể cải thiện được chức năng của khớp mà ngược lại làm tăng nhiều nguy cơ: uống thuốc chống viêm nhiều thì chảy máu đường tiêu hóa, nếu tiêm vào khớp sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp.

Xem Thêm

BVĐKHĐ kích hoạt báo động đỏ nội viện cứu sống nam thanh niên bị dao đâm thấu bụng
Thứ Tư 02/10/2019 17:17:51
Chiều ngày 23/09/2019, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận bệnh nhân sốc mất máu do dao đâm thấu bụng vì mâu thuẫn cá nhân. Đó là trường hợp của bệnh nhân  Phùng Văn Chung(32 tuổi), địa chỉ ở Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào tiến hành siêu âm tại giường, xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu. Sau khi xác định tổn thương, bệnh nhân được chẩn đoán: bị sốc trụy mạch do mất máu cấp, vết thương thấu bụng đi từ sườn lưng vào bụng. Nhận thấy đây là trường hợp cấp bách, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nếu không được mổ cấp cứu kịp thời nên bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, huy động tất cả nhân lực, vật lực phải tập trung trong thời gian sớm nhất, tối ưu hóa nguồn lực và thời gian “vàng” để cứu sống bệnh nhân. Trong vòng 10 phút, tất cả đội ngũ Y Bác sĩ đã có mặt đầy đủ, BSCKII.Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện và BSCKII.Nguyễn Thị Cương – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, thực hiện chỉ đạo mổ cấp cứu để đánh giá tổn thương và xử lý tổn thương sau đó đưa bệnh nhân vào phòng mổ thực hiện phẫu thuật. Trưởng Êkip phẫu thuật có ThS.BS.Nguyễn Quốc Đông – Phó trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu và BS.Nguyễn Trọng Nghĩa – Khoa Tiêu hóa cùng kíp mổ tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ và đã diễn ra thành công tốt đẹp giành lại sự sống cho bệnh nhân. Quá trình mổ, các Bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị một vết thương có chiều dài 4cm, vết thương sâu do dao đâm xuyên qua cơ thắt lưng vào thận trái, vào cuống lách, rách đứt cực trên thận trái, vết thương xuyên qua lách đứt ở rốn lách và cuống lách, trong ổ bụng có khoảng 1500ml máu đông và không đông. Các Bác sĩ đã tiến hành cắt lách và cấy lách tự thân, khâu và bảo tổn thận trái, xử lý vết thương vùng cơ thắt lưng, lau rửa ổ bụng lấy hết máu đông. Hình ảnh quá trình phẫu thuật xử lý cắt ghép lách và khâu bảo tồn thận cho bệnh nhân ThS.BS. Nguyễn Quốc Đông – Phó trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu cho biết thêm: “Cấy lách tự thân là lấy một phần lách lành quấn vào mạc nối lớn giữ lại được một phần chức năng sinh lý của lách trong cơ thể. Do vết thương trên đi vào cực trên của thận trái thông với bể thận nên việc khâu bảo tồn thận sẽ giữ lại được thận cho bệnh nhân. Do lượng máu chảy ra rất lớn và nhanh, tổn thương lại nằm ở vùng sâu nên trong quá trình mổ bệnh nhân phải tiếp 3 đơn vị máu(750ml), sau mổ phải chuyền tiếp 2 đơn vị máu(500ml)”. Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật thành công Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, cầm máu và huyết động ổn định, sức khỏe đã tiến triển tốt. Bệnh nhân được các Bác sĩ tư vấn về chế độ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng, chỉ nên làm những công việc nhẹ nhàng và hẹn tái khám sau 1 tháng. “Báo động đỏ là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp nhằm can thiệp ngoại khoa cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng. Mục tiêu là vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh. Quy trình này yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân viên hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất, có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, Xquang, siêu âm…”.

Xem Thêm

Cấp cứu thành công cụ bà 59 tuổi hóc đá nano chữa bách bệnh
Thứ Năm 26/09/2019 22:47:16
Các bác sĩ khoa Tai mũi họng – Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa xử trí thành công, lấy dị vật  ở cổ họng là đá nano chữa bách bệnh cho một bệnh nhân nữ 59 tuổi, ở Hà Đông Hà Nội. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị H. (59 tuổi), trú tại Quang trung, Hà đông, Hà Nội. Bà H nhập viện trong tình trạng hoang mang, lo sợ, khó thở, đau nhức ở vùng cổ do nuốt phải dị vật trong lúc ngủ. Theo lời bà H, ở khu bà sinh sống thỉnh thoảng có những buổi hội thảo của công ty kinh doanh về các mặt hàng  chăm sóc sức khỏe bà không nhớ tên.  Trong đó có dòng sản phẩm đá Nano  được quảng cáo chữa được “bách bệnh”, bà H cùng một số người đi hội thảo, mỗi người đều được tặng một viên đá nano. Như lời quảng cáo về sản phẩm  nếu bị đau xương khớp chỉ cần dán vào chỗ đau, viêm họng  thì ngậm, đái tháo đường  thì pha vào nước uống…  thì sẽ khỏi. Tính đến nay bà đã sử dụng viên đá nano này được 3 tháng. Gần đây nhất bà bị viêm họng nên buổi tối trước khi đi ngủ bà H cho viên đá vào miệng để ngậm, trong lúc ngủ vô tình viên đá trôi tuột xuống cổ họng và mắc kẹt khiến cho bà khó thở, bà cố lấy tay móc và khạc nhổ nhưng viên đá không ra. Bà lo sợ chồng và con biết được việc mình tin lời quảng cáo mà rước họa vào thân, trong đêm tối một mình bà bắt xe ôm ra khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hà đông. Qua thăm khám, các Bác sỹ phát hiện cổ bà H có dị vật và bà được chuyển vào khoa Tai mũi họng. Tại đây, Bà H được BSCKII.Nguyễn Anh Dũng  - Trưởng khoaTai Mũi Họng là người trực tiếp thăm khám và chỉ định chụp Xquang sau đó tiến hành nội soi gắp ra một viên đá nano đường kính 3 cm. Phim chụp Xquang dị vật hình tròn nằm ở cổ họng bà H BS Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Bệnh nhân là người lớn tuổi đường thở yếu và hẹp, dị vật nuốt phải có kích thước khá to, tròn nên quá trình nội soi đòi hỏi các bước phải được thực hiện chuẩn xác tránh gây tổn thương các mô lành xung quanh”. Dị vật đá nano được các bác sĩ gắp ra từ cổ họng bà H BSCKII Tai Mũi Họng - Nguyễn Anh Dũng cũng cảnh báo hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá nano này đối với sức khỏe nên người dân không nên tin tưởng mà bỏ thuốc điều trị bệnh, nhất là người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ xương khớp...Việc nuốt phải các dị vật là rất nguy hiểm, có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không đến các cơ sở y tế  xử lý cấp cứu kịp thời.  

Xem Thêm

Cứu sống bệnh nhân cao tuổi xuất huyết tiêu hóa nguy kịch không cần phẫu thuật
Thứ Sáu 20/09/2019 00:00:00
Một ca chảy máu ổ loét hành tá tràng mức độ nguy kịch vừa được các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Hà Đông cứu sống bằng biện pháp nội soi can thiệp cầm máu bằng kẹp Clip.  Cụ bà 90 tuổi nhập viện trong tình trạng nôn ra 200ml máu đỏ tươi, choáng, tụt huyết áp,... Qua khai thác từ người nhà: cụ có tiền sử xuất huyết tiêu hóa do loét tá tràng cách 7 năm, tăng huyết áp. Các bác sĩ  khoa Hồi sức  tích cực nhanh chóng khám, nhận định đây là một ca bệnh tiên lượng rất nặng nguy cơ tử vong, với chẩn đoán sơ bộ: Sốc mất máu – theo dõi chảy máu dạ dày – tá tràng trên nền bệnh tăng huyết áp – suy kiệt – bệnh nhân cao tuổi. Ngay lập tức, các phương án hồi sức tích cực, bồi phụ nước điện giải, truyền máu cấp cứu được triển khai, đồng thời phối hợp cùng phòng Nội soi tiêu hóa can thiệp - Đơn nguyên khám chữa bệnh tự nguyện  hội chẩn tối khẩn cấp và quyết định thực hiện nội soi dạ dày tá tràng cấp cứu tìm điểm chảy máu. Sau khi nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng phát hiện ổ loét hành tá tràng đang chảy máu thành tia, dạ dày nhiều máu cục, máu đỏ. Ngay lập tức, phương pháp can thiệp dùng Clip kẹp cầm máu được tiến hành và thành công. Bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị nội khoa. Theo ThS.BSCKII. Đoàn Bình Tĩnh   -  Trưởng khoa Hồi sức Tích cực – người trực tiếp cấp cứu bệnh nhân: “Cụ bà Nguyễn Thị Lanh 90 tuổi- phường La Khê – Hà Đông – Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, hồng cầu chỉ còn một nửa so với người bình thường, nên việc cấp cứu bù thể tích máu mất và tìm ra điểm chảy máu là tối cấp. Chúng tôi đã phải hồi sức để đảm bảo huyết áp ngay trên bàn nội soi can thiệp. Hiện tại sức khỏe của cụ bà đã khỏe lại, ra viện trong tình trạng ổn định” Th.S Bác sĩ Đỗ Anh Giang – người trực tiếp thực hiện nội soi can thiệp cho biết: Xuất huyết tiêu hóa là một bệnh lý cấp cứu, đòi hỏi chẩn đoán sớm, tìm điểm chảy máu để cầm máu. Tùy mức độ xuất huyết mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng can thiệp dưới nội soi tiêu hóa là một phương pháp hiệu quả, nhanh chóng, không phải phẫu thuật nên nhanh hồi phục. Một số các phương pháp can thiệp cầm máu qua nội soi ống mềm đường tiêu hóa như: Thắt búi  giãn tĩnh mạch thực quản. Tiêm cầm máu qua nội soi. Tiêm xơ cầm máu. Kẹp kim loại cầm máu qua nội soi Ngoài ra còn có phương pháp đông nhiệt: Laser, Argon… Cùng với đó BSCKII. Nguyễn Thị Cương – Phụ trách phòng Nội soi tiêu hóa cho biết thêm: Xuất huyết tiêu hóa (hay còn gọi là Chảy máu tiêu hóa) là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra như: do chảy máu ổ loét, do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, do chảy máu khối u, do viêm…Dấu hiệu nhận biết là: Nôn ra máu đỏ, máu cục, nâu sẫm lẫn với thức ăn. Đi ngoài phân đen, nát lỏng như bã cà phê, mùi thối khắm. Tùy theo mức độ mất máu sẽ có triệu chứng: vã mồ hôi, chân tay lạnh, da niêm mạc nhợt, vật vã, ngất xỉu, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ, thở nhanh nông, tiểu ít... Khi thấy các dấu hiệu trên nghi xuất huyết tiêu hóa, tuy vậy dù chưa có bằng chứng nhưng bệnh nhân thấy: đau vùng thượng vị, xanh xao, hoa mắt, chóng mặt... cũng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm