Xử lý thành công dị vật hóc trong thực quản cụ ông 83 tuổi có túi thừa trong thực quản
Thứ Năm 25/04/2019 22:00:34
Tuần qua, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã thực hiện thành công ca nội soi gắp dị vật cho cụ ông Nguyễn Văn Lũy, 83 tuổi, ngụ tại Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, nuốt nghẹn, tức ngực, đau sau xương ức. Trước đó, bệnh nhân đang ăn tối cùng gia đình thì không may bị nuốt nghẹn thức ăn, uống nước vào bị sặc, được người nhà đưa vào bệnh viện Mỹ Đức sơ cứu, sau đó được chuyển lên bệnh viện đa khoa Hà Đông. Sau khi các bác sĩ thăm khám, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc để giảm huyết áp. Khi tiến hành nội soi, các bác sĩ thấy hình ảnh túi thừa ở khoảng giữa 1/3 thực quản, cạnh túi thừa có cục thức ăn chít hẹp lòng thực quản. Sau đó, bác sĩ tiến hành gắp dị vật ra là một bã thức ăn bằng kìm cá sấu, trong khoảng 30 phút.  Điều đặc biệt ở ca bệnh này là trên nền bệnh nhân cao tuổi, tăng huyết áp, sức khỏe kém, lại có túi thừa dễ gây nên nuốt hóc dị vật. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nên các biến chứng như cơ thể suy kiệt do không ăn uống được, hoặc nếu để muộn hơn nữa gây viêm tấy thực quản, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.Tuy nhiên trong trường hợp này, sau khi gắp bỏ dị vật ra khỏi thực quản, bệnh nhân đã cao tuổi, túi thừa kích thước không quá lớn lại chưa bị viêm, chưa có các triệu chứng thực quản xấu đi nên được điều trị bảo toàn, không phẫu thuật cắt bỏ túi thừa. Hình ảnh dị vật bã thức ăn được gắp ra từ thực quản của bệnh nhân Hình ảnh túi thừa ở ngay bên cạnh dị vật trong thực quản BSCKII. Phạm Thị Đào Chinh, trưởng khoa Nội tiêu hóa, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân cho biết: Đối với bệnh nhân Nguyễn Văn Lũy, ngoài tiền sử tăng huyết áp, đột quỵ não còn được chẩn đoán có túi thừa ở thực quản cách đây 20 năm khi thăm khám tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Đây là bệnh nhân cao tuổi (83 tuổi) nên vấn đề sức khỏe răng miệng không còn tốt nên nhai thức ăn kém, đồng thời bệnh nhân có túi thừa ở thực quản, dễ mắc nghẹn gây nên hóc dị vật. Người nhà cần cho bệnh nhân ăn thức ăn chế biến kĩ, dễ nhai nuốt, tránh thức ăn dai, khó tiêu hóa. Còn đối với các bệnh nhân ở độ tuổi trẻ hơn mà có túi thừa cần thay đổi lối sống như nhai kỹ khi ăn, uống nhiều nước sau ăn, không nằm ngay sau khi ăn. Nếu kích thước túi thừa to và triệu chứng trầm trọng hơn thì cần phẫu thuật hoặc nội soi để cắt bỏ hoặc khâu treo túi thừa lên và điều trị các triệu chứng, khi đó chất lượng cuộc sống được cải thiện.  Một số chuyên gia ngành y tế cho biết: Túi thừa thực quản thường không có biểu hiện lâm sàng khi kích thước còn nhỏ. Khi túi vừa đủ lớn ứ đọng thức ăn trong túi có thể gây ra nuốt nghẹn, ọe, cảm giác nặng sau cổ, nếu nặng hơn có thể gây biến chứng như: viêm phổi hít, loét túi thừa, chảy máu và nôn ra máu. Đây là bệnh lý hiếm gặp và thường xuất hiện ở bệnh nhân trung niên và cao tuổi.

Xem Thêm

Cái kết đẹp cho quá trình điều trị mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân và sự khẳng định chuyên môn của người thầy thuốc
Thứ Năm 25/04/2019 21:59:31
Như đã đưa tin, bệnh nhân Nguyễn Thị Huyền (24 tuổi, Mỹ Lương, Chương Mỹ) được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hà Đông khi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến dập nát vùng đùi và tầng sinh môn, vỡ phức tạp xương chậu, tràn máu ổ bụng. Sau khi được các bác sĩ hội chẩn và tiến hành phẫu thuật nhanh chóng, kịp thời, bệnh nhân Huyền đã qua khỏi cơn nguy kịch. Trường hợp này là một ca bệnh tổn thương nặng, đa chấn thương, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn các chuyên khoa, kinh nghiệm và kĩ thuật chuyên môn của bác sĩ. Các bác sĩ đã tiến hành cố định khung chậu bằng khung cố định ngoài, thắt vòi trứng bị vỡ, cắt lọc, xử lý vết thương bị lóc da, làm hậu môn nhân tạo, tiến hành vá da. Sau khi bệnh nhân ổn định, các bác sĩ tiến hành đưa hậu môn vào ổ bụng, theo dõi và thăm khám sau phẫu thuật. Được các bác sĩ, điều dưỡng tận tình chăm sóc, điều trị, sau một thời gian, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hoạt động và sinh hoạt cá nhân bình thường. Ca phẫu thuật đưa hậu môn vào ổ bụng là ca phẫu thuật cuối cùng để điều trị cho bệnh nhân Huyền  nếu không gặp vấn đề về sức khỏe phát sinh thêm. Vậy nên ca phẫu thuật này có ý nghĩa rất lớn, là một cuộc phẫu thuật kết cho cả một quá trình điều trị tích cực của bác sĩ và bệnh nhân, đánh dấu sự thành công về chuyên môn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân của người thầy thuốc, đồng thời cũng mở ra một cuộc sống mới với bệnh nhân, được hồi phục và trở lại với cuộc sống thường ngày. Đến nay, trải qua 5 cuộc phẫu thuật trong vòng gần 4 tháng, đó là quãng thời gian không hề ngắn đối với một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh” như chị Huyền. Gần 4 tháng là sự nỗ lực, can đảm chống chọi với những cơn đau sau phẫu thuật, vết thương khi trái gió trở trời, chị Huyền vẫn ứa nước mắt khi tai nạn kinh hoàng xảy ra với mình: “Tôi không may bị tai nạn nghiêm trọng, cảm giác vô cùng đau đớn , sau khi được tiến hành phẫu thuật và hồi sức tích cực, đến thời điểm hiện tại tôi may mắn đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường, nhờ có sự quan tâm điều trị, chăm sóc tận tình của các y bác sĩ bệnh viện đa khoa Hà Đông giúp tôi có thêm động lực vượt qua bệnh tật dù nhiều lúc khó khăn chồng chất và muốn buông xuôi. Không những thế, khi biết gia cảnh nhà tôi khó khăn, bệnh viện đã tạo điều kiện hỗ trợ và kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ tôi trong quá trình điều trị. Từ nay tôi sẽ cố gắng hơn nữa để trở lại cuộc sống bình thường, chăm lo cho hai con còn nhỏ. Xin cảm ơn các bác sĩ của bệnh viện đã mang lại sự sống cho tôi một lần nữa”. BSCKII. Trần Quang  Toản, trưởng khoa Chấn thương rất vui mừng tiễn bệnh nhân Huyền xuất viện, bác sĩ Toản cũng chia sẻ: Trường hợp của bệnh nhân Huyền là một ca bệnh nặng đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ, sự chủ động phối hợp của các chuyên khoa, đặc biệt là khoa Chấn thương và Đơn nguyên ngoại tiêu hóa. Hai chuyên khoa có sự tiếp nối nhau trong điều trị bệnh, liên kết, phối hợp trong những ca phẫu thuật quan trọng, mang lại sự sống cho bệnh nhân. Đảm bảo tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân chính là hạnh phúc của người thầy thuốc. Bệnh nhân Huyền (áo đỏ) và mẹ cùng bác sĩ khoa Chấn thương, Đơn nguyên ngoại tiêu hóa ngày xuất viện

Xem Thêm

Mổ viêm ruột thừa, gắp được xương cá tại ruột non
Thứ Năm 10/01/2019 21:47:53
Vào lúc 21h ngày 06/01/2019, Bệnh viện đa khoa Hà Đông tiếp nhận một bệnh nhân nam với các triệu chứng đau âm ỉ vùng bụng bên phải, buồn nôn, sốt nhẹ. Đó là trường hợp của  bệnh nhân Nguyễn Đắc Nam( 50 tuổi, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội).  Qua thăm khám, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, đau cư trú hố chậu phải, có phản ứng thành bụng. Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp giờ thứ 10, cần tiến hành mổ nội soi cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, sau  khi xử lý cắt bỏ ruột thừa , tiếp tục kiểm tra phát hiện có một đoạn ruột non bị viêm, nề, đỏ, có giả mạc bám xung quanh. Bác sĩ đã quyết định mở rộng lỗ trocar rốn, đưa đoạn ruột non bất thường lên kiểm tra phát hiện hình ảnh áp xe ruột non do dị vật, sau đó mở ruột và lấy ra một đoạn xương cá dài 2 cm, hai đầu sắc nhọn đâm thủng ruột non. Sau mổ, bệnh nhân được chăm sóc hậu phẫu . Hiện tại, ngày thứ  5 bệnh nhân tỉnh táo, ổn định, vết mổ liền, khô, dự kiến xuất viện sau 7 ngày. Bệnh nhân Nguyễn Đắc Nam được bác sĩ thăm khám vùng bụng sau mổ BSCKI. Phạm Quang Hưng, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Hà Đông,  người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết đây là ca mổ đặc biệt vì bệnh nhân bị mắc dị vật ở ruột non trên nền bệnh nhân đang bị viêm ruột thừa. Với một ca bệnh đặc biệt khi bệnh nhân cùng một lúc mắc từ hai bệnh trở lên thì sự thân trọng, cẩn thận của bác sĩ trong khám và điều trị là vô cùng quan trọng, tránh tình trạng bỏ sót bệnh, dẫn đến điều trị không dứt điểm. Điển hình như trường hợp này,  sau khi mổ ruột thừa xong, bệnh nhân nên được kiểm tra các tạng xung quanh để phát hiện các bệnh lý kèm theo mà qua quá trình thăm khám và siêu âm không phát hiện được. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Hà Đông triển khai mổ VRT gần như 100% bệnh nhân có cơ hội được kiểm tra các tạng trong ổ bụng trong quá trình phẫu thuật nhằm tránh bỏ sót tổn thương cũng như phát hiện sớm các bệnh tiềm tàng khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng cho khuyến cáo: Xương cá, tăm xỉa răng là dị vật thường bị nuốt phải và có thể bệnh nhân không biết bị nuốt dị vật lúc nào. Người bệnh có nguy cơ tử vong nếu không phát hiện và phẫu thuật sớm để dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng. Vậy nên,  khi không may nuốt dị vật, cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không tự chữa mẹo theo dân gian hoặc cố nuốt đẩy dị vật mắc sâu thêm trong cơ thể.

Xem Thêm

DANH MỤC TIN
Tìm Kiếm